Trong các bản làng của người Tày, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống vẫn hiện hữu, đặc biệt trong các nghi lễ quan trọng như đám cưới, lễ đầy tháng, đám tang. Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn trang trí. Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Tày có từ bao giờ, mà chỉ biết những tấm vải thổ cẩm do chính họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với những hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm sắc thái dân tộc. Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, do giá tơ tằm đắt nên ngày nay người dệt thổ cẩm dùng len có chi phí thấp hơn để thay thế. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công và chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày mà những tấm thổ cẩm nên hình nên dạng vô cùng đặc sắc. Từ những tấm thổ cẩm tự tạo ấy người phụ nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc.
Sản phẩm dệt của người Tày rất phong phú, đa dạng. Ngoài mang yếu tố vật chất thì sản phẩm dệt còn mang yếu tố tinh thần và tâm linh sâu sắc. Trước đây, người Tày dệt các sản phẩm để làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình và phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, trong hoạt động văn hóa đời sống như: Trang phục, màn, vỏ chăn, rèm cửa, địu trẻ con, túi nải, giầy vải... những sản phẩm này gắn bó với họ từ thuở lọt lòng đến khi từ giã cõi đời. Cùng với định hướng phát triển du lịch của địa phương, các sản phẩm dệt là một trong những mặt hàng được nhiều khách du lịch đến Ba Bể yêu thích.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch ở địa phương đang phát triển mạnh mẽ, do đó nghề dệt thủ công truyền thống được quan tâm, chú trọng hơn. Các sản phẩm dệt thủ công truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vừa trở thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường tăng thêm thu nhập cho người dân. Tại bản văn hóa du lịch cộng đồng của người Tày, khách du lịch được tận mắt chứng kiến những người phụ nữ cần mẫn bên khung cửi dệt vải, mua các sản phẩm dệt thủ công yêu thích để làm quà lưu niệm. Tuy nhiên, sản phẩm dệt phục vụ nhu cầu khách du lịch mới chỉ có ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.
Để gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống của nghề dệt thủ công truyền thống, cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể như đầu tư kinh phí, triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn nghề dệt
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày Bắc Kạn đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với việc mở các lớp đào tạo nghề, phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Kạn đã có những biện pháp cụ thể như khuyến khích người dân trồng bông, sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống; có chính sách hỗ trợ để cải tiến khung dệt, giúp người sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới để nâng cao năng xuất và chất lượng của sản phẩm dệt, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Triển khai các chương trình, dự án nhằm bảo tồn nghề dệt như: mở lớp dạy nghề dệt thủ công tại địa phương; dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống, trong đó có nhà trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc của địa phương, giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt gắn với phát triển du lịch tại địa phương... Tổ chức các lễ hội truyền thống, thành lập các đội văn nghệ trong đó sử dụng trang phục dân tộc khi biểu diễn các tiết mục văn hóa, văn nghệ; xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc thi về nghề dệt, tôn vinh sản phẩm dệt sáng tạo tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dệt gắn với cơ chế, chính sách phát triển du lịch của địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc trưng bày triển lãm... Những chiếc túi dệt thủ công có thêu dòng chữ “Du lịch Hồ Ba Bể” sẽ là những món quà lưu niệm đặc biệt đầy ý nghĩa đối với mỗi du khách khi đến với Bắc Kạn.
Thủy Trần