Thứ Bảy, 05/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Sơn tra đang dần trở thành cây thu nhập chính cho đồng bào tỉnh Sơn La

Ngày đăng: 21/10/2024
Lượt xem: 383

Sơn tra hay còn gọi là táo mèo, táo rừng, chi tô dì (tiếng Mông), mắc cắm (tiếng Thái) trước đây mọc tự nhiên trong rừng. Nhận thấy tiềm năng phát triển, cây sơn tra được người dân Sơn La đưa vào trồng và trở thành cây đa mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhờ lợi ích kinh tế mang lại, người dân nơi đây đã mở rộng diện tích trồng. Thực tế cho thấy, cây sơn tra đã góp phần cải thiện đời sống nhân dân, giúp tỷ lệ hộ nghèo thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể.

Cây sơn tra phát triển tốt ở những nơi có tầng đất dày, đất mặt còn tính chất đất rừng và đất sau nương rẫy, nơi có khí hậu lạnh, độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển. Cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất, chất lượng quả cao, bình quân đạt 200-300 kg quả/cây, quả có mẫu mã đẹp.

Hình ảnh quả Sơn tra

Quả sơn tra có vị chát ngọt, chua, thường được thu mua để chế biến nước quả, rượu vang, mứt, ô mai, giấm… Quả sơn tra thái lát phơi khô còn là bài thuốc đông y, có tác dụng chữa một số bệnh về đường tiêu hóa, huyết áp cao, mất ngủ, tiểu đường. Do đó, sơn tra và sản phẩm chế biến ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhờ lợi ích kinh tế mang lại, táo sơn tra Sơn La được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”. Công ty TNHH Bắc Sơn, Hợp tác xã sơn tra Nậm Lộng, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp sơn tra Bắc Yên được Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”.

Cây sơn tra đang dần trở thành cây thu nhập chính cho đồng bào tỉnh Sơn La

Diện tích trồng sơn tra trên địa bàn tỉnh Sơn La lớn nhất cả nước và đang có xu hướng mở rộng, bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Sơn tra được trồng chủ yếu tại các huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên và rải rác tại một số huyện của tỉnh Sơn La.

Tại huyện Mường La, diện tích trồng sơn tra đạt 2.500 ha, tập trung ở các xã vùng cao như: Ngọc Chiến, Chiềng Công, Chiềng Ân, Chiềng Muôn, Hua Trai, Nặm Păm. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây sơn tra lớn, huyện Mường La (Sơn La) sẽ tập trung tuyên truyền đến nhân dân ở một số bản có độ cao thích hợp để mở rộng diện tích cây sơn tra, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần tạo động lực lớn giúp đồng bào vùng cao nâng cao trách nhiệm, ý thức trong công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời, huyện Mường La sẽ tuyên truyền nhân dân phối hợp cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện tạo ra các sản phẩm từ quả sơn tra như trà sơn tra, nước ép sơn tra...

Huyện Thuận Châu từng bước nâng cao giá trị sản phẩm quả sơn tra

Diện tích trồng cây sơn tra trên địa bàn huyện Thuận Châu (Sơn La) đạt trên 5.160 ha, tập trung chủ yếu tại các xã xã Co Mạ, Long Hẹ, Co Tòng, Pá Lông, Chiềng Bôm, Phổng Lái, Mường É, trong đó, diện tích đang cho thu hoạch trên 2.000 ha, ước sản lượng 5.500 tấn. Huyện Thuận Châu hiện cũng đang triển khai nhiều giải pháp để từng bước nâng cao giá trị quả sơn tra, đem lại nguồn thu cho bà con địa phương.

Uỷ ban nhân dân huyện Thuận Châu đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm quả sơn tra trong và ngoài tỉnh để cây sơn tra của các xã vùng cao phát triển bền vững. Đồng thời, huyện cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở chế biến, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giúp người dân yên tâm chăm sóc và mở rộng diện tích cây sơn tra. Theo đó, huyện Thuận Châu chủ trương thành lập Hợp tác xã liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Hợp tác xã sơn tra Nặm Búa – hợp tác xã đầu tiên được thành lập từ tháng 4/2017, tại xã Long Hẹ, giúp bao tiêu quả sơn tra cho người dân. Hiện nay, hợp tác xã có 121 hộ thành viên, quy mô sản xuất hơn 200 ha cây sơn tra. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, HTX đã bán hơn 100 tấn quả; chế biến 30 tấn quả tươi thành sơn tra khô. Hiện nay, Hợp tác xã đang kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài huyện tìm hướng sơ chế, sản xuất quả sơn tra thành các sản phẩm như trà sơn tra, nước uống từ sơn tra, sơn tra sấy khô…

Với mục đích đưa cây sơn tra trở thành cây trồng chủ lực, huyện Thuận Châu thúc đẩy kết nối du lịch thông qua các hoạt động trải nghiệm, lễ hội hái quả sơn tra và chế biến các sản phẩm từ quả táo sơn tra, như trà táo, nước ép táo, táo sơn tra khô, bột táo… Một số sản phẩm chế biến từ quả sơn tra đã tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm sơn tra.

Định hướng phát triển cây sơn tra của tỉnh Sơn La trong thời gian tới

Để phát huy tiềm năng sẵn có, thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục kết nối đưa quả sơn tra đến tay người tiêu dùng và cung cấp cho các cơ sở chế biến. Trong đó, có hoạt động đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm sơn tra và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối đưa sản phẩm “Táo sơn tra Sơn La” lên các sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Lazada, Shopee...

Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng lên kế hoạch làm việc với Tập đoàn TH TrueMilk đề nghị bổ sung công nghệ chế biến sơn tra vào “Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ”. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng các ấn phẩm để quảng bá tại các hội nghị trực tuyến giao thương; xây dựng văn bản gửi các tỉnh và cung cấp danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã, đầu mối thu mua quả sơn tra đề nghị hỗ trợ tiêu thụ.

Để nguồn cung sơn tra ổn định, chất lượng, tỉnh Sơn La cũng sẽ nghiên cứu phát triển các giống táo sơn tra có năng suất, chất lượng cao phù hợp với từng địa phương; xây dựng quy trình sản xuất, chăm sóc, chế biến theo hướng ứng dụng công nghệ cao… nhằm kịp thời mở ra các hướng kết nối tiêu thụ sơn tra bền vững cho các năm tiếp theo.

Kim Lĩnh

Quý độc giả quan tâm sản phẩm, vui lòng liên hệ “tại đây

Tin liên quan
Liên kết website