Thứ Năm, 22/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Nghệ An: Nét đẹp văn hóa qua những chiếc võng gai thủ công truyền thống

Cây gai là nguyên liệu để tạo ra những chiếc võng gai. Với đôi bàn tay khéo léo, cây gai đã trở thành sản phẩm thủ công có tính ứng dụng cao, góp phần thể hiện nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thổ ở xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Võng gai là một trong những sản phẩm đặc trưng ở Nghệ An được làm từ cây gai. Ưu điểm của võng gai là êm mát, thân thiện với môi trường, sử dụng bền lâu nên được nhiều người ưa chuộng.

Hình ảnh người dân thu hoạch cây gai

Một chiếc võng gai thành phẩm cần khoảng 3 kg đến 4 kg sợi gai và phải trải qua nhiều công đoạn như chọn sợi, tết quai võng, chọn loại then, đan võng… Bước đầu tiên để có chất lượng sợi gai dai, không dễ đứt, người dân sẽ thu hoạch khi cây vừa phải, không non quá hoặc già quá.

Cây sau khi thu hoạch sẽ gọt bỏ phần gai dài rồi gọt bỏ lớp lụa bên ngoài. Sợi cây gai sau đó được phơi đủ nắng và bảo quản cẩn thận để đảm bảo chất lượng và màu sắc của thành phẩm.

Võng để sử dụng hàng ngày thường đan theo sợi 3, sợi 4, sợi 5. Ngoài ra còn có loại võng được đan cầu kỳ hơn, phức tạp hơn, võng có độ rộng, dày và đẹp hơn là loại đan bông thang. Loại này chủ yếu được đặt hàng riêng và có giá thành cao hơn.

Với những nguyên liệu sẵn có để tạo ra nhiều sản phẩm thủ công có giá trị, võng gai đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân địa phương trong những vật dụng hàng ngày, là nét đặc sắc trong đời sống và sinh hoạt của đồng bào dân tộc người Thổ ở Nghệ An. Chiếc võng gai không chỉ giúp nhiều người dân có nguồn thu nhập ổn định mà còn là một di sản văn hóa phi vật thể đáng quý của người Thổ. Tuy vậy, hiện địa phương chỉ còn rất ít người gắn bó với nghề thủ công truyền thống này. Do đó với mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống, Chi hội Phụ nữ xóm Long Thọ, xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ) đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất võng gai truyền thống.

Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo không ngừng, Tổ hợp tác còn sáng tạo ra các sản phẩm thông dụng và trang trí khác như túi đựng, mền, mũ đội, thảm… đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Tổ hợp tác sản xuất võng gai truyền thống cũng tích cực quảng bá và giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh truyền thông và bán hàng như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... Điều này giúp nhiều người đã biết đến võng gai truyền thống của người dân tộc Thổ, hướng đến phát triển bền vững.

Hình ảnh làm võng gai huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An

Thông qua kết nối du lịch, sản phẩm võng gai Giai Xuân cũng đã có mặt trong khu di tích Kim Liên, điểm du lịch, các khách sạn, resort, homestay trong cả nước và một số nước ở châu Âu. Tuy nhiên, số lượng khách đặt hàng chưa nhiều và chưa ổn định, khó mở rộng sản xuất. Do đó, để có thể phát triển sản phẩm quà tặng du lịch có tính bền vững, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa và có kế hoạch để khôi phục làng nghề này.

Du lịch ở Tân Kỳ cũng bắt đầu phát triển, nghề đan võng gai cũng được du khách trong và ngoài nước biết đến rộng rãi hơn và được ghi nhận bởi sản phẩm độc đáo của nghề. Việc phát triển nghề đan võng gai có ý nghĩa quan trọng giúp khôi phục nghề truyền thống, gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thổ, đồng thời giúp phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai. Hoạt động này giúp giải quyết việc làm cho người dân, giúp phát triển kinh tế bền vững.

Về vùng nguyên liệu, cây gai tự nhiên ngày càng hiếm. Do đó, chính quyền đã vận động người dân dần chuyển sang trồng gai ở ruộng, trong vườn nhà để chủ động nguồn nguyên liệu. Xã đã dành cho người dân một khoảnh đất làm ruộng trồng gai, tạo nguồn nguyên liệu đan võng.

Trong thời gian tới, huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách để hoàn thiện cơ sở vật chất tại các điểm du lịch của địa phương, duy trì và phát huy hiệu quả các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái, Thổ, các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan võng gai… Việc này nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng của địa phương.

Duy Tuấn

Liên kết website