Thứ Hai, 02/12/2024
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Bến Tre xây dựng thương hiệu cho đặc sản địa phương

Bến Tre là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh về nông nghiệp, đặc biệt các sản phẩm chủ lực. Đến nay, đã có nhiều loại trái cây ở tỉnh được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa như: Sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa, bưởi da xanh. Một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận là nhãn hiệu tập thể như: Lúa sạch Thạch Phú, Bánh Phồng Sơn Đốc, Măng cụt và Chôm Chôm Chợ Lách, cây giống và hoa kiểng Cái Mơn, Cá khô Bình Thắng  Bình Đại, Tôm khô An Thủy Ba Tri, Nhãn Long Hòa, Gà nòi Mỹ Hương Đông, Chỗi Mỹ An, rau Phú Nghĩa huyện Ba Tri, Heo mỏ Cày Nam...

Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Bến Tre

Bưởi da xanh Bến Tre

Bến Tre được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ, thuận lợi để phát triển sản xuất đặc sản bưởi da xanh. Ưu điểm của loại quả này là có thể bảo quản được với thời gian dài, ít bị hao hụt trong quá trình vận chuyển nên mang lại lợi nhuận cao.

Sản phẩm được thị trường ưa chuộng, giá cả ổn định ở mức cao, diện tích bưởi da xanh của tỉnh không ngừng tăng lên trong những năm qua.

Sản phẩm bưởi dan xanh tỉnh Bến Tre

Mặt hàng bưởi da xanh liên tiếp được giá trong những năm gần đây, nhờ đó các nhà vườn không ngừng mở rộng diện tích. Đến nay, thống kê chung trong toàn tỉnh cho thấy các nhà vườn đã trồng được khoảng 6.200 ha, chiếm hơn 20% tổng diện tích cây ăn quả của cả tỉnh. Trong đó, diện tích đang cho quả đạt 4.200 ha; diện tích trồng mới trên 2.000 ha được người dân trồng rải rác ở nhiều nơi trong tỉnh, chưa đến thời gian thu hoạch. Với năng suất bình quân trên 11,4 tấn/ha, sản lượng quả đạt khoảng 46.670 tấn.

Tháng 9 năm 2005, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể bưởi da xanh Mỹ Thạnh An cho Hợp tác xã nông nghiệp Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An.

Nhận thấy tiềm năng phát triển to lớn của mặt hàng này, những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã tập trung đẩy mạnh xây dựng vùng nguyên liệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ thành lập các Tổ hợp tác và Hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, dự án phát triển 6.000 ha bưởi da xanh trong vườn dừa cũng đang hình thành vùng nguyên liệu ổn định cả về sản lượng và chất lượng.

Thời gian tới, để giúp cây bưởi da xanh của tỉnh  phát triển bền vững thì cần phải quy hoạch lại các vùng trồng bưởi da xanh; triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng với các doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng liên kết ngang giữa những người nông dân trồng bưởi da xanh, hình thành nên các Chi hội nông dân trồng bưởi da xanh trên địa bàn từng ấp, xã; liên kết dọc giữa nông dân trồng bưởi da xanh và thương lái…

Song song với vấn đề mở rộng diện tích cần phải áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến vì đây là điều cốt lõi để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định vị thế của sản phẩm.

Bánh Phồng Sơn Đốc

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc hiện có khoảng hơn 30 cơ sở sản xuất. Đặc trưng của Bánh phồng Sơn Đốc là hương thơm từ vani, bột nếp, béo ngậy của nước cốt dừa. Ngoài bánh phồng, người dân ở đây còn sản xuất thêm một số loại bánh như bánh phồng chuối, bánh phồng mì, bánh phồng mít, bánh phồng hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hầu hết các hộ dân ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đều trang bị máy quết và máy cán, giúp quy trình làm nhanh hơn, sản lượng bánh cũng ngày một nhiều hơn.

Bánh phồng Sơn Đốc là món ăn kết tinh sự khéo léo, sáng tạo của người làm bánh, cùng bao sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho xứ dừa. Những chiếc bánh phồng Sơn Đốc đang ngày càng nổi tiếng, được đón nhận, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Sản phẩm bánh phồng Sơn Đốc đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2008 cho hợp tác xã sản xuất bánh phồng Sơn Đốc.

Chổi cọng dừa Mỹ An

Năm 2011, làng nghề bó chổi ấp An Hòa - Mỹ An được công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp thứ 18 của tỉnh Bến Tre, mở ra hướng mới cho việc phát triển sản phẩm làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Năm 2012, làng nghề bó chổi Mỹ An được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Đây là những điều kiện thuận lợi để làng nghề bó chổi Mỹ An phát triển, đưa sản phẩm của mình vươn xa hơn nữa.

Sản phẩm chổi cọng dừa Mỹ An tỉnh Bến Tre

Làng nghề bó chổi Mỹ An có khoảng 200 hộ tham gia làm nghề bó chổi và có hơn 30 cơ sở sản xuất với quy mô lớn. Hàng năm, làng nghề bó chổi Mỹ An xuất bán hơn 1 triệu sản phẩm các loại  ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Để có đủ nguyên liệu cọng lá dừa nhằm phục vụ cho sản xuất, ngoài nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, các cơ sở sản xuất ở đây còn thu mua thêm nguyên liệu từ các nơi khác như: Mỏ Cày, Ba Tri, Châu Thành, Tiền Giang… Làng nghề bó chổi Mỹ An đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương khoảng 500 lao động tại chỗ, doanh thu đạt được từ 22 - 25 tỉ đồng.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website