Thứ Năm, 01/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Triển khai sản phẩm OCOP Thái Nguyên: nâng tầm thế mạnh đặc sản

Từ ngày 28/8 đến 3/9/2019, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội chợ, triển lãm “Mỗi xã phường một sản phẩm năm 2019”. Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 có ít nhất 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP. Việc xây dựng OCOP của tỉnh đang được đặt nhiều kỳ vọng, hướng tới phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Các sản phẩm tham gia hội chợ triển lãm “Mỗi xã phường một sản phẩm năm 2019” OCOP tại Thái Nguyên

Nhóm sản phẩm hàng hóa tham gia Hội chợ Triển lãm OCOP với 230 gian hàng của 150 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu, hiệp hội làng nghề, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và 20 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia quảng bá sản phẩm.

Tại Hội chợ Triển lãm, lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên được cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP cho 25 sản phẩm nông nghiệp, trong đó, có 13 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. 

Trong tổng số 172 sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, riêng nhóm thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm với 128 sản phẩm (chiếm 74,5%); số còn lại thuộc về các nhóm thảo dược (16 sản phẩm), nhóm đồ uống (8 sản phẩm), nhóm lưu niệm – trang trí (4 nhóm) và nhóm dịch vụ du lịch (16 nhóm).

Để thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 có ít nhất 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP. Để thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, quan trọng hơn cả là góp phần phát triển kinh tế Thái Nguyên, nâng cao thu nhập cho người dân, việc triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế của tỉnh, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả cao.

Tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2025. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành các bước hoàn thiện Đề án OCOP. Trong giai đoạn 2019 - 2025, để thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" có hiệu quả, Thái Nguyên tập trung đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại tại các địa phương, tỉnh, thị trường trong nước đối với các sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên. Ngoài ra, Thái Nguyên còn lên phương án, dự án sản xuất kinh doanh xây dựng hệ thống trung tâm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, khu dân cư, siêu thị, chợ truyền thống,…

Hiện tại một số hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã đăng ký các sản phẩm nông nghiệp có khả năng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh như: Chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), miến dong của HTX miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ), rau an toàn của HTX rau an toàn Hùng Sơn và HTX rau an toàn xã Bình Thuận (huyện Đại Từ), tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình), gạo Bao Thai Định Hóa của các HTX trồng lúa thuộc huyện Định Hóa...

Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Thái Nguyên vẫn gặp một số khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản do các địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, sản xuất kinh tế hộ chiếm tỷ lệ rất cao, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, HTX) thiếu cả số lượng và chất lượng; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (theo đúng chuyên môn sản xuất sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động khu vực nông thôn đạt thấp; quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó là thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân, chưa tận dụng hết tài nguyên nội tại trong khu vực (nguyên liệu, lao động, văn hóa...), nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ bên ngoài, người dân chưa chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống có lợi thế theo quy mô hàng hóa; nhiều dự án hỗ trợ sau khi kết thúc, nông dân chưa đủ trình độ, năng lực tài chính để tiếp cận, làm chủ và phát triển tiếp một cách bền vững…

Để Chương trình OCOP được triển khai thực hiện có hiệu quả, tỉnh Thái Nguyên cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, phù hợp để hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế. Thái Nguyên cần chú trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, nhất là xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến sản phẩm; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường. Nhanh chóng phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống, thế mạnh của địa phương theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, không những phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website