Thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60 km và cách sông Lục đầu khoảng 4 km, làng gốm Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu. Phù Lãng được trong và ngoài nước biết đến với nghề gốm truyền thống.
Sản phẩm gốm Phù Lãng gồm ba loại chính: đồ gồm dùng trong hoạt động tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương và các đồ thờ cúng; đồ gốm gia dụng rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, từ lọ, bình, ang, chum, vại, chậu, ấm đun nước, nồi niêu đến điếu bát, bình vôi...; đồ gốm trang trí, gồm bình trang trí, lọ cắm hoa, tranh gốm...
Gốm Phù Lãng có sắc thái riêng biệt, những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… được gọi chung là men da lươn. Nét nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kẹp, màu men tự nhiên, bền và lạ, dáng của gốm mộc mạc khỏe khoắn, mang vẻ đẹp nguyên sơ của đất và lửa, nhưng vẫn thấy nét điêu luyện trong điêu khắc tạo hình.
Người dân Phù Lãng đã thành công trong việc bảo tồn và phát triển nghề gốm trong cuộc cạnh tranh của các giòng gốm hiện đại hơn. Ngày nay làng gốm Phù Lãng là điểm du lịch thú vị cho những người muốn tìm về cội nguồn nghề gốm, có thể tham quan xưởng gốm, thậm chí có thể tự mình chế tác ra sản phẩm để làm kỷ niệm và tận hưởng trải nghiệm thú vị của nghề làm gốm.
Với những hoa văn họa tiết vừa mang đậm tính chất văn hóa phương Đông, nói chung và Việt Nam, nói riêng vừa mang tính hiện đại, sản phẩm gốm sứ Phù Lãng đã giới thiệu với bạn bè trên thế giới nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam.
Kỹ thuật làm gốm của làng gốm Phù Lãng
Gốm Phù Lãng được làm từ đất sét đỏ pha trắng, trước kia lấy đất sét này từ mỏ đất gần bến đò Cung Kiệm, Quế Võ, Bắc Ninh nhưng hiện nay mỏ đất sét này đã cạn kiệt nên người ta phải tìm ở nơi khác, một trong những nơi đó là cánh đồng làng Bùi Bến, Yên Lư, Yên Dũng, Bắc Giang. Đất lấy về phải là loại đất có độ dẻo, sau đó được phơi đến khi bạc màu, trộn lẫn các lần đất phơi trước đó, đập thành những viên nhỏ bằng quả táo rồi cho vào ngậm nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất nhuyễn mịn. Ngoài các sản phẩm được chế tác trên bàn xoay chủ yếu là đồ gia dụng, còn có các sản phẩm được chế tác bằng khuôn đúc hoặc thủ công, chủ yếu là các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Khi sản phẩm se có thể đem đi tráng men.
Điểm độc đáo của đồ gốm Phù Lãng chính là kỹ thuật làm men. Ở đây, men được làm từ tro gỗ cứng, thường là lim, sến, táu và nghiến, những loại cây này khi đốt, tàn tro trắng như tàn thuốc lá, trộn với vôi bột, sỏi nghiền nát và bùn phù sa trắng theo một tỷ lệ nhất định, sau đó để khô, đập nhỏ, gạn qua rây bột, pha nước thành chất lỏng quánh, có màu vàng như vật ong. Loại men này được quét lên sản phẩm gốm rồi đem phơi khô, khi đó, sản phẩm gốm sẽ có màu trắng đục.
Công đoạn cuối cùng chính là nung. Điều đặc biệt là cho tới nay gốm Phù Lãng vẫn được nung bằng củi, chính việc nung bằng củi đã tạo ra nét đặc trưng của mặt da gốm Phù Lãng không lẫn với gốm sản xuất từ các nơi khác, đó là hình như dấu vết của lửa táp còn lưu lại trên mặt gốm. Nung là bước vô cùng quan trọng để đảm bảo hình dạng và màu sắc của sản phẩm. Nhiệt độ lò nung phải đạt 1000°C, như vậy lớp da ngoài mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Sản phẩm xếp vào lò phải đảm bảo tiết kiệm tối đa không gian trong lò vì chi phí một mẻ đốt lò thường rất lớn. Sản phẩm gốm được đun liền ba ngày ba đêm, lượng nhiệt trong lò cũng phải được điều chỉnh tăng dần nhiệt độ đến ngày thứ hai khi gốm chín, rồi từ từ giảm nhiệt độ. Đến ngày cuối cùng gốm nguội dần, khi nguội hoàn toàn người ta lấy sản phẩm ra khỏi lò và bắt đầu công việc phân loại.
