Thứ Năm, 01/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Mẫu Sơn - Lạng Sơn: tập trung phát triển giống đào quý hiếm

Đào Mẫu Sơn là một đặc sản của vùng đất Lạng Sơn. Loại quả này đóng vai trò lớn trong việc nâng cao thu nhập cho bà con nông dân và góp phần phát triển du lịch địa phương. Sau một thời gian triển khai kế hoạch phục dựng gen đào quý, đào Mẫu Sơn đã cải thiện hơn về chất lượng. Hiện nay, loại quả này xuất hiện ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Mẫu Sơn là một vùng đất cao nguyên thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn có khí hậu lạnh giá, quanh năm sương mù bao phủ và có hơn 80 ngọn núi lớn nhỏ. Nơi đây thích hợp với nhiều loại cây ăn quả như đào, mận, chanh rừng hay các sản vật khác như mật ong, rượu. Cây đào Mẫu Sơn thường nở hoa vào đầu xuân, thu quả vào mùa hè, sức sống của cây rất mạnh, phù hợp với nhiệt độ khắc nghiệt của vùng đất Mẫu Sơn. Không giống những loại đào khác, đào Mẫu Sơn càng ngon khi nhiệt độ càng xuống thấp. Vì được hưởng tinh túy trời đất nên trái đào nơi đây có nhiều ưu điểm hơn, thể hiện rõ ở trái to, căng mọng, vị ngọt thanh và hương thơm thoang thoảng rất đặc trưng. Quả có màu xanh trắng, khi càng chín đào càng có màu đỏ hồng. Bên ngoài là lớp lông tơ mềm mịn như nhung, cùi đào giòn và chắc thịt, bên trong có hạt, khi ăn vào sẽ cảm nhận được vị thơm và mát. Vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm, đào Mẫu Sơn sẽ chín và mỗi năm chỉ thu hoạch một lần trong một tháng. Vì vậy, để có cơ hội được nhìn thấy đào Mẫu Sơn, các du khách nên lựa chọn đến đây vào mùa hè. Kinh nghiệm từ nhiều người dân, cách để chọn đào ngon là lựa những quả có lớp vỏ đỏ hồng, mùi thơm nhẹ, thanh mát; khi ấn vào thấy cứng và không bị mềm.

Theo thống kê của tỉnh Lạng Sơn, tính đến nay xã Mẫu Sơn đã có hơn 2.000 cây đào, với diện tích đạt khoảng 2,5 ha. Quả đào Mẫu Sơn nổi tiếng khắp cả nước, hiện được tiêu thụ ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Loại quả này không chỉ thu hút người tiêu dùng bởi vị ngon ngọt, chất lượng mà còn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Mỗi bộ phận trên cây đào đều có tác dụng nhất định, ví dụ như: nhân hạt đào sấy khô dùng làm thuốc tăng hoạt huyết, giúp máu lưu thông tốt hơn; rễ đào phơi khô dùng để trị bệnh vàng da, chảy máu cam; hoa đào đun với nước sôi có thể trị các bệnh sưng tấy, đau nhức ở ngón chân, ngón tay.

Trước đây, đào Mẫu Sơn bị suy giảm cả về năng suất và chất lượng, nhưng sau đó đã được chính quyền và người dân tập trung khôi phục. Nhận thức được tầm quan trọng của cây đào trong cơ cấu nông nghiệp cũng như mong muốn bảo tồn nông sản quý của địa phương nên xã đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện. Trong đó phải kể đến:

- Người dân tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong đốn tỉa, ghép cải tạo các cây đào cũ, bị mai một do không được chăm sóc kỹ, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, không sử dụng hóa chất để đảm bảo chất lượng trái đào;

- Nhanh chóng tiếp thu tiến bộ khoa học, kỹ thuật từ các dự án lớn, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác để hướng việc trồng đào theo quy trình hữu cơ, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng;

- Thành lập các nhóm chuyên nghiên cứu về giống cây: các nhóm sẽ điều tra trực tiếp tại vườn đào để tuyển chọn những loại có ưu điểm nổi trội nhất. Từ đó, tiến hành nhân giống và xây dựng thành các vườn đào lớn. Bên cạnh đó, nhóm cũng thực hiện việc nghiên cứu về phương pháp trồng và chăm sóc cây như cắt tỉa, sử dụng vật liệu giữ ẩm, phòng trừ sâu bệnh;

- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho các hộ sản xuất, khuyến khích các hộ tham gia vào dự án phục tráng cây đào.

Hình ảnh quả đào Mẫu Sơn

Hướng đi phát triển thị trường cho sản phẩm đào Mẫu Sơn

Hiện nay, nguồn cung đào cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã khan hiếm hơn, đòi hỏi các hộ sản xuất phải nâng cao năng suất và chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Vì vậy, thời gian tới xã Mẫu Sơn sẽ tập trung vào các nhiệm vụ như sau:

- Một là, đẩy mạnh việc kết hợp du lịch với nông nghiệp: Mẫu Sơn được đánh giá là điểm đến du lịch nổi tiếng của cả nước. Đây còn là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa tâm linh và bản sắc văn hóa của nhiều cộng đồng dân tộc như Tày, Nùng, Dao…  Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: Khu vực Mẫu Sơn được xác định ưu tiên đầu tư phát triển thành một trong những khu du lịch quốc gia, nghỉ dưỡng của thủ đô Hà Nội và vùng phụ cận với các nhà nghỉ, dịch vụ chất lượng cao, các khu vui chơi giải trí hấp dẫn để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch toàn tỉnh. Vì vậy, nếu địa phương xây dựng và phát triển có hiệu quả các chiến lược về du lịch sinh thái thì sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho hàng nông sản có thêm kênh quảng bá trên thị trường. Thông qua các hoạt động truyền thông, xã có thể giới thiệu về đào Mẫu Sơn, từ đó thu hút thêm nhiều đối tượng khách du lịch khác.

- Hai là, có các chương trình hỗ trợ bà con nông dân trồng và chăm sóc cây đào, trái đào sau khi thu hoạch, theo tiêu chuẩn hữu cơ; động viên, khuyến khích bà con tham gia vào chương trình phục tráng trái đào.

                                                                                  Hồng Nhuận

Liên kết website