Thứ Bảy, 23/11/2024
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Cần thực hiện những giải pháp đồng bộ để nâng cao giá trị cây nhãn

Tại Việt Nam, nhãn là cây ăn quả được phát triển mạnh trong những năm gần đây do hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, quả nhãn chứa nhiều dinh dưỡng, có thể ăn tươi, sấy khô hay đóng hộp. Cây nhãn miền Bắc có thể cao từ 10 – l5m. Cây nhãn miền Nam có thể cao từ 6-7m (nhãn da bò ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ở Tiền Giang nhãn ra hoa từng chùm to, thường là hoa đực và hoa lưỡng tính. Trong đó, hoa nhãn có năm cánh, có màu trắng vàng. Gần đây với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới đã giúp cho một số giống nhãn ở Tiền Giang ra hoa cho quả 2 vụ/năm, nhất là giống nhãn lồng.

Một số giống nhãn nổi tiếng miền Bắc:

Tại miền Bắc, Hưng Yên đã nổi tiếng là đất trồng nhãn, hầu hết các giống nhãn ngon của miền Bắc nói chung và Việt Nam đều được trồng tại vùng đất này. Đến nay, nghề trồng nhãn đã trở thành nghề chính của những người nông dân nơi đây, nhiều giống nhãn ngon được ra đời, nhưng ngon nhất vẫn phải kể tới các giống nhãn dưới đây:

Nhãn lồng

Tên "nhãn lồng" bắt nguồn từ việc khi nhãn chín phải dùng lồng bằng tre, nứa giữ cho chim, dơi khỏi ăn.

Nhãn lồng có quả to hơn các giống nhãn khác. Trọng lượng trung bình của quả 11 - 12 gam, quả to khoảng 14 - 15 gam/quả. Quả trên chùm nhãn có kích thước đồng đều nhau. Đặc điểm của quả nhãn Lồng là các múi chồng lên nhau ở đỉnh quả, trên mặt ngoài cùi nhãn hình thành nếp nhăn. Hạt nhãn nhỏ có màu nâu đen, độ bám giữa cùi và hạt cũng như giữa cùi và vỏ tương đối yếu. Tỷ lệ cùi/quả đạt trung bình từ 62 - 63%. Quả chín ăn giòn ngọt đậm.

Hiện nay có một số dòng nhãn ưu tú:

- Dòng chín sớm: PHS99-1-1

- Dòng chín chính vụ: PHT99-1-2; PHT99-2-2; YB28; 2C

- Dòng chín muộn: PHM-1-1; PHM-2.1; HTM-1.

Hiện nay, đã có nhiều giống nhãn mới được trồng tại Hưng Yên, nhưng nhãn lồng Hưng Yên vẫn được khách sành ăn ưa chuộng nhất. Nó đã trở thành thương hiệu độc quyền, mang nét đặc trưng và là niềm tự hào của người dân Hưng Yên.

Nhãn đường phèn

Nhãn đường phèn được trồng từ lâu đời ở khu vực sông đáy (Hà Tây cũ). Màu sắc vỏ quả và chùm quả tương tự như nhãn lồng, nhưng quả tròn và nhỏ hơn. Quả chín muộn hơn nhãn cùi 20 - 25 ngày. Trọng lượng trung bình của quả 7 - 12 gam/quả, vỏ quả màu nâu nhạt, dầy. Cùi tương đối dầy, trên mặt có những u nhỏ như đường phèn, dịch nước quả có màu hơi đục, vị ngọt sắc và thơm, vỏ hơi thẫm. Tỷ lệ cùi/quả đạt 60%. Hiện nay, cây nhãn đường phèn được trồng nhiều ở Hưng Yên, có khả năng sinh trưởng khoẻ, chịu hạn tốt. Nhãn đường phèn hiện nay được nhân giống trồng nhiều ở nước ta đặc biệt là Quảng Ngãi. Lá hơi bầu, gân rõ, màu xanh, mép lá hơi quăn. Quả nhãn đường phèn nhỏ hơn quả nhãn nồng, trọng lượng trung bình 7 - 11 gam. Hạt nhãn nhỏ, nhăn, màu đen ánh lên màu nâu đỏ. Khi ăn thấy mềm mà giòn, ngọt mà thanh.

