Thứ Tư, 14/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Phú Yên xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản sạch

Phú Yên là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Để sản xuất nông nghiệp phát huy thế mạnh của tỉnh, việc nâng cao giá trị thương hiệu nông sản là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao giá trị nông sản theo chuỗi giá trị.

Tỉnh Phú Yên đã định hướng phát triển sản xuất theo hướng tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền; Khuyến khích các cơ sở chế biến nông sản đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất ... Theo đó, nhiều mô hình sản xuất theo hướng nâng cao kỹ thuật thâm canh, đa dạng cây trồng để tăng năng suất và chất lượng nông sản đã được triển khai và nhân rộng...

Tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình sản xuất tại vùng miền núi, giúp thay đổi tập quán canh tác của bà con, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng tới khâu giống, cơ giới hóa, đa dạng cơ cấu cây trồng, giảm chi phí sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp tự động hóa. Đến nay, người dân vùng miền núi đã căn bản nâng cao kỹ thuật canh tác, từng bước hiện đại hóa sản xuất… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các mô hình, trong đó tập trung vào các loại nông sản chủ lực gắn với mỗi xã một sản phẩm làng nghề, thử nghiệm các cây trồng mới, giống mới cho giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên tập trung phát triển các cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm, mực khô, mở rộng các cơ sở chế biến thủy sản tại các địa phương có lợi thế về khai thác và chế biến thủy sản. Khuyến khích cơ sở đầu tư nâng cấp mặt bằng sản xuất; thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ở các khu vực chế biến thủy, hải sản. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc đầu tư nhà xưởng, thiết bị, đổi mới công nghệ chế biến thịt và các phụ phẩm từ thịt của các loại gia súc, gia cầm; đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường và tiến tới xuất khẩu.

Một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Phú Yên

Nước mắm Gành Đỏ

Nước mắm Gành Đỏ Phú Yên là loại nước mắm truyền thống, có màu vàng óng và mùi thơm đặc biệt. Nghề làm nước mắm Gành Đỏ thuộc thôn Tân Thạnh, xã Xuân Thọ 2, huyện Sông Cầu là một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng từ bao đời nay.

Năm 2006, nước mắm Gành Đỏ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Cơ sở sản xuất nước mắm Tân Lập Gành Đỏ Phú Yên

Nước mắm Gành Đỏ có vị ngon đặc biệt, không thể lẫn với các loại nước mắm khác. Điều làm nên điểm đặc biệt của loại nước mắm này đến từ nguyên liệu và công thức chế biến truyền thống đặc trưng.

Nguyên liệu chính tạo nên nước mắm là cá cơm tươi ngon, được đánh bắt trực tiếp trên vùng biển Tuy An. Cá cơm được lựa chọn làm mắm phải là cá tươi, cá được đánh bắt đúng vụ, lúc con cá trưởng thành béo, để cho ra nước mắm có độ đạm cao nhất.

Nước mắm đạt chuẩn sẽ có màu đỏ như cánh gián, mùi thơm và vị mặn rất đặc trưng của cá cơm và muối biển, hương thơm đặc trưng. Sản phẩm có thể được dùng để tăng vị đậm đà cho rất nhiều món ăn khác nhau.

Cá ngừ Phú Yên

Cá ngừ Phú Yên là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn và còn nhiều dư địa cho phép phát triển khai thác, cá ngừ Phú Yên đã được tỉnh đăng ký là mặt hàng nông sản chủ lực và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Phú Yên hiện có khoảng 4.100 tàu khai thác xa bờ, trong đó có nhiều tàu khai thác cá ngừ đại dương. Sản lượng cá ngừ đại dương toàn tỉnh Phú Yên năm 2019 đạt 3.720 tấn/năm. Năm 2020, mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản của Phú Yên khoảng 55.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương khoảng 4.500 tấn.

Tỉnh Phú Yên tiếp tục triển khai các chính sách phát triển thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển đảo của Tổ quốc. Tỉnh Phú Yên khuyến khích ngư dân đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ khai thác với công nghệ hiện đại, từng bước đổi mới công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm sau khai thác nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cá ngừ đại dương Phú Yên cho Hiệp hội Cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên.

Đây là nhãn hiệu cá ngừ đại dương đầu tiên ở Việt Nam được cấp nhãn hiệu tập thể, làm cơ sở để các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm cá ngừ đại dương Phú Yên sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh. Đây cũng là căn cứ để quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng nhãn hiệu này để phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh Phú Yên. Nhãn hiệu tập thể có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giữ vững thương hiệu sản phẩm cá ngừ Phú Yên trên thị trường góp phần đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này tới các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu....

Bánh tráng Hòa Đa

Bánh tráng Hòa Đa là một nghề truyền thống của Thôn Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Bánh tráng Hòa Đa dẻo, thơm mùi gạo và được tráng rất đều, không lẫn với các sản phẩm bánh tráng khác. Làng Hòa Đa có trên 200 hộ tráng bánh quanh năm, mỗi mùa trước Tết thì tăng lên hơn 300 hộ. Món bánh tráng ở Phú Yên trở nên gần gũi với tất cả mọi người, gắn với đời sống, là văn hóa ẩm thực không thể thiếu trong dịp lễ tết, đám tiệc của người dân nơi đây.

Năm 2009, sản phẩm bánh tráng Hòa Đa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể bánh tráng Hòa Đa.

Cơ sở sản xuất bánh tráng Hòa Đa, Tuy An, Phú Yên

Để làng nghề bánh tráng Hòa Đa tiếp tục phát triển, giữ vững thương hiệu trên thị trường, thì cần phải có nguồn nguyên liệu tại chỗ, kịp thời nhanh chóng cung ứng đầy đủ cho nhu cầu của làng nghề. Song song việc phát triển chất lượng sản phẩm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên nhiều phương diện truyền thông, thương mại điện tử, tại các siêu thị.... Ngoài ra các lò sản xuất cần thống nhất về giá cả, hiện đại hóa, công nghệ hóa quy trình sản xuất... hướng đến phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, bền vững và lâu dài.

Bên cạnh đó, UBND huyện Tuy An cho xây dựng cổng làng nghề, khu trưng bày sản phẩm và củng cố hệ thống đường giao thông trong làng nghề để thuận lợi cho bà con vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm…

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website