Chủ Nhật, 06/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hành trình đưa trái vú sữa tím Sóc Trăng xuất ngoại

Ngày đăng: 30/12/2018
Lượt xem: 931
Với rất nhiều nỗ lực, nông dân trồng vú sữa, đặc biệt là cây vú sữa tím tại huyện Kế Sách, đã áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến như bao trái, đăng ký mã code vùng trồng, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, để vú sữa Sóc Trăng đáp ứng được đầy đủ chất lượng theo yêu cầu, xuất khẩu 2 tấn vú sữa đầu tiên ra thị trường khó tính nhất là Mỹ.

Vú sữa là một trong những loại cây ăn trái chủ lực nằm trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng thuộc Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

Hiện nay tỉnh Sóc Trăng có diện tích vườn cây ăn trái hơn 29.000 ha phân bố tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, Châu Thành. Trong đó riêng diện tích vườn cây vú sữa có hơn 1.545 ha tập trung nhiều nhất tại huyện Kế Sách. Các giống vú sữa ngon hiện có của Sóc Trăng như: Vú sữa tím cho màu trái đẹp, ngọt thanh, thịt cơm dai, giòn; vú sữa Lò Rèn ngọt đậm đà, thịt cơm mềm. Ngoài ra còn nhiều giống vú sữa khác như Bơ Hồng, vú sữa Bắc Thảo (Bách Thảo)…

Với mẫu mã đẹp và chất lượng ngon nên vú sữa tím Sóc Trăng hiện đang được thị trường ưa chuộng

Kế Sách đầu tư phát triển vùng trồng sữa tím

Kế Sách là huyện có tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế vườn, với nhiều loại trái cây đặc sản nổi tiếng như: vú sữa, bưởi, xoài, mận... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nâng cao giá trị của các loại trái cây đặc sản nói chung và trái vú sữa tím nói riêng đủ sức cạnh tranh không chỉ thị trường trong nước và còn đạt yêu cầu xuất khẩu đang được ngành chức năng và nông dân quan tâm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Kế Sách có trên 1.545ha vú sữa, chủ yếu là vú sữa tím, tập trung ở xã Xuân Hòa và Trinh Phú. Với nhiều ưu điểm như trái to hơn so với các loại vú sữa khác, màu tím đẹp, vỏ cứng, có thể chuyên chở xa không bị dập, thịt ngọt, dai, giòn, ít mủ, ít hột… nên trái vú sữa tím hiện nay đang được thị trường rất ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng như nhiều trái cây đặc sản khác của địa phương, khi vào vụ thu hoạch rộ thì trái vú sữa tím thường xảy ra tình trạng “cung vượt cầu”.

Để khắc phục vấn đề này, tránh rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tăng cường hỗ trợ nhà vườn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, bà con xã viên từng bước thay đổi tập quán sản xuất, hình thành chuỗi liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, nhằm giúp nhà vườn có thêm kênh tiêu thụ tại thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada, châu Âu…, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kế Sách và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng đã tích cực hỗ trợ nhà vườn về kỹ thuật canh tác, kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ để tìm đầu ra cho trái vú sữa Tím, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại, kết nối với doanh nghiệp thu mua cũng được ngành nông nghiệp các cấp tích cực triển khai...

Hành trình đưa trái vú sữa tím Sóc Trăng xuất ngoại

Sự thành công của nông dân tỉnh Tiền Giang đã được ghi nhận trong việc xuất khẩu lô hàng vú sữa đầu tiên vào năm 2018. Với rất nhiều nỗ lực, nông dân trồng vú sữa, đặc biệt là cây vú sữa tím tại Kế Sách đã áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiên tiến như bao trái, đăng ký mã code vùng trồng, sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, để vú sữa Sóc Trăng đáp ứng được đầy đủ chất lượng theo yêu cầu, xuất khẩu 2 tấn vú sữa đầu tiên ra thị trường khó tính nhất là Mỹ.

Hành trình đưa được quả vú sữa thành công sang Mỹ của người dân Sóc Trăng là kết quả bước đầu chương trình xúc tiến liên kết chuỗi sản xuất giữa các nhà vườn, HTX nông nghiệp và các doanh nghiệp – Công ty xuất nhập khẩu trái cây VINA T&T và Công ty Chánh Thu, trong khuôn khổ Dự án Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn (2018-2020).

Quy trình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Trước đó, từ giữa tháng 6/2018, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng đến khảo sát vùng trồng trái cây có khả năng phát triển sản lượng lớn, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính; đồng thời cùng với nhà vườn bàn bạc phương thức liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Theo hợp đồng đầu tiên, công ty VINA T&T ký kết thu mua với HTX Trinh Phú, thu mua khoảng 200 tấn. Hiện nay VINA T&T cho biết đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ với số lượng cung cấp 1,5 tấn/ngày vào mùa thu hoạch chính vụ (tháng 12/2018 đến tháng 3/2019). Vú sữa thu mua nhà vườn theo qui cách giá 30.000 đồng/kg, cao hơn 19.000 đ/kg so với thời giá hiện nay (nhà vườn bán thương lái 11.000 đồng/kg). Trong khi cũng vào mùa vú sữa này công ty Chánh Thu sẽ thu mua của Tổ hợp tác Quyết Thắng dự kiến khoảng 200 tấn. Đến nay Tổ hợp tác Quyết Thắng đã giao hàng 720 kg với giá 30.000 đồng/kg.

Quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn

Để xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường như Mỹ, các nước châu Âu, các vườn cây phải được cấp mã code và đáp ứng các các yêu cầu như phải bao trái, tuân thủ không dùng thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng. Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng phối hợp cùng Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 tổ chức tập huấn cho các thành viên HTX về kỹ thuật canh tác, bao trái, danh mục thuốc cấm sử dụng của Mỹ.

Về kỹ thuật canh tác, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng vùng sản xuất vú sữa Tím theo quy trình VietGAP tại Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú và Tổ hợp tác Quyết Thắng – xã Xuân Hòa . Theo đó, 44 thành viên của các HTX và Tổ hợp tác với diện tích gần 36,5 ha trồng vú sữa Tím đang tham gia thực hiện quy trình VietGAP. Cùng với giấy thông hành VietGAP, ngành nông nghiệp cũng xúc tiến đăng ký mã số vùng trồng để vú sữa Tím Kế Sách đủ điều kiện xuất khẩu đến các thị trường khó tính.

Đến tháng 10/2018 HTX nông nghiệp Trinh Phú, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách được cấp 2 mã code vùng trồng cây vú sữa tím với diện tích 30,9 ha, có 22 hộ nhà vườn thành viên của HTX tham gia và Tổ hợp tác Quyết Thắng – xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách được cấp 1 mã code vùng trồng cây vú sữa tím với diện tích 15,5 ha có 22 hộ tham gia. Sắp tới sẽ có thêm công ty xuất nhập khẩu Mộc Phát đề nghị cấp mã code vùng trồng vú sữa tím với 9,81 ha (10 nhà vườn đăng ký tham gia) và vú sữa Lò Rèn 8,01 ha (7 nhà vườn tham gia) hướng tới xuất khẩu vào thị trường cao cấp.

Quy trình bảo quản và tiêu thụ

Lô trái vú sữa đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ được vận chuyển lên TP. Hồ Chí Minh để làm thủ tục kiểm dịch bởi chuyên gia Mỹ và cơ quan quản lý của Việt Nam trước khi chiếu xạ và đưa lên máy bay.

Theo hợp đồng, mỗi tuần công ty VINA T&T sẽ thu mua 10 tấn trái vú sữa từ HTX này để xuất khẩu với giá 36.000 đồng/kg. Tại lô đầu tiên, tỉ lệ hàng đạt chuẩn thu mua đến 65% (còn lại không đạt về mẫu mã) do doanh nghiệp và HTX đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu vụ.  

Do trái vú sữa nhanh hỏng, vòng đời ngắn, nếu bảo quản tốt chỉ được bảy ngày kể từ thời điểm hái nên thời gian bán hàng tại Mỹ rất ngắn, tối đa chỉ được bốn ngày nên giá bán của thị trường này cũng khá cao.

Tại Mỹ trái vú sữa có giá 60 USD/thùng 4 kg (tương đương 15 USD/kg, khoảng 350.000 đồng/kg). Thời điểm hiện tại vú sữa đã vào mùa nên giá giảm còn 50 USD/thùng 4 kg, vẫn bảo đảm hiệu quả cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Để trái vú sữa xuất sang Mỹ không dễ dàng, Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam, APHIS phải báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại và đi đến kết luận trái vú sữa tươi từ Việt Nam là an toàn để nhập khẩu Mỹ theo yêu cầu của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (Bộ Nông nghiệp Mỹ).

Trái vú sữa tươi chỉ được nhập khẩu như hàng hóa thương mại; mỗi chuyến hàng xuất khẩu trái vú sữa tươi đều phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cấp; mỗi chuyến hàng phải được xử lý đúng quy định theo mục 7 phần 305 Luật về các quy định của liên bang (CFR); mỗi chuyến hàng đều là đối tượng kiểm tra ngay khi cập cảng vào Mỹ.

Theo công ty VINA T&T, khi các nhà vườn giữ “chữ tín” trồng cây đạt trái chất lượng ngon nhất, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm là không chỉ giữ uy tín cho mình mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu cho trái cây Việt Nam. Như thế vùng trồng trái cây chất lượng sẽ ngày càng mở rộng, sản lượng xuất khẩu tăng lên. VINA T&T mong muốn gắn kết với các HTX, nhà vườn để phát triển vùng nguyên liệu sắp tới nâng mức thu mua lên 2-4 tấn trái vú sữa/ngày. Từ năm 2019 sẽ phối hợp với một đơn vị thuộc Viện cây ăn quả miền Nam ứng dụng kỹ thuật trồng rải vụ, kéo dài mùa vú sữa thu hoạch. Công ty sẽ xây dựng vùng trồng cung cấp trái nhãn Idlo, xoài tại Sóc Trăng để kịp xuất khẩu sang Mỹ vào tháng 6/2019. Bên cạnh đó kế hoạch năm 2019, VINA T&T phối hợp cùng các đơn vị chuyên ngành BVTV, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp và ngân hàng tham gia hỗ trợ nhà vườn xây dựng vườn cây chuyên canh chuẩn mực để thu và bán trái cây tươi với giá trị cao hơn.

Như vậy, thành công bước đầu đưa trái vú sữa Sóc Trăng sang Mỹ sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc xuất khẩu nhiều sản phẩm trái cây khác của tỉnh thời gian tới.

Nguồn: VITIC

Tin liên quan
Liên kết website