Thứ Hai, 05/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Đại Lộc (Quảng Nam) nhiều sản phẩm có khả năng phát triển thành OCOP

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân, huyện Đại Lộc sẽ tiếp tục hỗ trợ các Hợp tác xã (HTX) phát triển mạnh các sản phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường đó là: Nấm Sò của HTX Tân Phú Quý (xã Đại Hiệp); Gạo an toàn Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa) và Hương trầm Kỳ Nam (xã Đại Đồng).

Đại Lộc (Quảng Nam) hướng tới mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm OCOP

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (sản phảm OCOP) nhằm phát triển kinh kế, đời sống và việc làm cho nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và phát huy, bảo tồn các bản sắc văn hóa địa phương. Chính vì vậy, UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai rộng rãi Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Huyện Đại Lộc hiện có nhiều sản phẩm thế mạnh, thuộc 3 nhóm: Thực phẩm, dược liệu và nhóm chế biến. Căn cứ vào thế mạnh của mỗi địa phương, huyện Đại Lộc đã có kế hoạch cụ thể để khuyến khích người dân tích cực tham gia sản xuất và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, để phát triển các sản phẩm OCOP, huyện Đại Lộc tập trung vào hai nhiệm vụ chính là ưu tiên hoàn thiện, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã có và nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới.

Ngoài sản phẩm “bánh tráng Đại Lộc” được công nhận OCOP 4 sao, năm 2019, huyện Đại Lộc sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX phát triển mạnh các sản phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường đó là: Nấm Sò của HTX Tân Phú Quý (xã Đại Hiệp); Gạo an toàn Ái Nghĩa (thị trấn Ái Nghĩa) và Hương trầm Kỳ Nam (xã Đại Đồng).

Theo UBND huyện Đại Lộc cho biết, năm nay Đại Lộc gửi 9 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, được UBND tỉnh chấm chọn 3 sản phẩm để lập dự án, xây dựng thương hiệu. Ngoài 3 sản phẩm này, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn rà xoát, tổng hợp tất cả các ý tưởng đề xuất của chủ cơ sở để đăng ký các sản phẩm chương trình OCOP. Nếu chương trình được triển khai tốt sẽ rất thiết thực, thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở huyện Đại Lộc không chỉ mang ý nghĩa về phát triển sản xuất mà còn giúp các xã trên địa bàn huyện giải quyết những vấn đề quan trọng trong giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Đây được coi là hướng đi đúng, lan tỏa thương hiệu địa phương, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đại Lộc tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của huyện Đại Lộc

Năm 2019, nhằm giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh, huyện Đại Lộc đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm thu hút đông đảo người dân trong và ngoài huyện tham gia. Triển lãm có nhiều nét mới với các hoạt động phong phú; gian hàng trưng bày đa dạng, hấp dẫn về nội dung lẫn hình thức tạo dấu ấn về thành tựu công - nông nghiệp của huyện Đại Lộc.

Hội chợ triển lãm thành tựu công - nông nghiệp huyện Đại Lộc năm 2019 đã thu hút 18 xã/thị trấn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn hưởng ứng. Điểm nhấn là hội chợ xanh với 24 gian hàng được thiết kế độc đáo, ấn tượng, phù hợp với đặc trưng của địa phương. So với mọi năm, các gian hàng năm nay được trang trí, bày biện rộng rãi tạo điều kiện cho người dân trong huyện và vùng lân cận thoải mái tham quan mua sắm, trao đổi kinh nghiệm. 

Điểm nổi bật của hội chợ năm nay là có nhiều sản phẩm mới với mẫu mã đa dạng, phong phú chủng loại, nhiều sản phẩm khá tinh xảo, đẹp mắt. Huyện cũng chọn ra một số sản phẩm đủ tiêu chuẩn, quy định để xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP như: hương Phú Lộc, trống Lâm Yên, bánh tráng Đại Lộc… góp mặt tại hội chợ.

Sau khi được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bản quyền thương hiệu “Bánh tráng Đại Lộc”, tiếp tục được bình chọn là sản phẩm đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh, sản phẩm bánh tráng đang từng ngày khẳng định vị thế trên thị trường. Đầu ra của bánh tráng Đại Lộc hiện khá ổn định. Sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, nhà hàng khắp cả nước, rất được khách hàng tin dùng. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, sản phẩm “Bánh tráng Đại Lộc” ngoài các đại lý trên cả nước, thì còn được kinh doanh trên các trang thương mại điện tử. Thời gian tới, HTX Ái Nghĩa – đơn vị sản xuất bánh tráng Đại Lộc dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng kênh phân phối sản phẩm “Bánh tráng Đại Lộc” nhằm giữ gìn làng nghề truyền thống cũng như giải quyết lao động cho địa phương.

Trong khi đó, đối với chè xanh An Bằng, theo UBND xã Đại Thạnh cho biết, hiện chè xanh An Bằng đã có thương hiệu, Hợp tác xã Đại Thạnh Phát đã đầu tư vườn chè xanh nguyên liệu, phục vụ sơ chế, đóng gói. Xã cũng đã ươm hơn 100.000 cây giống, giâm hom cành chè xanh để phục vụ trồng nhân rộng. Cả xã còn hơn 20 ha trồng chè, người dân Đại Thạnh không còn lo lắng về đầu ra, nguồn giống nữa, hoạt động sản xuất của bà con rất ổn định. Hợp tác xã Đại Thạnh Phát sẽ đứng ra bao tiêu tất cả sản phẩm, tạo ổn định về đầu ra cho nông dân.

Gỗ điêu khắc xã Đại Minh huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam

Gian hàng xã Đại Minh nổi bật tại hội chợ với các sản phẩm rượu truyền thống. Ngoài 5 loại rượu đặc trưng của vùng như rượu gạo lức, đinh lăng, đương quy, sâm ba kích, còn có loại rượu gạo lức dầm với sim, rượu chuối... Gần đây, cơ sở sản xuất rượu truyền thống Đại Minh đã tạo ra một số sản phẩm mới, song nhìn chung, sản phẩm có đầu ra chưa mấy ổn định, sức tiêu thụ còn nhỏ lẻ. Thời gian tới, cơ sở sản xuất rượu truyền thống Đại Minh sẽ đầu tư, xây dựng thương hiệu, hướng tới đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, góp phần đưa sản phẩm đến rộng rãi hơn với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, sản phẩm tranh gỗ điêu khắc của xã Đại Minh được điêu khắc tỉ mỉ, độc đáo dưới bàn tay của ông Châu Văn Mùi và thợ lành nghề. Để cho ra đời những sản phẩm độc lạ như bộ lư, lục bình, đèn tạ, tượng phật thì gỗ mít phải có nguồn gốc từ miền núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang. Bên cạnh các tác phẩm tranh cắt chữ dán, tranh gỗ đục bằng máy, còn có nhiều tranh gỗ được chế tác từ bộ sản phẩm đục, tiện, tạo sự mới lạ, tạo điểm nhấn tại hội chợ.

Xã Đại Đồng, ngoài sản phẩm nhang trầm, hương nụ, trầm giác xông, còn có hương không tăm có giá trị từ vài triệu đồng lên tới 10 triệu đồng/kg. Đây là loại hương mới nhất, tiện lợi, dễ sử dụng, phù hợp cho những người làm văn phòng, công sở. Loại hương không tăm này có đặc tính dịu nhẹ, không cháy, thoáng khí, không gây ảnh hưởng đến các thiết bị điện nơi công sở. Đơn vị xã Đại Lãnh tạo nét đặc trưng riêng với sản phẩm đá cảnh đẹp mắt được lấy từ các khe suối Sông Cùng và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website