Theo điều tra, khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, diện tích trồng các giống nhãn quý, trong đó có nhãn đường phèn, chỉ chiếm chưa đến 1% tổng diện tích nhãn của tỉnh.

Nhãn đường phèn rất khó trồng, không phải năm nào cây cũng ra quả và cho quả ngon. Thời tiết không thuận có thể khiến nhãn mất mùa. Khu vực Hồng Nam – vựa nhãn của Hưng Yên – hiện rất ít nhà còn trồng nhãn đường phèn.

Theo nhiều người trồng nhãn ở Hưng Yên, nếu khách hàng không phải là người sành ăn hoặc không có người quen giới thiệu thì rất dễ mắc lừa, mua phải nhãn cùi gần giống với loại nhãn đường phèn.

Nhãn cùi

Đặc điểm lá có mầu xanh đậm, ít bóng hoặc không bóng, trung bình có 8 -10 lá chét, phiến lá dày, gợn sóng, mép lá quăn, trọng lượng quả từ 8,5 - 11,5 gam/quả, quả có hình hơi dẹt, vỏ màu vàng nâu, cùi dày 4 - 5 mm, tỷ lệ cùi/quả đạt 58%. Độ ngọt và hương thơm đứng sau nhãn lồng và nhãn đường phèn. Nhãn cùi chủ yếu để sấy khô làm long nhãn xuất khẩu. Các dòng nhãn cùi ưu tú là: TQ29, VT22, PHT99-1-3, YB29.

Nhãn Hương chi

Là giống nhãn do Viện nghiên cứu rau quả chọn được từ nhãn lồng Hưng Yên và được công nhận là giống năm 2000.

Nhãn muộn (HTM)

Là giống nhãn chín muộn được trồng ở tỉnh Hà Tây cũ, do Viện nghiên cứu rau quả tuyển chọn và được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật năm 2005 và được ký hiệu là (HTM-1)

Một số giống nhãn trồng phổ biến ở Miền Nam

- Nhãn xuồng

Nhãn xuồng cơm vàng là giống có nhiều triển vọng, khả năng sinh trưởng khá. Cây 15 - 20 tuổi có năng suất trung bình 100 - 140 kg/cây/năm. Quả trên chùm to đều, vỏ quả khi chín có màu vàng da bò, trọng lượng trung bình của quả đạt 15 - 16 gam/quả, cùi có màu trắng hanh vàng, thịt quả dầy từ 5,5 - 6,2 mm, cùi ráo, dai, giòn, ngọt và có mùi thơm, dùng để ăn tươi là chính.

- Nhãn tiêu da bò

Có các giống như tiêu huế, tiêu lá bầu, tiêu đường,... là những giống nhãn đang được nhà vườn ưa chuộng do có nhiều ưu điểm như cây phát triển nhanh, năng suất cao, dễ xử lý ra hoa trái vụ, 2 năm có thể cho 3 vụ trái. Cây 8 - 10 năm tuổi có năng suất trung bình 120 - 180 kg quả/cây/năm. Quả chín có màu da bò, trọng lượng quả trung bình 8 - 12 gam/quả, cùi nhãn màu trắng đục, dầy 5 - 6 mm hơi dai, ít nước, ngọt vừa, ít mùi thơm.

Nhãn long: Là giống nhãn dễ trồng, cho năng suất cao, mỗi năm cho 2 vụ trái; nhưng phẩm chất không cao, không được ưa chuộng do hạt to, cơm mỏng, nhiều nước, ...

Nhãn giồng da bò: Trồng chủ yếu ở những vùng đất cát giồng, là giống nhãn có phẩm chất khá ngon, cơm ráo, dày cơm. Nhãn giồng mỗi năm chỉ cho 1 vụ trái nên năng suất không cao.

