Trong nhiều năm qua, dứa đã trở thành cây trồng chủ lực của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có thương hiệu và uy tín trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, loại quả này đang phải đối mặt với tình trạng đầu ra bấp bênh do những ảnh hưởng từ dịch bệnh và chưa có hệ thống thu mua cam kết, ổn định.
Huyện Quỳnh Lưu là nơi có diện tích trồng dứa tương đối lớn, tập trung chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Sơn. Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 1.300 ha trồng dứa, trong đó diện tích dứa trồng tại huyện Quỳnh Lưu là hơn 1.164 ha. Riêng xã Tân Thắng có đến 873 ha trồng dứa. Có ba loại dứa chính được trồng tại Quỳnh Lưu là dứa Queen, dứa Cayen và dứa Mỹ. Trong đó, 90% diện tích là dứa Queen, 7% là dứa Cayen và 3% còn lại là dứa giống Mỹ. Các hộ trồng dứa tại Quỳnh Lưu áp dụng quy trình thâm canh, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất trung bình đạt từ 25 - 30 tấn/ha, có những vụ mùa đạt năng suất cao với 35 tấn/ha. Hàng năm, sản lượng dứa thu được là hơn 10.000 tấn, giá trị thu về gần 100 tỷ đồng. Các xã này cũng đang áp dụng hình thức trồng xen canh cây dứa với các loại cây ăn quả khác như đào, vải, nhãn… để tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất trồng. Dứa Quỳnh Lưu nổi tiếng trên thị trường và là loại trái cây rất được ưa chuộng không chỉ vì độ ngon ngọt mà còn vì chất lượng sản phẩm, không chất hóa học, không biến đổi gen, thu hoạch chính vụ nên người tiêu dùng rất yên tâm khi sử dụng.
Thu hoạch dứa tại Nghệ An
Đầu năm 2022, dù đã vào vụ thu hoạch khá lâu nhưng dứa vẫn chưa tiêu thụ được. Thương lái chỉ trả giá với mức 3.000 - 3.500 đồng/kg và không thu mua nhiều như những năm trước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân trong xã tự mở rộng diện tích trồng dứa mà đầu ra của sản phẩm lại không ổn định, đồng thời thị trường Trung Quốc đầu năm biến động mạnh khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao nên hạn chế nhập khẩu nông sản. Trên thực tế, đầu ra cho sản phẩm dứa Quỳnh Lưu còn nhỏ lẻ, chủ yếu là do các hộ kinh doanh mang đi bán tại chợ truyền thống hoặc tìm thương lái riêng để tiêu thụ.
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã chỉ đạo người dân tiếp tục kiên định với hình thức sản xuất rải vụ để tránh tình trạng ứ đọng hoặc ép giá; mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các hộ kinh doanh dứa trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến kiến thức liên quan tới sản xuất an toàn, định hướng thêm nguồn tiêu thụ cho sản phẩm. Chính quyền địa phương cũng rất nỗ lực trong công tác tìm kiếm, hợp tác và ký kết thỏa thuận với các nhà máy để hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân. Đây được xem là giải pháp hàng đầu trong việc giúp các hộ kinh doanh giải quyết tình trạng tồn ứ hàng hóa khi vào vụ thu hoạch. Trước đây, các nhà máy chế biến thường thu mua dứa của huyện Quỳnh Lưu nhưng không phải lúc nào cũng theo đúng số lượng và kế hoạch đã định, vì không có cam kết nên người dân không yên tâm. Vì vậy, việc hợp tác có cam kết, có thỏa thuận sẽ giúp các hộ kinh doanh yên tâm trồng trọt, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm trong các vụ thu hoạch.
Trong thời gian tới, các xã của huyện Quỳnh Lưu đang hướng tới mục tiêu đưa dứa trở thành một trong những sản phẩm của chương trình OCOP để khẳng định vị thế trên thị trường.
Nguồn: VITIC tổng hợp