Diện tích trồng dừa của Việt Nam hiện nay vào khoảng 220.000 ha với năng suất bình quân là 36 - 38 quả/cây/năm, năng suất cơm dừa khô (copra) đạt 1 - 1,2 tấn/ha/năm. Hiện cây dừa được trồng chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long (gồm các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long) và Duyên hải miền Trung. Các sản phẩm chế biến của dừa bao gồm: dầu dừa, thạch dừa, than gáo dừa, các sản phẩm từ chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ lá dừa, gáo dừa, gỗ dừa... được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, góp phần cho sự phát triển của ngành nông nghiệp bền vững.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 71.000 ha dừa, hơn 80% diện tích trong đó là dừa khô, sản lượng trung bình hơn 600 triệu trái/năm. Gần 2/3 trong tổng số hộ dân toàn tỉnh (khoảng 310.000 hộ) có kinh tế chính là trồng dừa.
Dừa là cây trồng chủ lực, thời gian qua, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp chế biến, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Bến Tre có trên 40 mặt hàng xuất khẩu từ dừa. Giá trị sản xuất các sản phẩm dừa (giá so sánh năm 2010) năm 2017 đạt 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 2 năm qua là 9,54%/năm. Xuất khẩu dừa đang dần chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu đã lên đến 85 quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thế giới.
Qua phân tích về sự phát triển của từng mặt hàng, có 3 sản phẩm mới là nước dừa đóng lon/hộp, mặt nạ dừa, dầu dừa tinh khiết dùng làm mỹ phẩm đã được thương mại hóa ở quy mô lớn nhưng sản lượng chưa ổn định.
Có 2 sản phẩm có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân là sữa dừa và than thiêu kết. So với mục tiêu năm 2020 của chương trình, hiện tại sữa dừa đã sản xuất được hơn 62.000 tấn/năm, vượt trên 12%. Kẹo dừa tăng bình quân từ 8.500 tấn lên 10.000 tấn. Dầu dừa tinh luyện từ 285 tấn năm 2015 lên 320 tấn năm 2017.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có đến 1.970 cơ sở sản xuất, chế biến dừa khô nguyên liệu để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Công suất chế biến dừa tối đa của các nhà máy hiện đã cao hơn gấp 2 lần tổng sản lượng dừa thu hoạch của tỉnh, tương đương 1,2 tỷ trái/năm. Nếu nguồn nguyên liệu dừa và giá cả đầu vào ổn định, việc phát triển thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng thì các nhà máy có thể hoạt động hết công suất, góp phần tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu dừa cho cả tỉnh Bến Tre và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi các sản phẩm truyền thống có xu hướng giảm dần (như chỉ xơ dừa giảm bình quân 21,8%/năm, thạch dừa thô giảm 29,22%/năm, cơm dừa nạo sấy giảm 11,7%/năm), thì các mặt hàng tinh chế tăng cao, có khả năng thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường tiềm năng, góp phần phát triển ổn định và bền vững ngành dừa trong tỉnh.
Nếu dừng lại ở việc sơ chế cơm dừa, bình quân một trái dừa tạo ra giá trị tương ứng từ 2.000 - 3.000 đồng/trái. Tuy nhiên, nếu phát triển theo hướng chuỗi dừa hữu cơ và giá trị gia tăng thì giá trị một trái dừa có thể nâng lên đến gấp hàng chục lần. Cụ thể, tính riêng sản xuất dừa nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ, người trồng dừa đã có thu nhập cao hơn bình thường từ 5 - 20%. Với các mặt hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao thì sự chênh lệch giá trị gia tăng đã vượt xa so với sự tưởng tượng của người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung phát triển thương hiệu trái dừa thông qua hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Việc này nhằm kéo giảm giá thành sản xuất trái dừa nguyên liệu, đồng thời quảng bá nhãn hiệu, tăng cường hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Tỉnh Trà Vinh phấn đấu đạt sản lượng 375.000 tấn dừa vào năm 2025
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, hiện diện tích trồng dừa toàn tỉnh đạt khoảng 20.000ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Tiểu Cần và Càng Long. Từ nay đến năm 2020, địa phương duy trì ổn định diện tích dừa khoảng 20.000 ha. Tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, trồng mới vườn dừa với diện tích lớn và nằm trong quy hoạch của tỉnh, sử dụng giống theo quy định của ngành nông nghiệp.
