Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản phẩm cà phê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích 182.343ha và sản lượng thu hoạch hàng năm đạt trên 400.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước. Tỉnh cũng là nơi trồng bông, cacao, cao su, điều lớn của Việt Nam. Đồng thời, là nơi phát triển các loại cây ăn trái khác, như cây bơ, sầu riêng, chôm chôm, xoài...
Thời gian qua, Đắc Lắk bắt đầu thay đổi cơ cấu kinh tế, thay vì sản xuất, xuất khẩu nông sản, lâm sản, tỉnh hướng đến nông nghiệp công nghệ cao để tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên vốn có. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực xây dựng nông thôn mới gắn với việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
Đắk Lắk có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi: là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên và có cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, Đắk Lắk thuận lợi trong việc giao thương kinh tế và văn hóa trong vùng cũng như với các tỉnh lân cận và Tp. Hồ Chí Minh.
Đắk Lắk có nhiều thuận lợi phát triển nông, lâm, thủy sản, là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, trong đó có gần 5.400 km2 diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đa số là đất bazan màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, sản lượng cao hàng năm như cà phê, cao su, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, xoài… Ngoài các sản phẩm trên, Đắk Lắk còn có thế mạnh về ngô lai, mật ong, sắn, mía… Tỉnh đang chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như phát huy hiệu quả tối đa trong sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn có hệ thống ao, hồ, sông, suối đa dạng và rộng lớn với tổng diện tích mặt nước trên 50.000 ha, thuận lợi để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản.
Đắk Lắk nổi tiếng với các đặc sản địa phương:
Sầu riêng Đắk Lắk
Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 4.000 ha sầu riêng, tập trung ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Krông Năng, Đắk Mil, Krông Pắc, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ…, sản lượng mỗi năm đạt từ 15.000 tấn trở lên, trong đó huyện Krông Pắk có gần 1.000 ha sầu riêng được trồng xen trong các vườn cà phê và trồng thuần. Cây sầu riêng là một trong những cây làm giàu cho nhiều hộ đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Krông Pắk nói riêng.
Năm 2016, Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 2 (Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm sầu riêng một số mô hình của tỉnh.
Đầu năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với nhãn hiệu “Sầu riêng Đắk Mil”.
Sau khi được công nhận nhãn hiệu, để phát triển thương hiệu "Sầu riêng Đắk Mil", UBND huyện Đắk Mil đang quy hoạch phát triển diện tích sầu riêng của huyện đến năm 2025 lên 1.000 ha. Ngoài giống truyền thống của địa phương, các giống sầu riêng được các cơ quan chuyên môn của huyện khuyến khích người dân trồng, phát triển như Dona, Ri6 và cơm vàng hạt lép.
Năm 2018, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ về mặt nghiệp vụ kỹ thuật và phòng bệnh cho sầu riêng. Toàn huyện hiện có là 365 ha sầu riêng các loại.
Cà phê Buôn Ma Thuột
Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những thương hiệu nổi tiếng của cà phê Việt Nam được trồng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột. Vùng địa danh Cà phê Buôn Ma Thuột thuộc các huyện: Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Năng, Krông Pắc, TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ.
Là cây trồng chủ lực với diện tích gần 205.000 ha, cà phê Đắk Lắk đóng góp bình quân hơn 450.000 tấn trong tổng sản lượng 1,5 triệu tấn cà phê của Việt Nam mỗi năm. Để nâng cao giá trị, chất lượng của cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, những năm qua, Đắk Lắk thường xuyên có những chính sách, dự án hỗ trợ ngành hàng này phát triển bền vững.
Trong niên vụ 2016-2017 và 2017-2018, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột lấy gần 130 mẫu cà phê tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn để chuyên gia thử nếm quốc tế đánh giá chất lượng.
Kết quả cho thấy, hơn 10% mẫu cà phê có điểm số thử nếm đạt từ 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. Tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 vừa qua, nhiều lô hàng của Đắk Lắk được tôn vinh và công nhận đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản.
Theo thống kê, hiện nay thị phần cà phê đặc sản chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, nhưng giá trị luôn cao gấp từ 3-5 lần so với cà phê thông thường.
Để làm ra cà phê đặc sản, ngoài điều kiện tự nhiên, người nông dân phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất từ chăm sóc, thu hái, đến sơ chế, bảo quản sản phẩm. Đổi lại, giá cả được doanh nghiệp thu mua cao hơn.
Với diện tích cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột lên tới 17.000 ha, Đắk Lắk có tiềm năng lớn trong phát triển dòng cà phê đặc sản.
Trên phạm vi quốc tế, “Buôn Ma Thuột Coffee” đăng ký bảo hộ theo các hình thức có giá trị thương hiệu tương đương: tên gọi xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận. Trước đây, chỉ dẫn địa lý này từng bị một doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tại lãnh thổ Trung Quốc. UBND tỉnh Đắk Lắk – chủ sở hữu hợp pháp chính thức chỉ dẫn địa lý này phải đấu tranh pháp lý để bảo hộ chính thức “Buôn Ma Thuột Coffee” tại Trung Quốc dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Cùng với đó, Đắk Lắk đã nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu này tại 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã được 12 quốc gia đồng ý, trong đó, “Buôn Ma Thuột Coffee” được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tại Canada, Đức, Ba Lan, Bỉ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Luxambua và Singapore, tại Thái Lan là Chỉ dẫn địa lý và tại Nga là tên gọi xuất xứ hàng hóa.
