Trong khi đó, tại huyện Bắc Hà - Lào Cai, do khí hậu thổ nhưỡng của huyện rất thích hợp cho cây lê phát triển nên quả lê to, tròn, có vị ngọt đặc trưng. Những năm gần đây, cây lê địa phương đã đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.
Lê là một cây ăn quả đặc sản của vùng ôn đới Việt Nam, lê được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung ở những nơi có độ cao 500 – 1500m so với mực nước biển.
Trong những năm gần đây một số tỉnh miền núi Phía Bắc đã nhập một số giống lê từ Tai Nung (Đài Loan) về trồng. Sau một số năm trồng thử nhận thấy giống lê Tai Nung có nhiều ưu điểm nổi trội so với giống địa phương và có khả năng thích hợp với điều kiện khí hậu ở một số vùng cao miền núi Phía Bắc.
Một số giống lê ở miền Bắc nước ta có thể kể tới như:
Lê xanh: Phân bố ở độ cao 6000 m trở lên (SaPa, Bắc Hà) quả hình bầu dục, vỏ màu xanh có má phớt hồng, trọng lượng quả trung bình 300 – 400 g, thịt quả trắng, nhiều nước, ăn ngọt, năng suất cao, phẩm chất khá, quả chín vào tháng 9, 10.
Lê nâu: Phân bố rộng, quả tròn, tròn dẹt nâu có chấm, trọng lượng quả trung bình 200 – 300 g thịt quả khô ngon, thơm khi chưa chín có vị chát, ra hoa vào tháng 3, 4; thu hoạch tháng 8, 9; năng suất 300 - 750 kg/cây.
Lê đường: Phân bố ở phạm vi hẹp, quả hình trứng, vỏ quả màu xanh, trọng lượng quả 200- 250 g, thịt quả giòn, ngọt thơm, ra hoa tháng - 3, thu hoạch tháng 8 - 9.
Mắc coọc (lê cọt): Phạm vi phân bố rộng, mọc khoẻ, quả nhỏ trọng lượng trung bình 100g, vỏ quả thô ráp, thịt quả khô, có vị chát.
Lê Đông Khê – Cao Bằng
Lê Đông Khê là loại lê nổi tiếng thơm ngọt nhất tỉnh Cao Bằng có vị ngọt, thơm và chát đặc trưng. Quả lê to, khi ăn cảm nhận vị ngọt thanh, mềm nhưng lại giòn. Quả lê chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, có lợi cho tiêu hóa và sức khỏe. Năm 2012, Lê Đông Khê lọt vào top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam do Tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn.
Để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của loại cây ăn quả đặc sản này, huyện Thạch An đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất bền vững cây lê vàng Đông Khê giai đoạn 2017 - 2020.
Theo kế hoạch của dự án, từ năm 2017 - 2019 trồng và khai thác 30 ha; từ năm 2020 trồng thêm 40 ha; giai đoạn tiếp theo sẽ trồng thêm 30 ha. Cũng theo kế hoạch, năm 2019, sẽ xây dựng kho bảo quản theo tiêu chuẩn Hàn Quốc; năm 2020, xây dựng hệ thống chế biến sau thu hoạch cho sản phẩm.
Tại Cao Bằng, cây lê được trồng chủ yếu ở các huyện Thạch An, Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng… Hiện nay, huyện Thạch An có gần 10 ha lê giống địa phương, tương đương với khoảng 4.000 cây được trồng chủ yếu ở xã Lê Lai và thị trấn Đông Khê. Tuy nhiên, tỷ lệ cho quả và chất lượng chỉ chiếm khoảng 70% tổng số cây; 30% còn lại mới được gây giống hoặc cây đã già, thoái hóa, không ra quả.
Nhận thấy những ưu thế nổi trội của lê Đông Khê ở Cao Bằng, tuy nhiên diện tích năng suất lại còn thấp, cây lại đang trong tình trạng thoái hóa, chính quyền và người dân nơi đây đang nỗ lực để bảo tồn và phát triển đặc sản trái cây quý này.
Thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng đang tập trung rà soát, lựa chọn các sản phẩm có triển vọng để đầu tư phát triển thành hàng hóa.
Theo đó, tỉnh Cao Bằng đề xuất 2 dự án phát triển sản phẩm trọng điểm với tổng nhu cầu vốn hỗ trợ 25 tỷ đồng. Trong đó có dự án phát triển cây lê vàng tại địa bàn các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Trà Lĩnh và Thạch An, năm 2018 diện tích khoảng 100 ha, phấn đấu đến năm 2020 nâng diện tích lên 500 ha; sản lượng đạt từ 10.000 - 15.000 tấn/năm. Dự án thứ hai là phát triển cây thạch đen tập trung tại huyện Thạch An, hiện có khoảng 220 ha, phấn đấu đến năm 2020 tăng diện tích lên 500 ha, sản lượng đạt 3.000 - 3.500 tấn/năm. Các huyện, thành phố đang xúc tiến thống kê, thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng về trình độ, vốn, công nghệ, lao động liên quan đến sản phẩm. Dự kiến quy hoạch các sản phẩm thế mạnh chủ lực, lựa chọn để quy hoạch đầu tư, hỗ trợ phát triển.
Lê Bắc Hà – Lào Cai
Nói đến cây ăn quả của huyện Bắc Hà phải kể đến các loại cây lê, đào và mận. Do khí hậu thổ nhưỡng của huyện rất thích hợp cho cây lê phát triển nên quả lê to, tròn, có vị ngọt đặc trưng. Những năm gần đây, cây lê địa phương đã đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.
Năm 2018, diễn biến thời tiết, khí hậu thuận lợi, cây lê sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, mẫu mã đẹp, cho năng suất, sản lượng cao gấp 2-3 lần so với năm 2017, chất lượng tốt, giá bán cao đã đem lại niềm vui cho bà con nông dân trồng lê tại địa phương.
Hiện tại, Bắc Hà có gần 160 ha diện tích đất trồng lê, trong đó, 20 ha trồng giống lê địa phương từ trước tại xã Lầu thí Ngài, Tả Văn Chư và Lùng Cải. Sản phẩm lê Bắc Hà vốn đã được thị trường ưa chuộng, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương. Năm 2018, tuy được mùa nhưng quả lê địa phương đã không còn giữ được chất lượng, quả nhỏ, méo, nhiều xơ và không còn giữ được vị ngọt như trước, là do nhân dân trồng quảng canh, không chịu đầu tư chăm sóc, không áp dụng kỹ thuật nên lê bị thoái hoá. Tuy nhiên, giá lê trên thị trường vẫn giữ được ở mức từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, giá lê chọn dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân trồng lê Bắc Hà.
Việc triển khai trồng cây ăn quả ôn đới phù hợp với điều kiện khí hậu ở vùng cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai là hướng đi phù hợp, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên của địa phương. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất lạc hậu của phần đông người dân vùng cao, chậm tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên có không ít diện tích Lê được hỗ trợ sản xuất nhưng chưa mang lại hiệu quả, có nhiều vườn trồng không được chăm sóc, bảo vệ nên cỏ dại lấn át, gia súc phá hại… một số vườn không được vin cành tạo tán để cây mọc tự nhiên nên năng suất thấp, cây có quả cũng khó thu hoạch…
Do vậy, để cây lê địa phương tiếp tục mang lại hiệu quả cao rất cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động sao cho các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận và áp dụng được các tiến bộ khoa học tiên tiến để chủ động hơn trong việc phát triển sản xuất cây lê.
Lê Lạng Sơn
Quả lê là một trong những loại quả đặc sản nổi tiếng của Lạng Sơn, tuy nhiên, những năm gần đây, chất lượng quả ngày càng đi xuống, cùng đó, diện tích trồng bị thu hẹp.
