Thứ Tư, 16/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hương Khê (Hà Tĩnh): Sản xuất theo mô hình VietGap gắn với sản phẩm OCOP

Ngày đăng: 10/11/2019
Lượt xem: 767

Với nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng, huyện Hương Khê được cho là khá thuận lợi để phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, năm 2019 các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của huyện Hương Khê mới chỉ có 2 sản phẩm được đánh giá 3 sao, số điểm đạt mức chạm chuẩn. Định hướng thời gian tới, huyện Hương Khê sẽ sản xuất theo mô hình VietGap gắn với sản phẩm OCOP.

Cam Khe Mây Hương Khê (Hà Tĩnh) sản xuất theo hướng VietGap

Hương Khê có nhiều sản phẩm thuận lợi để phát triển OCOP

Hương Khê là một huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, khí hậu khắc nghiệt khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế. Tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 được cho là hướng đi mới trong việc phát triển nông nghiệp ở huyện Hương Khê.

Với nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng về chủng loại, huyện Hương Khê được cho là khá thuận lợi khi thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Huyện Hương Khê có một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu, có khả năng phát triển hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường. Đặc sản của huyện Hương Khê gồm: Bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, chè xanh Hương Trà, sắn Động Cửa (xã Hương Thủy), cá chép (sông Ngàn Sâu), cá tràu (cá quả) Đập Trạng (xã Hương Thủy), cá mương (xã Hương Thủy) cá mát, mật ong rừng, mật mía, ruốc, gỗ quý.

Tham gia Đề án “ Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong năm 2019 huyện đã đăng ký các sản phẩm, cụ thể: Xã Phúc Trạch có 4 sản phẩm bao gồm 1 sản phẩm Bưởi Phúc Trạch của Hợp tác xã Phát Lộc và 3 sản phẩm từ Trầm hương của Hợp tác xã Thọ Nga; Hộ kinh doanh Nguyễn Chí Thành và Hợp tác xã Thành Vinh. Xã Hương Đô có sản phẩm Cam Khe Mây của Hợp tác xã Long Nhâm. Trong đó, sản phẩm Trầm Hương của Hộ kinh doanh Nguyễn Chí Thành được tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn chỉ đạo điểm. Tại xã Hương Trà có sản phẩm Chè Tân Hương của Xí nghiệp chè 20/4. Xã Hương Trạch có sản phẩm Mật ong của Hợp tác xã Hương Bưởi. Thị trấn Hương Khê có sản phẩm Giò Me Tiến Giáp của hộ kinh doanh Nguyễn Đình Giáp. Trong số các sản phẩm trên, có 2 sản phẩm đạt hạng 3 sao, gồm: Cam Khe Mây (đạt 52 điểm) và Giò me Tiến Giáp (đạt 50 điểm) trong cuộc thi đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh đợt 1 năm 2019.

Cam Khe Mây của Hợp tác xã Long Nhâm được trao giấy chứng nhận VietGap

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hiện có khoảng 1.857 ha cam, tập trung chủ yếu ở các xã Hương Đô, Lộc Yên, Hương Trà, Hương Thủy, sản lượng cung cấp ra thị trường mỗi năm đạt khoảng 8 nghìn tấn. Trong đó, xã Hương Đô được ví như “thủ phủ cam” nhờ vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Cam Khe Mây Hương Khê (Hà Tĩnh) được thị trường trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh ưa chuộng, trở thanh cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong huyện.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của cam Khe Mây và tạo chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, Hợp tác xã Nông nghiệp Cam Khe Mây Long Nhâm được thành lập năm 2014. Với gần 30 thành viên của xã Hương Đô, Hợp tác xã Nông nghiệp Cam Khe Mây Long Nhâm bước đầu khẳng định được thương hiệu của mình, và luôn có đầu ra ổn định khi liên kết tiêu thụ sản phẩm với Doanh nghiệp Tân Thanh Phong.

Cam Khe Mây của HTX Long Nhâm tham gia Hội chợ OCOP tại Thành phố Hà Tĩnh

Trong quá trình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp Tân Thanh Phong đã tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc cho hơn 200 tấn cam của các hộ dân ở vùng Hương Đô và Lộc Yên. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn đang tiếp tục được triển khai đối với những hộ liên kết từ 3 năm trở lên và được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên so với số lượng cam sản xuất ra thì số lượng được truy xuất nguồn gốc vẫn còn rất hạn chế.

Vì vậy, để xây dựng và khẳng định thương hiệu cho cam Khe Mây nói riêng và cam Hương Khê nói chung, việc tạo lập một thương hiệu cho cam Khe Mây là rất cấp thiết. Việc bảo hộ và quản lý nhãn hiệu cam khe Mây sẽ góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của huyện Hương Khê. Qua đó, giúp người dân tăng thêm thu nhập, xây dựng vùng sản xuất sinh thái bền vững cũng như phát triển một ngành hàng có tiềm năng của địa phương.

Cuối năm 2017, đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ Ciptek (TP. Hồ Chí Minh) bắt đầu triển khai dự án tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Cam Khe Mây”. Đến tháng 10/2018, đơn vị đã hoàn thành hồ sơ và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu lên Cục Sở hữu trí tuệ. Tháng 9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ chính thức có Quyết định về việc cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu Cam Khe Mây, có hiệu lực trong thời gian 10 năm.

Sau khi được cấp văn bằng, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu cam Khe Mây. UBND huyện Hương Khê sẽ tổ chức cấp nhãn hiệu cho người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có nhu cầu và đủ điều kiện, phục vụ hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, yêu cầu các đơn vị chưa được cấp quyền phải ngừng sử dụng nhãn hiệu cam Khe Mây.

Ngày 31/10/2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trao giấy chứng nhận VietGap cho HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm, xã Hương Đô (Hương Khê – Hà Tĩnh).

Định hướng phát triển sản phẩm OCOP huyện Hương Khê thời gian tới

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và trên cơ sở đề án của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đề ra kế hoạch phấn đấu sẽ có 5 sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trong năm 2019, bao gồm: Bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, mật ong Hương Bưởi, Hương trầm và chè Tân Hương. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Hương Khê đã triển khai đề án, kế hoạch các xã trên địa bàn huyện về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Cụ thể, huyện Hương Khê đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn HTX Long Nhâm hoàn thành xây dựng thí điểm Cam Khe mây đạt chuẩn OCOP trong năm 2019 và 4 sản phẩm còn lại đạt chuẩn trong năm 2020; đồng thời phát triển thêm một số sản phẩm mới như: Bánh đa Gia Phố. Từ nay đến năm 2030, huyện Hương Khê phấn đấu mỗi năm có ít nhất 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo chu trình OCOP của tỉnh Hà Tĩnh; có ít nhất 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao gồm: Bưởi Phúc Trạch, Cam Khe Mây và Chè Tân Hương.

Để hoàn thành mục tiêu trên, từ đầu năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình: Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap gắn với sản phẩm OCOP tại HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm, xã Hương Đô (Hương Khê). Mô hình trên có quy mô 20 ha cam của 19 hộ dân cho sản lượng ước đạt 360 tấn/năm.

Mô hình triển khai trên cơ sở quy trình sản xuất quả tươi an toàn thực phẩm nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến an toàn chất lượng sản phẩm, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.

Sau khi Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh chuyển giao công nghệ và hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật, các hộ tham gia thực hành sản xuất trên vườn cam theo tuần tự từng nội dung công việc, từng giai đoạn để tạo ra vườn cam có năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm; Phát triển sản xuất cây cam theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Nguồn:VITIC tổng hợp

Tin liên quan
Liên kết website