Thứ Bảy, 10/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Lạng Sơn xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch

Trong phát triển kinh tế nông thôn thì vai trò của các làng nghề, nhất là làng nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Thời gian qua, phát huy những thế mạnh riêng, tỉnh Lạng Sơn đã duy trì và phát triển các nghề truyền thống như: Sản phẩm cao khô Chợ Bãi; Rượu men lá; Nghề làm hương truyền thống; Nghề quay vịt; Nghề làm ngói âm dương… Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với du lịch.

Lạng Sơn có nhiều nghề truyền thống đặc trưng, những nghề này đã và đang góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Sự kết hợp giữa du lịch và làng nghề đã mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, gây dựng được thương hiệu cho du lịch nông nghiệp. Ngày hội na Chi Lăng; Hội thi hồng vành khuyên huyện Văn Lãng; Hội thi hồng không hạt Bảo Lâm… đã tạo nhiều ấn tượng đối với khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn còn nhiều sản phẩm từ các làng nghề khác có thể kết hợp để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: Vịt quay Lạng Sơn, quýt Bắc Sơn, cao khô Vạn Linh, hoa hồi Văn Quan, bánh khảo Tràng Định...

Một số nhãn hiệu tiêu biểu.

- Cao khô Chợ Bãi: Sản phẩm cao khô (phở khô) Chợ Bãi được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2019. Năm 2020, cao khô Chợ Bãi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, từ đó thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giá trị của sản phẩm cũng được nâng lên nhờ có tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo, tạo được sự tin tưởng với khách hàng, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Hiện huyện Văn Quan có trên 50 hộ sản xuất cao khô, trong đó 20 hộ tham gia tổ sản xuất và tiêu thụ cao khô Chợ Bãi. Bình quân mỗi ngày, làng nghề sản xuất và tiêu thụ gần 3.600 bó cao khô, giá trị thu được của tổ hợp tác gần 5,2 triệu đồng/ngày, tương đương 156 triệu đồng/tháng và 1,9 tỷ đồng/năm. Riêng xã Yên Phúc của huyện Văn Quan có 16 hộ phát triển nghề làm cao khô, tập trung ở các thôn Chợ Bãi 1 và Chợ Bãi 2, bình quân mỗi ngày các hộ làm cao khô ở đây cung cấp ra thị trường hàng nghìn bó cao khô. Nghề sản xuất cao khô (phở khô) Chợ Bãi đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

- Làng nghề làm ngói âm dương: Ngói âm dương hay còn gọi là ngói máng, là vật liệu xây dựng truyền thống để lợp những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Nghề làm ngói âm dương có thâm niên hơn 100 năm, với khoảng hơn 50 hộ dân làm nghề, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các địa bàn lân cận. Thương hiệu mái ngói Quỳnh Sơn xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn nổi tiếng trong vùng. Trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, nghề làm ngói tưởng chừng như đã bị mai một bởi sự ra đời của nhiều loại ngói mới và tấm lợp pro xi măng đang thịnh hành, thế nhưng đến nay nghề làm ngói máng nơi đây vẫn tồn tại, gìn giữ và phát triển ổn định.

Để làm ra một viên ngói âm dương, phải tuân theo các công đoạn 100% thủ công. Do ngói âm dương có đặc điểm cách nhiệt tốt, cho nên các ngôi nhà được lợp bằng loại ngói này mùa hè thì mát mẻ, mùa đông rất ấm áp. Vì thế, hiện nay không chỉ đồng bào các dân tộc trên địa bàn mà rất nhiều khách hàng tại thành phố, thị xã, khi làm nhà cũng đã tìm đến Quỳnh Sơn đặt hàng.

Mặc dù có hàng trăm loại ngói được sản xuất bằng công nghệ hiện đại trên thị trường, nhưng nghề làm ngói âm dương ở Quỳnh Sơn vẫn khẳng định được giá trị của mình. Tỉnh Lạng Sơn đã có những đề án định hướng, phát huy bảo tồn làng nghề truyền thống và đưa làng ngói âm dương thành sản phẩm du lịch trải nghiệm trong thời gian tới.

- Rượu men lá Hữu Lễ: Từ nhiều đời nay, người dân tại xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã sinh sống bằng nghề chưng cất rượu. Hiện nay, sản phẩm “Rượu men lá Hữu Lễ” đã trở thành nhãn hiệu được nhiều người biết đến. Nhờ đó, nghề nấu rượu góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Hiện nay, rượu men lá Hữu Lễ phát triển tại 6/6 thôn của xã Hữu Lễ, với khoảng 100 hộ làm nghề nấu rượu, chủ yếu tập trung tại 2 thôn là Bản Rượi và Đon Chợ. Tổng sản lượng rượu của xã ước đạt 300 - 400 lít/ngày, cao điểm khoảng 500 lít/ngày. Trung bình mỗi năm, sản lượng rượu men lá Hữu Lễ đạt hơn 126 nghìn lít được thị trường đón nhận. Doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt hơn 700 triệu đồng/năm và dự kiến tăng theo từng năm. Sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2019. Trong năm 2020, tại Hội nghị công bố kết quả và đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, sản phẩm rượu men lá Hữu Lễ đã được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh.

Hình ảnh rượu men lá Hữu Lễ

Huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt Ðề án phát triển làng nghề huyện Văn Quan giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện định hướng các xã tập trung duy trì, mở rộng nghề truyền thống, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đủ điều kiện tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.

Từ khi có chứng nhận nhãn hiệu tập thể và sản phẩm OCOP, rượu men lá Hữu Lễ càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Nghề sản xuất rượu đã và đang giúp người dân có thu nhập ổn định, qua đó người dân vừa có thể giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống, vừa yên tâm phát triển kinh tế.

Kim Lĩnh

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Liên kết website