Thứ Hai, 07/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Bắc Kạn có 5 sản phẩm OCOP được công nhận 4 sao

Ngày đăng: 25/05/2019
Lượt xem: 1.050

Trong năm 2018, Bắc Kạn đã công nhận 37 sản phẩm OCOP đạt 03 sao trở lên. Cụ thể, có 5 sản phẩm của 4 đơn vị được công nhận sản phẩm đạt 4 sao; 32 sản phẩm của 28 đơn vị được công nhận sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sẽ được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng in trên bao bì sản phẩm theo quy định. 5 sản phẩm đạt 4 sao là: Sản phẩm Vi-cumax Nano curcumin của Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà; sản phẩm Trịnh Năng Curcumin và Trịnh Năng Gừng của Công ty TNHH Nhiệt Công nghiệp HTL; sản phẩm Tinh nghệ Bắc Kạn của Công ty cổ phần nông sản Bắc Kạn; sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan.

Bắc Kạn cùng với các tỉnh, thành trên cả nước đang triển khai “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm”, giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình OCOP) theo Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP ngày 5/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện Bắc Kạn đã ban hành Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP - BK). Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, Bắc Kạn đặt ra mục tiêu: Phát triển sản xuất kinh doanh ít nhất từ 30 - 40 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong tỉnh; xác định, lựa chọn hoàn thiện/nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ít nhất từ 10 - 20 sản phẩm truyền thống có tiềm năng và khả năng phát triển theo hướng thương mại hóa có quy mô trung bình và lớn; hình thành từ 20 - 30 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu 10 - 15 tổ chức đã có để phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống (là các công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã, tổ hợp tác...). Đến năm 2030, có 200 sản phẩm OCOP và phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 100 tổ chức kinh tế OCOP.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 124 sản phẩm lợi thế chia thành 06 nhóm có thể thực hiện Chương trình OCOP, trong đó có 48 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 13 sản phẩm nhóm đồ uống; 07 sản phẩm nhóm thảo dược; 03 sản phẩm nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí; 53 sản phẩm nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.

Năm 2018, Ban tổ chức chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn đã nhận được 76 sản phẩm của 56 tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện chương trình. Qua đánh giá, xếp hạng cấp huyện, thành phố có 48 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao đến 4 sao và được tham gia phân hạng OCOP cấp tỉnh. Tại vòng đánh giá, xếp hạng cấp tỉnh có 45 sản phẩm tham gia, kết quả chấm điểm 32 sản phẩm đạt 3 sao, 5 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 2 sao không đưa vào công nhận, xếp hạng cấp tỉnh và 2 sản phẩm chưa đủ giấy tờ, thủ tục nên không đánh giá.

Đáng chú ý là tất cả các sản phẩm tham gia phân hạng cấp tỉnh đều thuộc 3 nhóm: Thực phẩm, thảo dược, đồ uống của các cơ sở sản xuất tại 8/8 huyện, thành phố. Nhiều sản phẩm truyền thống của địa phương, đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, như: Gạo nếp Khẩu nua Lếch, gạo Bao thai Chợ Đồn, miến dong, tinh bột nghệ, rượu chuối, rượu men lá, chè Shan tuyết, quýt… Điều này đã phần nào cho thấy sức hút của chương trình OCOP, tạo cơ hội cho các sản phẩm địa phương nhìn nhận, đánh giá, so sánh, đồng thời cũng khẳng định sự tích cực sản xuất, đa dạng sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất.

Dòng sản phẩm nổi bật nhất tham gia chương trình OCOP năm nay là tinh nghệ. Theo nghiên cứu, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Bắc Kạn phù hợp để trồng nghệ, nhất là nghệ nếp vàng bản địa giàu hàm lượng curcumin cao. Hoạt chất Curcumin được chiết xuất từ nghệ (chiếm 0,3% trong củ nghệ) có khả năng chống lại nhiều loại bệnh. Nhận rõ giá trị từ cây nghệ, một số doanh nghiệp trong tỉnh đã nghiên cứu, đầu tư phát triển dòng sản phẩm từ nghệ, như: Curcumin nghệ, tinh bột nghệ, viên nghệ mật ong... Các sản phẩm tiêu biểu như: Vi-cumax Nano của Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà; Trịnh năng Curcumin, Trịnh Năng Gừng của Công ty TNHH Nhiệt Công nghiệp HTL; Tinh bột nghệ Bắc Kạn của Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn… đều là những sản phẩm có thương hiệu, gây tiếng vang trên thị trường toàn quốc trong thời gian gần đây. Đây cũng chính là những sản phẩm đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP cấp tỉnh chấm điểm cao nhất là 4 sao.

