Để nâng cao giá trị cho trái bưởi Tân Triều, người dân nơi đây đã chế biến ra rất nhiều món ăn ngon và độc đáo từ bưởi như gỏi bưởi, rượu bưởi, chè bưởi, nem bưởi, gà hấp bưởi, bì bưởi chiên… Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế từ bưởi đã được người dân nơi đây ứng dụng và đem lại giá trị kinh tế cao.
Đồng Nai là vùng đất khá màu mỡ của miền Đông Nam bộ, nếu huyện Long Khánh tự hào bởi vùng đất đỏ bazan với những đặc sản cây ăn trái nổi tiếng như: chôm chôm, bơ, sầu riêng, mít tố nữ, nhãn... thì miền quê huyện Vĩnh Cửu cũng tự hào bởi vùng đất phù sa của sông Đồng Nai với đặc sản trái cây nổi tiếng là bưởi Tân Triều .
Làng bưởi Tân Triều thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, nằm cạnh khu du lịch Bửu Long khoảng 2km.
Từ những năm 1970 bưởi Tân Triều đã khá nổi tiếng trong nước và trên thế giới, lúc ấy người ta quen gọi là bưởi Biên Hòa.
Ở Biên Hòa có cả chục loại bưởi: Thanh trà, đường lá cam, bưởi xiêm, bưởi ổi, bưởi núm, bưởi thanh long, bưởi thanh dây, bưởi ổi…Mỗi loại có một hương vị đặc trưng khác nhau. Có loại ngọt, loại chua đáp ứng đầu đủ thị hiếu khách hàng. Nhưng đều có chung một điểm là vỏ bưởi mỏng, múi bưởi mọng nước nhưng vẫn có độ dai, giòn nhất định.
Từ năm 2006, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển giá trị thương hiệu bưởi Tân Triều, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh cho loại nông sản này trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Tân Triều được thành lập để hướng dẫn bà con nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng bưởi chuyên nghiệp để cho ra trái đồng đều, sản lượng lớn và có hương vị đặc thù. Sản phẩm bưởi Tân Triều theo đó cũng được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để cung cấp sản lượng ổn định, bền vững.
Làng Tân Triều có khoảng 400ha bưởi, chủ yếu là giống bưởi đường lá cam, bưởi xiêm ruột đỏ, bưởi da xanh ruột hồng, bưởi ổi, bưởi da láng… Giá bưởi Tân Triều dao động theo từng năm, bình quân giá bưởi đường lá cam, bưởi ổi bán tại vườn khoảng 280 - 300 ngàn đồng/chục (1 chục là 12 trái). Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, giá có thể lên đến 1 - 1,2 triệu đồng/chục.
Bưởi Tân Triều nổi tiếng trên thị trường, không những sản phẩm bưởi tiêu thụ trong tỉnh mà còn ở một số tỉnh lớn như: Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh… Ngoài ra, bưởi Tân Triều còn được xuất khẩu đi nhiều nước châu Âu như Hà Lan, Đức...
Hiện thị trường bưởi Tết Tân Triều bắt đầu khởi động. Theo một số nhà vườn trồng bưởi tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, năm nay do thời tiết thuận, mưa sớm nên cây bưởi ra hoa sớm và tỷ lệ đậu trái cao. Tuy nhiên, do ra hoa sớm nên phần lớn bưởi cũng sẽ chín sớm vào khoảng tháng 10, tháng 11. Do đó, dự báo năm nay sản lượng bưởi Tân Triều bán dịp Tết sẽ giảm mạnh khoảng 30-40% so với năm ngoái.
Tại một số vườn bưởi của huyện đã chín, bưởi được bán tại vườn với giá chỉ từ 300 đến 400 ngàn/chục (12 trái) tùy loại, còn bưởi da xanh khoảng 45 ngàn đồng/kg.