- Nhãn Super

Cây ra hoa tự nhiên, mùa thu hoạch chín vào tháng 6 đến tháng 7 dương lịch, vụ thu hoạch phụ vào tháng 12 đến tháng 1. Cây 4 - 5 tuổi có năng suất trung bình 30 kg/cây/năm. Vỏ quả khi chín có màu vàng sậm đến vàng sáng. Trọng lượng quả trung bình 10- 14 gam/quả. Cùi nhãn có màu trắng, hanh vàng dầy 5 - 8 mm, cùi ráo, giòn, ngọt vừa, ít thơm.

Hiện nay nhãn được trồng nhiều ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ: Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Bắc Giang, nhiều nhất là ở Hưng Yên, tập trung ở thị xã Hưng Yên, các huyện Phù Tiên, Kim Thi, Cẩm Bình, Châu Giang, Ninh Thanh. Nhãn còn được trồng ở vùng đất phù xa ven sông Hồng, sông Thao, sông Lô, sông Mã, sông Tiền, sông Hậu và vùng gò đồi ở các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú thọ, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Cạn, Thái Nguyên... và ở một số nơi tại các tỉnh miền Trung. Đáng chú ý, trong những năm gần đây diện tích trồng nhãn tại Sơn La tăng lên rất nhanh, đưa Sơn La trở thành tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn nhất cả nước. Ngoài ra, do cơ chế của thị trường và nhu cầu quả tươi tại chỗ, trong những năm gần đây các tỉnh phía nam đang phát triển mạnh cây nhãn: Đồng Tháp, Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cù lao An Bình, Đồng Phú (Vĩnh Long)...

- Tại Sơn La:

Cây nhãn được người dân đưa về trồng tại Sơn La từ những năm 1960 - 1970. Ban đầu, bà con chỉ trồng nhãn một cách tự phát, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ. Đến nay, cây nhãn đã được đẩy mạnh phát triển theo hướng hàng hóa. Tính đến đầu năm 2018, toàn tỉnh Sơn La có gần 12.300 ha diện tích trồng nhãn; trong đó diện tích cho thu hoạch là khoảng 7.826 ha với sản lượng ước đạt trên 40.000 tấn nhãn quả. Những con số trên chính là kết quả thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, nhất là cây nhãn trên địa bàn nhiều huyện, thành phố của tỉnh Sơn La. Đặc biệt, những năm gần đây, việc sản xuất nhãn đã được tỉnh Sơn La chú trọng nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình sản xuất an toàn VietGAP... Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La đang có 60 hợp tác xã (HTX) trồng nhãn trên diện tích 950,5 ha. Trong đó, 12 HTX được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 238,1 ha, sản lượng ước tính 1.594,5 tấn; đồng thời được cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN với diện tích khoảng 61,35 ha, sản lượng khoảng 500 tấn…

- Tại Hưng Yên:

Bên cạnh cây lúa, nhãn là cây ăn quả đặc sản và là cây có diện tích lớn nhất trong các loại cây ăn quả của thành phố Hưng Yên; doanh thu từ cây nhãn là khá lớn trong tỷ trọng nông nghiệp (chiếm khoảng 20-25% giá trị sản xuất nông nghiệp). Hưng Yên được coi là cái nôi của cây nhãn miền Bắc.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, năm 2018, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh đạt khoảng 4.340 ha, diện tích cho thu hoạch 3.820 ha. Năm nay hầu hết diện tích nhãn của Hưng Yên đều ra hoa đậu quả rất sai. Kể cả các cây nhãn giống 2 - 3 năm tuổi, trồng trong vườn giâm cũng ra hoa, đậu quả khá sai. Có thể nói năm 2018 là một trong những năm Hưng Yên được mùa nhãn kỷ lục, đặc biệt các hợp tác xã, hộ trồng nhãn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất theo quy trình an toàn VietGap nên sản lượng quả cho thu hoạch đạt trên 48.300 tấn, tăng 30% so với năm 2017 và là sản lượng/vụ lớn nhất từ trước tới nay.

