Thứ Tư, 09/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Toàn tỉnh Nghệ An có 23 hợp tác xã, làng nghề sản xuất các sản phẩm đặc trưng

Ngày đăng: 31/12/2018
Lượt xem: 1.216
Với điều kiện đất đai thuận lợi cho phát triển các loại cây dược liệu, cây ăn quả, rau xanh, cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, các HTX, làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tạo ra nhiều sản phẩm sạch, phong phú về chủng loại, mẫu mã, chất lượng tốt, mang tính đặc trưng của vùng miền.

Theo số liệu của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, hiện nay Nghệ An có 701 HTX, 151 làng nghề. Trong đó có 514 HTX nông nghiệp, 128 HTX phi nông nghiệp, 59 quỹ tín dụng.

Trong đó có 23 HTX, làng nghề sản xuất các sản phẩm đặc trưng của xứ Nghệ: Tương Nam Đàn; bánh đa, kẹo lạc (Đô Lương), cam Vinh ở Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Tân Kỳ...; nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), mật ong Tràng Kè ở Mỹ Thành (Yên Thành), dầu đậu nành ở Hưng Thịnh (Hưng Nguyên), tinh bột nghệ (thị xã Thái Hòa), gạo thảo dược ở Vĩnh Thành (Yên Thành), hương trầm (Quỳ Châu), bột ngũ cốc, chè, thịt bò... rau củ quả các loại. 

Những sản phẩm mang tính đặc trưng này đang được 23 HTX, làng nghề trên địa bàn tỉnh sản xuất, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Trong đó một số sản phẩm như: Tinh bột nghệ Hoa Sơn, tương Nam Đàn, cam Vinh Kỳ Yến, nước mắm Vạn Phần Diễn Châu, miến dong Nam Đàn, lươn thành phẩm... đã đi vào các hệ thống phân phối như: hệ thống siêu thị Vinmart, siêu thị Tứ Sơn An Giang, các nhà phân phối ở chợ Hàn Đà Nẵng, hệ thống siêu thị Intimex, hệ thống các đại lý, cửa hàng bán lẻ ở các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất bước đầu tiếp cận được các hệ thống phân phối hiện đại, nắm bắt xu thế thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng để thay đổi chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp hơn. Qua đó, thúc đẩy có hiệu quả và chất lượng hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các địa phương; hỗ trợ hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

Tính đến đầu tháng 8/2018, Nghệ An đã có 29 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được dán tem truy xuất nguồn gốc. Một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sau khi đăng ký, dán tem truy xuất nguồn gốc đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường như: Cam Vinh, tương Nam Đàn; nước mắm Vạn Phần; rau, củ quả Con Cuông; gà Thanh Chương; nước mắm thủy sản Nghệ An; rượu cam Con Cuông; ổi, bơ, dứa, thanh long, táo, đậu xanh, tỏi, cà phê và hạt tiêu của huyện Nghĩa Đàn. Việc sử dụng logo và hệ thống nhận diện thương hiệu đã được bảo hộ độc quyền sẽ là giải pháp để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm sạch, an toàn, rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, đây cũng là giải pháp để các địa phương, doanh nghiệp phải đầu tư đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản, tạo đầu ra bền vững và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản.

Theo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Nghệ An, tới đây sẽ có khoảng 10 sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn, trong đó có một số sản phẩm thuộc vùng dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Tương Nam Đàn

Tương Nam Đàn là kết tinh từ những nguyên liệu mộc mạc, dân dã, sinh trưởng trên mảnh ruộng, bãi bồi bình yên của đất Nghệ An. 

Đậu để nấu tương phải chọn loại hạt nhỏ như hạt tiêu, vị bùi và béo. Muối cũng phải là hạt muối tinh, trắng sạch không lẫn tạp chất. Ở nhiều vùng, nước nấu tương cũng được chọn lấy từ lòng giếng trong nhất, nước ngọt mát nhất. Nhiều hộ làm tương truyền thống cho biết, các nguyên liệu bắt buộc phải thật sạch, thật tự nhiên. Hiện sản phẩm tương Nam Đàn được đóng chai, có nhãn mác đầy đủ, được bày bán nhiều ở ngay chính "đất tương" là làng nghề truyền thống.

Cam Vinh 

Cam Vinh từ lâu đã là thương hiệu nổi tiếng của Nghệ An được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều địa phương trong cả nước trồng được cam, nhưng cam Vinh đặc biệt hơn với vỏ mỏng, tép vàng óng, vị thơm ngọt.

Ở Nghệ An có nhiều vùng trồng cam như cam Con Cuông, cam Quỳ Hợp, cam xã Đoài Nghi Lộc, cam Yên Thành, cam Thanh Chương...

Cam xã Đoài Nghi Lộc quý hiếm, chỉ bán theo quả chứ không bán theo cân, muốn mua nhiều cũng không có. Hiện, các vườn cam xã Đoài đang niêm yết giá bán từ 70.000 - 100.000 đồng/quả. Tuy nhiên, việc mua được nhiều cam xã Đoài là rất khó bởi các gốc cam đều đã được đặt hàng từ trước. Tại Hội chợ Cam Vinh, cửa hàng Cam xã Đoài quy định mỗi người chỉ được mua tối đa 5 quả.

Ngoài ra, với các loại cam khác, thời điểm này, các nhà vườn đang vào chính vụ, giá cả rất ổn định. Năm 2007, cam Vinh – đặc sản đầu tiên của Nghệ An được dán tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nâng tầm thương hiệu cam Vinh. 

