Thứ Bảy, 05/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cây mắc ca - sản phẩm đặc hữu, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu phát triển kinh tế

Ngày đăng: 17/08/2023
Lượt xem: 321

Cây mắc ca được đánh giá là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh Lai Châu. Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, cây mắc ca đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh còn rất lớn.

Cây mắc ca có nguồn gốc từ rừng rậm ở châu Úc, nơi có khí hậu ẩm và cận nhiệt đới. Sau này cây mắc ca được trồng phổ biến ở các nước New Zealand, Brazil, Nam Phi… và lan rộng sang các nước khu vực Đông Nam Á.

Hạt mắc ca có mùi vị thơm ngon, béo ngậy và chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị. Nhờ những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe con người nên quả mắc ca được nhiều người ưu ái gọi là “hoàng hậu của quả khô” và được sử dụng như một nguồn thực phẩm quý.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây mắc ca rất lớn, Việt Nam đã tiến hành trồng thử nghiệm cây mắc ca đầu tiên tại vùng núi Ba Vì (Hà Nội), sau đó mở rộng sang các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa khu vực Tây Nguyên như: tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng (Di Linh, Bảo Lộc, Đơn Dương, Lâm Hà), 9 tỉnh vùng Tây Bắc và các tỉnh khác.

Tại tỉnh Lai Châu, cây mắc ca được triển khai trồng thử nghiệm từ năm 2011, chủ yếu là các dòng như: OC, 816, 246, 842, 849… Qua theo dõi, đánh giá tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu, một số dòng mắc ca đã trồng từ năm 2011 đến năm 2015 như: OC, 816, 246, QN… cây sinh trưởng, phát triển tương đối tốt, ra hoa nhiều và tỷ lệ đậu quả cao. Theo Hiệp hội mắc ca đánh giá, cây mắc ca trồng trên vùng đất Lai Châu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Hạt mắc ca trồng trên vùng núi đá dốc ở tỉnh Lai Châu có hàm lượng khoáng vi lượng tốt và dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người.

Cây mắc ca - sản phẩm đặc hữu, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Lai Châu phát triển kinh tế

Diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lai Châu đạt hơn 5,4 nghìn ha, trong đó diện tích các hộ gia đình, cá nhân thực hiện trên 2,76 nghìn ha; diện tích các tổ chức kinh tế thực hiện hơn 2,66 nghìn ha. Trong tổng diện tích có 2/3 diện tích mắc ca trồng thuần, còn lại là trồng xen canh với các loại cây trồng khác.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu, cây mắc ca được trồng chủ yếu tại các huyện Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Mường Tè, thành phố Lai Châu, Nậm Nhùn, Phong Thổ và Sìn Hồ. Hiện cây đã cho thu hoạch, năng suất trên diện tích trồng xen canh đạt 0,5 tấn/ha, còn trồng thuần năng suất, sản lượng cao hơn.

Hình ảnh hạt mắc ca khô của Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu, đạt chứng nhận OCOP 4 sao

Với khoảng 2 ha mắc ca, năng suất đạt từ 1,2 - 1,5 tấn/ha, giá bán khoảng 80.000  - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, doanh thu đạt gần 200 triệu đồng.

Ngoài lợi ích kinh tế mang lại, cây mắc ca còn giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc và trở thành cây đa mục đích. Hạt mắc ca của tỉnh Lai Châu được sử dụng trong sản xuất bánh, chế biến sữa … Nhờ đảm bảo chất lượng tốt, sản phẩm mắc ca ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được các thương lái tìm đến tận vườn để thu mua với số lượng lớn.

Hiện nhu cầu tiêu thụ hạt mắc ca rất lớn, trong khi nguồn cung nội địa còn hạn chế. Nhờ hàm lượng của hạt mắc ca có chất dinh dưỡng cao, nên một số các nhà máy sản xuất sữa có nhu cầu hợp tác với người dân địa phương tỉnh Lai Châu để đảm bảo nguồn cung ổn định.

Lai Châu chủ động đầu tư nhà máy chế biến hạt mắc ca

Dự báo đưa ra rằng, sản lượng cung và cầu mắc ca trên thế giới có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới. Đây là cơ sở để Việt Nam phát triển vùng trồng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường này trong giai đoạn 2021 – 2030 và những năm tiếp theo. Do đó, Chính phủ đã đặt ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam là phát triển cây mắc ca theo định hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Hai vùng tây bắc và Tây Nguyên được xác định trở thành trọng điểm để phát triển cây mắc ca.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, tỉnh Lai Châu cũng đã chủ động đảm bảo nguồn cung, hướng đến tiêu thụ bền vững. Theo đó, tỉnh Lai Châu đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ một cách bài bản, thận trọng. Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp chế biến quả mắc ca tại huyện Phong Thổ (công suất 500 tấn/năm) và Than Uyên (2.500-4.000 tấn/năm), đã giúp người dân yên tâm sản xuất.

