Ninh Thuận là nơi đã hình thành một vùng nho điển hình và tập trung lớn nhất cả nước. Với vị ngọt thanh khiết và giá cả phù hợp với người tiêu dùng, và nhiều loại với hai màu phổ biến: Nho đỏ có dạng hình cầu, vỏ quả bóng, rất mỏng, quả chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm, có vị ngọt hài hoà với vị chua nhẹ, còn Nho xanh có dạng hình Oval, vỏ quả có màu xanh vàng nhạt, thịt quả trong, hơi mềm, có vị ngọt đậm đà, chua rất nhẹ, ít chát. Ngoài ra, hiện nay Ninh Thuận cũng đang tập trung phát triển nhiều giống nho nhập ngoại khác, trong đó có giống nho đen nhập từ Thái Lan, Black Queen.
Triển vọng từ giống nho mới ở Ninh Thuận
Ninh Thuận là tỉnh ở cực Nam Trung bộ, có điều kiện đất đai và khí hậu khô nóng, thích hợp cho cây nho sinh trưởng và phát triển, cho năng suất cao. Hiện nay, nho đang là cây sản xuất hàng hóa chủ lực của tỉnh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, diện tích nho chỉ chiếm từ 3-3,5% tổng diện tích gieo trồng nhưng giá trị sản xuất hàng năm chiếm từ 15 – 20% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Toàn tỉnh hiện có hơn 1.244 ha nho, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 tấn nho tươi.
Tuy vậy, trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nho. Nhiều giống nho cũ đã và đang bị thoái hóa khiến năng suất, chất lượng suy giảm. Trong khi đó, chi phí đầu vào sản xuất liên tục tăng cao, sản phẩm đầu ra lại phụ thuộc nhiều vào các thương lái nên hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Trên cơ sở đó, Viện nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, tỉnh Ninh Thuận đã nghiên cứu và chọn tạo giống nho mới có tên NH01-152, với mục tiêu là đưa giống nho mới vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tương lai. Giống nho này được lai tạo thành công từ trồng trên gốc ghép của giống nho dại và được trồng thử nghiệm đầu tiên ở xã Thành Hải, TP. Phan Rang – Tháp Chàm.
Đặc điểm của giống nho mới là quả có hình bầu dục, vỏ dày, có màu đỏ tươi ở phần cuối của quả và quả nho lớn hơn rất nhiều so với quả nho đỏ quả tròn giống Cardinall và giống nho xanh NH01-48 mà nông dân Ninh Thuận đang trồng nhiều năm qua, trọng lượng từ 1,5 đến 1,8kg/chùm.
Giống nho NH01–152 cho năng suất bình quân từ 15 đến 18 tấn/ha/vụ
Đặc biệt, giống nho NH01–152 có thể trồng được trên nhiều chất đất khác nhau, có khả năng thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu nắng nóng của địa phương, khả năng kháng sâu bệnh tốt. Thời gian sinh trưởng từ khi cắt cành đến thu hoạch khoảng 110 đến 120 ngày; tỷ lệ đậu quả cao, tùy theo chế độ canh tác khối lượng quả nho từ 5,0 đến 8,0 gram, năng suất bình quân từ 15 đến 18 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt 20 đến 25 tấn/ha/vụ. Chất lượng của giống này tương đương so với sản phẩm cùng loại từ nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Với những ưu điểm vượt trội về chất lượng quả, trọng lượng, khi chín trái mang màu đỏ vang đẹp mắt, giống nho ăn tươi NH01-152 đang được thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg, cao gấp 3 đến 4 lần so với giá nho đỏ quả tròn hiện nay.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng nho, các cơ quan chuyên môn Ninh Thuận đang tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu các giống nho mới cho chất lượng cao, thích nghi với khí hậu khô nóng của tỉnh để chuyển giao cho người dân sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm nho ăn tươi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng nho. Được biết, trong quý III/2018, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cùng các sở ngành tỉnh Ninh Thuận sẽ thống nhất hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận các thủ tục pháp lý liên quan đến giống nho NH 01-152, sau đó sẽ chuyển giao, nhân rộng sản xuất
Như vậy, sau 5 năm trồng thử nghiệm, giống nho NH01-152 đã khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội, người dân đón nhận và đánh giá cao. Từ vài mô hình ban đầu, hiện nay bà con đã phát triển lên 5ha sản xuất theo mô hình VietGAP. Ngoài ra, nho NH01-152 cũng được viện trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha tại huyện Tuy Phong, Bình Thuận và cho kết quả rất tốt.
