Thứ Năm, 01/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hải Hậu phát triển sản xuất gạo theo hướng tăng trưởng bền vững, giá trị gia tăng cao

Huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định nổi tiếng cả nước với thương hiệu gạo “Tám xoan Hải Hậu”. Nguồn cung hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu bền vững, do đó cần tạo dựng vùng sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Gạo tám xoan Hải Hậu có đặc điểm nổi trội, mùi vị thơm ngon tự nhiên và giàu dinh dưỡng, thời gian bảo quản lâu. Gạo tám xoan Hải Hậu có hình dạng nhỏ dài, thon nhỏ, có màu xanh trong. Gạo tám xoan Hải Hậu nấu cho cơm cho mùi thơm, có vị ngậy dẻo, mềm, đậm đà. Thời gian nấu cơm nhanh chín, cơm có màu trắng, ăn mau tiêu và hàm lượng chất bổ dưỡng cao. Gạo tám xoan Hải Hậu chứa nhiều tinh bột, một trong những thành phần cung cấp nhiều năng lượng và bổ sung một lượng protein, nước, vitamin và các chất khoáng rất cần thiết cho cơ thể.

Hiện giống lúa tám xoan đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa còn xuất khẩu.

Gạo tám xoan Hải Hậu Nam Định

Gạo Bắc Hương cũng là một trong những loại gạo nổi tiếng của huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định. Nhờ được trồng trên đất phù sa màu mỡ, gạo Bắc Hương giữ được hương vị tự nhiên vốn có. Khi nấu thành cơm gạo Bắc Hương có hương vị thơm tự nhiên, cơm dẻo, vị đậm đà.

Gạo Bắc Hương có đặc điểm là hạt gạo dài, mẩy, đều hạt và mỏng mình, gạo có màu trắng đục, tỷ lệ gẫy thấp. Sản phẩm gạo Bắc Hương Nam Định được áp dụng quy trình sản xuất sạch từ khâu chà trấu tới khâu dần sàng nên vẫn giữ được một lượng cám dinh dưỡng khá cao. Trước khi đóng gói, gạo Bắc Hương được sấy khô nên thời gian bảo quản dài, không ảnh hưởng đến chất lượng gạo. Nhờ vậy, gạo Bắc Hương Hải Hậu được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.

Tạo dựng vùng trồng đồng thời phát triển xây dựng thương hiệu cho gạo chất lượng cao Hải Hậu

“Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu” đã được thành lập từ năm 2004 với mục đích giữ gìn và phát triển thương hiệu gạo tám xoan Hải Hậu. Năm 2007 gạo tám xoan Hải Hậu đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu “Gạo Tám xoan Hải Hậu”.

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tuy nhiên diện tích trồng lúa gạo của huyện Hải Hậu thấp, dẫn đến năng suất chưa cao, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, huyện Hải Hậu đã tập trung mở rộng liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Theo đó, huyện Hải Hậu đã thực hiện quy hoạch và đẩy mạnh xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Hiện nay trên địa bàn huyện Hải Hậu đã hình thành một số vùng sản xuất gạo tám thơm, gạo nếp đặc sản. Trong đó, vùng trồng lúa chất lượng cao với thương hiệu gạo “Tám xoan Hải Hậu” tại 35/35 xã, thị trấn. Đồng thời mở rộng diện tích lên tới 7.600 ha, thu nhập từ 95- 100 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao giữa người dân và doanh nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hình thức khép kín đã được triển khai và mang lại kết quả tốt. Cụ thể: mô hình liên kết sản xuất gạo sạch, gạo an toàn theo tiêu chuẩn VietGap quy mô 50 ha tại xóm Đông Châu, xã Hải Đông với Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed; mô hình liên kết sản xuất gạo VietGap sản xuất giống Dự Hương quy mô 35 ha giữa Công ty CP Giống cây trồng Trung ương với các hộ dân xã Hải Hưng; mô hình liên kết sản xuất gạo chất lượng cao giữa Công ty CP Nông sản Tiến Vua với các hộ nông dân và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Kiên Trung, xã Hải Hưng với quy mô 40 ha; mô hình liên kết sản xuất gạo chất lượng cao để sản xuất giống Bắc thơm 7 giữa Công ty TNHH Cường Tân với các hộ nông dân và HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải Toàn với quy mô 70 ha,...

Riêng tại vùng lúa đặc sản tám xoan và nếp cái hoa vàng tại các xã Hải Phong, Hải Đường, Hải Châu đã thành lập 01 Hiệp hội gạo tám xoan Hải Hậu Nam Định và 03 tổ hợp tác nhằm mục đích tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô lên tới 500 ha. Nhờ chất lượng tốt, gạo đặc sản Hải Hậu đã tạo dựng được uy tín trên thị trường, đầu ra ổn định.

Bên cạnh đó, huyện Hải Hậu phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như: Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, Dự hương.

Để đảm bảo nguồn cung ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ xuất khẩu, UBND huyện Hải Hậu đã yêu cầu các xã, thị trấn bố trí kinh phí, chủ động rà soát quy hoạch nông thôn mới, trong đó có quy hoạch chi tiết sản xuất nông nghiệp; tiến hành lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030 và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, tăng trưởng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website