Thứ Bảy, 26/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hòa Bình: Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch

Đến với Hòa Bình, ngoài trải nghiệm thú vị với các hình thức du lịch cộng đồng, homestay, với ẩm thực đa dạng và phong phú, du khách còn được khám phá nét nguyên bản trong các nghề thủ công. Trong đó, nghề dệt thổ cẩm của người Thái - Mai Châu với những tấm chăn, thảm vải, bộ trang phục, khắn áo… mang nét đặc trưng riêng và trở thành một kho tàng văn hóa quý giá. Để gìn giữ làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, tỉnh Hòa Bình phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, giới thiệu và quảng bá nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

Ngoài lợi thế về tiềm năng phát triển du lịch, tỉnh Hòa Bình có nhiều dân tộc ít người cùng sinh sống đã tạo thành một nơi đa sắc tộc, là nơi giàu bản sắc văn hóa. Trong đó, ẩm thực và sản phẩm dệt thổ cẩm của các dân tộc được coi là “đặc sản” nơi đây.

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa đặc sắc và không thể thiếu trong đời sống của người dân vùng núi cao của tỉnh Hòa Bình. Các công đoạn dệt thổ cẩm đều làm thủ công hoàn toàn nên đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, tinh tế trong quá trình dệt mới có thể tạo ra những tấm vải rực rỡ, họa tiết cầu kỳ, hoa văn đẹp mắt. Tấm vải thổ cẩm chứa đựng tâm huyết, tình yêu của người thợ dệt gửi gắm. Theo phong tục người Mường, với những nàng dâu mới, dệt thổ cẩm (tấm chăn, tấm áo, đệm, gối) là của “hồi môn” để mang về nhà chồng. Ngày nay, dệt thổ cẩm vừa là nét văn hóa đặc sắc nơi đây, vừa là sản phẩm mang tính hàng hóa, giúp người dân vùng núi cao cải thiện đời sống vật chất.

Hình ảnh đào tạo nghề dệt cho người dân địa phương

Trước đây, để dệt nên một tấm thổ cẩm, người dân địa phương phải mất khoảng 7 tháng trồng bông, trồng dâu sau đó trải qua nhiều công đoạn mới xe được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Những năm 90 của thế kỷ trước, du khách đã vô cũng thích thú khi đến với bản Lác, bản Nhót, Pom Coọng… và được nghe tiếng lách cách từ tiếng thoi đưa dệt vải.

Ngày nay, do quy luật phát triển của thị trường, để dệt nên một tấm vải thổ cẩm truyền thống, đồng bào dân tộc Mai Châu dệt từ những sợi tổng hợp qua xử lý được vận chuyển từ miền xuôi lên. Điều này đã khiến cho sản phẩm dệt thổ cẩm ở Mai Châu trở nên mai một, không giữ được nét đặc sắc vốn có trước kia và cũng không còn thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Chính vì vậy, nhiều khung cửi đã không được hoạt động thường xuyên và nhiều gia đình có xu hướng bỏ nghề.

Để gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm, tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt quy hoạch phát triển nghề nông thôn, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sau khi khảo sát về nội dung quy hoạch phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm tại tỉnh Hòa Bình đã quyết định đầu tư cho bà con trồng dâu và trồng bông làm vải thổ cẩm và vải tơ tằm.

 Việc gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm là góp phần gìn giữ biểu tượng văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bên cạnh đó còn góp phần quan trọng trong việc phát triển loại hình du lịch.

Gìn giữ và phát huy giá trị sản phẩm dệt thổ cẩm gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Nghề dệt thổ cẩm được cho là tinh hoa văn hóa của dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông… của tỉnh Hòa Bình. Sản phẩm dệt thổ cẩm được sản xuất theo phong cách truyền thống bằng khung cửi. Các sản phẩm như chăn, màn, đệm, gối… được tự tay người phụ nữ nơi đây làm ra với ý nghĩa rằng, đôi bàn tay khéo léo sẽ biết chăm lo, vun vén cho gia đình êm ấm. Cứ như vậy, những tấm vải thổ cẩm hiện diện trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân vùng núi nơi đây và trở thành một nét đẹp truyền thống. Ngày nay, sản phẩm dệt thổ cẩm còn là món quà vô cùng ý nghĩa tặng người thân, bạn bè mà mỗi du khách có dịp ghé thăm.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân vùng núi, vùng cao tỉnh Hòa Bình đã có sự thay đổi nhờ phát triển loại hình du lịch. Trong đó, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái trở thành một trong những nghề mũi nhọn, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa quảng bá văn hóa của người Thái, người Mường, người Dao, người Mông tới du khách trong nước và quốc tế. Nhờ vậy, tiềm năng du lịch làng nghề đối với địa phương được mở rộng, sản phẩm truyền thống được tiêu thụ tốt hơn ở cả trong và ngoài nước.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch gắn với sản phẩm dệt thổ cẩm, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Với kinh phí 5.774 triệu đồng, huyện Mai Châu đã xây dựng được cổng chào lớn tại ngã 3 Tòng Đậu, 4 cổng chào nhỏ, 4 bãi thu gom rác thải, trên 6 km đường… tại các xã Chiềng Châu, Nà Phòn, Tòng Đậu và thị trấn.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị cho sản phẩm, chính quyền địa phương đã khuyến khích thành lập các hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phẩm dệt thổ cẩm và cung cấp cho nhiều địa phương trong và ngoài nước. Hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có các làng nghề, cơ sở còn gìn giữ và phát triển mạnh, mang lại giá trị kinh tế cho người dân bản địa, gồm: Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu (Mai Châu), Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành (Lạc Sơn); làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xóm Cóm, xã Đông Lai (Tân Lạc).