Năm 2019, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục xác định triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở theo đúng chu trình hằng năm. Trong đó sẽ phát triển ít nhất 25 sản phẩm OCOP mới. Tỉnh đã xác định mục tiêu là nâng cấp ít nhất 1 sản phẩm đã đạt 4 sao lên 5 sao; 16 sản phẩm đã đạt 3 sao lên 4 sao; tiếp tục hoàn thiện 31 sản phẩm đã đăng ký năm 2018 chưa đánh giá để tham gia trong năm 2019; phát triển ít nhất 25 sản phẩm mới, bình quân 3 sản phẩm/1huyện, thành phố; tư vấn, hỗ trợ tái cơ cấu bộ máy các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Có ít nhất 8 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP năm 2019 dưới dạng tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, mỗi huyện ít nhất có 01 tổ chức...

Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của Bắc Kạn

Vi-cumax Nano curcumin

Công ty TNHH Curcumin Bắc Hà được thành lập năm 2015, sau một thời gian tự nghiên cứu thành công công nghệ chiết xuất Nano Curcumin từ củ nghệ tươi đạt tinh khiết 98% đã được kiểm định tại Hàn Quốc và Mỹ cho ra sản phẩm Vi-Cumax Nano curcumin là tinh hoa của củ nghệ nếp vàng thuộc vùng núi Bắc Kạn. Đây là sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên toàn lãnh thổ, đạt tiêu chuẩn phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) và tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP (Good Manufacturing Practice). Sản phẩm Vi-Cumax Nano Curcumin được sản xuất và đóng gói tại nhà máy được Bộ Y tế cấp phép là thực phẩm bảo vệ sức khỏe kích cỡ hạt nhỏ nhất hiện nay 16-30 nanomet công nghệ vượt trội đã loại bỏ hết tạp chất không có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt nhà máy đã nghiên cứu tự chế máy móc với ưu điểm vượt trội từ khâu bóc vỏ đến tách chiết.

Năm 2015 nhà máy đã đưa sản phẩm Vi-Cumax Nano Curcumin ra thị trường thu được phản hồi rất tích cực của người tiêu dùng và được Hiệp Hội thực phẩm chức năng Việt Nam công nhận là sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng. Đồng thời được Hội Khoa học và Công nghệ lương thực và thực phẩm Việt Nam trao giải thưởng là thực phẩm sản phẩm uy tín chất lượng an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.

Năm 2018, tại Lễ công bố đánh giá, xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm, sản phẩm Vi-Cumax Nano Curcumin  đạt 4 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm Vi-cumax Nano của Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà (TP Bắc Kạn) đạt 4 sao.

Miến dong Tài Hoan

Ở xã Côn Minh (huyện Na Rì), từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm miến dong lớn nhất tỉnh được duy trì từ nhiều năm, chất lượng miến luôn giữ được uy tín trong thị trường, trong đó có sự góp mặt của HTX miến dong Tài Hoan, thôn Chè Cọ. Với mong muốn đưa cơ sở ngày càng vươn lên chiếm lĩnh thị trường, xây dựng thương hiệu có chất lượng đáp ứng thị trường khó tính, HTX chú trọng làm tốt từng khâu như: Từ việc chọn sản phẩm dong riềng đảm bảo an toàn làm nguyên liệu; các thành viên làm việc trong HTX là những người được lựa chọn, có kỹ thuật, kinh nghiệm lâu năm làm miến dong, có trách nhiệm, đặc biệt là có tâm với sản phẩm mình làm ra; đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất; thường xuyên quán triệt đến từng thành viên mặc trang phục bảo hộ, thực hiện nghiêm túc các quy chế hoạt động, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động... Với 1 máy nghiền củ, 1 máy lọc tách bột có công suất 10 tấn/ngày, 1 máy tráng, 1 máy cắt và hệ thống đóng gói bao bì khép kín...