- Tại Đồng Tháp:

Cây nhãn là một trong những ngành hàng chủ lực và là thế mạnh của huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, diện tích trồng nhãn trên địa bàn huyện đạt hơn 3.500 ha (chiếm 50% diện tích vườn cây ăn trái toàn huyện); trong đó, nhãn Edor là hơn 1.500 ha. Đây là cây có giá trị kinh tế cao và đặc thù của huyện, trồng nhiều nhất ở vùng cồn xã An Nhơn và các xã An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu.

Nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Châu Thành” đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận ngày 4/4/2016 cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ sở hữu. Nhãn Châu Thành đã xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là thị trường Mỹ. 

Những năm gần đây, các nhà vườn đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất như khâu bao trái, chọn giống, tỉa cành tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ, bón phân hữu cơ, áp dụng các tiêu chuẩn GAP, VietGAP và GlobalGAP cho hơn 100 ha. Từ đó, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển nhãn hiệu ”Nhãn Châu Thành”. 

Nhãn vẫn được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa

- Tại Hưng Yên: Trong số 48.500 tấn nhãn được thu hoạch trong năm 2018, có 1.743 tấn nhãn thực hiện tiêu thụ theo hợp đồng ký kết với các doanh nghiệp, thương nhân, có các hệ thống chuỗi siêu thị lớn như: BigC, Fivimart, Coopmart, Vinmart... Lần đầu tiên, quả nhãn hiện diện, phục vụ khách hàng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Nhãn được tiêu thụ trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại do tỉnh Hưng Yên tổ chức trên 120 tấn...

Tổng số lượng nhãn đã tiêu thụ năm nay là 47.970 tấn với giá bán bình quân cả niên vụ từ 22-25 nghìn đồng/kg, cá biệt có giống nhãn đường phèn, T6, T2... giá bán từ 70-130 nghìn đồng/kg. Tổng doanh thu từ nhãn trên địa bàn toàn tỉnh giá trị thực tế đạt khoảng 1.050 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với năm 2017, đem lại thu nhập khá cho người trồng nhãn, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng sản xuất nông nghiệp tỉnh Hưng Yên năm 2018.

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh để phát triển nhãn và nông sản bền vững, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, tỉnh cần chú trọng công tác quy hoạch, vùng sản xuất hợp lý, bám sát nhu cầu của thị trường, tránh phát triển theo phong trào, thiếu kiểm soát, mất cân bằng cung-cầu.

Đồng thời tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, tập đoàn, hệ thống phân phối bán lẻ, đối tác truyền thống để thông tin kết nối thị trường, tiêu thụ ổn định, tránh ùn tắc, bị ép giá tại cửa khẩu. Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh cần sớm thực hiện đàm phán, mua bán theo hợp đồng thương mại chính thức, phòng tránh rủi ro cho cả người sản xuất nông sản và doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ.

Trong năm 2018, bên cạnh các kênh tiêu thụ truyền thống như các chợ đầu mối, chợ dân sinh …, nhãn Hưng Yên còn được đẩy mạnh tiêu thụ qua các kênh bán lẻ hiện đại của thị trường trong nước, gồm các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị phân phối như Coopmart, Big C, Fivi mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần Hapro; Công ty xuất nhập khẩu An Việt, Công ty Vinenco...

- Tại Sơn La:

Nhìn chung, việc tiêu thụ nhãn niên vụ 2018 của tỉnh Sơn La đã đạt 3 yêu cầu: Được mùa, được giá và được thu nhập; tránh được tình trạng tranh mua, tranh bán và tránh bị ép giá. Mỗi gốc nhãn ghép cho thu hoạch trung bình từ 200-300 kg quả, với giá bình quân các năm gần đây khoảng 20 nghìn đồng/kg, thì thu nhập 1 cây nhãn đã gần ngang với 1 ha ngô. Đến hết tháng 9/2018, tổng sản lượng nhãn niên vụ này cơ bản đã được tiêu thụ, giá bình quân 12.000 đồng/kg; xuất khẩu 5.015 tấn quả nhãn tươi sang các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Singapo, Hàn Quốc, Campuchia..., xuất khẩu 606 tấn long nhãn sang Trung Quốc, Hàn Quốc..., góp phần quan trọng vào kết quả giá trị hàng hóa nông sản của Sơn La 9 tháng đầu năm 2018 với con số ấn tượng hơn 92,5 triệu USD.

