Chủ Nhật, 18/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Vĩnh Phúc phát triển làng nghề truyền thống

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 77 làng nghề, trong đó 19 làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Làng gốm Hương Canh, mây tre đan Triệu Đề, đá Hải Lựu, mộc Thanh Lãng, mộc Bích Chu, mộc Yên Lạc, rèn Lý Nhân, rắn Vĩnh Sơn… Các làng nghề này có thể gắn với du lịch, tăng doanh thu cho các địa phương. 

Một số làng nghề truyền thống đã và đang phát triển, sản phẩm làm ra được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Điển hình như làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Hải Lựu (Sông Lô); làng mộc Thủ Độ; đan lát Triệu Đề (Lập Thạch); làng nghề mộc Thanh Lãng (Bình Xuyên); mộc Minh Tân (Yên Lạc); mộc Bích Chu, Thủ Độ (Vĩnh Tường); làng nghề rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường); làng nghề gốm Hương Canh (Bình Xuyên); làng nghề rèn Lý Nhân (Vĩnh Tường)…

Một số làng nghề tiêu biểu:

Làng rắn Vĩnh Sơn:

Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nổi tiếng với làng nghề nuôi rắn từ lâu đời. Toàn xã hiện có 700 hộ nuôi rắn, chiếm gần 80% tổng số hộ dân trong xã. Năm 2006, xã Vĩnh Sơn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làng nghề rắn Vĩnh Sơn đạt tiêu chuẩn Làng nghề truyền thống. Đây là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung và phát triển làng nghề của Vĩnh Sơn trong giai đoạn mới.

Làng nghề rắn Vĩnh Sơn mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 200.000 tấn rắn thịt. Tính cả rắn thực phẩm, rượu rắn, mỗi năm tổng thu nhập từ ngành này khoảng 150 tỷ đồng, chiếm 70-75% tổng doanh thu toàn xã. Thị trường tiêu thụ rắn Vĩnh Sơn là nhà hàng, quán ăn đặc sản ở các đô thị trong cả nước... Người dân ở làng nghề rắn Vĩnh Sơn sản xuất ra nhiều sản phẩm đặc trưng từ rắn như: Rượu rắn, cao rắn, thịt rắn…

Để quảng bá hình ảnh về con người và làng nghề rắn Vĩnh Sơn ra bên ngoài, người dân Vĩnh Sơn mở các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn về hướng dẫn viên du lịch làng nghề sẽ giúp nâng cao trình độ, nhận thức cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân..., hướng tới việc cùng nhau phát triển làng nghề rắn thành một điểm du lịch nổi tiếng. 

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án xây dựng vùng Vĩnh Sơn thành “Làng nghề chăn nuôi rắn du lịch - dịch vụ”. Đây là cơ hội để Vĩnh Sơn phát triển thành điểm du lịch hấp dẫn du khách với những nét đặc trưng riêng không phải làng nghề nào cũng có được. Chính vì vậy, việc tận dụng nguồn lao động làng nghề và đào tạo họ trở thành những hướng dẫn viên thực thụ sẽ đem lại hiệu quả lớn trong phát triển du lịch. 

Thực tế cho thấy, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch sẽ giúp du khách có nhiều điểm đến và trải nghiệm thú vị, hấp dẫn. Phát triển du lịch làng nghề không những làm phong phú thêm loại hình du lịch ở địa phương mà còn làm cho những sản phẩm thủ công truyền thống trở thành vật lưu niệm, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề, thúc đẩy làng nghề phát triển. 

Làng gốm Hương Canh:

Làng gốm Hương Canh nằm tại thôn Lò Cang, thị trấn Hương Canh, huyện Xuyên Bình, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 12 km và cách Hà Nội 42 km.

Làng gốm Hương Canh có tuổi đời hơn 300 năm với đặc trưng thô, mộc với màu đất nung cháy. Đất, nước dưới bàn tay nhào trộn của người nghệ nhân, kết hợp với lửa tạo nên những món đồ có bề mặt bóng, sáng, giống như được phủ một lớp men, gọi là “men trong đất”. Làng gốm Hương Canh ở Vĩnh Phúc là làng gốm cổ sành, với những sản phẩm như chum vại, nồi niêu, ấm chén... có độ bền cao, nhằm phục vụ những nhu cầu dân dã thiết yếu.

