Chủ Nhật, 01/12/2024
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề lụa Tân Châu

Theo thời gian, cùng với sự phát triển và hội nhập, vải vóc trên thị trường đã trở nên đa dạng về mẫu mã và màu sắc hơn, lụa Tân Châu dần bị mai một, không còn vang danh như xưa. Tuy nhiên hiện nay, cùng với những chính sách của tỉnh An Giang để bảo vệ giá trị của làng nghề Tân Châu, các sản phẩm nơi đây đã và đang dần tìm lại được vị trí của mình.

Làng lụa Tân Châu từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm tham quan tại Châu Đốc, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, gắn liền với thương hiệu Lãnh Mỹ A nổi tiếng từ bao đời nay. Để tạo ra được những tấm lụa đẹp, mịn, người Tân Châu hết sức kỳ công trong việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt và nhuộm vải. Đây là nghề cha truyền con nối, được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Lụa Tân Châu là loại loại lụa được dệt, gia công bằng công thức rất độc đáo, chỉ một màu đen huyền, bóng đặc biệt không bao giờ phai màu, không co giãn và không hút ẩm, mặc mát mùa hè, mùa đông lại rất ấm. Lụa Tân Châu nổi tiếng với thương hiệu Lãnh Mỹ A được xem là niềm tự hào của người dân Tân Châu. Lụa Tân Châu được xếp vào loại lụa cao cấp. Không chỉ được sử dụng trong nước, lụa Tân Châu còn xuất hiện ở Ấn Độ, Singapore, Philippines… và được giới thượng lưu, hoàng tộc ưa chuộng.

Tại An Giang, người dân trồng dâu từ những bãi đất cát pha ven sông vào sâu trong đồng ruộng. Có những năm, ruộng dâu trồng đến hơn 10.000 ha, trải dài từ Tân Châu, Chợ Mới đến tận biên giới Campuchia mới đủ cung cấp cho tằm ăn. Khi hái dâu để nuôi tằm, người dân không hái từng lá mà chặt sát gốc, sau đó gom thành từng bó lớn rồi chở về. Đối với nghề trồng dâu nuôi tằm, gần như lúc nào người làm cũng phải túc trực bên nong và bộ ván xắt dâu để rải lá nuôi tằm. Khi tằm chín mọng, người ta đưa tằm lên bủa giăng tơ, dệt thành lụa.  

Trái mặc nưa được người dân An Giang dùng để nhuộm lụa Tân Châu. Loại cây này chỉ có số ít ở vùng An Giang, còn lại chủ yếu là Campuchia. Đây là kỹ thuật phát kiến độc đáo nhất của người làng nghề xưa, làm cho lụa Tân Châu đen tuyền, óng ả.

Đây là loại cây gỗ có màu đen, lá mỏng, chùm quả gần giống như quả nhãn. Quả mặc nưa sau khi thu hái, được phân loại lớn nhỏ khác nhau. Người ta sẽ chọn quả to và xanh, do những loại quả này cho nhiều nhựa hơn là các loại quả chín. Sau đó đem giã nát và hoà vào nước tạo thành dung dịch có màu vàng sánh rất đẹp, khi tiếp xúc với không khí và nhiệt độ, màu này sẽ chuyển sang màu đen. Để nhuộm một cây lụa 10m, trung bình phải cần 50kg trái mặc nưa. Vì thế, nguyên liệu dùng để nhuộm lụa Tân Châu hoàn toàn là nguyên liệu tự nhiên, không có phẩm màu hay hóa chất. Chính điều này cũng làm nên bản sắc riêng của lụa Tân Châu.

Nhuộm lụa được xem là công đoạn quan trọng và kỳ công bởi lụa phải nhúng rất nhiều lần để từng sợi tơ được thấm sâu, thấm đều, sau đó mang ra phơi 4 nắng, quá trình này mất gần 50 ngày. Tiếp đó trong khoảng một tuần, người thợ nhuộm phải đem những cây hàng (đơn vị tính cho một cây lụa) đi nện (công đoạn bắt buộc khi gia công Lãnh Mỹ A, bởi sợi vải phải chịu tác dụng lực cơ học lên bề mặt mới tạo độ bóng bền cho lãnh). Lãnh sau khi phơi khô được quấn lại thành cuộn tròn và đem đi nện. Ngày nay, người làm nghề đã sử dụng các máy nện hàng chứ không làm thủ công là dùng búa gỗ nện như trước. Giai đoạn cuối, lụa phải trải qua các giai đoạn hồ, xả mới tạo được một tấm lụa Mỹ A có mầu đen huyền, bóng, về chất lượng chính là sự mềm mại, dai, bền và hút ẩm cao.