Từng công đoạn, từ chọn đất, tạo hình, tráng men đến nung gốm đều được các thợ gốm chăm chút cẩn thận, cầu kỳ cho đến khi chọn ra sản phẩm gốm đạt chất lượng.
Làng gốm Phù Lãng vẫn được lưu truyền và phát triển mạnh mẽ
Sản xuất gốm sứ đã hình thành từ rất lâu trên thế giới, thậm chí đã có nguồn gốc lâu đời từ những nước công nghiệp phát triển. Nhưng về sau, phần lớn họ chuyển sang sản xuất sản phẩm có kỹ thuật cao, giá trị thương mại cao hơn… Và những nước có nguồn tài nguyên dồi dào, chi phí nhân công rẻ như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan…, đã tận dụng được lợi thế này để tạo ra những sản phẩm gốm sứ đáp ứng nhu cầu của nhiều nước có ngành công nghiệp phát triển như: EU, Mỹ, Nhật, Úc…
Trên thị trường gốm sứ, Trung Quốc là nước đứng đầu về xuất khẩu trên thế giới. Yếu tố giúp cho gốm sứ Trung Quốc chi phối các kênh phân phối tại các nước đang phát triển, chiếm lĩnh thị trường lớn như vậy là nhờ vào giá rẻ. Tuy nhiên, ngày nay các nước phát triển không chỉ chú trọng đến vấn đề giá cả mà còn về yếu tố bền vững, đáp ứng những yếu tố về trách nhiệm xã hội. Do vậy ngành gốm sứ Việt Nam nói chung và gốm sứ Phù Lãng nói riêng cần nghiên cứu đặc điểm sản xuất và tiêu thụ gốm sứ nhằm có thêm cơ sở để xây dựng các giải pháp đẩy mạnh phát triển xuất khẩu bền vững cho các doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Tuy còn gặp không ít khó khăn trong cơ chế thị trường, nhưng thị phần của làng gốm vẫn được mở rộng, nhiều bạn hàng mới tìm đến với mong muốn được thấy nét cổ kính, chất màu, hoa văn đặc trưng của gốm Phù Lãng. Đây là điều kiện rất tốt để làng gốm có cơ hội tiếp thị hình ảnh, mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Bởi thế, nhiều sản phẩm mới được sản xuất và tiêu thụ mạnh, nhất là dòng gốm phục vụ trang trí nội thất nhà ở, đồ dùng phục vụ sinh hoạt như: Tranh treo tường, phù điêu, gạch ốp tường,…
Ở mỗi sản phẩm gốm ngày nay đều được các nghệ nhân tiếp thu những tinh hoa cổ với nét hiện đại giúp gốm Phù Lãng có kiểu dáng, hoa văn, họa tiết phong phú, đa dạng hơn và có sức cuốn hút lớn. Không những chiếm lĩnh được thị trường ở nhiều thành phố lớn trong nước mà gốm Phù Lãng được nhiều nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... nhập hàng. Nhiều sinh viên ở các trường thuộc khối mỹ thuật công nghiệp về thực tập tại làng gốm đã cho thấy sức hút của làng nghề.
Với những thế mạnh riêng, làng gốm Phù Lãng hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất hoạt động và cho ra lò hàng nghìn sản phẩm mỗi ngày, với nhiều mẫu hàng mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng cả nước. Từ nghề gốm, mỗi năm đã giải quyết được nguồn lao động lớn tại địa phương và nguồn thu nhiều tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân làng nghề.
Tạo sức bật cho nghề gốm để đạt hiệu quả cao hơn trong xuất khẩu
Theo số liệu thống kê, trong năm 2018, thị trường Đông Nam Á chiếm khoảng 24% giá trị xuất khẩu gốm sứ của Việt Nam, tiếp đến là thị trường Mỹ 20%, Liên minh châu Âu hơn 16%, Nhật 16%. Nhu cầu thị trường Đông Nam Á tăng cao đã giúp các doanh nghiệp gốm sứ trong nước có thêm đầu ra ổn định hơn.
