Gốm Quảng Đức có nhiều yếu tố khá đặc biệt không chỉ nằm trong bản đồ gốm cổ Việt Nam mà còn có giá trị trên thế giới, nhất là việc sử dụng vỏ sò huyết đầm Ô Loan trong quá trình nung để tạo nên hình dáng nhận diện “dòng gốm vỏ sò” với men màu độc đáo.
Tiếp nối của dòng gốm Gò Sành trong lịch sử đã hình thành nên làng nghề truyền thống ở xã An Thạch, thôn Quảng Đức, huyện Tuy An, một trong những di sản văn hóa nổi bật của tỉnh Phú Yên. Người làm gốm Quảng Đức đã học theo nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, học được thêm những kỹ thuật mới, sản xuất sản phẩm theo các xu hướng mới nhưng giá trị truyền thống vẫn luôn chảy trong huyết mạch mỗi người dân làng nghề.
Nghệ nhân dùng nguyên liệu làm gốm là loại đất sét khai thác từ vùng An Định là vùng có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để làm nên sản phẩm gốm Quảng Đức. Nét đặc trưng trong chế tác là dấu vết vỏ sò bám dính trên sản phẩm. Trong quá trình nung người thợ đã sử dụng cây mằng lăng để đốt lò và sò huyết đầm Ô Loan tạo nên màu sắc đặc trưng của gốm Quảng Đức.
Gốm Quảng Đức, tỉnh Phú Yên
Sản phẩm gốm Quảng Đức đa dạng về chủng loại như vò, chậu, chóe, bình vôi, nậm rượu, hỏa lò… được sử dụng với màu men có nhiều màu như: màu đỏ, màu tro, xanh đồng, xanh dương, trắng đục…, nhưng cơ bản và nổi trội hơn cả là màu đen và da lươn. Có thể thấy được sự mộc mạc, thô ráp của gốm cổ Quảng Đức với màu men giản dị, đã tạo nên sự hấp dẫn bí ẩn, ấn tượng đối với các nhà nghiên cứu cũng như những người sưu tầm.
Với nét tạo hình mộc mạc, phủ men tro là chủ đạo, thường có dấu vỏ sò hằn lên cốt gốm, gốm Quảng Đức đã ghi dấu ấn của làng nghề truyền thống, là một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Làng gốm Quảng Đức được nhiều nhà khoa học biết đến và coi đây là làng gốm có giá trị trong việc nghiên cứu làng nghề ở Phú Yên.
Phú Yên sở hữu nhiều làng nghề có bề dày văn hoá và lịch sử, trong đó không ít làng nghề ở Phú Yên đã trở thành điểm du lịch hút khách. Một số làng nghề truyền thống đặc sắc có thể kể đến như: nghề chế biến nước mắm, bánh tráng, nấu rượu, dệt chiếu, đan đát, gốm, làng rau, làng hoa…
Các làng nghề thủ công truyền thống là điểm đến của khách du lịch để tham quan, mua sắm quà lưu niệm. Do đó việc phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch đang được đẩy mạnh tại Phú Yên.
Hiện bảo tàng Phú Yên đã đầu tư sưu tầm gìn giữ các sản phẩm và nghiên cứu các làng nghề truyền thống, trong đó có làng gốm Quảng Đức với sản phẩm có cách đây hàng trăm năm. Bảo tàng Phú Yên lưu giữ khá nhiều khuôn in, gốm tráng men bằng vỏ sò, chân đèn, lục bình, lư hương… Đây là một nguồn tư liệu, hiện vật rất quý, cần thiết cho công tác nghiên cứu, phục vụ nhu cầu tham quan.
Du lịch phát triển tạo thêm động lực để phát triển sản xuất, đặc biệt là khôi phục các làng nghề trở thành điểm đến phục vụ du khách như: làng nghề nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng rau Ngọc Lãng (thành phố Tuy Hòa), làng văn hóa du lịch Lê Diêm (huyện Sông Hinh), làng nghề gốm Quảng Đức (huyện Tuy An)… Các cấp chính quyền đã có có chủ trương, chính sách để khuyến khích việc giữ gìn và phát huy giá trị nghề truyền thống.
Hồng Nhuận