Thứ Ba, 29/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đưa gạo Séng Cù Lào Cai an toàn, chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng

Gạo Séng Cù Lào Cai được xem là một trong những loại gạo ngon nhất trong cả nước. Bắt đầu từ năm 2018, khi mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù an toàn được thực hiện, nông dân vùng trồng lúa Séng Cù đã có tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp, đó là sản xuất an toàn, chất lượng cao, hướng tới phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Lào Cai nổi tiếng cả nước với đặc sản gạo Séng Cù có hương vị thơm ngon tự nhiên, hàm lượng dinh dưỡng cao

Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, giáp ranh giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc. Phía Bắc Lào Cai giáp Trung Quốc, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái. Tỉnh lị là thành phố Lào Cai, cách Hà Nội 330 km.

Lào Cai nổi tiếng với đặc sản gạo Séng Cù. Mặc dù loại gạo này có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng được trồng tại nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam từ đầu những năm 90 thế kỷ trước và có mặt ở tỉnh Lào Cai từ năm 1996.

Giống gạo Séng Cù có đặc điểm là rất kén đất, không phải nơi nào cũng có thể trồng được, vì thế loại gạo này chỉ cho chất lượng tốt nhất khi được trồng ở 2 huyện Bát Xát và Mường Khương. Nhiều người cũng đem giống lúa gạo Séng Cù trồng ở các địa bàn thấp hơn của Lào Cai và ở các tỉnh khác, nhưng theo phản ánh của người tiêu dùng thì giống gạo Séng Cù Lào Cai cho chất lượng nổi trội hơn. Ngoài ra, do bà con trồng cùng ngày, gặt cùng ngày nên chất lượng hạt gạo đồng đều, to, mập. Để cho ra sản phẩm gạo ngon nhất, phải chọn vùng đất có độ cao trên 500 m so với mặt nước biển, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm từ 8-15 độ C, chất đất phù sa cổ và đất feralit với hàm lượng kali cao, nguồn nước cung cấp cho đồng ruộng chảy trực tiếp từ trong núi.

Gạo Séng Cù “Đặc Sản Lào Cai – Tây Bắc” được xay xát từ thóc Séng Cù loại thóc thơm, hạt to, mập. Hạt gạo Séng Cù có đặc điểm là hạt dài, to, màu trắng ngà, không bóng bẩy, hạt gạo mẩy đều cho chất cơm thơm, ngọt đậm đà, vị bùi và hàm lượng dinh dưỡng từ tinh bột, Protein, Vitamin, khoáng chất cao gấp nhiều lần so với gạo thông thường nên rất tốt cho sức khỏe người dùng.

Gạo mầm có giá trị dinh dưỡng cao hơn gạo thường, với sự gia tăng hàm lượng một số chất dinh dưỡng đặc biệt như gamma amino butyric acid (GABA), viatamin E, niacin, vitamin B1, B6 và một số chất chống ôxy hóa, rất thích hợp dùng cho người ăn kiêng vốn cần bổ sung vi chất.

Hướng dẫn cách nấu cơm ngon từ gạo Séng Cù và cách bảo quản

Nấu gạo Séng Cù cần lưu ý khi vo gạo không nên xát mạnh tay mà chỉ nên khuấy nhẹ tay, gạn nước nhằm loại trừ trấu. Đong nước theo tỉ lệ số bát gạo bằng số bát nước và thêm 1/2 bát. Ví dụ nấu 1 bát gạo đong 1,5 bát nước, tương tự 2 bát gạo sẽ đong 2,5 bát nước.

Lưu ý là không mở nắp nồi trong lúc nấu cho đến sau khi cơm sôi được 15 phút. Dù nấu cơm bằng nồi gang hay nồi cơm điện đều nên nấu bằng nước sôi, lúc này hạt cơm sẽ dẻo hơn, các chất dinh dưỡng ít bị mất hơn. Vì khi nấu bằng nước sôi, lớp ngoài của hạt gạo co lại, tạo lớp màng bảo vệ hạt gạo không bị nứt, vỡ. Nấu cơm bằng nước lạnh, hạt gạo sẽ trương nở ra, các chất dinh dưỡng cũng theo đó mà tan ra trong nước. Nếu nấu cơm bằng lửa, khi cơm sôi, nên cho nhỏ lửa, đậy vung để giữ nhiệt, tránh tiếp xúc với không khí - yếu tố phá huỷ thêm các vitamin trong gạo. Với cách làm như vậy, lượng vitamin B1 được giữ lại sẽ nhiều hơn đến 30% so với cách nấu bằng nước lạnh.

Nếu muốn cơm bắt mắt hơn, khi nấu có thể thêm ít muối, bơ hoặc dầu để cơm bóng và hạn chế dính, cháy ở đáy nồi. Sau khi nấu xong, nồi chuyển sang chế độ giữ ấm, lúc này có thể rút điện ra và để yên không mở nắp trong vòng 10 - 15 phút, giúp cơm khô bề mặt, chín đều và hạt cơm không bị dính vào thân nồi.

