Sau hơn một năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã có 11 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao, trong đó có 9 sản phẩm là chuỗi thực phẩm A-Z của HTX Hoàng Long và 2 sản phẩm của HTX nông nghiệp Tam Hưng. Năm 2020, huyện Thanh Oai phấn đấu có thêm 22 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên.
Huyện Thanh Oai được biết đến với nhiều làng nghề (51 làng nghề được công nhận), cùng với đó huyện còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đang cho thấy tiềm năng rất lớn như: Mô hình trồng hoa lan nhân cấy mô xã Thanh Cao, trồng Lan Hồ điệp ứng dụng công nghệ cao xã Mỹ Hưng; trồng rau hữu cơ an toàn ứng dụng công nghệ cao xã Dân Hòa, Hồng Dương; trồng dưa các loại ứng dụng công nghệ cao tại xã Thanh Cao; Gạo thơm Bối Khê xã Tam Hưng; gạo Bồ Nâu của xã Thanh Văn, Cam đường Kim An... Đây là tiền đề để huyện Thanh Oai có thể đẩy mạnh triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Năm 2019, huyện Thanh Oai có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao, trong đó, 9 sản phẩm thuộc chuỗi thực phẩm A-Z của HTX Hoàng Long và 2 sản phẩm thuộc HTX nông nghiệp Tam Hưng.
Năm 2020, huyện phấn đấu có thêm 22 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Thanh Oai đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/sản phẩm cho các sản phẩm được xếp hạng sao. Đồng thời, lồng ghép vào các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, công nghệ cao để hỗ trợ về kinh phí cũng như khoa học kỹ thuật, mặt bằng sản xuất.
Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của huyện Thanh Oai
Trong kết quả đạt được trong việc triển khai Chương trình OCOP huyện Thanh Oai năm 2019 thấy rằng, các sản phẩm đã được xếp hạng sao đều là những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu. Trong đó, chuỗi thực phẩm A-Z của HTX nông nghiệp Hoàng Long đang cho thấy chất lượng vượt trội cùng với khả năng cung ứng lớn.
Các sản phẩm được xếp hạng 4 sao trong Chương trình OCOP huyện Thanh Oai của HTX nông nghiệp Hoàng Long đều là những sản phẩm thuộc “Chuỗi thực phẩm A-Z” đã có thương hiệu của HTX, trong đó 9 sản phẩm gồm thịt lợn tươi và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn được chăn nuôi, sơ chế, chế biến khép kín theo chuỗi.
HTX có trang trại chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, 100% sản phẩm bán ra được sơ chế, chế biến đóng gói mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm A-Z”. Đặc biệt, HTX hiện nay đang triển khai công nghệ thịt mát của chuỗi thực phẩm VIP của Hà Lan.
Mỗi ngày HTX cung cấp ra ngoài thị trường khoảng 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Trong đó, 40% sản phẩm thịt lợn của HTX phân phối hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, còn lại 60% phân phối đến các đơn vị trường học trong và ngoài địa bàn huyện.
Việc các sản phẩm từ thịt của HTX Hoàng Long được xếp hạng OCOP 4 sao sẽ là cơ hội để HTX tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ thời gian tới.
Cùng với HTX Hoàng Long, HTX nông nghiệp xã Tam Hưng cũng là một trong những HTX tiêu biểu, đi đầu trong chương trình OCOP của huyện Thanh Oai với 2 sản phẩm OCOP 4 sao là gạo Nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7.
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai)
Từ năm 2012, HTX nông nghiệp xã Tam Hưng đã tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội. Đến nay, HTX đang duy trì 400 ha trồng lúa Bắc thơm số 7 và gần 250 ha lúa Nếp cái hoa vàng. Hàng năm, HTX Tam Hưng cung ứng ra thị trường khoảng 7.000 - 7.500 tấn lúa chất lượng cao.
Thời gian tới, để đảm bảo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, HTX sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để đáp ứng những tiêu chí của thành phố sớm đưa 2 sản phẩm trên đạt OCOP 5 sao. Bên cạnh đó, HTX cũng sẽ làm hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP đối với sản phẩm gạo Japonica, gạo đài thơm số 8 và bắc hương số 9, nhằm bổ sung đa dạng hơn nữa về sản phẩm gạo chất lượng cao của địa phương. Từ đó, khẳng định thương hiệu, chất lượng lúa gạo Tam Hưng trên thị trường, tạo cơ hội kết nối tiêu thụ với nhiều kênh phân phối trên cả nước.
Nguồn: VITIC tổng hợp