Để góp phần hình thành các nông trường mắc ca với diện tích lớn, một số doanh nghiệp đầu tư vào loại cây này như Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu, Công ty An Đức Minh, Công ty cổ phần Liên Việt Lai Châu.

Công ty TNHH một thành viên Lai Châu, ở tổ 3 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) là đơn vị đầu tiên trồng cây mắc ca tại tỉnh Lai Châu. Theo đó, từ năm 2014, Công ty đã mua hạt giống mắc ca của Viện khoa học nông nghiệp về ươm. Vườn ươm của công ty rộng khoảng 7 ha, đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu cấp giấy chứng nhận cây đầu dòng.

Lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Trường Giang Lai Châu, cho biết: Sau khi ươm hạt giống khoảng 6 tháng, công ty lấy mắt ghép vào cây thực sinh, rồi mới đưa vào trồng hoặc bán ra thị trường. Năm 2015, công ty trồng được 30 ha mắc ca và trong 2 năm 2016, 2017, đơn vị trồng thêm khoảng 50 ha nữa. Đến thời điểm hiện tại, 80 ha cây mắc ca của công ty đã cho thu hoạch.

Để nâng cao giá trị cho sản phẩm, Công ty TNHH một thành viên Trường Giang Lai Châu đã sơ chế sản phẩm thành hạt mắc ca khô bán ra thị trường. Quy trình sơ chế hạt mắc ca khô khá đơn giản, sau khi thu hoạch quả tươi, công ty tiến hành tách vỏ rồi đưa ra phơi dưới trời nắng vừa phải. Thời gian phơi nắng quả mắc ca tươi phù hợp là từ 2 ngày - 3 ngày.

Để giữ được lượng tinh dầu, ăn ngon và bổ dưỡng hơn, quả mắc ca sau khi phơi nắng xong bắt buộc phải đưa vào kho lạnh để bảo quản. Bởi nếu đưa quả mắc ca vào sấy khô luôn thi sẽ không đảm bảo được hương vị và hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm.

Trước khi hút chân không, công ty sẽ tiến hành xẻ rãnh từng quả mắc ca. Với giá bán khoảng 300.000 đồng/kg, lợi nhuận mang lại khá tốt. Theo nhận định của người tiêu dùng, sản phẩm hạt mắc ca khô do Công ty TNHH một thành viên Trường Giang Lai Châu chế biến có mùi thơm, khi ăn còn có vị ngậy, giòn, ngon.

Ngoài sản phẩm mắc ca khô, Công ty còn sơ chế ra sản phẩm nhân hạt mắc ca khô. Quy trình sơ chế nhân hạt mắc ca khô cũng tương tự như sơ chế hạt mắc ca. Sản phẩm nhân hạt mắc ca khô khá tiện lợi cho người sử dụng. Giá bán nhân hạt mắc ca khô cao gấp nhiều lần so với hạt mắc ca khô, khoảng 1 triệu đồng/kg. Sản phẩm nhân hạt mắc ca khô do công ty sản xuất được xếp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Lai Châu.

Định hướng phát triển cây mắc ca của tỉnh Lai Châu trong thời gian tới

Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, tỉnh Lai Châu xác định cây mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế nhằm tạo an sinh xã hội, tạo sinh kế việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Hiện diện tích đất trống, nương kém hiệu quả của tỉnh Lai Châu còn nhiều, do đó tỉnh có chủ trương chuyển đổi sang trồng cây mắc ca để mở rộng diện tích. Theo đó, tỉnh định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ có khoảng 60.000 ha cây mắc ca. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2030 sẽ trồng mới trên 35.000 ha; giai đoạn 2031 – 2050 sẽ trồng mới thêm 20.000 ha và phấn đấu trở thành “thủ phủ” mắc ca của cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thành phố và Chi hội mắc ca tỉnh tiếp tục nghiên cứu sự phù hợp, rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để mở rộng diện tích trồng cây mắc ca; tích hợp vùng trồng mắc ca vào quy hoạch. Đồng thời tỉnh cũng sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế và môi trường phát triển cây mắc ca. Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện Đề án Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Hồng Thanh

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ tại đây

Tin liên quan
Liên kết website