Đặc sản bưởi Tân Triều huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai
Người dân Vĩnh Cửu tích cực quảng bá, nâng cao giá trị bưởi Tân Triều
Để nâng cao giá trị cho trái bưởi Tân Triều, người dân nơi đây đã chế biến ra rất nhiều món ăn ngon và độc đáo từ bưởi như gỏi bưởi, rượu bưởi, chè bưởi, nem bưởi, gà hấp bưởi, bì bưởi chiên… Đặc biệt, nhiều mô hình phát triển kinh tế từ bưởi đã được người dân nơi đây ứng dụng và đem lại giá trị kinh tế cao.
Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều
Khi nói về bưởi Tân Triều, ai cũng biết đến Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) do ông Huỳnh Đức Huệ (thường gọi Năm Huệ) gây dựng lên.
Khi mới thành lập, Khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều chỉ có vườn bưởi và vài cái chòi lá, quầy bếp. Từ 1,1 ha đất trồng bưởi ban đầu, để có thêm diện tích trồng bưởi và làm chòi cho du khách vui chơi, gia đình ông mua thêm đất rồi nhập vào để mở rộng diện tích khu du lịch lên đến gần 2 ha như ngày nay. Trung bình mỗi ngày cuối tuần khu du lịch thu hút cả ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí.
Ban đầu, khách đến chủ yếu là người quen địa phương, từ TP.Biên Hòa lên chơi. Để thu hút thêm du khách và lan tỏa thương hiệu bưởi Tân Triều, ông Năm Huệ áp dụng trồng bưởi theo mô hình sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, ông còn đầu tư phát triển các dịch vụ trong vườn bưởi như: mua ghe để khách chèo tham quan xung quanh khu du lịch, tạo hình trái bưởi khổng lồ cho du khách chụp hình; nhất là đầu tư mạnh cho ẩm thực với các món ăn dân dã được chế biến từ bưởi và rượu bưởi.
Đặc biệt, rượu bưởi là sản phẩm độc đáo do ông tự chế biến. Sau nhiều mẻ rượu thất bại, đến năm 2004, ông mới có được mẻ rượu ngon như ý. Ông đăng ký thương hiệu Rượu bưởi Năm Huệ đựng trong bình gốm hình trái bưởi trông rất bắt mắt. Vào dịp cuối năm, mỗi tháng ông Năm Huệ sản xuất cả ngàn bình rượu bưởi mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Làng bưởi Tân Triều, Đồng Nai
Nhờ sự phát triển của Khu du lịch Làng bưởi Tân Triều nên ông Huỳnh Đức Huệ đã nhiều lần được tham gia cùng các đoàn của tỉnh đi xúc tiến thương mại khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước để quảng bá cho thương hiệu bưởi Tân Triều. Qua đó, ông đã ký kết làm ăn với nhiều đối tác trong việc cung cấp quả bưởi cũng như rượu bưởi...
Theo UBND xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), ông Huỳnh Đức Huệ có công trong việc phát triển và giới thiệu đặc sản địa phương, làm nhiều người biết đến thương hiệu bưởi Tân Triều. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị bưởi Tân Triều, giúp đời sống nông dân trong vùng khấm khá hơn, góp phần vào sự phát triển của xã Tân Bình, nhất là trong những năm tập trung xây dựng nông thôn mới vài năm trước đây.
Nâng cao giá trị bưởi Tân Triều bằng những món hàng độc, lạ làm từ trái bưởi
Tại xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, ông Ngô Văn Sơn được biết đến là người đầu tiên ở vùng bưởi đặc sản Tân Triều dám thử nghiệm cách tạo hình cho trái cây để có nguồn thu nhập lên đến trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2000, ông đã quyết định chuyển đổi 2ha ruộng thành vườn bưởi. Đến nay, vườn bưởi của ông Sơn đã bước sang năm thứ 18 và cho thu hoạch đều đặn mỗi năm gần 30 tấn trái. Trong vườn của ông hiện có 1,5ha là bưởi đường lá cam, 5.000m2 còn lại là các loại bưởi da xanh, bưởi ổi.
