Thứ Hai, 28/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Bánh ít lá gai - đặc sản xứ Bình Định

Sản phẩm OCOP được xếp hạng: 3 sao

Cơ sở sản xuất: Bánh ít lá gai Bà Dư, Thôn Trung Tín, Thị trấn Tuy Phước, Huyện Tuy Phước, Bình Định

Đến với Quy Nhơn - Bình Định du khách đều muốn ăn thử món bánh ít lá gai của người bản xứ. Đây là món ăn nhẹ truyền thống, mang đậm hương vị và đất trời xứ Bình Định. Nếm miếng bánh ít, người thưởng thức sẽ cảm nhận được vị thơm mềm của bột gạo nếp trộn lá gai rất đặc trưng và bên trong ruột bánh là nhân đậu xanh trộn cơm dừa hòa quện với nhau tạo nên sản phẩm bánh vừa thơm mềm lại bùi bùi ngậy ngậy - một nét riêng của bánh ít nơi đây mà không phải nơi nào cũng có được.

Giới thiệu chung

Vùng đất Bình Định được biết đến với nhiều đặc sản truyền thống mang đậm nét riêng, rất ngon miệng mà nhiều du khách ưu thích như nem Chợ huyện, rượu Bàu đá, bánh tráng nước dừa và đặc biệt không thể thiếu đó là món bánh Ít lá gai. Các món ăn này nhiều du khách đến Bình Định thưởng thức rồi còn mua mang về làm quà cho người thân gia đình.

Bánh Ít lá gai là loại bánh được làm theo phương thức thủ công truyền thống, nhưng đòi hỏi rất kỳ công và cẩn thận để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và để bảo quản được thời gian tối đa cho sản phẩm. Đây là món bánh rất gần gũi với người dân Bình Định, được truyền nghề từ thế hệ này qua thế hệ khác qua nhiều thập kỷ đến nay. Bánh thường được sử dụng trong những ngày lễ, Tết, ngày vui trọng đại của người dân bản địa.

Để có được sản phẩm bánh ngon, người dân nơi đây đã khéo léo chế biến, kết hợp chọn lọc một số nguyên liệu khác nhau đó là bột gạo nếp, lá gai tươi, đỗ xanh, cơm dừa và chút gừng mang lại vị thơm ngon khác biệt so với bánh của những vùng khác. Những chiếc bánh nhỏ xinh được làm thủ công với các công đoạn rất tỉ mỉ, không đơn thuần là món ăn mà còn thể hiện ở sự khéo léo và sự tận tâm của người làm ra chiếc bánh đem đến món ăn ngon cho người thưởng thức.

Tại một số huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn của tỉnh Bình Định có khoảng 30 hộ làm bánh Ít lá gai mang thương hiệu “Bánh Ít lá gai Bình Định”. Đây là thương hiệu tập thể đã được cấp nhãn hiệu từ năm 2017 nên các hộ sản xuất đều dùng chung thương hiệu, có bổ sung thêm tên của hộ gia đình. Một trong những thương hiệu bánh Ít lá gai được rất nhiều khách ẩm thực biết đến đó là “Bánh Ít lá gai cơ sở bà Dư” đã có trên 20 năm kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đặc sản này, nên đã rất quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Đặc điểm sản phẩm bánh ít lá gai

Bánh Ít lá gai Quy Nhơn, Bình Định, được gói nhỏ xinh hình trái tim, chỉ to bằng lòng bàn tay, có vỏ bọc bằng lá chuối hoặc vỏ hộp bằng giấy có hình dáng như kim tự tháp, nếu ai đã từng biết đến món bánh này của Bình Định thì rất dễ nhận ra qua hình ảnh đặc trưng của loại bánh này. Bánh có vị ngọt thanh của đường cát, dẻo mềm của bột gạo nếp trộn lá gai, bùi ngậy của nhân đậu xanh xay nhuyễn với cơm dừa nạo sợi, tất cả quện vào nhau tạo nên một hương vị khó quên khi thưởng thức bánh. Bánh Ít lá gai ăn thật dẻo, nhất là lúc còn đang nóng, nhưng không bị dính. Tất cả các nguyên liệu làm bánh đều được chế biến cẩn thận sạch sẽ, không có chất bảo quản nên thời gian sử dụng ngắn, chỉ để được trong vòng 3 đến 5 ngày ở nhiệt độ thông thường và nơi thoáng mát.

Sản phẩm bánh Ít lá gai cơ sở bà Dư - Tuy Phước, Bình Định

Hoạt động sản xuất của cơ sở làm bánh Ít

Sản phẩm bánh Ít lá gai thương hiệu bà Dư đã được sản xuất gia truyền hơn 20 năm và có đăng ký thương hiệu sản xuất từ năm 2012, được khách hàng trong nước và cả nước ngoài biết đến với một hương vị thơm ngon rất đặc biệt, đặc trưng thương hiệu của bánh xứ Bình Định. Tại cuộc thi bình chọn sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định năm 2019, sản phẩm bánh Ít lá gai đã đạt 3 sao cho thấy sản phẩm này đã được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm.

Theo chia sẻ của nhà sản xuất, món bánh Ít lá gai tuy không quá phức tạp và đòi hỏi cao về kỹ thuật thiết bị máy móc, nhưng thực sự cần sự tỉ mẩn, khéo léo cẩn thận trong từng bước, qua rất nhiều công đoạn từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến khâu chế biến.