Gà đồi Thanh Chương

Gà ri (gà cỏ) phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, nổi tiếng thơm ngon. Vùng đất Thanh Chương (Nghệ An) hội tụ nhiều đặc điểm về khí hậu, thổ nhưỡng để cho ra đời những con gà ri chất lượng cao.Với chất lượng thịt thơm ngon, nhiều năm trở lại đây, gà ri Thanh Chương đã nhận được sự quan tâm và tổ chức JICA (Nhật Bản) đã hỗ trợ nông dân làm cầu nối để đưa gà Thanh Chương bước rộng ra thị trường.  

Tháng 4/2014, UBND huyện Thanh Chương đã thành lập Hội Chăn nuôi gà Thanh Chương, đến nay đã có 72 thành viên tham gia. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê duyệt Dự án xây dựng phát triển thương hiệu tập thể gà Thanh Chương, tập trung vào 3 chỉ tiêu chí gồm lựa chọn con giống là gà cỏ địa phương, nuôi theo hình thức gà thả vườn, chăn nuôi an toàn sinh học.

Năm 2016, sau khi xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Thanh Chương”, sản phẩm nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận. Năm 2016, Thanh Chương mới có 10 hộ chăn nuôi 7.000 con gà; trọng lượng xuất chuồng 10.400 kg,  thu nhập 988 triệu đồng (thời điểm này giống gà chưa được sàng lọc). Năm 2017, đã có 20 hộ chăn nuôi gà giống theo chính sách hỗ trợ của huyện; số gà thịt đạt 20.000 con; trọng lượng xuất chuồng 30.000 kg;  doanh thu 3,15 tỷ đồng. Năm 2018, giữ nguyên 20 hộ chăn nuôi con giống; gà thịt đạt trên 40.000 con (trong đó gắn tem truy xuất nguồn gốc trên 17.000 con); trọng lượng xuất chuồng ước đạt 70.000 kg;  doanh thu 7,35 tỷ đồng.

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại cũng được huyện Thanh Chương rất quan tâm, năm 2016 hỗ trợ lắp đặt 1 biển quảng cáo lớn trên Quốc lộ 46  ranh giới giữa 2 huyện Nam Đàn và Thanh Chương. Hội Chăn nuôi gà đã tổ chức 2 điểm giới thiệu bán và tiêu thụ tại TP. Vinh; hỗ trợ tham gia các hội chợ giới thiệu quảng bá sản phẩm của thành phố và tỉnh Nghệ An.

Năm 2017, huyện hỗ trợ 20.000 tem truy xuất nguồn gốc; 10.000 tem truy xuất gắn trên bao bì; 10.000 túi xách in logo nhãn hiệu “Gà Thanh Chương”; 10.000 bao hút chân không, tổng số tiền hỗ trợ trên 100 triệu đồng. Năm 2018, Hội đã thu phí từ hội viên để nạp phí duy trì mã số, mã vạch nộp về Cục Quản  lý Đo lường Chất lượng năm 2017- 2019.

Sự khởi sắc của khu vực làng nghề, HTX có đóng góp tích cực từ chương trình khuyến công.

Hơn 10 năm qua, chương trình đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư kinh phí hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các nội dung nhằm phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thông qua các hoạt động hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề của Nghệ An đã phần nào được định vị trên thị trường, mang lại hiệu quả thiết thực về doanh thu, lợi nhuận.

Đơn cử, tại huyện Diễn Châu, có gần 100 hộ sản xuất tôm nõn tập trung tại 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc. Sau khi được đăng ký nhãn hiệu tập thể, các hộ sản xuất đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ thương hiệu, từ đó sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng hơn. Doanh thu năm 2017 của các hộ đã đạt 230 tỷ đồng, cao hơn từ 15 - 20% so với những năm trước. Tương tự, sau khi được hỗ trợ chuyển giao thương hiệu tập thể nước mắm Vạn Phần, các hộ sản xuất nước mắm tại 3 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích và Diễn Vạn đã xây dựng được mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất, sản lượng tiêu thụ cũng tăng 200 nghìn lít/năm.

Song song với hoạt động hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Nghệ An cũng đã phối hợp với đơn vị chức năng tại các địa phương trong tỉnh tổ chức đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề. Từ đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm nguồn lao động chất lượng tốt, có kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sự đồng hành của chương trình khuyến công đã giúp các làng nghề, thương hiệu làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày một phát triển và có chỗ đứng trên thị trường. 

Có thể thấy, Nghệ An có nhiều đặc sản, làng nghề, HTX nhưng việc kết nối thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo. Tuy nhiên, do phần lớn cơ sở có quy mô nhỏ, đầu tư cho sản xuất hạn chế nên sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh thấp, ứng dụng thương mại điện tử chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức…

Bên cạnh đó, quy định về các thủ tục để được hỗ trợ kinh phí khuyến công khá phức tạp cũng gây tâm lý ngại ngần cho các cơ sở khi được vận động tham gia. Để khắc phục những hạn chế trên, góp sức thúc đẩy các làng nghề phát triển hơn nữa, thời gian tới, Nghệ An sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực khuyến công; tích cực vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tham gia chương trình. Nâng cao chất lượng đối tượng tham gia; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện đề án, bảo đảm nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, ưu tiên dành nguồn lực triển khai các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, giúp các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hỗ trợ làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, giúp giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề. 

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa, thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở Công Thương và các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hoá theo chiều sâu, đa dạng với các địa phương trong và ngoài nước để khai thác hiệu quả thị trường nội địa, hướng tới thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, sản phẩm để bảo vệ những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu, chỉ dẫn địa lý để kết nối các sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: VITIC

Tin liên quan
Liên kết website