Kiên Giang - một vùng đất không chỉ nổi tiếng với các danh lam thắng cảnh, nền văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú mà còn được biết đến với các làng nghề truyền thống. Một số làng nghề, nghề truyền thống ở Kiên Giang đã gắn với hoạt động du lịch như chế biến nước mắm, mắm ruốc, làm nồi đất...
Để phát triển các làng nghề theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 38 nghề, 2 làng nghề và 4 làng nghề truyền thống được công nhận. Riêng thành phố Phú Quốc có nhiều nghề đặc sắc nhất, khả năng kết nối du lịch rất cao như nuôi trai ngọc, làm rượu sim, trồng tiêu...
Một số làng nghề tiêu biểu:
Làng nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, không chỉ có độ đạm cao, có màu, mùi, vị thơm ngon đặc trưng mà còn bởi truyền thống làm nước mắm lâu đời của người dân huyện đảo. Nghề làm nước mắm Phú Quốc gắn liền với đời sống dân cư và sự phát triển của đảo nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung. Trong quá trình di dân lập nghiệp, nghề được cư dân ở miền Trung mang theo và được phát triển ở vùng đất Phú Quốc.
Sản phẩm nước mắm của làng nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc tỉnh Kiên Giang
Nghề làm nước mắm thể hiện đặc trưng văn hóa của cư dân địa phương với những kinh nghiệm dân gian, bí quyết, kỹ thuật làm nước mắm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nghề làm nước mắm Phú Quốc có giá trị kinh tế và du lịch, thu hút khách tham quan tìm hiểu về văn hóa làng nghề.
Với giá trị tiêu biểu, Nghề làm nước mắm Phú Quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1730/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 5 năm 2021.
Thành phố Phú Quốc hiện có hơn 60 doanh nghiệp, với khoảng 7.200 thùng ủ chượp cá cơm nguyên liệu chế biến nước mắm. Sản xuất chế biến nước mắm đảo ngọc Phú Quốc là nghề truyền thống, hình thành và phát triển hơn 200 năm được khẳng định là một sản phẩm đặc biệt của Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng.
Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phú Quốc bắt đầu phát triển mạnh từ năm 1945 đến nay. Từ năm 1998, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Bộ Thủy sản cùng với tỉnh Kiên Giang tiến hành lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, đến ngày 1/6/2001 nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ ở Việt Nam, Tháng 7/2013 Liên minh châu Âu (EU) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Việt Nam tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Tháng 8/2013, Bộ Công Thương trao lại chứng nhận này cho đại diện UBND huyện đảo Phú Quốc và Hội Nước mắm Phú Quốc, từ đó sản phẩm nước mắm Phú Quốc được bảo hộ và phát triển đến nay.
Hội Nước mắm Phú Quốc được thành lập tháng 10/2000, hiện tại có 53 hội viên. Ngoài thuận lợi đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, làng nghề nước mắm Phú Quốc luôn được UBND tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Phú Quốc quan tâm giữ vững, phát triển. Nhiều năm qua, người tiêu dùng khắp nơi biết đến nhiều về thương hiệu nước mắm Phú Quốc, giúp bán được nhiều hơn sản phẩm truyền thống làng nghề. Đây còn là một sản phẩm du lịch độc đáo trên thành phố đảo Phú Quốc, thu hút du khách đến tham quan, vừa tìm hiểu văn hóa làng nghề nói riêng và vừa khám phá đời sống văn hóa của người dân trên đảo Ngọc.
Phú Quốc đang quy hoạch, phát triển, bảo tồn nghề sản xuất nước mắm truyền thống gắn với phát triển du lịch; quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất nước mắm và việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Hiệp hội nước mắm Phú Quốc hỗ trợ, hướng dẫn để các doanh nghiệp sản xuất thực hiện đúng quy định chế biến nước mắm mang chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đào tạo lao động, thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu và tiện lợi của người tiêu dùng; tư vấn, hợp tác đầu tư và các vấn đề có liên quan cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm để đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp thông tin về thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong và ngoài nước...
Sau khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề làm nước mắm Phú Quốc tiếp tục hướng tới việc được UNESCO công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Điều này giúp tăng giá trị thương hiệu cho nước mắm Phú Quốc, góp phần nâng tầm di sản văn hóa bản địa, khẳng định thương hiệu nước mắm Phú Quốc trên thị trường quốc tế.
Làng nghề trồng tiêu Phú Quốc
Tiêu là một loại gia vị được coi là đặc sản nổi tiếng của huyện đảo Phú Quốc. Do điều kiện thổ nhưỡng đặc thù của đất đảo nên hồ tiêu Phú Quốc có vị thơm và cay nồng do có hàm lượng tinh dầu cao nên có vị đậm đặc biệt hơn nhiều loại hồ tiêu trồng ở nơi khác. Tiêu đỏ (tiêu chín) là loại tiêu đặc trưng được người dân Phú Quốc thu hoạch thủ công theo từng đợt trái chín. Tiêu đỏ được tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ (tiêu trắng), trong các loại tiêu thì tiêu sọ là loại ngon và đắt tiền nhất. Những quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội (tiêu đen).
Sản phẩm hồ tiêu của làng nghề trồng tiêu Phú Quốc tỉnh Kiên Giang
Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Quốc, không những khẳng định giá trị truyền thống, chất lượng hồ tiêu nơi đảo ngọc này mà còn là điều kiện thuận lợi đưa thương hiệu đặc sản hồ tiêu ra thị trường thế giới, với sức cạnh tranh cao về giá cả, chất lượng của sản phẩm.
Nghề trồng tiêu ở Phú Quốc có từ lâu đời, hiện nay có 717 hộ với diện tích hơn 300 ha tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Hồ tiêu Phú Quốc đã được công nhận thương hiệu quốc gia, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Năng suất tiêu ở Phú Quốc trung bình khoảng 2-3 tấn /ha, mật độ trồng từ 2500 - 3000 nọc/ha.
Nghề trồng tiêu Phú Quốc đã và đang được nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận GlobalGAP. Đây là điều kiện để hồ tiêu Phú Quốc có thể mở rộng thị trường tiêu thụ ra thế giới, đồng thời góp phần quảng bá cho du lịch Phú Quốc - là một điểm đến quan trọng của du lịch Việt Nam. Bên cạnh các đề tài nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học, cần có những công trình nghiên cứu ứng dụng về kinh tế - xã hội để nâng cao tầm giá trị của nghề trồng tiêu Phú Quốc, không chỉ dừng lại ở việc khai thác sản phẩm nông nghiệp mà kết hợp khai thác nhiều hơn nữa nguồn lợi này từ du lịch.
Đỗ Tuyến