Chủ Nhật, 27/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cam Khe Mây

Sản phẩm OCOP được xếp hạng: 4 sao.

Cơ sở sản xuất: HTX nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm, Xóm 2, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

Cam Khe Mây là một loại trái cây đặc sản của xã miền núi Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cam Khe Mây được trồng và chăm sóc hoàn toàn bằng thủ công, sử dụng phương pháp sinh học, không thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giới thiệu chung

Cam Khe Mây là một thương hiệu trái cây đặc sản được ít người biết, cam được HTX nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm, Xóm 2, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn thâm canh theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Với những đặc điểm thổ nhưỡng sẵn có, HTX nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm đã tạo ra những trái cam mang hương vị riêng biệt. HTX áp dụng mô hình triển khai trên cơ sở quy trình sản xuất quả tươi, an toàn thực phẩm, quy trình trồng cam Khe Mây rất nghiêm ngặt, cam được phủ màn để tránh côn trùng châm chích. Vỏ cam rám đôi chút nhưng quả có vị ngọt đậm hơn.

Toàn xã Hương Đô hiện có khoảng 40-50 ha trồng cam Khe Mây nhưng mỗi cây cho quả rất ít. Tuy nhiên, với quy trình trồng thủ công, vùng trồng cam Khe Mây của HTX Long Nhâm luôn đảm bảo sản phẩm đầu ra cho quả ngọt, cam Khe Mây cho chất lượng, sạch và an toàn cho người tiêu dùng.

Đặc điểm sản phẩm:

Cam Khe Mây được trồng ở vùng Hương Đô, cùng là giống quả quí hiếm như bưởi Phúc Trạch, Hà Tĩnh, cam Khe Mây ngọt, thơm đậm, nhiều nước, không dùng chất hóa học trong quá trình trồng.

Khác hẳn với những giống cam thông thường khác, cam Khe Mây là cây cam giống của vùng nông nghiệp Hà Tĩnh. Những gốc cam lâu đời được triết cành và nhân giống rộng khắp trong vùng để cho ra được năng suất cao. So với các giống cam ở miền Bắc thì cam Khe Mây có ngoại hình không mấy bắt mắt, trái nhỏ và không đẹp. Tuy nhiên, cam Khe Mây có ưu điểm là cam chất lượng, nhiều nước và hương vị ngon, ngọt đậm, vỏ mỏng. Vỏ cam Khe Mây sần sùi không nhẵn bóng như cam sành.

Cam Khe Mây khi trái còn non có màu xanh thẫm. Khi chín, cam vỏ ngả vàng và có đôi chút đốm nâu trên trái. Vỏ cam Khe Mây mỏng, nhiều xơ, tép cam hơi khô, giòn và có vị ngọt. Cam có mùi thơm từ tép chứ không phải từ vỏ, hạt cam Khe Mây ít và nhỏ nên được nhiều người ưa thích và lựa chọn. Trọng lượng trung bình cam Khe Mây dao động khoảng 6 -7 quả/kg. Loại cam này thích hợp để ăn tươi và vắt lấy nước hay dùng để chế biến sinh tố, nước ép cam,...

Cam Khe Mây là đặc sản nổi tiếng của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Thị trường tiêu thụ:

Cam Khe Mây được thu hoạch và phân loại quả theo kích cỡ, làm sạch sau đó đóng thùng theo tiêu chuẩn, có nhãn mắc đầy đủ. Sản phẩm đã được thị trường trong huyện, rồi đến cả thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận tích cực.

Ngày 19/09/2019, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Hương Khê tổ chức lễ công bố quyết định và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Cam Khe Mây” cho sản phẩm cam quả của huyện Hương Khê. 

Việc bảo hộ và quản lý nhãn hiệu cam Khe Mây đã góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của quê hương, giúp người dân tăng thu nhập, xây dựng vùng sản xuất sinh thái bền vững cũng như phát triển một ngành hàng có tiềm năng của địa phương mang tính bền vững và chủ động.

Hoạt động sản xuất:

HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm hiện có 29 thành viên.  HTX đang từng bước khẳng định được thương hiệu cam nổi tiếng của địa phương và có đầu ra ổn định khi liên kết tiêu thụ sản phẩm với Doanh nghiệp Tân Thanh Phong.

Từ đầu năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình: Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap gắn với sản phẩm OCOP tại HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm, xã Hương Đô (Hương Khê).

Đặc biệt, gần 12 ha cam của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, những diện tích còn lại đang phấn đấu đưa vào đạt tiêu chuẩn VietGap. Năm 2019, HTX đã đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 320 tấn cam đạt chuẩn với doanh thu gần 8,5 tỷ đồng. Mô hình trên hiện có tổng quy mô gần 20 ha cam của 19 hộ dân cho sản lượng ước đạt 360 tấn/năm.

Với sự hỗ trợ từ đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030”, HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm đã tiến hành dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam của 29 thành viên HTX. Nhờ việc dán tem truy xuất nguồn gốc mà khách hàng có thể tìm hiểu các thông tin về nơi sản xuất, cách thức liên hệ, quy trình sản xuất…

 Nguồn: VITIC tổng hợp

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website