Năm 2017, HTX miến dong Tài Hoan đã giúp người trồng dong riềng ở địa phương tiêu thụ được trên 1.500 tấn củ dong riềng; sản xuất trên 225 tấn bột và khoảng 100 tấn miến dong, hiện nay, HTX có khoảng hơn 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Niên vụ dong riềng 2018, HTX đã hợp đồng tiêu thụ dong riềng cho các hộ dân ở 5 xã trên địa bàn huyện, gồm: Cư Lễ, Hảo Nghĩa, Quang Phong, Đổng Xá và Côn Minh. HTX luôn thực hiện nghiêm túc việc hợp đồng với những hộ trồng dong riềng, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho bà con.

Toàn bộ quá trình sản xuất của HTX luôn được kiểm soát chặt chẽ trong mỗi khâu: Từ nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất, đến toàn bộ quá trình chế biến cho tới khi ra sản phẩm, đóng bao bì, phân phối tới các đại lý. Với ý chí, quyết tâm đã theo đuổi hàng chục năm, mặc dù mới được thành lập HTX theo Luật HTX năm 2012, kinh nghiệm quản lý hoạt động chưa nhiều nhưng với mục tiêu đã đặt ra, HTX sẽ nỗ lực, góp phần đem lại cuộc sống ổn định hơn cho các thành viên cũng như sự tồn tại, phát triển của HTX.

Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn

Khẩu Nua Lếch là giống lúa nếp bản địa quý nằm ở trung tâm dãy núi Ngân Sơn (huyện Ngân Sơn), được đồng bào dân tộc nơi đây duy trì canh tác từ bao đời nay. Lúa nếp Khẩu Nua Lếch có đặc trưng riêng với những giá trị vượt trội là khi nấu gạo rất dẻo, vị đậm, mùi thơm ngào ngạt, cây lúa chống chịu tốt với sâu bệnh và tác động của các điều kiện ngoại cảnh… Sự khác biệt làm nên “danh tiếng” Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn có từ ngay trong tên gọi của sản phẩm. Hạt gạo tròn, màu trắng sáng, trên đỉnh có phủ một màu nâu nhạt, vì vậy người dân đặt cho cái tên là “Gạo nếp thép”. Theo lý giải của người dân địa phương, là bởi hạt gạo có màu giống như màu của thép, cũng mang hàm ý là rất quý giá, có giá trị như vàng. Dù hiểu theo cách nào thì khi nhắc đến gạo nếp Khẩu Nua Lếch là nói đến giống lúa quý đã gắn liền với đời sống, văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc xã Thượng Quan nói riêng và huyện Ngân Sơn nói chung.

Năm 2018 huyện Ngân Sơn đã lựa chọn sản phẩm Gạo nếp Khẩu Nua Lếch của HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan là một trong những sản phẩm nổi bật để tham gia đánh giá xếp hạng tại chương trình “Mỗi, xã phường một sản phẩm” cấp tỉnh. Sản phẩm Khẩu Nua Lếch đã được Hội đồng bình chọn đánh giá cao, đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP Bắc Kạn.

Để khai thác hiệu quả và phát huy nhãn hiệu hàng hóa đã được xây dựng, tháng 9 năm 2016, HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan được thành lập với 9 thành viên, xây dựng kế hoạch sản xuất, phương án kinh doanh, hoàn thiện bao bì, nhãn mác sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản phẩm thóc thương phẩm được xay xát, đóng gói bao bì mang nhãn hiệu tập thể và được quảng bá, giới thiệu đến nhiều hội nghị, hội thảo của địa phương và các gian hàng hội chợ, bán lẻ cho người tiêu dùng… nhằm quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.

