Xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương được tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm chú trọng. Trong thời gian qua, công tác xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh đã có những bước đột phá, một số nông sản đã khẳng định được thương hiệu và vươn đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Tỉnh Đắk Nông có tiềm năng rất lớn về mặt hàng nông sản, lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai và hơn 80% dân số làm nghề nông đã tạo nên sự đa dạng trong các sản phẩm nông nghiệp. Đắk Nông cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển những vùng chuyên canh cây ăn quả lớn.
Hiện tại đã có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể như: Măng cụt, sầu riêng, khoai lang, tiêu, cà phê, xoài, rau củ quả… Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp văn bằng gồm: Nhãn hiệu "Măng cụt Gia Ân", Nhãn hiệu "Sầu riêng Gia Trung", Nhãn hiệu tập thể "Khoai lang Tuy Đức", "Tiêu Đắk Song", "Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận", "Hồ tiêu năm màu Hà Phát". Bên cạnh đó, một số sản phẩm đã đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể như: Rau Đắk R'lấp, Gà đồi Đắk R'lấp, Cà phê Đắk Mil, Sầu riêng Đắk Mil, Xoài Đắk Mil, Lúa gạo Krông Nô, Khoai lang Đắk Glong. Qua đó, mỗi huyện có 1 đến 3 sản phẩm đặc thù để tiến hành đăng ký bảo hộ.
Giới thiệu một số sản phẩm đặc sản, đặc trưng tỉnh Đắk Nông
Cà phê Đắk Mil Đắk Nông
Với lợi thế vùng đất đỏ bazan màu mỡ, có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên thuận lợi cho trồng và phát triển cây cà phê. Vùng đất Đắk Nông là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt, tạo nên những hạt cà phê có chất lượng cao, hương vị khác biệt so với những vùng khác, nổi tiếng là cà phê vối (Robusta). Cà phê Đắk Mil là thương hiệu lâu đời và uy tín nhất của Đắk Nông.
Huyện Đắk Mil (tỉnh Đăk Nông) có điều kiện tự nhiên thuận lợi canh tác cà phê lớn, sản lượng, chất lượng cao. Phát huy tiềm năng này, địa phương đang xúc tiến xây dựng nhãn hiệu cà phê chất lượng, uy tín và mang lại giá trị cao.
Đắk Nông hiện có diện tích cà phê đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Đắk Lắk và Lâm Đồng. Hạt cà phê chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản, hiện tỉnh có 123.000 ha cà phê, trong đó có trên 20.000 sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, UTZ với quy trình nghiêm ngoặt trong chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh.
Sản phẩm cà phê Đắk Mil tỉnh Đắk Nông
Cà phê Đắk Mil được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu năm 2019. Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Đắk Mil” là cà phê vối (Robusta) được sản xuất theo Bộ quy tắc 4C và các tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành, được trồng tại các xã thuộc huyện Đắk Mil.
Cà phê Đắk Nông nói chung và cà phê Đắk Mil nói riêng nổi tiếng thơm ngon. Ngoài ra, tỉnh còn có 7 nhà máy chế biến cà phê quy mô lớn được đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại. Điển hình như Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Đắk Nông, nơi có tới hơn 1.200 ha cà phê, gần 800 lao động, sản lượng bình quân khoảng 1.000 tấn cà phê nhân/năm, quy trình sản xuất cà phê sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế Utz Kapeh.
Tỉnh Đắk Nông đang mở rộng tổ hợp tác trong nông nghiệp, cũng như hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp sạch VietGAP, GlobalGAP nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hướng tới xuất khẩu.
“Xoài Đắk Mil” và “Sầu riêng Đắk Mil” tỉnh Đắk Nông
Huyện Đắk Mil hiện có khoảng 750 ha cây ăn quả, mà chủ yếu là xoài, ổi, sầu riêng… Trồng cây ăn quả đã mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân trên địa bàn xã. Cây xoài ở huyện Đắk Mil cho ra quả 3 mùa giúp cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
Sầu riêng là một trong những trái cây có chất lượng tại Đăk Nông, chính vì thế được rất nhiều thương lái ở Miền Tây và Đông Nam Bộ đến mua. Sầu riêng ở Đăk Nông có cơm vàng, ngọt, béo vừa phải, được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với hai nhãn hiệu “Xoài Đắk Mil” và “Sầu riêng Đắk Mil”.
Sản phẩm sầu riêng Đắk Mil tỉnh Đắk Nông
Để phát triển thương hiệu "Sầu riêng Đắk Mil", Ủy ban nhân dân huyện Đắk Mil đang quy hoạch phát triển diện tích sầu riêng đến năm 2025 lên khoảng 1.000 ha. Ngoài giống truyền thống của địa phương, các giống sầu riêng được các cơ quan chuyên môn của huyện khuyến khích người dân trồng, phát triển như Dona, Ri6 và cơm vàng hạt lép.
Những năm gần đây, xoài trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Đắk Mil, mang lại thu nhập cao cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Huyện đã tổ chức sản xuất thành công 12 ha xoài theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đắk Gằn, huyện cũng đang tiến hành quy hoạch mở rộng diện tích xoài trên địa bàn xã Đắk Gằn, Đắk R’la, Đắk Lao…
Ngọc Điệp