Thứ Bảy, 26/04/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Thạch đen Thạch An - Cao Bằng, từ món ăn dân giã trở thành đặc sản nổi tiếng

Thạch đen là món ăn dân giã. Trước đây, người dân thường sử dụng cây thạch đen để chế biến ra thạch, sử dụng để ăn vào những ngày nắng nóng. Bên cạnh đó, thạch đen còn được sử dụng nhiều trong các bài thuốc để chữa các bệnh viêm khớp cấp, cảm mạo, đái tháo đường và huyết áp cao. Nhờ tác dụng đối với sức khỏe, giá cả phù hợp với tất cả các tầng lớp nên ngày nay thạch đen đã trở thành một món ăn đặc sản được nhiều người dân ưa chuộng và sử dụng hàng ngày.

Cây thạch đen còn có tên gọi khác là cây Tiên Thảo hay cây Sương Sáo. Nhờ đặc tính dễ sinh trưởng nên cây thạch đen được trồng trên nhiều địa hình khác nhau ở nước ta. Thạch đen là giống cây ngắn ngày, chỉ khoảng 4 tháng là có thể thu hoạch được. Cây có thể thu hái quanh năm, nhưng thời điểm thu hái tốt nhất là vào mùa mưa. Sau khi hái về, cần đem cắt bỏ rễ rồi rửa sạch. Dược liệu có thể dùng tươi để làm thức ăn hoặc để phơi khô dùng dần.

Thạch đen Thạch An – sản phẩm OCOP Cao Bằng

Theo Đông y, cây thạch đen có vị ngọt, tính mát và không có độc. Thạch đen giúp giải nhiệt và thanh nhiệt. Thạch đen thường được dùng để chữa các bệnh như viêm khớp cấp, cảm mạo, đái tháo đường và huyết áp cao.

Theo nghiên cứu sơ bộ cho thấy, thạch đen được trồng và thu hái ở tỉnh Cao Bằng có tác dụng hạ cholesterol trong máu và chống lão hóa. Nhờ tác dụng đối với sức khỏe, giá cả phù hợp với tất cả các tầng lớp nên ngày nay thạch đen đã trở thành một món ăn đặc sản được nhiều người dân ưa chuộng và sử dụng hàng ngày.

Thạch đen trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân huyện Thạch An (Cao Bằng) vươn lên làm giàu

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng phù hợp phát triển cây thạch đen. Trước đây, cây thạch đen chỉ mọc dại hoặc được người dân trồng với sản lượng nhỏ, không có người thu mua. Trong vài năm gần đây, việc phát triển cây thạch đen khá thuận lợi nhờ sự vào cuộc của cơ quan quản lý.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây thạch đen rất lớn, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích, cây thạch đen dần được trồng nhiều hơn và có thương lái thu mua tận nơi. Nhờ vậy, cây thạch đen đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện, không những giúp người dân vùng cao xóa đói giảm nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu.

Thạch An được coi là “thủ phủ” cây thạch đen. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An cho biết, tổng diện tích cây thạch đen trên địa bàn huyện là 428 ha, tập trung chủ yếu tại 8 xã trên địa bàn huyện, gồm: Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Trọng Con, Quang Trọng, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng. Thạch đen Cao Bằng hầu như được canh tác theo hướng hữu cơ, rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, là sản phẩm rất an toàn với người tiêu dùng.

Doanh thu từ cây thạch đen khá lớn. Với đơn vị diện tích 1 ha thu được khoảng 6 tấn mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Do đó, huyện Thạch An xác định thạch đen là cây trồng mũi nhọn, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định an sinh xã hội.

Hiện sản phẩm thạch đen Thạch An, Cao Bằng được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Hình thức tiêu thụ chủ yếu do tư thương thu mua, sơ chế, xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Trong nước, một số công ty, hộ gia đình thu mua cây thạch đen về chế biến thành phẩm, bán rộng rãi trong và ngoài tỉnh, ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhận thấy tiềm năng phát triển sản phẩm rất lớn, huyện Thạch An có nhiều cơ sở sản xuất thạch đen chất lượng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất đều chú trọng đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm tới khách hàng và đối tác trong và ngoài tỉnh.

Để đầu ra sản phẩm ổn định và nâng cao giá trị, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Thạch đen - Thạch An cho các sản phẩm liên quan đến cây thạch đen. Sự công nhận này đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến cây thạch đen trên địa bàn có thể dán tem, nhãn hiệu lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng sản phẩm truy xuất nguồn gốc, tin tưởng, yên tâm sử dụng sản phẩm từ cây thạch đen.

Nhận thấy nhu cầu thị trường còn nhiều tiềm năng, Ủy ban nhân dân huyện Thạch An cho biết, địa phương đã chú trọng tập huấn kỹ thuật sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông dân, cơ sở thu mua, chế biến sản phẩm từ cây thạch đen nhằm duy trì diện tích, phát triển bền vững cây thạch đen. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phối hợp quảng bá cây thạch đen, sản phẩm từ cây thạch đen. Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện Thạch An kêu gọi đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ cây thạch đen tại địa bàn huyện, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho cây thạch đen, giúp nông dân thoát nghèo, làm giàu.

