Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch và phát triển vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ cao, với diện tích hơn 1.000 ha và hiện nay trong vùng quy hoạch đã trồng hơn 500 ha các loại cây ăn quả.
Cây ăn trái được xác định là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn để có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Để ngành sản xuất trái cây của huyện Thạch Thành phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND huyện Thạch Thành phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện quy hoạch vùng cây ăn quả sản xuất tập trung quy mô lớn để có điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, giúp nâng cao năng suất, sản lượng. Ước tính, thu nhập bình quân của các mô hình sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm.
Số liệu thống kê từ Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành, hiện diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện là 2.490 ha, sản lượng gần 39.800 tấn/năm. Trong đó, diện tích cây ăn quả có múi (cam, bưởi) là 500 ha, sản lượng bình quân 10.000 tấn/năm, doanh thu 500 – 600 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, một số loại cây ăn quả trên địa bàn huyện cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung và cho hiệu quả kinh tế cao, như: ổi, mít, thanh long, hạt mắc ca … với diện tích tập trung khoảng 600 ha, sản lượng hơn 12.000 tấn/năm.
Huyện Thạch Thành xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái công nghệ cao
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại và đầu ra ổn định, diện tích trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng. Trên địa bàn huyện, diện tích cây ăn quả tập trung quy mô lớn hơn 700 ha; 98 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobarGAP. Đơn cử như: 4 mô hình trồng cam, bưởi ứng dụng hệ thống tưới và thâm canh (quy mô hơn 20 ha/mô hình) tại xã Thành Công và thị trấn Vân Du; 2 mô hình trồng thanh long (quy mô 5 ha/mô hình), tại các xã Thành Tiến, Thành Tâm; mô hình trồng mít Thái tại xã Thành Tâm, quy mô 2 ha; mô hình trồng ổi lê Đài Loan tại xã Thành Tâm, quy mô 5 ha; mô hình trồng cây mắc ca tại thị trấn Vân Du, quy mô 20 ha...
Trên địa bàn huyện Thạch Thành có rất nhiều loại cây ăn quả chủ lực nổi tiếng, như: cam Vân Du, bưởi da xanh, ổi lê Đài Loan, mít Thái, thanh long ruột đỏ... Đây đều là những loại trái cây được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đầu ra tương đối ổn định. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, như: mô hình cam, bưởi 200 - 300 triệu đồng/ha/năm, ổi lê Đài Loan 200 triệu đồng/ha/năm, mít Thái 150 - 200 triệu đồng/ha/năm, dứa 100 - 200 triệu đồng/ha/năm... và sản lượng cây ăn quả tăng qua hàng năm.
Để phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cây ăn quả đạt hiệu quả, như: Hệ thống tưới tự động, tưới và chăm sóc tự động, áp dụng quy trình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm; quy trình phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM). Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành đã xây dựng Đề án “Phát triển cây ăn quả sản xuất tập trung để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đến năm 2025”. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cam Vân Du và đã được cấp văn bằng bảo hộ, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Nỗ lực phát triển sản phẩm OCOP
Nhờ lợi thế về vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có diện tích lớn, hình thành nhiều đặc sản nổi tiếng, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Thạch Thành đã được chứng nhận OCOP cấp tỉnh, đang phát huy và khẳng định thương hiệu trên thị trường. UBND huyện Thạch Thành sẽ tập trung hướng dẫn các chủ thể xây dựng các sản phẩm có lợi thế trở thành sản phẩm OCOP, trong số đó có sản phẩm cam Vy Giang của Công ty TNHH Một thành viên Vy Giang.
Hiện nay, quy mô trang trại khoảng 30 ha, riêng diện tích Cam chiếm trên 24 ha. Giống cam chủ yếu được Công ty đưa vào sản xuất là cam Vinh, giống Xã Đoài muộn. Loại cam này chín sau các loại cam Vinh khác, thu hoạch vào tầm tháng 10. Bên cạnh đó, 2 giống cam được Công ty trồng là cam V2 và cam Đường Canh. Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Vy Giang định hướng xây dựng cam Vinh giống xã Đoài muộn thành sản phẩm OCOP. Theo đó, Công ty tập trung xây dựng quy trình sản xuất hiện đại, nhằm cho ra sản phẩm không chỉ thơm ngon mà còn đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Việc nỗ lực xây dựng thương hiệu OCOP của huyện Thạch Thành đã đem lại hiệu quả trong sản xuất, giúp nâng cao đời sống người dân, đồng thời quảng bá hình ảnh của vùng đất Thạch Thành đến du khách trong và ngoài tỉnh.
Định hướng phát triển cây ăn trái của huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa
Trong thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành tiếp tục khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tập trung đất đai quy mô lớn sản xuất trồng cây có múi theo quy hoạch. Mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất cây ăn quả toàn huyện là 2.854 ha, sản lượng 48.023 tấn. Trong đó, ưu tiên phát triển vùng cây ăn quả tập trung đến năm 2025 đạt 1.000 ha, sản lượng 25.000 tấn.
Nhằm hướng đến xuất khẩu bền vững, việc mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu sản xuất an toàn, hữu cơ tạo ra sản phẩm có chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX trong tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu đầu ra cho sản phẩm cam xuất khẩu; tạo điều kiện, bố trí quỹ đất, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nước ép quả tươi tại huyện Thạch Thành. Liên kết với các cơ sở chế biến để hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn; tạo điều kiện cho các HTX, trang trại, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của cây ăn quả, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP.
Hữu Quang