- Tại Đồng Tháp:

Để thương hiệu nhãn Châu Thành vươn xa đến các thị trường trong nước và xuất khẩu, huyện chọn cây nhãn Edor làm thế mạnh sản xuất. Theo đánh giá thực tế của nhà vườn tại huyện Châu Thành, việc trồng nhãn Edor còn gọi: Ido, Edaw hay nhãn Thái cho trái có dạng hình cầu, cuốn trái lỏm.

Ưu điểm là trái to, trọng lượng trái trung bình 15gram; cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt dịu, thơm ngon, vận chuyển xa ít hư hỏng. Đặc biệt, cây nhãn Edor không bị bệnh chổi rồng. 

Nhãn Edor cho năng suất từ 17 - 18 tấn trái/ha (cây 7 – 8 năm tuổi), khả năng cho năng suất 25 – 30 tấn/ha (đối với cây từ trên 10 năm tuổi), có thể xử lý kéo dài thời gian thu hoạch của cây mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái.

Hiện nay, ở Châu Thành có thêm mô hình trồng nhãn Edor rải vụ nhằm xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn đạt những chuẩn mực về an toàn thực phẩm. Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. 

Trồng nhãn Edor rải vụ cho lợi nhuận cao hơn so với mùa thuận và có lượng nhãn thường xuyên cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, còn thực hiện giải pháp duy trì chất lượng nhãn Edor bảo quản 20 - 25 ngày sau thu hoạch là giải pháp kỹ thuật ứng dụng các công nghệ mới thích hợp sau thu hoạch giúp duy trì chất lượng, kéo dài thời gian bảo quản và bảo đảm an toàn có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ quả nhãn tươi. 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã giúp xây dựng mô hình chuyển giao ứng dụng công nghệ quản lý chất lượng của chuỗi cung ứng nhãn tươi Edor sau thu hoạch cho nhà sơ chế xử lý nhãn Edor Hợp tác xã nông sản an toàn An Hòa với quy mô khả năng xử lý nhãn 5 tấn/ngày cho thị trường nội địa. 

Nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, nên sản phẩm được mùa, được cả giá và tiêu thụ tốt chứ không xảy ra tình trạng được mùa, mất giá như những năm trước.

Thực tế, đây cũng là năm đầu tiên một số tỉnh miền Bắc này tổ chức những sự kiện quảng bá độc đáo tới các đặc sản địa phương như tỉnh Sơn La tổ chức Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn, ngày hội nhãn Sông Mã; Tuần lễ giới thiệu nhãn và nông sản an toàn và Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn tại Hà Nội. Đặc biệt, ần đầu tiên Sơn La tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Tỉnh Hưng Yên cũng tổ chức 5 sự kiện chính để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ nhãn lồng, gồm: Hội nghị kết nối giao lưu tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên; lễ hội nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 (từ ngày 30/7 đến ngày 5/8); hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn và nông sản Hưng Yên; tuần lễ nhãn lồng tại Hà Nội và phiên chợ nhãn lồng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều công việc cần tiếp tục chuẩn bị, triển khai trong các vụ mùa tới nhằm giải quyết việc phát triển thương hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm gắn với tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường, nhất là thị trường trong nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ vải thiều và tiếp cận thị trường, đối tác mới...

Sản phẩm nhãn của Việt Nam đã được xuất khẩu sang một số thị trường khó tính

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhãn đạt 259 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2017 đồng thời là loại quả xuất khẩu có giá trị cao thứ 3, sau thanh long và sầu riêng.