Bên cạnh màu đen truyền thống do nguyên liệu nhuộm tự nhiên của quả mặc nưa, những người sản xuất lụa Tân Châu còn tìm kiếm những kỹ thuật nhuộm nhiều màu khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của du khách. Nghề ươm tằm cũng như nghề dệt Tân Châu cũng đã cải tiến không ngừng. Với những thành tựu kỹ thuật mới, mọi công đoạn đều dùng máy để tạo ra những sợi tơ mềm và nhuyễn hơn. Không chỉ vậy, năng suất mỗi lần ươm, dệt cũng được tăng lên đáng kể. Hiện nay, chất lượng tơ lụa Tân Châu đã ngang tầm với những thị trường có ngành tơ lụa phát triển. Đây là cơ hội lớn để làng nghề có thể khôi phục lại, phát triển mạnh.

Mở rộng thị trường còn nhiều khó khăn

Để làm ra lụa Tân Châu mất nhiều thời gian và công sức nên giá cả của một thước lụa làm ra khá cao, trong khi vào những năm 60-70, thị trường vải ngày càng phong phú, đa dạng, giá lại rẻ nên lụa Tân Châu không đủ sức cạnh tranh, đời sống người lao động gặp khó khăn.

Trước đây, đã thành lập làng nghề nhưng chưa nhìn thấy được cái chung để cùng nhau xây dựng làng nghề phát triển bền vững. Điều này đã làm cho nghề dệt lụa ở Tân Châu dần mai một, nhất là dệt sản phẩm lãnh Mỹ A.

Mặt hàng tơ lụa Tân Châu được đánh giá cao về chất lượng, thậm chí chất lượng còn tương đương với sản phẩm của các thị trường như Trung Quốc, Thái Lan..., nhưng do sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu và thiếu liên kết trong sản xuất nên sức cạnh tranh kém.

Mặc dù được thừa hưởng những tinh túy từ nghề quý của cha ông, song để giữ vững và phát triển được thương hiệu làng nghề trong nhịp sống thương mại hóa là cả một vấn đề khó khăn. Nhất là hiện nay, lụa Tân Châu đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt về mẫu mã, giá cả của lụa Trung Quốc.

Mặc dù vậy trong những năm gần đây, lụa Tân Châu đã từng bước được khôi phục, tìm được chỗ đứng trên thị trường bởi xu thế thời trang hiện nay là hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao. Lụa Tân Châu là một sản phẩm thuần Việt, đậm đà tính dân tộc và là niềm tự hào của người Việt. Những sản phẩm bền và đẹp như hiện nay là kết quả của cả một quá trình người làng nghề không ngừng học hỏi, đổi mới công nghệ và luôn tìm ý tưởng sáng tạo nên những mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi như với lịch sử lâu đời truyền thống, làng nghề tơ lụa Tân Châu, Lãnh Mỹ A đã tạo thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều người biết đến sánh ngang tầm với làng lụa Vạn Phúc – Hà Nội, sản phẩm lụa Tân Châu đều được tạo từ những dòng nguyên liệu tự nhiên mà không làng nghề nào có được thì làng nghề truyền thống Tân Châu cũng gặp phải những khó khăn từ màu sắc, giá cả cho đến nguồn nhân lực. Để dệt 1m lãnh Mỹ A thành phẩm phải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian và công sức, trong khi giá vẫn còn ở mức trung bình. Thêm vào đó, màu sắc cũng chỉ là màu đen truyền thống. Mẫu mã của lụa Tân Châu không được cải biến nhiều và không tạo được sự độc lạ trên thị trường khi mà nguồn vải nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc khá nhiều. Ngày nay, lãnh Mỹ A không được sản xuất đại trà như trước, vì chi phí cao và thị trường tiêu thụ hẹp.

