Thứ Tư, 07/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Thanh Hóa bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống

Hiện nay, tỉnh Thanh Hoá có 36 nghề, 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hơn 100 làng nghề, làng nghề truyền thống. Nhiều sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống.

Các làng nghề, làng nghề truyền thống đều đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định công nhận đạt các tiêu chí theo quy định. Nhiều sản phẩm của làng nghề đã được xuất khẩu, có thương hiệu trong và ngoài nước như: đồ mộc (xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa), đồ đồng (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa), cói mỹ nghệ (huyện Nga Sơn), tre nứa ghép (huyện Như Xuân)...

Hiện nay, có một số làng nghề truyền thống tiêu biểu đang hoạt động hiệu quả và có khả năng phát triển hơn nữa, cần duy trì bảo tồn, như: Các làng trồng hoa cây cảnh (xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn và xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương), làng nghề đan lát (xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa), làng nghề mộc mỹ nghệ (xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa), làng nghề chế biến hải sản (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn), làng nghề chiếu cói Nga Sơn (huyện Nga Sơn)... Giá trị sản xuất của các làng nghề mỗi năm ước đạt hàng nghìn tỷ đồng.

Một số mặt hàng của làng nghề truyền thống như nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, chè lam Phủ Quảng, mắm tép Hà Yên, tương làng Ái, rượu làng Quảng Xá, bánh gai Tứ Trụ, nón lá Trường Giang, tơ Hồng Đô, nước mắm Khúc Phụ, miến gạo Thăng Long, kẹo nhãn Lang Chánh, mực khô Sầm Sơn, nước mắm Sầm Sơn, Cam Xuân Thành, bánh lá răng bừa Xuân Lập được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận "Nhãn hiệu tập thể".

Một số làng nghề tiêu biểu:

Làng nghề chiếu cói Nga Sơn

Nga Sơn là vùng đất nằm sát biển, vùng đất này trồng được loại cói có sợi nhỏ, dai, óng mượt, dệt nên chiếu Nga Sơn - một sản phẩm nổi tiếng của vùng quê này. Ðiều đặc biệt là ít có nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này, loại cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp lại vừa bền.

Những năm gần đây, người dân Nga Sơn không chỉ dệt chiếu cói mà đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ cói, trở thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những nét hoạ tiết, văn hoa khác nhau phục vụ cho xuất khẩu. Những tấm thảm lót sàn, chiếu xe đan, làn, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí,... đã có mặt tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Sản phẩm cói Nga Sơn đa dạng về mẫu mã và màu sắc

Nhờ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà sản phẩm chiếu cói Nga Sơn đang được xây dựng thành thương hiệu có chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, những sản phẩm như chiếu cói: chiếu đậu, chiếu hoa đòi hỏi kỹ thuật cao và những mặt hàng thủ công mỹ nghệ với những họa tiết hoa văn đẹp như làn, mũ dép, hộp, tấm thảm, đồ dùng trang trí khác... rất được ưa chuộng, là món quà độc đáo cho du khách khi về vùng đất này. Các sản phẩm trên còn được xuất khẩu sang các nước châu Á, châu Âu được người tiêu dùng ưa thích..., từ đó mang lại giá trị kinh tế góp phần phát triển địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trong vùng.

Sản phẩm chiếu cói, hàng mỹ nghệ từ cói đang được tiêu thụ khá tốt tại nhiều quốc gia trên thế giới, các sản phẩm này đều đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Để giữ vững thương hiệu cói Nga Sơn trong điều kiện hiện nay, cần có chiến lược lâu dài về cơ chế chính sách khuyến khích người dân vùng trồng cói giữ vững diện tích, đầu tư kỹ thuật, cải tạo vùng trồng cói nâng cao giá trị thu nhập/diện tích. Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển các làng nghề, gia đình dệt chiếu, cải tạo mẫu mã, tìm kiếm đối tác xuất khẩu và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.

Làng nghề bánh lá răng bừa Xuân Lập

Làng nghề bánh lá răng bừa Xuân Lập là làng làm bánh truyền thống của vùng đất Thọ Xuân - vùng đất đế vương có hai triều đại tiền Lê và hậu Lê, nơi sản sinh ra nhiều món ăn ngon. Gắn với điển tích khi xưa Vua Lê Hoàn đích thân xuống đồng cày ruộng trong lễ tịch điền mà người dân làng Trung Lập, nơi vua sinh thành đã làm ra đặc sản bánh lá răng bừa dẻo thơm để tiến vua.

Hiện nay, trên toàn xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân có khoảng 200 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa. Do những tiện ích của bánh có thể thay cơm phục vụ lễ cưới, tết, khi gia đình có việc cần nên mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 10 triệu chiếc bánh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Hội bánh lá răng bừa Xuân Lập đã được thành lập với 76 hội viên tham gia, từ đó các hội viên có điều kiện liên kết sản xuất và tiêu thụ bánh hiệu quả hơn. Đồng thời, các hội viên được hướng dẫn thực hiện đúng quy trình sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó bánh lá răng bừa Xuân Lập ngày càng có uy tín, được khách hàng đánh giá cao.

Tháng 10/2021, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức cấp Giấy chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “ Bánh lá răng bừa Xuân Lập”. Nhãn hiệu tập thể được cấp cho hội bánh lá răng bừa Xuân lập để xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác có hiệu quả. Mô hình quản lý; Điều kiện, phương tiện quản lý; Phương án sản xuất và kinh doanh; Quy trình truy xuất nguồn gốc xuất xứ; Tem nhãn, bao bì đóng gói.

Làng nghề nước mắm Do Xuyên - Ba Làng

Làng nghề nước mắm Do Xuyên – Ba Làng được hình thành từ đầu thế kỷ XX. Do Xuyên là làng đánh cá nhỏ thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Từ lâu nước mắm Do Xuyên đã có tiếng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các loại mắm tôm, mắm cá là thành quả của những vụ mùa đánh bắt bội thu từ biển, nghề làm mắm bắt nguồn từ đó.

  Nước mắm Ba Làng - một nhãn hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố. Một trong những sản phẩm nổi tiếng là mắm cá cơm. Cá cơm ở biển Thanh Hóa vào mùa muộn hơn các tỉnh phía Nam. Mắm cá cơm có màu vàng nhạt, thơm đặc trưng. Các cơ sở sản xuất luôn tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành, đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và quy định về bao bì, nhãn mác.

Thương hiệu nước mắm Ba Làng của làng nghề nước mắm Do Xuyên

Độ đạm là tiêu chí đầu tiên để đánh giá tổng hàm lượng Nitơ có trong nước chấm, nhưng quyết định giá trị dinh dưỡng lại do tỷ lệ đạm amin. Thương hiệu nước mắm Ba Làng đã được đăng ký Logo và Bố cục tại Cục sở Hữu trí tuệ Việt Nam, đạt danh hiệu huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn và cúp quả cầu vàng do VCCI cấp.

Tuyến Đỗ 

Liên kết website