Cần phải bảo quản gạo ở nơi thoáng mát, khô ráo. Bảo quản trong các thùng nhựa, chum gạo và đậy nắp kín.

Gạo mầm Séng Cù - Lào Cai

Sản xuất gạo Séng Cù theo tiêu chuẩn VietGap nhằm đảm bảo nguồn cung và tiêu thụ ổn định

Hầu hết diện tích lúa Séng Cù được gieo trồng ở chân đất vàn cao (dưới chân núi), ánh nắng mặt trời ít, khi thu hoạch sẽ có rất nhiều hoa lúa màu đen lẫn trong thóc.

Lúa Séng Cù có thời gian sinh trưởng ngắn: 100-115 ngày, cao cây, cứng rạ, chống chịu hạn tốt. Lúa Séng Cù được gieo trồng 2 vụ trong năm. Vụ lúa chiêm xuân cấy từ tháng 12-1 dương lịch, thu hoạch vào tháng 5-6. Lúa chính vụ cấy từ tháng 7. Cuối tháng 10 thì bắt đầu thu hoạch. Năng suất trung bình đạt 40-50 tạ ha.

Giá gạo cũng phụ thuộc vào độ khô của thóc, mẫu mã gạo nhiều tấm hay ít tấm, còn đầu đen hay đã lọc. Trên thị trường, gạo séng cù Bát Xát, Mường Khương được bán đến tay người tiêu dùng với giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg. So với các giống lúa cao sản khác, trồng lúa Séng Cù thu nhập cao hơn 1,5 lần, bình quân mỗi ha cho thu lãi khoảng 60 triệu đồng.

Thóc Séng Cù là loại thóc thơm, có râu, hạt to, mập. Hạt gạo Séng Cù có đặc điểm là hạt gạo mẩy đều 10 hạt như một cho chất cơm thơm, ngọt đậm đà, vị bùi. Do còn giữ phương thức canh tác cổ truyền có từ ngàn xưa của bà con người Thái, người Dao đã tạo cho gạo Séng Cù một hương vị rất đậm đà và đầy khác biệt. Cơm dẻo và dai, khi nguội cơm vẫn rất mềm và ngon. Bởi vậy, gạo được vinh danh là sản phẩm thượng hạng của riêng vùng đất Lào Cai và Tây Bắc. Món quà đầy ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè của những người khi có dịp lên Tây Bắc.

Sản lượng gạo Séng Cù mỗi năm tại Lào Cai từ 2.300-2.500 tấn, không đủ cung cấp cho thị trường, dẫn đến nhiều loại gạo giả danh. Do đó, để không phải mua phải hàng giả, người tiêu dùng cần chú ý những đặc điểm như sau:

Hạt thóc Séng Cù dễ phân biệt với các loại khác bởi vỏ dầy, cứng hơn, đầu hạt có râu. Hạt gạo Séng Cù dài, cứng hơn gạo tẻ thường, mùi thơm nhẹ chứ không ngào ngạt như các loại gạo tẻ thơm khác. Cơm nấu lên dẻo, mềm, càng nhai lâu càng ngọt, gạo thơm dịu như mùi hoa rừng, để nguội vẫn thơm, không cứng.

Ngoài ra, thóc Séng Cù khi thu hoạch về thường được phơi thủ công, ở miền núi ít nắng sẽ khó có độ khô đạt chuẩn vì vậy nếu được sấy khô để độ ẩm dưới 14% thì thóc sẽ cho chất lượng gạo tốt hơn, hạt đều hơn, khi xay xát máy công nghiệp nếu làm thủ công thì chất lượng gạo chỉ tương đối. Trước kia, người dân thu hoạch lúa về phơi thủ công truyền thống, điều kiện vùng cao ít nắng khiến thời gian bảo quản ngắn, chỉ đủ ăn giữa mùa.

Những năm gần đây, các huyện trồng lúa Séng Cù tại Lào Cai áp dụng nhiều chính sách phát triển giống gạo đặc sản này. Cụ thể, người dân thực hiện canh tác tập trung, cánh đồng một giống, sử dụng phân bón vi sinh… để đem lại thêm thu nhập kinh tế cao, tạo điều kiện mở rộng thị trường cho loại gạo đặc sản.

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đòi hỏi hạt gạo sạch phải đảm bảo về an toàn và chất lượng sản phẩm. 

Trước đây, việc sản xuất loại lúa đặc sản tại Mường Vi, huyện Bát Xát gặp không ít khó khăn về thị trường, giá cả bấp bênh, hay bị tư thương ép giá. Chính vì vậy, huyện Bát Xát là một trong những điểm đẩy mạnh nhất việc sản xuất và thương mại hóa gạo Séng Cù, tất cả các xã đều gieo cấy giống này, chính quyền địa phương nơi đây luôn khuyến khích phát triển giống lúa này bằng việc xây dựng chương trình canh tác theo mô hình “cánh đồng một giống” với 100% giống lúa Séng Cù chất lượng cao vào vụ mùa trên cánh đồng Mường Vi. Địa phương đang được Nhật Bản chuyển giao công nghệ thâm canh cây lúa theo 5 quy trình của Nhật Bản để bà con ứng dụng.

Bên cạnh đó, từ khi Hợp tác xã Tiên Phong được thành lập, ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, thì hạt gạo Séng Cù đã có thị trường ổn định, người dân yên tâm gắn bó với sản xuất. Khi thương hiệu của sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, việc thực hiện cánh đồng “một giống” chính là mục tiêu đang được Hợp tác xã Tiên Phong triển khai thực hiện.

Sự liên kết chặt chẽ mở ra cho người dân hướng phát triển kinh tế, gắn bó với cây lúa Séng Cù. Không chỉ xã viên, nhiều người dân trong xã Mường Vi khi làm ra sản phẩm cũng đã có được đầu ra, giá cả ổn định.

Đồng thời, với việc hỗ trợ, liên kết, đảm bảo chế biến tiêu thụ sản phẩm cho người dân, sản lượng gạo Séng Cù được Hợp tác xã Tiên Phong ký kết với giá cả ổn định và có thị trường tiêu thụ vài trăm tấn mỗi năm. Đây chính là điều kiện để bà con yên tâm phát triển giống lúa gạo đặc sản này. Với sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân, cho thấy, Hợp tác xã Tiên Phong là mô hình phát triển kinh tế xuất phát từ lợi ích của nông dân. Đây được coi là mô hình kiểu mẫu, mà các hợp tác xã đang hướng tới.

Từ vụ đông xuân 2017, hợp tác xã đã thí điểm mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP để làm cơ sở nhân rộng mô hình này trong các năm tiếp theo. Đồng thời, xây dựng thương hiệu từ một chuỗi sản xuất liên kết với nông dân tại địa phương theo quy mô kết nối 4 nhà, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm và xây dựng chuỗi bán hàng tại các thành phố lớn nhằm tránh tình trạng người tiêu dùng nhầm gạo Séng Cù Mường Vi với các loại gạo khác. Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh quảng bá thông tin về gạo Séng Cù tới người tiêu dùng qua các kênh truyền thông của địa phương.

Tận dụng cơ hội tỉnh Lào Cai quy hoạch cánh đồng lớn chuyên canh giống lúa Séng Cù rộng 600 ha tại 2 huyện Bát Xát và huyện Mường Khương, Hợp tác xã Tiên Phong đã đẩy mạnh kế hoạch gia tăng giá trị sản phẩm gạo bằng việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất theo quy trình liên hoàn (sấy khô nguyên liệu - xay xát - tách màu - đóng gói), xây dựng thương hiệu.  Nhờ vậy, mà sản phẩm được nâng cao giá trị và có thị trường tiêu thụ ổn định.

UBND tỉnh Lào Cai triển khai mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản và áp dụng công nghệ cao hướng tới tiêu chuẩn hữu cơ

Tại thành phố Lào Cai, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Công ty CP Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội nghị triển khai mô hình "Liên kết sản xuất lúa gạo đặc sản và áp dùng công nghệ cao hướng tới tiêu chuẩn hữu cơ" tại 4 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm Lào Cai, Hà Nội, Điện Biên, Yên Bái.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu thế tất yếu trong giai đoạn hiện nay, khi mà các địa phương trong cả nước nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị.

Tại Lào Cai, sản xuất hữu cơ được triển khai từ rất sớm trên một số cây trồng như chè, rau, lúa… Đặc biệt, những năm qua, ngành nông nghiệp mời được các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất tại các địa phương trong tỉnh, một số chuỗi đã hình thành và phát triển như chuỗi gạo Séng Cù, chuỗi tương ớt, chuỗi cá nước lạnh…

Tuy nhiên, các sản phẩm này diện tích chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ngành nông nghiệp Lào Cai sẽ lựa chọn giới thiệu một số vùng có thể sản xuất lúa gạo hữu cơ để Công ty Cổ phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh triển khai thí điểm và mở rộng. Dự kiến từ nay đến năm 2020, Lào Cai triển khai các cánh đồng lúa an toàn hướng tới sản xuất lúa gạo hữu cơ đạt khoảng 10% diện tích canh tác, tương đương 2.000 ha.

Để mô hình liên kết sản xuất lúa gạo đặc sản được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả, Công ty Cổ Phần Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh có kế hoạch triển khai cụ thể đến các địa phương, như lộ trình xây dựng vùng sản xuất lúa gạo an toàn, hữu cơ; phương thức liên kết, thu mua sản phẩm; quy cách sản phẩm và trách nhiệm của các bên liên quan…

Năm 2018, Công ty Bảo Minh đã liên kết sản xuất thí điểm tại Lào Cai 105 ha lúa đặc sản, trong đó 30 ha lúa Séng Cù, 30 ha lúa Japonnica, 10 ha nếp cẩm, 10 ha lức Huyết rồng, 5 ha nếp Thẩm Dương.

Nguồn: VITIC

Liên kết website