Những năm gần đây, tại các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn cũng như huyện Cao Lộc, loại quả này cũng ít được bày bán. Nếu có thì cũng chỉ một vài hàng bán với giá 7.000 – 8.000 đồng/kg. Không còn những quả lê to, đẹp, nổi bật với màu vàng cánh gián đặc trưng mà thay vào đó là những sọt lê quả nhỏ, méo mó, bên trong bị sâu, hỏng nhiều. Vì vậy, loại quả này không còn được nhiều người ưa chuộng.
Trước đây, trên địa bàn xã, cây lê được nhiều hộ trồng, do thường xuyên chăm sóc nên quả lê to, đều, đẹp quả ngọt, thơm đặc trưng. Tuy nhiên những năm gần đây, loại quả này không được ưa chuộng, giá bán tại vườn chỉ 2.000 – 3.000 đồng/kg, các hộ cứ để quả rụng chứ không mang ra chợ bán vì không đủ chi phí xăng xe đi lại. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn trên 1 ha lê do bà con trồng để ăn chứ không trồng cây mới.
Tình trạng vườn lê bị thoái hóa diễn ra ở hầu hết các xã trồng loại cây này. Nguyên nhân một phần do người dân tự nhân giống, các giống cây được trồng đi trồng lại nhiều lần dẫn đến tình trạng lai tạp, mất dần đặc điểm ưu tú vốn có của cây bố mẹ. Cùng với đó, người trồng không quan tâm chăm sóc, qua nhiều năm, cây già cỗi nên năng suất, chất lượng quả bắt đầu giảm. Giá bán thấp cũng là nguyên nhân khiến người dân không trồng mới. Đặc biệt khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, hoa lê được người dân các sau tỉnh, thành như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… ưa chuộng; sau Tết Nguyên đán, thương lái thường tìm đến các hộ trồng lê thu mua cành với giá 30 – 40 triệu đồng/vườn. Do nguồn lợi thu về từ cây trồng này không cao nên nhiều hộ chặt bán cả vườn để chuyển sang các cây trồng khác. Vì vậy, diện tích cây lê ngày càng bị thu hẹp.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc, toàn huyện hiện có gần 8 ha cây lê, phân bố rải rác tại các xã: Hòa Cư, Phú Xá, Lộc Yên, Thanh Lòa, Thạch Đạn… Huyện Cao Lộc đang tập trung phục tráng cây hồng không hạt Bảo Lâm, vì vậy, nguồn kinh phí cũng như sự quan tâm đến công tác trồng, chăm sóc cây lê còn hạn chế. Thời gian tới, việc phục tráng cây trồng này là điều cần đặc biệt quan tâm.
Để cây lê cho quả nếu trồng bằng cành chiết thì mất khoảng 3 – 5 năm, những năm sau, nếu muốn cây ra quả đều đẹp thì cần có sự chăm sóc như: bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh… Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các cấp chính quyền, các ban, ngành chuyên môn của huyện, tỉnh cần có sự quan tâm đúng mức. Phục tráng, phát triển cây lê không chỉ giữ cho tỉnh Lạng Sơn một loại đặc sản mà còn giúp người trồng lê có thêm thu nhập, cũng là thực hiện chủ trương mỗi địa phương một sản phẩm.
Cách nhận biết lê của Việt Nam với lê xuất xứ từ Trung Quốc
Trong đông y, lê chứa nhiều chất xơ hơn hầu hết các trái cây khác, nên khi ăn rất có lợi cho hoạt động tiêu hóa trong cơ thể. Trong quá trình hoạt động, chất xơ sẽ loại bỏ các hóa chất gây ung thư trong ruột kết, làm giảm nguy cơ phát triển ung thư ruột kết.
Ngoài ra, trong quả lê còn có phloretin flavonoid – hợp chất có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các khối u ác tính trong cơ thể con người. Ngoài ra, nó còn góp phần làm giảm các bệnh như bệnh bạch cầu, gan…
Với những công dụng trên, loại quả này đang được tiêu thụ mạnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...
Nguồn: VITIC