Trà Vinh nổi tiếng cả nước với giống dừa sáp. Ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, giống dừa sáp còn có một lớp "sáp" chính là lớp cơm dừa dày ra "hút" lấy nước dừa tạo thành sáp. Dừa sáp rất ngon, béo ngậy nhưng ngon nhất phải nạo dừa ra làm sinh tố, thêm ít đường, ít sữa, ít đá bào. Ngoài ra, cũng có thể trộn thêm nhiều loại hoa quả vào ăn cùng món dừa sáp. Dừa sáp có giá thành cao do không phải nơi đâu, đất nào cũng trồng được dừa sáp và không phải quả của cây dừa sáp nào cũng đặc ruột. Dừa sáp có 5 loại: Loại vàng, loại xanh, loại tròn, loại dài và loại có cạnh, tùy vào mỗi loại mà có độ cơm (sáp) dừa dày, mỏng khác nhau. Mỗi buồng dừa sáp thường chỉ cho vài trái sáp, những trái còn lại là dừa thường. Cây dừa sáp với cây dừa thường rất khó để phân biệt. Cây dừa sáp trông thấp hơn cây dừa thường và lá có màu đậm hơn và bóng hơn lá của cây dừa thường.
Dừa sáp – Trà Vinh
Hiện giá dừa khô tại tỉnh Trà Vinh được thương lái thu mua lên tới 130.000 đồng/chục, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước; đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Nhiều tháng nay, vườn dừa của các hộ gia đình tại xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cho thu nhập ổn định hơn 2 triệu đồng/tháng.
Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, các sản phẩm như cốt dừa, cơm dừa của tỉnh Trà Vinh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng được xuất khẩu vào các thị trường Trung Đông, Achentina, Trung Quốc và Braxin.
- Cơm dừa: Cùi dừa sau khi được tách ra, gọt lớp vỏ cứng, rửa với nước sạch trước khi nghiền nhỏ. Nguyên liệu nhập vào sẽ được nghiền lần 1 và rồi nghiền lần 2, đưa vào máy sấy 100 – 125 độ C, khi trắng đẹp sẽ sàng phân loại, đóng gói. Nguyên liệu ở đây không trộn với bất kỳ nguyên liệu gì khác, chất lượng sẽ đạt 30%, không bị đóng cục.
- Nước cốt dừa: Cùi dừa ngoài việc làm cơm dừa còn dùng làm cốt nước dừa, công đoạn này đơn giản hơn làm cơm dừa. Cùi dưa được xay nhỏ đóng vào các túi nhỏ và ép thủy lực. Sản phẩm thu được là nước cốt dừa thơm mát.
Nước cốt sau khi được ép, cho vào đóng gói luôn, không qua chất bảo quản để giữ độ nguyên chất của nước cốt . Sau đó cho vào bảo quản sơ bộ ở nhiệt độ khoảng 5 – 6 độ C, ở khoảng thời gian là 30 – 45 phút, sau đó cho vào khay để vào tủ đông ở nhiệt độ - 45 đến -40 độ trong khoảng thời gian là 4 tiếng, rồi đóng gói cho vào tủ trữ đông -22 độ C để bảo quản sản phẩm.
- Xơ dừa ứng dụng cho ngành nông nghiệp: Dừa ngoài việc chế biến thực phẩm còn được tận dụng cả phần xơ dừa. Xơ dừa xé nhỏ phơi khô, cách ly nấm mốc trong nhà kính với nhiệt độ lên tới 80 độ C, nguyên liệu xơ dừa được dệt thành thảm hữu cơ và ứng dụng rộng trong ngành nông nghiệp với ưu điểm khó sinh nấm mốc, chống rửa trôi đất trồng, giữ ẩm, tăng tươi xốp đất.
Cây dừa được xác định là một trong các loại cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh được tỉnh Trà Vinh chọn nâng cấp chuỗi giá trị trong thời gian tới. Tỉnh Trà Vinh mới ban hành kế hoạch hành động nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng dừa và nông dân trồng dừa nâng cao hiệu quả sản xuất, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ phát triển trên 22.000 ha dừa, đạt sản lượng trên 321 tấn/năm và đến năm 2025, diện tích dừa của tỉnh sẽ đạt trên 25.000 ha, với sản lượng trái trên 375.000 tấn/năm.
Theo đó, tỉnh Trà Vinh sẽ tập trung ba nhóm giải pháp chính gồm: Cải tiến công nghệ, kỹ thuật; phát triển thị trường; nâng cao vai trò hỗ trợ phát triển của các ban, ngành, dự án. Để cải tiến công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh ngành hàng dừa, tỉnh đã dành hơn 12 tỷ đồng thực hiện các hoạt động hỗ trợ xây dựng đề án phát triển cây dừa, chọn giống dừa thích nghi hạn, mặn, cho năng suất cao và có thị trường tiêu thụ ổn định; hỗ trợ chứng nhận vùng trồng dừa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, dành khoảng 6,5 tỷ đồng tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp.
Nắm bắt được lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế của trái dừa cũng như những khó khăn từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu, kinh doanh…, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức hội thảo: “Kết nối kinh doanh ngành hàng dừa” với sự tham dự của trên 100 đại biểu là lãnh đạo các sở ngành 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, các nhà khoa học và gần 60 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ngành hàng dừa… Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dừa của Trà Vinh và Bến Tre trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu đối tác để liên kết đầu vào, đầu ra. Đặc biệt, là nhận diện khó khăn, thách thức trước sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm dừa của Trung Quốc, Indonesia, Philippines trong thời gian tới.