Nguyên liệu được sử dụng làm bánh là gạo nếp mới được ngâm nở đem xay nhuyễn, ép hết nước để có khối bột bánh mịn màng đúng tiêu chuẩn. Lá gai phải chọn lá gai trái tim, hái mới từ sáng sớm, lúc còn sương khi luộc sẽ cho màu bánh lên màu sắc đẹp hơn. Lá gai tươi được rửa sạch và tách bỏ phần cuống cắt nhỏ để giã tay thật nhuyễn và trộn với phần bột nếp với lượng đường vừa phải, giã thật nhuyễn để tăng độ mềm mịn cho vỏ bánh, đây được xem là khâu rất quan trọng tạo nên chất lượng của bánh. Bột được làm vỏ bánh khi nhào được trộn thêm ít dầu để giúp bột bánh không bị dính vào cối, khi gói sẽ được chia thành từng phần nhỏ để đến công đoạn gói bánh đạt độ đều tay của từng chiếc bánh. Phần nhân bánh sử dụng đậu xanh ngon, hạt to đều nấu chín và đánh nhuyễn, sên với đường cát và cơm dừa bánh tẻ nạo sợi, thêm một chút gừng để tạo nên độ đặc biệt về mùi vị của bánh. Loại dừa thường dùng để làm bánh là dừa Tam Quan ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định với đặc điểm cơm dày, thơm, ngọt, độ béo cao, cọng dừa mềm, giòn. Khi ăn người thưởng thức có thể cảm nhận được độ mềm dẻo của vỏ bánh, vị thơm ngon, ngọt bùi ngậy rất hài hòa giữa nhân bánh và vỏ bánh để lại ấn tượng khó quên.

Tại cơ sở sản xuất bánh gai bà Dư lúc nào cũng có khoảng 15 thợ thực hiện các khâu làm bánh, đóng gói bánh. Trung bình mỗi ngày cơ sở đã sản xuất ra từ 5.000 - 7.000 cái bánh theo đơn đặt hàng. Vào mỗi dịp lễ, Tết lượng bánh được sản xuất gấp 4-5 lần ngày thường mới đủ cung cấp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, chủ cơ sở sản xuất bánh Ít lá gai bà Dư đã đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích khoảng 300m2 để chuyên phục vụ công tác sản xuất từ các khâu làm bột, chế biến làm nhân, nặn bánh và hấp bánh. Khâu cuối cùng sẽ là đóng gói và hoàn thiện sản phẩm để cung cấp ra thị trường. Việc sản xuất số lượng bánh lớn mỗi ngày tại cơ sở đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động từ khâu cung cấp nguyên liệu đến khâu chế biến, đóng gói sản phẩm. Giúp cho người lao động có thu nhập ổn định.

Định hướng phát triển thương hiệu

Bánh Ít lá gai Bình Định từ những năm 2017 trở về trước được người tiêu dùng biết đến chủ yếu qua giới thiệu truyền khẩu chứ chưa có nhãn hiệu pháp lý trên thị trường. Người tiêu dùng biết đến món bánh truyền thống này có lẽ do có người nhà bà con trong vùng hoặc đi du lịch xứ Bình Định mới được biết đến nên sản lượng bán ra của bánh còn ít, mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có mặt ở hầu hết các cửa hàng, siêu thị nên chưa thúc đẩy phát triển được số lượng sản phẩm trên thị trường. Nhận thấy đây là món đặc sản của Bình Định có tiềm năng để phát triển và mở rộng hơn thị trường tiêu thụ, lãnh đạo Sở, ban ngành địa phương đã có chủ trương chỉ đạo bà con nhân dân phát huy nghề truyền thống để xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng cho tỉnh nhà.

Tháng 5/2017, sản phẩm bánh Ít lá gai Bình Định đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh. Đây là điều kiện cần thiết và được coi là một cơ hội để sản phẩm được quảng bá, tiêu thụ tốt hơn ở các thị trường trong cả nước, là động lực cho bà con đầu tư nhà xưởng cũng nhưng nhân công để sản xuất bánh với số lượng lớn và cung cấp số lượng đầu ra ổn định cho thị trường. Bên cạnh việc cấp nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, cơ quan quản lý địa phương còn ban hành bộ quy chế, quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Trong đó, quy định rõ các tiêu chí về quy trình sản xuất và các nguyên liệu để đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng sản phẩm. Kết hợp chặt chẽ với các cơ sở sản xuất để định hướng chất lượng cũng như hình thức mẫu mã bao bì của sản phẩm, để đảm bảo khi cung cấp ra thị trường giữ nguyên được chất lượng cũng như bao bì sản phẩm khi vận chuyển đi xa.

Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Khi sản phẩm bánh Ít lá gai đã có thương hiệu, các đại lý trong tỉnh và ngoài tỉnh đã phát triển được sản lượng đầu ra của sản phẩm. Cơ sở bánh Ít lá gai bà Dư đã chủ động và mạnh dạn kết nối với một số doanh nghiệp làm thương mại đã giới thiệu sản phẩm trên các kênh truyền thông, qua Internet và khách du lịch nên thương hiệu sản phẩm ngày càng được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến và đặt hàng. Tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh các đại lý, siêu thị tiêu thụ khoảng 1.000-1.500 chiếc bánh. Tại sân bay Phù Cát, Bình Định bình quân mỗi ngày đã tiêu thụ được khoảng 700 chiếc bánh/ngày.

Mục tiêu hướng tới của địa phương là thúc đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các Hội chợ, Trung tâm xúc tiến Thương mại trong và ngoài tỉnh. Song song với việc sẽ đẩy mạnh giới thiệu vào các siêu thị trong nước thì sẽ tìm đường để xuất khẩu bánh qua đường hàng không sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và một số nước có nhu cầu và điều kiện thời tiết phù hợp để đem thương hiệu bánh Ít lá gai ngày càng một vươn xa đến với khách hàng trong nước và quốc tế.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website