Khó khăn nữa là sự phát triển của các loại vải công nghiệp đã khiến tơ lụa Tân Châu bước ra khỏi thời kỳ “hoàng kim”. Hiện tại, làng nghề chỉ còn những người thật sự tâm huyết với nghề nghiệp của cha ông mới có thể duy trì sản xuất. Hiện nay, sản phẩm lụa, gấm Tân Châu tiêu thụ chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh. Một số công ty nước ngoài vẫn chuộng các sản phẩm tơ lụa truyền thống được sản xuất tại làng nghề.

Hiện nay, nhiều chủ cơ sở dệt lụa Tân Châu đang lên kế hoạch thiết lập mạng lưới tiêu thụ ở cả thị trường trong và ngoài nước. Các cơ sở liên tục đổi mới mẫu mã, đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại nhằm hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào trung gian ở khâu nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ. Nhiều sản phẩm dệt có chất lượng cao, với nhiều mẫu mã khác nhau.

Song song đó, huyện cũng đang xây dựng lại mô hình hợp tác xã với quy chế hiệu quả, chặt chẽ hơn, nhằm khôi phục và phát triển ngành nghề một cách bài bản. Để phát huy hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng rất cần sự hợp lực từ phía doanh nghiệp trong nghề.

Trải qua những năm tháng thăng trầm, làng nghề truyền thống tơ lụa Tân Châu lại được khôi phục dậy. Tơ lụa Tân Châu ngày nay đang trên đà chuyển mình, và được cải tiến rất nhiều để phục vụ được thị hiếu chung của người tiêu dùng. Những dòng sản phẩm đẹp, bền của Lãnh Mỹ A chính là quá trình học hỏi, không ngừng nghỉ.

Đổi mới công nghệ cộng kết hợp với việc kiếm tìm những ý tưởng mới, cải tiến mẫu mã đa dạng, phong phú sẽ giúp sản phẩm lụa Tân Châu có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường hiện nay. Với sự tham gia của các loại máy móc công nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất có thể tạo ra sản phẩm nhanh hơn với quy mô sản xuất lớn hơn và chất lượng tốt hơn.

Mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống cũng đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam. Khi tham gia tour du lịch làng nghề, khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống. Thông qua hoạt động phục vụ du lịch, một số nghề thủ công truyền thống sẽ có khả năng phát triển như lụa Tân Châu, mang lại nguồn thu cho người dân ở khu vực này. 

Thành công của Liên hoan Du lịch Đồng Bằng sông Cửu Long những năm gần đây và chủ trương kết hợp du lịch với làng nghề truyền thống của tỉnh An Giang sẽ là động lực để khôi phục một làng nghề trứ danh. Qua đó, lụa Tân Châu không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.

Hiện nay, sản xuất tơ lụa đang được các nước duy trì theo các phương pháp truyền thống và các phương pháp mới hơn. Sản lượng sản xuất lụa tơ tằm hằng năm ở các thị trường lớn như là Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin… ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.

Châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực sản xuất lụa lớn nhất với sự sẵn có của nguyên liệu thô trong khu vực. Cụ thể, Trung Quốc chiếm 70% sản lượng lụa của thế giới và 90% xuất khẩu lụa của thế giới. Ấn Độ là nước sản xuất lụa tơ lụa lớn thứ hai trên thế giới, chiếm khoảng 18% sản lượng tơ thô trên thế giới. Việt Nam là nước sản xuất lụa lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ sáu trên thế giới.

Mặc dù nhu cầu về sản phẩm tơ lụa đang tăng lên ở châu Âu và Bắc Mỹ nhưng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là thị trường lụa phát triển nhanh nhất về giá trị và khối lượng, và xu hướng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục đến năm 2021. Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan và Thái Lan là những thị trường lụa tơ lụa lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhu cầu lụa tại khu vực này chủ yếu là do sự gia tăng dân số. Ngoài ra, nhu cầu lụa trong nước của Trung Quốc và Ấn Độ cũng ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu của thị trường lụa toàn cầu. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng thị phần lụa trên thị trường thế giới trong các năm tới.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website