Nhãn hiệu tập thể “Gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ số 249213, cấp ngày 19/8/2015. Vùng canh tác giống lúa Khẩu Nua Lếch đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bao gồm 4 xã: Thượng Quan, Thuần Mang, Thượng Ân, Bằng Vân. Chất lượng tốt, lợi ích lớn chính là tiền đề để địa phương mở rộng diện tích trồng lúa nếp Khẩu nua lếch, góp phần xóa đói, giảm nghèo và có thể tiến tới làm giàu cho nông hộ.

Mục tiêu của HTX Khẩu Nua Lếch Thượng Quan trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng vùng sản xuất và nâng cao giá trị giống lúa nếp Khẩu Nua Lếch. Sau khi được gắn sao OCOP, HTX đã tham dự một số cuộc xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Hải Phòng... tuy nhiên, số lượng sản phẩm bán ra thị trường ngoài vẫn còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh. Vì vậy, HTX sẽ tiếp tục phát triển thị trường, tăng cường quảng bá sản phẩm, tìm kiếm sự hợp tác, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để tiêu thụ ổn định và phát triển hiệu quả thương hiệu sản phẩm nếp đặc sản địa phương.

Rau bò khai Ba Bể

Rau bò khai Ba Bể là một loại rau rừng thoạt nhìn giống ngọn su su nhưng mảnh mai hơn và có màu xanh non tơ như lá cành mới nhú. Mùi vị của rau bò khai rất lạ lùng, riêng biệt, không thể trộn lẫn với bất kể thứ mùi vị nào khác. Đó là mùi vị hơi nồng đặc trưng, có sự hòa quyện của hương núi, hương rừng, của dòng nước mát chảy từ khe núi và tiết trời trong lành của miền sơn cước. Vốn dĩ là một loại cây dại mọc trong rừng, trước đây thường được người dân nông thôn Bắc Kạn đi hái đem về bán tại các phiên chợ vùng cao. Rau bò khai thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, thân cây bám vào những cây gỗ lớn, những vách đá để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng và khí trời.

Rau bò khai còn có những tên gọi là khau hương, dã hiến, phắc hiển (tiếng dân tộc Tày), có tác dụng rất tốt giống như một vị thuốc lành tính chữa một số chứng bệnh “nóng trong” và có tác dụng thải độc tố cho cơ thể. Theo Y học cổ truyền, rau bò khai có tác dụng chữa một số bệnh về gan, thận và đường tiết niệu… Do vậy, bò khai là một loại rau đặc sản được rất nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, rau bò khai không chỉ trở thành đặc sản được nhiều du khách tìm kiếm, ăn thử khi ghé thăm vùng núi Bắc Kạn, mà món rau đặc sản này còn được bán ở các cửa hàng nông sản trên cả nước.

HTX Sang Hà (xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể) đến nay có khoảng 12ha trồng rau bồ khai, sản xuất theo quy trình nông sản hàng hóa. Năm 2018 sản lượng rau bồ khai của HTX xuất bán được 25 tấn. Để đưa nông sản an toàn đến với người tiêu dùng, HTX tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói đúng quy cách, đăng ký thương hiệu, có đầy đủ tem truy suất nguồn gốc. Hiện nay HTX có 27 thành viên trồng rau bồ khai, ngoài ra còn có 60 hộ liên kết trồng ở một số xã trên địa bàn huyện. Sản phẩm rau bò khai của HTX khi mang đi giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ đều tiêu thụ nhanh chóng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của HTX hiện nay là bán cho các công ty nông sản tại Hà Nội. Năm 2018 sản phẩm Rau bò khai tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh và đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Từ một loại rau rừng được “thuần hóa”, cây rau bồ khai ở Ba Bể được nâng cao giá trị khi được gắn sao OCOP, trở thành nông sản đặc trưng của địa phương. Lợi ích kinh tế từ cây rau bò khai đã được khẳng định trong thực tế, thời gian tới, địa phương tiếp tục định hướng phát triển cây rau bò khai trở thành nông sản hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Nguồn: VITIC

Tin liên quan
Liên kết website