Ngày nay, để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng, các nghệ nhân đã đổi mới sáng tạo, nhưng đồng thời cũng giữ lại những sản phẩm truyền thống. Gốm Hương Canh không chỉ đẹp mà còn đa dạng, phong phú, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Do vậy, gốm Hương Canh hiện nay còn cho ra lò các loại gốm xây dựng và gốm mỹ nghệ đẹp mắt. 

Gốm Hương Canh được làm từ đất sét xanh, khai thác tại địa phương, có độ mịn, ít cát, ít xương hơn so với các loại đất nguyên liệu khác. Sau quá trình làm đất kỹ lưỡng, đất trở nên dẻo cho nên dễ tạo hình sản phẩm. Đặc trưng lớn nhất của gốm Hương Canh nằm ở màu tự thân nhờ nguyên liệu đất trầm tích lắng đọng tự nhiên, dưới tác động của nhiệt sẽ trở nên bền chắc.

Sản phẩm gốm của Làng gốm Hương Canh

Làng nghề mộc Thanh Lãng

Nghề mộc của Vĩnh Phúc nổi tiếng với làng nghề mộc Bích Chu, Thủ Độ (thuộc xã An Tường, huyện Vĩnh Tường); Nghề mộc tại xã Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên); Mộc Minh Tân ( huyện Yên Lạc). Các sản phẩm mộc mỗi nơi chia ra các chủng loại sản phẩm khác nhau, như tại Bích Chu, Thủ Độ, nghề mộc chủ yếu tạo ra bàn ghế, lục bình… tại làng nghề Thanh Lãng thì chủ yếu tạo ra sản phẩm là các câu đối, các sập thờ và chiếu ngồi, còn làng nghề mộc Minh Tân thì chủ yếu tạo ra các loại giường, từ giường trường, giường trái tim… Các sản phẩm được tạo ra từ nhiều loại gỗ khác nhau mang đến sự phong phú trong các sản phẩm.

Thị trấn Thanh Lãng nằm phía Nam huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề mộc Thanh Lãng ngày càng nổi tiếng và phát triển theo phương thức cha truyền con nối. Sản phẩm đặc trưng của làng nghề chủ yếu là: Lâm đình, chùa, kiệu, án gian, long đình, thiều châu Trưng Nhĩ, đại tự, cuốn thư, câu đối, sập, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ, gia công nội thất.

Thanh Lãng có gần 2.000 hộ làm nghề với hơn 6.000 lao động. Giá trị sản phẩm kinh doanh từ nghề mộc truyền thống chiếm gần 60% tổng sản phẩm ở địa phương. Hiện tại, trên địa bàn thị trấn tập trung hàng chục doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nghề mộc, thị trường rộng mở từ Bắc vào Nam. Một số sản phẩm đồ gỗ cao cấp được xuất khẩu sang Lào, Campuchia…

Nghề mộc Thanh Lãng đã ra đời và phát triển hàng trăm năm qua. Hiện nay người dân làm mộc đã cùng nhau thành lập những tổ hợp sản xuất mộc; đồng thời, tích cực đầu tư máy móc, phát triển ngành nghề, tìm kiếm thị trường, cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm mộc ở Thanh Lãng đẹp về kiểu dáng, mẫu mã và đạt được trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao và ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhiều năm nay, tổng doanh thu từ nghề mộc đem lại cho thị trấn Thanh Lãng luôn đạt trên 100 tỷ đồng. Những thành tựu vượt bậc của nghề truyền thống đang làm thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương.

Nhằm giảm thiểu tối đa về ô nhiễm môi trường làng nghề, Thanh Lãng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề với diện tích gần chục ha. Các hộ sản xuất quy mô lớn trong các làng được ra tập trung sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ môi trường và tạo thêm nhiều việc làm cho nhân dân địa phương.

 Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website