Mặc dù trong những năm gần đây, sản phẩm nhãn của Việt Nam đã tiếp cận được một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và một số nước châu Âu như Pháp, Đức, tuy nhiên số lượng xuất khẩu sang những thị trường này vẫn rất hạn chế do còn gặp nhiều vướng mắc ở khâu bảo quản và chế biến. Trong 11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất  trên tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này với 96,4%, đạt 249,8 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhãn sang Papua New Guinea trong 11 tháng qua ghi nhận tốc độ tăng rất mạnh với 683% lên 2,93 triệu USD, đưa Papua New Guinea trở thành thị trường xuất khẩu nhãn lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Ngoài ra, xuất khẩu sang Đài Loan và Canada cũng ghi nhận đà tăng trưởng nhanh với mức tăng lần lượt là 32% và 34% lên 529,6 nghìn USD và 417,5 triệu USD.

Riêng tại Hưng Yên, vụ nhãn năm 2018, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc đã có cam kết rất rõ ràng về thu mua, bao tiêu sản phẩm. Trong đó có gần 100 doanh nghiệp Trung Quốc đã cam kết tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 và các năm tới. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết thu mua nhãn Hưng Yên xuất khẩu với nhiều hình thức đa dạng; trong đó, Công ty TNHH Degitech thực hiện mua nhãn để xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á; Hệ thống Saigon Co.op ngoài việc mở rộng thị trường trong nước, còn xúc tiến đưa nhãn lồng Hưng Yên xuất khẩu, góp phần làm dày thêm danh mục hàng nông sản thương hiệu Việt có mặt trên thị trường quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Hưng Yên dự kiến mở rộng thêm 2.000 ha diện tích trồng nhãn VietGAP. Đồng thời, nhân rộng diện tích trồng nhãn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, với việc lựa chọn và giám sát khắt khe tại các vùng chuyên canh để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu và các thị trường khác trên thế giới.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, từ các sự kiện xúc tiến thương mại nhãn với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, trang trại, nhà vườn… đã tác động tích cực tới tiêu thụ nhãn bằng các hình thức khác (bán tại vườn, thương nhân mua gom tại các chợ, các nhà vườn tự mang bán,...) là trên 46.000 tấn, trong đó xuất khẩu 300 tấn nhãn ra các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia và ASEAN...

Tham khảo một số thị trường xuất khẩu nhãn trong 11 tháng năm 2018

  Thị trường 

  11 tháng năm 2018

 So với 11 tháng năm 2017

 Tỷ trọng (%)

 (USD)

(%)

 Năm 2018

 Năm 2017

Tổng

259.214.806

-23,00

100,00

100,00

Trung Quốc

249.891.381

-23,00

96,40

96,45

Mỹ

4.797.124

-43,00

1,85

2,50

Papua New Guinea

2.933.898

683,00

1,13

0,11

Đài Loan

529.600

32,00

0,20

0,12

Canada

417.481

34,00

0,16

0,09

Pakixtan

265.173

-71,00

0,10

0,27

Hàn Quốc

129.757

117,00

0,05

0,02

Singapore

57.995

-16,00

0,02

0,02

UAE

55.211

62,00

0,02

0,01

Nga

44.285

67,00

0,02

0,01

Anh

27.000

-75,00

0,01

0,03

Pháp

25.506

370,00

0,01

0,00

Đức

16.498

Oman

14.051

327,00

0,01

0,00

Ba Lan

3.629

Malaysia

2.180

Xênêgan

1.200

Kô-eot

956

-76,00

Thuỵ Sỹ

952

-41,00

New Zealand

930

-55,00

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Những khó khăn trong hoạt động xuất khẩu nhãn