Việc tiêu thụ trái bưởi phụ thuộc nhiều vào thương lái nên giá không ổn định làm nhà vườn rơi vào cảnh khó khăn. Trước thực tế đó, ông đã bắt đầu tìm tòi, thử nghiệm các biện pháp nâng cao hiệu quả cho trái bưởi, bước đầu đã mang lại hiệu quả khi hàng trăm trái bưởi hồ lô độc đáo ra đời. Vào thời điểm đó, mỗi trái bưởi hồ lô bán ra thị trường có giá gấp từ 10 đến 20 lần so với trái bưởi thường.
Được biết, ông Sơn chọn những trái đẹp để sản xuất bưởi hồ lô, đặt khuôn có in chữ “Tài - Lộc”, bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa... Cứ mỗi cặp hồ lô ông bán được 2-3 triệu đồng, bưởi chùm 3 trái bán 5-6 triệu đồng. Thành công lớn nhất của ông là làm bưởi tứ quý, tức chùm hồ lô 4 trái. Mỗi chùm 4 như vậy, ông bán ra thị trường từ 10-12 triệu đồng.
Vụ bưởi năm nay, do thời tiết thuận, mưa sớm nên cây bưởi ra hoa sớm và tỷ lệ đậu trái cao. Tuy nhiên, mưa sớm hơn khoảng 1 tháng, từ đầu tháng 4 âm lịch nên bưởi chín sớm làm giảm sản lượng bưởi Tết. Riêng vườn nhà ông Sơn năm ngoái có khoảng 20 tấn bưởi Tết thì năm nay chỉ còn chưa đến 10 tấn. Theo ông, sản phẩm chủ lực dịp Tết là bưởi đường lá cam sẽ có giá dao động từ 800.000 - 1 triệu đồng/chục (12 trái).
Vĩnh Cửu mở rộng diện tích trồng bưởi Tân Triều
Thấy được lợi ích từ việc trồng bưởi là rất lớn, với thu nhập từ trồng bưởi Tân Triều gấp khoảng 20 lần trồng lúa, mới đây huyện Vĩnh Cửu đã kiến nghị tỉnh cho phép huyện chuyển đổi diện tích đất lúa ở Tân Triều sang trồng bưởi.
Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã chuyển đổi 86,45ha đất trồng lúa, tràm và xoài ba mùa có hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn trái có múi như: Bưởi, cam, quýt và xoài cát Hòa Lộc cho giá trị kinh tế cao hơn.
Tuy vốn đầu tư ban đầu để trồng các loại cây ăn trái trên khá cao, dao động trong khoảng từ 400 - 500 triệu đồng/ha nhưng theo một số hộ dân địa phương cho biết, nếu chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái khác có hiệu quả hơn thì thu nhập có thể sẽ tăng trên 15 lần so với trồng lúa.
Cụ thể, nếu trồng 1ha bưởi sau 4 - 5 năm bắt đầu cho thu hoạch lợi nhuận trung bình khoảng 500 - 700 triệu đồng/ha. Đặc biệt, có trường hợp nông dân trồng bưởi da xanh ở xã Bình Lợi đạt lợi nhuận lên tới 1 tỷ đồng/ha/năm. Một số hộ bỏ lúa chuyển sang trồng cam, quýt sau 2 - 3 năm cũng cho lợi nhuận từ 600 - 800 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay rất nhiều hộ dân trên địa bàn huyện muốn chuyển đổi đất lúa sang đất trồng cây ăn trái, để tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Diện tích các hộ dân muốn chuyển đổi là gần 1.000ha. Những vùng người dân muốn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái gồm các xã Bình Lợi, Tân Bình, Tân An...
Như vậy, với những giá trị vốn có, cùng với sự sáng tạo, đổi mới của người dân Vĩnh Cửu trong việc quảng bá, nâng cao giá trị cho trái bưởi Tân Triều, hy vọng, đặc sản bưởi Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục được nhiều người tiêu dùng biết đến.
Nguồn: VITIC