- Sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao cấp tỉnh
- Cơ sở sản xuất: Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát, thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của làng nghề gốm cổ Bồ Bát, Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát đã xây dựng và hồi sinh nghề gốm cổ. Nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và xúc tiến quảng bá, gốm Bồ Bát đang dần trở thành thương hiệu gốm nổi tiếng trong nước và được một số thị trường trên thế giới ưa chuộng.
Giới thiệu sản phẩm
Nghề gốm cổ Bồ Bát bắt nguồn từ làng Bạch Bát - Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa, nay là làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Làng gốm Bồ Bát (thuộc phủ Trường Yên xưa) đã nổi danh cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các nghệ nhân tài hoa của làng sáng tạo nên. Điều này đã được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc đã được tìm thấy rất nhiều ở vùng này.
Làng gốm Bồ Bát được xem là làng nghề gốm sứ thuở sơ khai, là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng ngày nay. Theo sử sách ghi lại, khi vua Lý Thái Tổ (năm 1010) dời đô về thành Đại La (Thăng Long) đã mang theo 5 dòng họ lớn của Bồ Bát nhằm xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có nhiều đất sét tốt để làm gốm và lập nên làng nghề gốm Bát Tràng ngày nay.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, gốm Bồ Bát đã bị mai một và thất truyền. Với chủ trương khôi phục và phát triển nghề truyền thống của tỉnh Ninh Bình, nghề gốm Bồ Bát đang được khôi phục trở lại. Anh Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát, là người đầu tiên xây dựng và hồi sinh nghề gốm cổ. Xưởng gốm Bồ Bát với quy mô hơn 300 m2, là xưởng đầu tiên và duy nhất của làng Bạch Liên cho đến nay được dựng lên sau hàng trăm năm bị quên lãng. Nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và xúc tiến quảng bá, gốm Bồ Bát đang dần trở thành thương hiệu gốm nổi tiếng trong nước và được một số thị trường trên thế giới ưa chuộng.
Sản phẩm gốm của Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát
Gốm cổ Bồ Bát có đặc điểm nổi bật nhờ được làm từ các loại đất sét Bồ Di hay còn gọi là đất non sương rất quý hiếm, chỉ vùng này mới có. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng, chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác.
Những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung, loại gạch chuyên dùng để xây thành từ thời Lý - Trần, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng... đã được những người thợ tài hoa của làng sáng tạo ra. Ngày nay, làng gốm Bồ Bát nổi tiếng cả nước với nhiều sản phẩm gốm độc đáo và tinh tế. Các sản phẩm gốm của Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát cũng tạo nên được sự khác biệt và nổi trội, sản phẩm bán ra thị trường được đánh giá rất tốt do men dày, trắng và sâu men, độ bền cơ học tốt, giá bán cạnh tranh.
Hoạt động sản xuất
Nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, sản phẩm gốm, sứ Bồ Bát rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa…; các sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm mỹ thuật… Bằng sự khéo léo và tình yêu quê hương, những người thợ của làng nghề như đã thổi hồn cho các sản phẩm gốm sứ bằng những nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu mang nét chấm phá ấn tượng của non nước Ninh Bình.
Nhờ phát huy được giá trị truyền thống xen lẫn hiện đại, gốm Bồ Bát đã được tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia, trở thành bước đệm khẳng định thương hiệu trên thị trường đồ gốm truyền thống, được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Sản phẩm gốm Bồ Bát ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Khả năng cung ứng ra thị trường
Với quyết tâm khai thác hơn nữa giá trị của làng nghề gốm Bồ Bát truyền thống gắn với phát triển du lịch một cách bền vững, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển làng nghề. Trong đó, tập trung xây dựng đề án khôi phục, phát huy giá trị di sản Mán Bạc, gốm cổ Bồ Bát, cũng như quy hoạch không gian cho khu vực bảo tồn các di tích lịch sử. Gốm Bồ Bát với dòng men độc đáo đã khẳng định được chất lượng của mình, dần trở thành thương hiệu gốm nổi tiếng trong nước và được một số thị trường trên thế giới ưa chuộng.
Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện nay sản phẩm gốm Bồ Bát còn gắn với các hình ảnh du lịch đặc trưng của mảnh đất Cố đô như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính…, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất Cố đô ngàn năm lịch sử cùng những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp.
Nhằm phát triển giá trị nghề gốm, tỉnh Ninh Bình chú trọng bảo tồn những di sản quý báu của cha ông, khai thác phục vụ phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao giá trị làng nghề truyền thống của địa phương. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ giao Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu xây dựng khu Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc, Đền thờ tổ nghề gốm tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô trở thành điểm đến du lịch.
Đồng thời, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục có những chính sách quan tâm, tạo ra sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa Ninh Bình; hướng tới xây dựng Bảo tàng gốm Bồ Bát, tạo thành quần thể văn hóa di sản vừa bảo tồn nghề gốm cổ, vừa phục vụ phát triển du lịch bền vững, gia tăng giá trị cho nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Về việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đội ngũ thợ có tay nghề giỏi của Công ty TNHH bảo tồn và phát triển gốm Bồ Bát sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, chọn lọc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng, hiện vật đặc sắc, cô đọng của quê hương để chuyển tải bằng nét vẽ hoa văn, hình ảnh cách điệu trên gốm.
Huyền Trần
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”