Trên địa bàn huyện Thạch An có rất nhiều cơ sở sản xuất thạch đen hoạt động khá thành công. Đơn cử như cơ sở sản xuất thạch đen của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy (thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) – sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020, sản phẩm đạt “Thương hiệu vàng Nông nghiệp năm 2022” của Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Theo chủ hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy, nhận thấy tiềm năng phát triển sản phẩm thạch đen rất lớn nên chị đã quyết định xây dựng một cơ sở sản xuất thạch đen chuyên nghiệp để phân phối tới nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo đó, cơ sở sản xuất của chị Nông Thị Lệ Thùy đã kết hợp các máy móc hiện đại với phương pháp sản xuất thủ công truyền thống để cho ra thành phẩm là thạch đen không dùng chất bảo quản, phẩm màu nhưng vẫn tạo được màu sắc, độ thơm ngon và dẻo dai. Thạch đen luôn  giữ được hương vị quen thuộc như khi bà con tự tay sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Cơ hội để thạch đen Thạch An (Cao Bằng) xuất ngoại rất lớn

Nhằm hướng đến phát triển ngành công nghiệp sản xuất thạch đen có quy mô và thị trường tiêu thụ ổn định, xuất khẩu ra thị trường thế giới là hướng đi đúng đắn và lâu dài.

Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm thạch đen chủ yếu thông qua các tư thương và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch thạch đen sang Trung Quốc đang là cơ hội rất lớn cho thạch đen trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất Thế giới.

Để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, thạch đen phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía đối tác, chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu… bằng các quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì …

Để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm, đơn vị phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất, sơ chế cây thạch đen an toàn, sạch cho nông dân và cơ sở thu mua, chế biến thạch đen. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch An đã phối hợp, lập hồ sơ, cấp 95 mã vùng trồng cây thạch đen, đáp ứng yêu cầu mã vùng khi xuất khẩu sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện đã có một số công trình nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến thạch đen phù hợp với điều kiện sản xuất của Cao Bằng như sản xuất thạch đen tươi từ dịch chiết cây thạch đen; Quy trình sản xuất bột thạch đen bán thành phẩm; Quy trình sản xuất thạch đen đóng hộp/vỉ từ dịch chiết thạch đen... Nếu thành công, những đề tài khoa học này sẽ là cơ sở để tỉnh Cao Bằng xem xét, xây dựng các cơ sở chế biến thạch đen quy mô lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm phát huy thế mạnh cây đặc sản, tạo ra sản phẩm mới cho địa phương, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Định hướng phát triển thạch đen tỉnh Cao Bằng trong thời gian tới

Để ngành sản xuất thạch đen Cao Bằng phát triển ổn định và mở rộng quy mô, cơ quan quản lý cần phối hợp với các đơn vị đối tác nghiên cứu, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để đảm bảo từ các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, kiểm dịch, bảo quản sản phẩm... Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.

Thạch đen được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện Thạch An. Do đó, để phát triển và nâng cao giá trị sản xuất cho cây thạch đen, yếu tố quan trọng nhất là khâu tìm đầu ra tiêu thụ ổn định cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích trồng cây thạch đen. Để tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định thì định hướng xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm từ cây thạch đen là cần thiết.

Tuy nhiên các thị trường nước ngoài đang ngày càng thắt chặt đối với sản phẩm nông sản Việt Nam. Do đó cần chú trọng đến công tác tuyên truyền cho các hộ sản xuất kinh doanh thạch về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó giúp nâng cao vị thế và uy tín của sản phẩm thạch đen.

Việc tham gia xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là cơ hội rất lớn của thạch đen Thạch An (Cao Bằng) nói riêng, thạch đen cả nước nói chung. Theo đó, để phát triển sản phẩm thạch đen trở thành sản phẩm chủ lực địa của phương tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và hướng tới các thị trường khác trên Thế giới như Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ…, cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, cần cần làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc và đóng gói. Theo đó cần chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng từ mã số vùng trồng, kiểm dịch thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển. Ngành Nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo đúng quy định.

Hai là, cần lồng ghép, thực hiện tốt việc sản xuất kinh doanh thạch đen trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm sản xuất, ổn định sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ thạch đen một cách bền vững.

Ba là, tổ chức tốt thị trường, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, đa dạng các hình thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm thạch đen qua các kênh truyền thống và thương mại điện tử kết hợp với việc tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu thạch đen Thạch An.

Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu công bố, bảo hộ giống thạch đen, hoàn thiện lại quy trình canh tác, sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng thạch đen; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa và hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; nâng cao trình độ trình độ canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất tạo ra được sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đột phá đáp ứng nhu cầu thị trường; áp dụng các công nghệ chế biến, bảo quản thạch đen để đa dạng hóa các sản phẩm đầu ra, kéo dài thời gian bảo quản nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Thị Định

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website