- Sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao
- Cơ sở sản xuất: Hộ kinh doanh Vì Thị Tồn, Xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Rượu Láu Siêu là một trong những thương hiệu rượu nổi tiếng của huyện Mai Châu, tình Hòa Bình. Rượu Láu Siêu là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Hòa Bình, do hộ kinh doanh Vì Thị Tồn, xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ, huyện Mai Châu sản xuất. Rượu Láu Siêu trong vắt, hương rượu thơm nồng, đậm đà; rượu có nồng độ cao nhưng uống không có cảm giác gắt hay nóng cổ, không bị đau đầu.
Giới thiệu sản phẩm
Với những đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện Mai Châu có nhiều sản phẩm thủ công, nông sản đặc trưng, tiềm năng đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho địa phương, đồng thời tham gia thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy du lịch. Một trong số đó là sản phẩm rượu Láu Siêu của hộ kinh doanh Vì Thị Tồn, xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, Hòa Bình.
Rượu Láu Siêu được chưng cất từ nguyên liệu sắn khô và men lá; rượu trong vắt, hương rượu thơm nồng, đậm đà, tỏa hương nồng nàn, rượu có nồng độ cao nhưng uống không có cảm giác gắt hay nóng cổ, không cảm thấy đau đầu. Rượu Láu Siêu không đơn thuần là một thức uống nổi tiếng mà còn là món quà tinh túy của người Thái, một đặc sản có giá trị văn hoá và lịch của người Thái, mang đậm hương vị của núi rừng thiên nhiên.
Năm 2019, sản phẩm rượu Láu Siêu của hộ kinh doanh Vì Thị Tồn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh Hòa Bình.
Rượu Láu Siêu
Hoạt động sản xuất
Rượu Láu Siêu được sản xuất chính tại xóm Chiềng Hạ, xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Rượu Láu Siêu được sản xuất rất công phu và kì công, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và cả sự say mê của người nấu rượu từ khâu tìm kiếm nguyên liệu đến chế biến, làm men, ủ, chưng cất, lọc rượu…
Men rượu để nấu rượu Láu Siêu không có bán sẵn mà được làm từ các loại lá cây do chính người dân nấu rượu tự đi hái, gồm hơn 20 loại lá củ, quả như riềng dại, gừng, nhòng nhạnh, cú đin, bưởi, ổi, hồng bì được hái về rửa sạch, phơi khô, giã nhỏ thành bột rồi đem trộn với bột gạo và bột sắn làm thành nắm men. Tỷ lệ các loại lá, củ, quả làm men sẽ quyết định hương vị, độ thơm ngon của rượu, phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn mới đảm bảo hương vị, độ đậm đà của rượu được thơm ngon. Sau khi men được trộn đều sẽ được nặn thành từng nắm tròn, men rượu thường to như những chiếc bánh bao, xốp và nhẹ.
Nguyên liệu nấu rượu thường được làm từ sắn cả củ sấy khô, thường được để lâu ngày trên gác bếp; sắn càng sấy khô, càng để lâu ngày càng hết độc tố, rượu càng trong và không có vị đắng. Sắn sau khi được phơi khô, đem đập nhỏ, sàng bỏ bột rồi đem ngâm nước cho đến khi nước ngâm trong vắt, sau đó vò và đãi sạch rồi trộn đều với trấu gạo đem đồ chín. Khi sắn đồ chín hong đều ra các nia, mẹt để nguội rồi ủ với men lá, sau đó cho vào chum sành ủ khô trong khoảng 1 tháng trước khi mang ra chưng cất. Cái rượu ủ càng lâu càng ngấu, càng được rượu và hương càng thơm. Rượu được chưng cất bằng dụng cụ chưng cất truyền thống bằng nồi gỗ (là một thân cây khoét rỗng) theo nguyên lý chưng cất cách thủy.
Để sản phẩm rượu Láu Siêu phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Hộ kinh doanh Vì Thị Tồn đã xây dựng nhà xưởng, mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong khâu hoàn thiện sản phẩm, tiến hành sản xuất và chế biến rượu Láu Siêu theo quy trình sản xuất rượu sạch từ nguyên liệu địa phương, sử dụng công nghệ tiên tiến trong khâu hoàn thiện sản phẩm bằng việc sử dụng máy lọc khử độc tố rượu, công nghệ làm giảm độ sốc của rượu, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Rượu sau khi chưng cất xong được đựng trong các chum sành nhằm đảm bảo rượu không độc hại và giữ được mùi thơm. Ngoài ra, Hộ kinh doanh Vì Thị Tồn đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm rượu Láu Siêu, từng bước xác lập uy tín, mở rộng quy mô, quy hợp các hộ nấu rượu tại xóm Chiềng Hạ thành Làng nghề nấu rượu Mai Hạ. Việc thay đổi phương pháp chưng cất rượu, chú trọng xử lý loại bỏ các loại độc tố có trong rượu đã mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất rượu của Hộ kinh doanh Vì Thị Tồn, đồng thời giúp cho sản phẩm rượu Láu Siêu tạo niềm tin, uy tín với khách hàng về chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định của nhà nước.
Rượu Láu Siêu được đóng chai có tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác để chống hàng giả, hàng nhái; được Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình công nhận sản phẩm đảm bảo chất lượng. Hộ kinh doanh Vì Thị Tồn là cơ sở sản xuất rượu duy nhất tại xã Mai Hạ đã được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.
Khả năng cung ứng và thị trường tiêu thụ
Năm 2019, Hộ kinh doanh Vì Thị Tồn sản xuất được 3.000 lít rượu. Để phát triển thương hiệu rượu Láu Siêu, Hộ kinh doanh Vì Thị Tồn tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư trang thiết bị hiện đại trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời vận động các hộ nấu rượu lâu năm trong xóm Chiềng Hạ để thành lập tổ hợp tác, nhằm liên kết, tạo thành chuỗi từ khâu sản xuất, sơ chế nguyên liệu tới khâu đóng chai và tiêu thụ sản phẩm.
Rượu Láu Siêu đã được bán tại chuỗi cửa hàng đồ uống, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn, như Big C, Hapro Mart; T Mart, Vinmart… tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định…
Để nâng cao chất lượng và tiếp tục hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm rượu Láu Siêu, trên cơ sở Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019 – 2020 của tỉnh Hòa Bình đã được phê duyệt, huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp phát triển như:
+ Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về nghiệp vụ xúc tiến thương mại; kết hợp với các hộ nông dân, doanh nghiệp và HTX đưa các sản phẩm tham gia các hội chợ nhằm giới thiệu và quảng bá rộng rãi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
+ Tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình OCOP, tạo động lực cho người sản xuất đầu tư, phát triển sản phẩm lợi thế của từng xã.
+ Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp cùng với các HTX, hộ sản xuất để gìn giữ, phát triển thương hiệu của các sản phẩm truyền thống; tích cực lựa chọn thêm các sản phẩm truyền thống để tham gia Chương trình OCOP; mời đơn vị chuyên tư vấn về Chương trình OCOP về hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm.
+ Thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xây dựng nhiều tuyến du lịch cộng đồng kết nối với các làng nghề, vùng sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy phát triển các nghề, làng nghề truyền thống.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây”