Thứ Bảy, 10/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Hậu Giang gìn giữ và phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống

Các làng nghề của tỉnh Hậu Giang như đan cần xé, đan lát lục bình, đóng ghe thuyền… mang đậm nét văn hóa đặc trưng và đều góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo của làng nghề, đồng thời phát triển các kênh, trang tin điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá những sản phẩm của làng nghề truyền thống ngày càng vươn xa.

Là một tỉnh ở trung tâm châu thổ sông Mê Kông, tỉnh Hậu Giang phong phú các sản vật miền sông nước, nên đa dạng các làng nghề, nổi bật với nhiều làng nghề lâu đời như đan cần xé, đan lát lục bình, đóng ghe thuyền… Đa số các làng nghề đều góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.

Nghề đan cần xé là một nghề truyền thống có hơn 40 năm ở thị xã Ngã Bảy, trong đó các nguyên liệu phục vụ cho nghề này là tre, trúc, mây, dây kẽm… Các loại nguyên liệu này tại địa phương rất phong phú.

Người thợ dùng tre, trúc chẻ thành những nan nhỏ rồi đan lại thành cần xé để đựng hàng hóa nông sản, trái cây… Nguồn nguyên liệu chính của cái cần xé là trúc chiếm 80%, còn lại 20% là tre, bên cạnh đó vật liệu phụ là dây mây. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng đất đai thuận lợi nên Nam Bộ - Hậu Giang phù hợp nên đâu đâu cũng trồng được trúc, tre. Do đó, ngay từ thời kỳ khẩn hoang - nghề đan cần xé đã hình thành, cùng với nhiều nghề đan thủ công khác như đan thúng, đan mê bồ, đan rổ, đan nia, đan lờ, lợp… 

Với xu thế cuộc sống thị hiếu người tiêu dùng luôn đổi mới, nên những người thợ đan cần xé phải nghĩ ra nhiều cách thiết kế với kích cỡ cần xé to, nhỏ khác nhau, cái nhỏ nhất cũng đựng từ 1 táo lúa, tương đương 10 kg. Với loại to hơn thì từ 1-3 giạ, hoặc lớn hơn nữa tùy theo nhu cầu người đặt để đựng vật dụng cố định.

Các sản phẩm của nghề đan cần xé cung cấp cho khắp các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân tại địa phương.

Nghề đan lát lục bình: Tại tỉnh Hậu Giang, hiện nay ở các huyện như Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ và ở thành phố Vị Thanh nghề đan đát lục bình đang phát triển, các sản phẩm của nghề này mang đậm nét văn hóa đặc trưng của nông thôn Hậu Giang và vùng sông nước Cửu Long.

Để gìn giữ và phát triển làng nghề đan lát lục bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang đã tổ chức khoảng 100 lớp dạy nghề, đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nhàn rỗi tại vùng nông thôn. Qua đó, thu nhập của người lao động trong những năm gần đây đã tăng lên.

Sản phẩm đan lát lục bình của tỉnh Hậu Giang

Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh, các hợp tác xã thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Hậu Giang đã cơ bản chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất quanh năm, theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng được giải quyết ngày càng tốt hơn và hiện nay hướng tới phát triển và mở rộng quy mô sản xuất.

Làng chiếu Cái Chanh: Làng chiếu Cái Chanh, tại xã Long Thạnh, huyện Châu Thành, Hậu Giang nổi tiếng với nghề thủ công đan chiếu sợi truyền thống. Nghề này đã đem lại kinh tế, cuộc sống ấm no, sung túc cho nhiều hộ gia đình.

Nghề đóng ghe, xuồng: Nghề đóng ghe, xuồng là một nghề truyền thống đã có từ lâu, khi mà phương tiện đi lại của người dân lúc bấy giờ chủ yếu bằng đường thủy và khi Phụng Hiệp hình thành một chợ đầu mối lớn – chợ nổi Ngã Bảy. Do đó, làng nghề đóng ghe xuồng ra đời đã đáp ứng nhu cầu của người dân vùng sông nước của Ngã Bảy nói riêng, tỉnh Hậu Giang nói chung.

Qua nhiều giai đoạn, quá trình phát triển nên các sản phẩm ghe, xuồng đã được đa dạng hóa hơn như những chiếc ghe, chiếc xuồng được gắn máy đuôi tôm để di chuyển nhanh hơn. Có thể nhận thấy rằng, ngành đóng ghe xuồng ở Ngã Bảy không chỉ đóng vai trò quan trọng trong đời sống vận chuyển hàng hóa trên sông, mà còn góp phần duy trì và phát triển nghề du lịch ven sông. Mỗi sản phẩm ghe xuồng truyền thống ở Ngã Bảy đã trở thành một biểu tượng văn hóa độc đáo và thu hút sự quan tâm của nhiều du khách mỗi khi tới đây.

Hướng phát triển của một số làng nghề tỉnh Hậu Giang

Đối với làng nghề cần xé, sản phẩm cần xé làng nghề Ngã Bảy có chất lượng, tay nghề của thợ khéo nên không chỉ có người tiêu dùng ở các tỉnh lân cận hay Thành phố Hồ Chí Minh biết đến, mà hiện nay còn được xuất khẩu sang các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc… Kể từ đó, mức thu nhập từ nghề này của từng hộ dân cũng được ổn định, cuộc sống ngày một tăng hơn, nhất là những hộ không có ruộng đất thì đây là nghề chính có thể nuôi sống được cả gia đình.

Đối với làng nghề đan lát lục bình, để bền vững và phát triển hơn, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang cần có những chính sách, kế hoạch hỗ trợ người dân tận dụng nhiều nguồn lực tiềm tàng sẵn có kết hợp làng nghề để phát triển du lịch sinh thái, tạo môi trường trải nghiệm cho du khách…

Đồng thời, nâng cao sự sáng tạo, sự đổi mới ở việc tạo ra sản phẩm độc đáo tại các hội thảo, chương trình... Đặc biệt, nên xây dựng những cách thức truyền thông hợp lý, giúp thúc đẩy sản lượng đầu ra. Tận dụng ưu điểm của internet, công nghệ hiện đại trở thành nơi trao đổi, quảng bá, lắng nghe ý kiến người tiêu dùng, kênh phân phối…, từ đó sản xuất ra sản phẩm chất lượng phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng.

Không riêng làng nghề đan lát lục bình Hậu Giang, nhiều làng nghề thủ công khác của tỉnh Hậu Giang cũng cần có chính sách, kế hoạch, mục tiêu cụ thể, những giải pháp, thay đổi kịp thời để giúp người dân làm giàu trên chính quê hương, mảnh đất của mình từ nghề mà cha ông xưa truyền lại, đồng thời lưu giữ, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa… Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo của làng nghề, đồng thời phát triển các kênh, trang tin điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá những sản phẩm của làng nghề truyền thống ngày càng vươn xa.  

Duy Tuấn

Liên kết website