Thứ Bảy, 17/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Sản phẩm dược liệu của huyện Lạc Dương, Lâm Đồng khẳng định vị thế trên thị trường

Khí hậu huyện Lạc Dương quanh năm ôn hòa, mát mẻ, trong lành, rất thích hợp cho việc phát triển trồng các cây dược liệu. Trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Dương tiếp tục đầu sản xuất, chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu chất lượng cao, khẳng định vị thế và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Huyện Lạc Dương có địa hình bao quanh bởi núi, trong đó có ba dạng địa hình chính là núi cao, đồi thấp đến trung bình và thung lũng. Huyện Lạc Dương là nơi đầu nguồn của dòng sông Đa Nhim, chảy theo hướng Nam sang thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương. Trên địa bàn huyện có các ngọn núi cao trên 2.000 m, như núi Bidoup, núi Lang Biang, núi Chư Yen Du...

Do ở độ cao từ 1.200 m so với mực nước biển nên huyện Lạc Dương có điều kiện khí hậu ôn đới, với nhiệt độ trung bình hàng năm từ 16 - 22 độ C. Nhờ khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ, trong lành, nên rất thích hợp cho việc phát triển trồng các cây dược liệu cũng như các hoạt động du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng,…

Trong những năm gần đây, Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương xác định các nhóm giải pháp chiến lược cùng với mở rộng vùng sản xuất dược liệu nhằm để phát huy lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu cao nguyên. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân tại địa phương.

 Theo thống kê tính đến tháng 2/2023, diện tích sản xuất cây dược liệu trên địa bàn huyện Lạc Dương đạt khoảng 55 ha. Trong đó phân bổ 50 ha cây atiso tại thị trấn Lạc Dương và xã Lát, xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim; 3 ha cây đẳng sâm xã Đạ Chais; 2 ha cây đương quy xã Đạ Nhim; 0,3 ha cây sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) xã Đạ Chais.

Trong đó, sản lượng bình quân hàng năm đối với cây atiso đạt khoảng 1.200 tấn; đương quy 40 tấn; đẳng sâm 35 tấn. Đặc biệt, cây sâm sản xuất khoảng 2 năm vừa qua với diện tích 0,3 ha, đã đạt sản lượng khoảng 130 kg/năm. 

Cây dược liệu atiso huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng

Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Dương đã phát triển 4 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chủ yếu sản phẩm dược liệu atiso và đương quy. Trong đó có chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ atiso tại 2 xã Đạ Sar, Đạ Nhim giữa Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) với 10 hộ trồng 5 ha; Công ty TNHH Vĩnh Tiến với 40 hộ trồng 4 ha; Công ty TNHH Trà Ngọc Duy với 20 hộ trồng 2 ha.

Huyện Lạc Dương tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống dược liệu và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho năng suất cao

Hướng đến mục tiêu năm 2030, huyện Lạc Dương sẽ huy động nguồn vốn để mở rộng quy mô vùng nguyên liệu dược liệu khoảng 130 ha gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó:

Một là, phát triển diện tích cây atiso 100 ha, sản lượng lá, rễ, thân và hoa khoảng 10.000 tấn tươi, tập trung tại địa bàn các xã Đạ Sar (40 ha); Đạ Nhim (40 ha); xã Lát (10 ha); Đạ Chais (5 ha); thị trấn Lạc Dương (5 ha).

Hai là, cây đẳng sâm phát triển 10 ha, sản lượng khoảng 100 tấn tại thị trấn Lạc Dương (1 ha) và địa bàn các xã Đạ Sar (3 ha); Đạ Nhim (2 ha); Đạ Chais (2 ha), xã Đưng K’nớ (1 ha); xã Lát (1 ha).

Ba là, cây đương quy mở rộng diện tích 10 ha, sản lượng khoảng 100 tấn, phân bổ vùng nông nghiệp các xã Đạ Nhim (5 ha); Đạ Sar (3 ha); Đạ Chais (2 ha).

Dự kiến đến năm 2030 phát triển diện tích cây sâm khoảng 10 ha, sản lượng khoảng 10 tấn tại địa bàn các xã Đạ Sar (5 ha); Đạ Nhim (2 ha); Đạ Chais (2 ha), Đưng K’nớ (1 ha). Trong đó, thành lập vườn ươm giống với quy mô 2 ha tại địa bàn xã Đạ Sar...

Giải pháp trọng tâm của Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Dương đến năm 2030 là tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho năng suất; Nâng chất lượng trong sản xuất, chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có sức cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, giải pháp trọng tâm của Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Dương đến năm 2030 là tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho năng suất. Đồng thời, nâng chất lượng trong sản xuất, chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có sức cạnh tranh trên thị trường.

Thúy Hà

Liên kết website