“Buôn Ma Thuột Coffee” là một trong số 38 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý. Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) đang hỗ trợ địa phương hoàn thiện hồ sơ đăng ký và vận hành trong thực tế theo những quy định của EU; theo đó, quá trình này sẽ được xúc tiến theo hướng bảo hộ thêm cho các sản phẩm chế biến sâu, củng cố hệ thống kiểm soát và chứng nhận chất lượng. Bên cạnh đó, hồ sơ đăng ký cũng mô tả rõ hơn đặc thù của sản phẩm, quy định rõ những yêu cầu bắt buộc trong quá trình sản xuất, chế biến, quy trình chứng nhận chất lượng, hệ thống kiểm soát nhằm bảo đảm đặc thù chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, quy định sử dụng logo và hệ thống nhận dạng thương hiệu.
Bơ Đắk Lắk
Bơ là một trong những cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Tại Việt Nam, bơ được trồng ở nhiều vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, cây bơ cho năng suất cao và chất lượng tốt nhất khi trồng ở Tây Nguyên nhờ nền đất đỏ bazan với tầng canh tác dày, thoát nước tốt, hàm lượng dinh dưỡng trong đất cao. Trong số các loại bơ, bơ Dakado được người dân ưa chuộng hơn cả bởi chất lượng thơm ngon. Giống cây này du nhập vào Việt Nam từ những năm 1940, xuất hiện lần đầu ở Lâm Đồng. Sau này, dù có mặt ở nhiều khu vực khác nhưng bơ Dakado vẫn cho chất lượng quả ngon nhất khi trồng tại Đắk Lắk.
Ra đời từ dự án hợp tác cùng tổ chức nước ngoài, với quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, Dakado được coi là thương hiệu bơ số một Đắk Lắk với sản lượng xuất khẩu hàng trăm tấn quả tươi mỗi năm. Để xây dựng và phát triển thương hiệu bơ Dakado, công ty tiến hành liên kết với 100 hộ nông dân tại địa phương, thành lập liên minh sản xuất bơ Dakado theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.
Theo đó, các thành viên trong liên minh có trách nhiệm thực hiện đúng các quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, phía công ty cũng cử kỹ thuật viên xuống hỗ trợ, tư vấn cho bà con từ khâu chăm sóc đến thu hoạch. Công ty có trách nhiệm vận chuyển, bảo quản và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, trả giá cao hơn 20-30% cho sản phẩm bơ đạt chất lượng của bà con.
Tiêu Đắk Lắk
Tiêu là cây trồng lâu năm ở Đắk Lắk với diện tích gần trên 27.000 ha, sản lượng đạt trung bình 48.000 tấn. Hồ tiêu Đắk Lắk hiện đang xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…
Đắk Lắk đứng thứ 2 cả nước về diện tích hồ tiêu. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cư Kuin, hồ tiêu Cư Kuin đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hồ tiêu Cư Kuin” từ tháng 10/2016. Để phát triển thương hiệu, huyện làm việc với các công ty trên địa bàn để thực hiện liên kết “4 nhà”, đồng thời xây dựng một số mô hình chế biến tiêu bằng công nghệ mới… nhằm tạo ra sản phẩm tiêu an toàn, đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của các thị trường nước ngoài.
Đối với các hộ dân trồng tiêu, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc hồ tiêu theo đúng quy trình; xây dựng các mô hình trình diễn về kỹ thuật chăm sóc tiêu bền vững tiến tới hình thành vùng sản xuất tiêu chất lượng cao… Hiện Trạm Khuyến nông đã xây dựng xong Đề án thành lập câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu bền vững, dự kiến thành lập 2 câu lạc bộ tại xã Ea Bhôk và xã Ea Hu. Đây sẽ là nơi để người trồng tiêu tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, đồng thời là hạt nhân trong việc áp dụng kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm hồ tiêu của địa phương.
Đắk Lắk tăng cường xây dựng thương hiệu gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, năm 2018, các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn Chương trình nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ngày càng được quan tâm, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 109 dự án sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị và đang triển khai, có trên 60 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bước đầu có hiệu quả.
Hiện nay toàn tỉnh Đắk Lắk có 43/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 107,5% kế hoạch năm 2018 đề ra. Phấn đấu đến hết năm 2019, toàn tỉnh có thêm 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới và TP. Buôn Ma Thuột được trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Trong năm 2019, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực ở mỗi thôn, buôn, xã.
Tỉnh Đắk Lắk xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi để nâng cao thu nhập, cải thiện tốt hơn đời sống người nông dân. Các cấp, ngành trong tỉnh cũng sẽ tập trung tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu.
Đắk Lắk đang rất chú trọng vào việc tạo dựng thương hiệu cho nông sản. Để nâng cao giá trị hàng nông sản Đắk Lắk, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cần quan tâm đến xây dựng thương hiệu, trong đó, nên lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để tạo đột phá về sản lượng, chất lượng tốt và giá bán cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp cũng cần phải đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; đồng thời, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản, phát triển hệ thống phân phối tới tay người tiêu dùng.
Nguồn: VITIC tổng hợp