Sản phẩm của Việt Nam được xác lập thuộc phân khúc thị trường giá rẻ, một phần là do sản phẩm gốm sứ Việt Nam chưa có thương hiệu, chưa có sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chưa tạo được nhiều nét độc đáo. Chính với giá thấp như vậy nên sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam, trong đó có cả gốm Phù Lãng cũng chưa nhận được sự quan tâm nhất của người tiêu dùng các nước do e ngại về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất mà các doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam phải bỏ ra là rất lớn do công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, lượng tiêu hao nguyên vật liệu nhiều. Do đó càng làm cho lợi nhuận thu về từ hoạt động xuất khẩu chưa đạt hiệu quả cao.
Mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam, trong đó có gốm Phù Lãng chủ yếu là sản xuất tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc đầu tư cho hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành hàng vẫn chưa được chú trọng. Các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin thị trường, chưa nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để có được nhiều sản phẩm phù hợp, cũng như chưa đầu tư nhiều cho việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Chính vì không có thương hiệu nên gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… chủ yếu thông qua trung gian là các công ty môi giới có văn phòng đặt tại Việt Nam, chiếm khoảng 80%. Hình thức ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp phân phối Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc mở cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng Nhật Bản, Hàn Quốc… chiếm tỷ lệ nhỏ. Đây cũng là nguyên nhân làm cho mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam chưa trực tiếp đàm phán được giá xuất khẩu tốt và phải chịu nhiều chi phí trung gian.
Dựa trên thực trạng này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tăng được giá trị cần phải có những giải pháp đầu tư cho chất lượng sản phẩm, từ khâu xử lý nguyên liệu, phủ men đến khâu nung sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng của Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư cho việc thiết kế mẫu mã sản phẩm, vừa tạo ra những sản phẩm khác biệt, mang đậm tính truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gốm sứ mỹ nghệ Việt Nam để phòng chống lại việc sao chép bất hợp pháp của các đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp cũng nên đẩy mạnh một số hoạt động xúc tiến thương mại trên thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… để giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng Nhật Bản cũng như các thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…
Để đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của ngành nghề gốm sứ, tạo sức bật cho nghề gốm Phù Lãng sánh với những làng nghề gốm sứ truyền thống khác trong nước, tỉnh cũng như địa phương đã có những chủ trương nhằm tạo bước đi vững cho nghề gốm: khuyến khích các hộ sản xuất đăng kí hoạt động kinh doanh dưới các hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, xây dựng những điểm dừng chân cho khách, khuyến khích khách du lịch tham gia vào các bước sản xuất sản phẩm…
Với những lợi thế có được từ trong quá trình gây dựng nên thương hiệu, kết hợp với điều kiện giao thông thuận lợi, thích hợp cho việc giao thương, gốm sứ Phù Lãng đang dần khẳng định thương hiệu, chỗ đứng của mình trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để nghề gốm sứ Phù Lãng ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa, huyện Phù Lãng đã có những quy hoạch vùng cụ thể như: quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch chợ gốm sứ, quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống sản xuất gốm sứ gắn với phát triển thăm quan du lịch, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Thương hiệu gốm sứ Phù Lãng từ trước đến nay vẫn luôn có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc đẩy mạnh thương mại điện tử để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh là cần thiết. Do đó không chỉ đơn thuần áp dụng phương thức bán lẻ truyền thống mà doanh nghiệp cần chú trọng vào thương mại điện tử. Mỗi mặt hàng của Phù Lãng cần được gắn tem nhận diện thương hiệu, tem truy vấn nguồn gốc nhằm hoàn thiện thông tin về sản phẩm. Khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin và đặt hàng trực tuyến trên website riêng. Những chính sách về lợi ích, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được công khai trên internet. Ngoài trưng bày mẫu mã sản phẩm, mô hình kinh doanh này còn giúp khách hàng hiểu thêm về làng nghề gốm cổ Phù Lãng.
Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, ngoài việc tăng cường mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng thì việc ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử cho các sản phẩm làng nghề đang dần được áp dụng sẽ trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao, đưa sản phẩm vươn xa hơn ra thị trường cả trong và ngoài nước.
Nguồn: VITIC tổng hợp