Trong năm 2018, Ninh Thuận sẽ mở rộng xây dựng cánh đồng lớn trồng giống nho mới NH 01-152 tại khu vực xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải để làm cơ sở trồng nhân rộng ra toàn tỉnh.
Nho Ninh Thuận vẫn khó “đầu ra”
Thực tế cũng giống như nhiều nông sản khác của Việt Nam, cây nho cũng đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như: chi phí đầu tư cao, dịch bệnh phát triển, năng suất bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định; chuỗi hệ thống sản xuất từ khâu chọn giống, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chuyên chở đến thị trường phân phối còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, đa phần người dân canh tác với diện tích nhỏ lẻ, manh mún khiến việc liên kết tổ chức sản xuất theo quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm chế biến từ nho cũng chưa thật sự đa dạng dẫn đến lợi nhuận từ trái nho mang lại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Bên cạnh đó, nhiều giống nho cũ đã và đang bị thoái hóa, rất dễ mẫn cảm với nhiều loại nấm bệnh, đặc biệt là các bệnh thán thư, phấn trắng khiến năng suất, chất lượng trái suy giảm; trong đó, hai giống nho ăn tươi phổ biến của tỉnh là giống nho đỏ (Red cardinal) đã tồn tại gần 40 năm, trước năm 2000 giống nho đỏ chiếm gần 100% diện tích, nhưng hiện nay còn khoảng 80%, còn lại 20% diện tích là các giống nho mới nhập.
Giống nho xanh NH 01 – 48 (White Malaga) được nhập từ Thái Lan năm 1997, hiện nay giống nho này chiếm gần 20% diện tích, được xem là giống ăn tươi chất lượng cao. Tuy nhiên, giống nho xanh này chỉ cho năng suất, chất lượng ổn định ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.
Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là khâu tìm đầu ra cho sản phẩm, hiện nay các chủ vườn chủ yếu bán thẳng cho thương lái (bán toàn bộ sản phẩm trong vườn với một giá ấn định). Sau khi ước tính sản lượng, chất lượng, phần lớn thương lái thu mua bao luôn cả giàn nho. Tuy không phải lo lắng đến công thu hoạch, hao hụt, các chủ vườn được đặt cọc trước tiền nhưng cách thu mua này khiến người nông dân thường bị thương lái ép giá.
Một số chủ vườn khác phân loại nho trước rồi bán theo ký cho thương lái để đưa về các chợ đầu mối. Tuy nhiên, giá mua này lại tùy thuộc vào chất lượng được phân loại, chưa kể nho chín để lâu tốn công chăm sóc, dễ hư hại, cuối cùng còn lại là nho “dạt” (nho kém chất lượng) được bán lại cho các cơ sở chế biến rượu, mật, mứt với giá rẻ.
Thời gian tới, để gia tăng giá trị kinh tế cho quả nho, tỉnh Ninh Thuận cần thực hiện đồng bộ nhiêu giải pháp, trong đó: tập trung quy hoạch vùng sản xuất nho chất lượng cao, cánh đồng lớn trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP; tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hộ trồng nho tham gia thành lập các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nho; đồng thời tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, cấp phát tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nho Ninh Thuận; vận động, hỗ trợ các cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất, áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch do Viện công nghệ sau thu hoạch Hà Nội chuyển giao, đầu tư hệ thống làm rượu vang, si rô nho, dây chuyền sấy và kho lạnh bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Điều quan trọng là cần phải có sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các bên nghiên cứu, ngân hàng, tiêu thụ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân liên kết với các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất tạo thành các vùng trồng nho an toàn, chất lượng cao để bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu, khi đã xây dựng được thương hiệu thì không lo rớt giá, ép giá.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cùng với ngành nông nghiệp địa phương nghiên cứu lai tạo, phục tráng nhiều giống nho ăn tươi chất lượng cao và nho dùng để sản xuất rượu vang như: NH 01 – 152, Black Queen, Italy, Red Star, Palchong seedless, Muscat Alexandria, Shiraz, Savignon Blan để đưa vào sản xuất.
