Nhờ có điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu phù hợp, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã định hướng người dân trồng cây khoai môn chỉ tím trên diện tích lúa kém hiệu quả. Cây khoai môn chỉ tím đã mang lại thu nhập cao cho người trồng, hiệu quả kinh tế cao góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương.
Khoai môn chỉ tím cho thu hoạch sau 6 tháng trồng. Nhờ tuân thủ nghiêm túc và thực hiện đúng quy trình sản xuất theo hướng dẫn, nên diện tích khoai môn chỉ tím của người dân xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa sinh trưởng và phát triển tốt, có củ đạt khối lượng trên 1 kg. Khoai lang chỉ tím cho năng suất khoảng 1,2 tấn/sào, năng suất bình quân của khoai môn chỉ tím đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, cho doanh thu từ 160 đến 200 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 120 đến 140 triệu đồng/ha/vụ. Chính quyền địa phương đã giúp người dân liên kết với doanh nghiệp thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên các hộ gia đình yên tâm sản xuất và có định hướng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất vào những vụ tiếp theo.
Trồng khoai môn chỉ tím khá dễ, không mất nhiều công chăm sóc, phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của người dân nơi đây. Cây khoai môn chỉ tím ít sâu bệnh, có khả năng chịu ngập úng tốt.
Người dân huyện Thọ Xuân luôn làm sạch cỏ cho ruộng khoai và giữ đủ nước trên bề mặt ruộng. Từ đó, cây khoai môn chỉ tím nơi đây luôn hạn chế được sâu bệnh gây hại và phát triển tốt, giúp hiệu quả kinh tế của giống cây trồng này được nâng cao. Sau khi thu hoạch, sơ chế và đóng bao, sản phẩm khoai môn chỉ tím được tập kết chờ doanh nghiệp đến thu mua.
Hình ảnh: Khoai môn chỉ tím huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Chính quyền tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cây trồng giúp người dân
Trước đây, người dân chủ yếu trồng khoai môn bản địa trên diện tích nhỏ lẻ, không tập trung, khiến năng suất thấp. Để thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng một cách hiệu quả, chính quyền đã vận động người dân trồng cây khoai môn tím trên diện tích đất trồng kém hiệu quả. Chính quyền cũng đã kết nối với doanh nghiệp nhằm cung cấp giống, phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật cho người dân. Doanh nghiệp cũng đã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây khoai môn chỉ tím cho người dân. Cùng với đó, các hộ dân tham gia liên kết với doanh nghiệp đã thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch và sơ chế sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp trước khi xuất bán.
Khoai môn chỉ tím đã phổ biến ở nhiều vùng trong cả nước như An Giang, Đà Lạt, Trà Vinh, Đồng Tháp. Khoai môn chỉ tím được sử dụng trong chế biến, nhất là làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thực phẩm.
Hiện nay, các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông đang là thị trường có nhu cầu lớn tiêu thụ sản phẩm khoai môn chỉ tím. Tuy nhiên, chính quyền cần giúp người dân chủ động được nguồn nước trên diện tích sản xuất cây khoai môn chỉ tím nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này.
Việc liên kết sản xuất khoai môn chỉ tím với doanh nghiệp bước đầu đã đạt hiệu quả tốt, đã mở ra hướng phát triển mới cho người dân huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên, khoai môn chỉ tím là giống cây trồng mới nên các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần phối hợp với người dân giám sát, quản lý chặt chẽ để đảm bảo quá trình sản xuất an toàn, phù hợp với quy hoạch chung. Cây khoai môn chỉ tím đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng cao thu nhập, giúp người dân địa phương ổn định sản xuất, yên tâm phát triển kinh tế.
Đình Thuận