Tại xã Chiềng Châu huyện Mai Châu có khoảng 30 hộ tham gia vào làng nghề dệt thổ cẩm. Bên cạnh việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề còn giải quyết công ăn, việc làm cho nhiều lao động, giúp nâng cao đời sống kinh tế cho người dân nơi đây.

Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ mạnh dạn liên kết với nhau thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu. Hợp tác xã liên kết với 45 hộ trong xóm và 100% sản phẩm của Hợp tác xã được dệt bằng tay. Kể từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu đã có nhiều hoạt động sáng tạo để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái, giúp cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Nhờ gìn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, sản phẩm dệt thổ cẩm của Hợp tác xã được tiêu thụ rộng rãi tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước và được xuất khẩu sang thị trường Pháp.

Nhằm quảng bá giá trị độc đáo các sản phẩm thổ cẩm tới du khách trong và ngoài nước, Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu trưng bày sản phẩm tại nhà nghỉ số 6 bản Lác. Bên cạnh đó, sản phẩm quà tặng từ thổ cẩm và quần áo thổ cẩm của Hợp tác xã đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Hiện sản phẩm dệt thổ cẩm của Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu khá đa dạng. Ngoài các sản phẩm như vải thổ cẩm, chăn, màn, khăn, gối, quần áo…, Hợp tác xã đã cho ra đời các sản phẩm phù hợp với xu thế hội nhập và thị hiếu khách hàng như túi xách, giày dép, thú nhồi bông … Đặc biệt, sản phẩm thú nhồi bông đã trở thành linh vật của SEA Games 31. Điều này đã mở ra hướng đi mới giúp quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc ra thị trường thế giới. Nhờ mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh thu của Hợp tác xã ngày càng tăng, giúp người dân tâm huyết với nghề hơn.

Đặc biệt,  Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu còn là địa điểm tham quan cho các em học sinh trong huyện và một số tỉnh lân cận. Hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế giúp các em học sinh, có thể hiểu hơn về làng nghề truyền thống, hiểu về thổ cẩm dân tộc và là thế hệ kế thừa, gìn giữ để nghề không thể mai một.

Tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, trước đây sản phẩm dệt tại địa phương chủ yếu được sản xuất theo phong cách truyền thống bằng khung cửi. Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển của thị trường, chính quyền địa phương đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, chuyên sản xuất các sản phẩm thổ cẩm và cung cấp cho nhiều nơi. Mô hình xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành cũng mang lại nhiều giá trị văn hóa và lợi ích kinh tế cho địa phương.

Năm 2021, Hợp tác xã đã được Nhà nước hỗ trợ chiếc máy dệt đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến thời điểm này sử dụng để dệt các sản phẩm có kích thước như chăn, gối, khăn, đệm với số lượng lớn. Các sản phẩm được ưa chuộng tại đây không chỉ là những bộ trang phục dân tộc truyền thống, mà người phụ nữ Mường còn sáng tạo nên nhiều loại phụ kiện thổ cẩm như: túi, ví, mũ, thú bông với màu sắc sặc sỡ, đa dạng về mẫu mã, hoa văn.

Hiện Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành có 170 khung dệt với 200 người dệt thường xuyên, chủ yếu tại xóm Lục và một số xã lân cận như Vũ Bình, Tân Mỹ, Ân Nghĩa... Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất trên 27.500 sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, mũ, khăn… phục vụ nhu cầu người dân trong địa bàn và các vùng lân cận. Sản phẩm dệt thổ cẩm của Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Để phát triển và giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành đã mở lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho người dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sản phẩm của Hợp tác xã làm ra đảm bảo chất lượng và đa dạng về mẫu mã, giá cả phù hợp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Như vậy có thể thấy, việc phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Để góp phần tạo đà cho du lịch gắn với phát triển dệt thổ cẩm, các hộ dân tham gia làng nghề, hợp tác xã mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư về cơ sở hạ tầng, chú trọng đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.

Định hướng phát triển sản phẩm dệt thổ cẩm tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới

Nhằm phát huy lợi thế về du lịch gắn với phát triển các sản phẩm truyền thống của địa phương, tỉnh Hòa Bình vẫn xác định nghề dệt thổ cẩm truyền thống là một trong những nghề mũi nhọn, giúp nâng cao giá trị kinh tế và giúp quảng bá văn hóa của người dân tộc thiểu số đến với bạn bè trong và ngoài nước. Do đó, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để làng nghề truyền thống tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và sự kiện lớn trên địa bàn các huyện, tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Ngoài giá trị về văn hóa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông… trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tạo ra giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Do đó, việc giữ và nâng cao tay nghề của người thợ, cần có hỗ trợ về đào tạo, nâng cao chất lượng mẫu mã, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để các sản phẩm vươn đến được thị trường lớn, tìm chỗ đứng vững chắc cho nghề dệt thổ cẩm.

Đối với các Hợp tác xã dệt thổ cẩm, định hướng thời gian tới là phát triển sản phẩm gắn với du lịch địa phương, kết hợp mô hình homestay gắn với trải nghiệm thực tế. Thông qua du khách đến tham quan, trải nghiệm, tấm vải thổ cẩm có thể được quảng bá rộng rãi hơn ra thị trường trong và ngoài nước.

Quỳnh Hồng

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website