Theo Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 – 2020”, tỉnh Ninh Thuận sẽ phát triển diện tích trồng nho lên 2.500 ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn vào năm 2020. Hiện nay, bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy ngành trồng nho và chế biến các sản phẩm từ nho theo hướng hiện đại, bền vững, Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các tour du lịch đưa khách tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ nho ngay tại vườn ở Làng nho Thái An (huyện Ninh Hải), các trang trại, vườn nho lớn trên địa bàn tỉnh. Từ đó, quảng bá giới thiệu các sản phẩm từ nho cũng như mở ra hướng “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Xây dựng cánh đồng lớn trồng nho, liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và phát triển du lịch trải nghiệm là hướng phát triển mới tại Ninh Thuận.
Hiện nay, mô hình cánh đồng lớn tại Ninh Thuận không chỉ thực hiện trên cây lúa, mà còn đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp dựa trên thực tế và lợi thế của từng địa phương.
Tỉnh Ninh Thuận xác định du lịch nông nghiệp, trang trại là một trong những xu hướng phát triển mới của các địa phương. Do vậy, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh gắn kết du lịch với sản phẩm nông nghiệp đặc thù, hình thành các tour tham quan vườn nho, táo, cánh đồng cừu kết hợp du lịch biển, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi tới Ninh Thuận.
Với biệt danh là “thủ phủ nho”, nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng và đưa vào khai thác tour du lịch đưa khách tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ nho ngay tại vườn.
Khu tham quan trang trạng nho Ba Mọi tỉnh Ninh Thuận
Có khá nhiều vườn nho ở Ninh Thuận có thể đến tham quan, nhưng hai điểm đến nổi tiếng nhất vẫn là vườn nho Ba Mọi và vườn nho Thái An.
Tại huyện Ninh Phước, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất gắn với liên kết tạo đầu ra cho nông sản của tỉnh Ninh Thuận, UBND xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước đã xây dựng đề án phát triển vùng nho tập trung gắn với du lịch sinh thái tại thôn Phước Khánh với diện tích trên 30 ha.
Giai đoạn 1, UBND xã Phước Thuận hướng dẫn nông dân trồng nho tuân thủ theo chương trình VietGap trên 10 ha. Đến nay, nông dân thành lập tổ liên kết với 27 thành viên hạt nhân để thực hiện mô hình này. Địa phương cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp, các đơn vị các tổ chức tập trung vào vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm, đồng thời cùng với Trung tâm xúc tiến du lịch của tỉnh để định hướng tour du lịch về địa bàn của xã Phước Thuận, đi thăm cánh đồng nho.
Tại huyện Ninh Hải, từ năm 2011 đến nay, mô hình trồng nho gắn với du lịch vườn không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nho mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở địa phương.
Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải được xem là vùng trồng nho phát triển tốt ở huyện Ninh Hải. Hiện nay, nông dân đang tận dụng lợi thế sẵn có để biến các vườn nho thành nơi tham quan, thu hút du khách. Vài năm trở lại đây bà con ở vùng trồng nho Thái An đã thay đổi cách tiêu thụ nho bằng cách làm du lịch vườn thay vì chờ nho chín để bán cho thương lái. Cách làm này đã ngày càng thu hút du khách đến khám phá, góp phần nâng giá trị sản phẩm nho cho người trồng, giúp bà con có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan vườn nho, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận phối hợp với xã Vĩnh Hải mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các hộ về kỹ năng đón tiếp khách, cách bố trí sắp xếp các loại hình dịch vụ phục vụ du khách; đồng thời lắp đặt biển báo dọc tuyến đường 702 để hướng dẫn du khách tham quan các trang trại nho Thái An.
Du khách đến tham quan được chủ vườn chiêu đãi miễn phí vài ly mật nho, rượu nho, ít mứt nho được chế biến theo quy trình sạch. Du khách có thể thỏa thích chụp ảnh và thích chùm nho nào cứ cắt xuống, chủ vườn cân trọng lượng và tính tiền. Hiện nông dân địa phương không còn bị tư thương ép giá thu mua như trước, bà con biết cách tạo cảnh quan vườn nho khi có quả chín và chế biến các sản phẩm khác từ nho để phục vụ, nên du khách rất ưa thích. Toàn xã đang tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm nho và xây dựng thương hiệu nho an toàn…
Có thể thấy, mô hình cánh đồng lớn đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Mỗi địa phương có mô hình khác nhau, nhưng chung mục đích là hỗ trợ nông dân trong khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Với những chiến lược phát triển mới, dự báo nho Ninh Thuận sẽ ngày càng khẳng định là cây trồng đặc thù, đem lại giá trị kinh tế cao, để Ninh Thuận xứng đáng với tên gọi là “thủ phủ của nho”.
Nguồn: VITIC