- Sản phẩm OCOP được xếp hạng: 4 sao
- Cơ sở sản xuất: Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ - Hà Nội.
Sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú
Giới thiệu chung
Gạo hữu cơ Đồng Phú được Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú sản xuất theo quy trình sản xuất lúa hữu cơ theo dự án PAMCI với các giống lúa Bắc Thơm Số 7 và J02 (Jamonica - Nhật Bản). Toàn bộ quá trình sản xuất được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, từ vấn đề về giống, gieo mạ, phân bón, quản lý dịch hại, kiểm soát nước... Ngoài ra, sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú được truy xuất nguồn gốc, được bảo quản ở điều kiện tốt sau thu hoạch để giữ cho sản phẩm có chất lượng cao... Đây cũng là sản phẩm của chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản tiêu biểu của Hà Nội theo hình thức liên kết 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh) và đang được thành phố Hà Nội hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu.
Hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ đã mang lại hiệu quả đáng kể cho Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú khi diện tích, năng suất, chất lượng lúa gạo đều tăng lên. Năm 2017, năng suất lúa của HTX đạt bình quân 170 kg/sào (4,6 tấn/ha); năm 2018 và vụ xuân 2019 mở rộng diện tích thêm 50 ha, đạt 180 kg/sào (4,9 tấn/ha).
Cùng với năng suất, chất lượng lúa gạo hữu cơ tăng lên, sản phẩm cũng đã có đầu ra ổn định. Các sản phẩm gạo hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú đã được nhiều công ty đứng ra thu mua và tiêu thụ như Công ty Cổ phần thương mại - dịch vụ Mùa Organica, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, Công ty thực phẩm sạch Homfout, Công ty tự nhiên Việt Nam... Đáng chú ý, từ năm 2019, Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam đã ký kết hợp đồng tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân và hướng tới xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất và chế biến, HTX đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path trong việc gia tăng giá trị sản phẩm; truy xuất nguồn gốc, sản xuất minh bạch, từ việc gắn camera trên đồng ruộng đến chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Nhờ đó, hiệu quả kinh tế canh tác lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú được nâng lên rõ rệt. Theo HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, so với sản xuất lúa gạo thông thường, sản xuất theo phương pháp hữu cơ cho thu nhập gấp 1,8 lần (từ 89 triệu đồng/ha/năm tăng lên 189 triệu đồng/ha/năm). Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú còn đẩy mạnh việc đa dạng hoá sản phẩm từ hạt gạo hữu cơ như: chế biến bún tươi, các loại bánh, rau màu, khoai lang, khoai tây, đậu các loại... nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả hoạt động của HTX.
Định hướng phát mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú
Theo kế hoạch, từ năm 2020, Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path định hướng mở rộng hàng nghìn ha trồng lúa hữu cơ, ký kết hợp đồng đầu tư, quản lý vùng trồng, chế biến, bảo quản quy mô công nghiệp, để sản phẩm lúa gạo hữu cơ Đồng Phú không chỉ phục vụ cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu tại thị trường Mỹ.
Đặc biệt, việc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hữu cơ Đồng Phú không chỉ dừng lại ở phát triển nông nghiệp hữu cơ mà còn tiến tới sẽ là mô hình nông nghiệp du lịch hữu cơ sinh thái.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc sản xuất theo phương thức hữu cơ sẽ giảm thiểu rất nhiều những tác động đến môi trường, bảo vệ môi trường sống theo hướng tích cực. Bên cạnh việc tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, mô hình trồng lúa hữu cơ tại Đồng Phú rất cần được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”