- Mặc dù chất lượng và mẫu mã nhãn Hưng Yên rất tốt, tuy nhiên việc tiêu thụ nhãn tại các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng gặp rất nhiều cạnh tranh về giá so với nhãn từ Thái Lan. Cụ thể tại thị trường Trung Quốc, nhãn Thái Lan hiện vẫn chiếm ưu thế do giá luôn thấp hơn từ 5.000 đ – 10.000 đ/kg so với nhãn Việt Nam. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nhãn tại Trung Quốc thường chỉ tăng mạnh trong khoảng Tết Trung thu (tháng 8 âm lịch) và từ tháng 10 âm lịch trở đi, lúc vụ thu hoạch nhãn tại phía Bắc đã kết thúc. Trong khi hiện tại nguồn nhãn tại các tỉnh ĐBSCL vẫn khá dồi dào, nhất là vùng nhãn tại Cần Thơ mới bắt đầu vào vụ thu hoạch nên sẽ có sự cạnh tranh giữa nhãn phía Bắc và nhãn ở ĐBSCL trong thời gian tới.

- Việc thu mua nhãn tại các tỉnh phía Bắc để xuất khẩu sang Mỹ hiện nay rất khó khăn, do buộc phải vận chuyển vào chiếu xạ và đóng gói tại TP.Hồ Chí Minh. Điều này sẽ khiến chi phí vận tải đội thêm bình quân khoảng 2.000 đ/kg. Mặc dù ở phía Bắc cũng đã có một trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội, tuy nhiên trung tâm này mới chỉ được thị trường Úc chấp nhận chiếu xạ nhãn, còn phía Mỹ vẫn chưa chấp nhận. 

- Vùng nguyên liệu xuất khẩu còn phân tán, giống cây chưa đồng đều, diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP) chiếm tỷ lệ thấp. Việc tổ chức tập huấn cho các HTX, các hộ sản xuất về quy trình thu hái, đóng gói bảo quản sản phẩm chưa tốt, nên có trường hợp hàng xuất khẩu bị đối tác trả lại. Công tác phối hợp giữa các ngành, các huyện còn có khâu chưa đồng bộ; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện còn lúng túng, thiếu đồng bộ.

- Cùng một vườn nhãn nhưng bà con trồng nhiều giống khác nhau, dẫn đến chất lượng, mẫu mã và thời gian thu hoạch quả không đồng đều. Do một số địa phương mới tham gia xuất khẩu, nên việc thu hái, bảo quản, đóng gói sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp còn chậm và lúng túng... 

Trong thời gian tới, cây nhãn sẽ tiếp tục tăng cả về diện tích và sản lượng. Sản phẩm có tính thời vụ cao, năng lực chế biến còn hạn chế. Vì vậy, tiêu thụ là khâu quan trọng, xuất khẩu là khâu đột phá, tác động thúc đẩy tiêu thụ trong nước, góp phần bình ổn giá. Trong thời gian tới, để cây nhãn thực sự mang lại hiệu quả cao, bền vững, các địa phương cần triển khai một số giải pháp đồng bộ, lâu dài như sau:

- Các cấp, các ngành (tỉnh, huyện, xã) phải xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, đồng bộ về thời gian thu hái, quy trình kỹ thuật, sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển...

- Tăng cường kết nối, tranh thủ sự hỗ trợ trực tiếp của các bộ, ngành Trung ương, hỗ trợ của các tỉnh bạn, sự phối hợp của cơ quan thông tin, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu.

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động của HTX, tăng tính liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Bản thân các hộ nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ theo hướng tập trung, kiên trì áp dụng quy trình sản xuất, tạo sản phẩm sạch, an toàn để nâng cao sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm.

- Xây dựng, hoàn chỉnh và quản lý tốt quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nhãn. Thực tế, nhiều địa phương đã phải trả giá cho việc phát triển ồ ạt các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tổng thể các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh nhãn phải được thực hiện một cách nghiêm túc; tránh tình trạng người dân phát triển một cách tự phát, phá vỡ quy hoạch. Bởi việc tự ý mở rộng diện tích nhãn không chỉ làm giảm giá trị trái nhãn, lãng phí đầu tư mà còn là nguyên nhân của tình trạng “được mùa mất giá” như đã xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản trong thời gian qua.

- Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, quảng bá về trái nhãn cũng cần chú trọng xúc tiến thương mại để mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản. 

- Các địa phương cần duy trì các vùng nhãn VietGAP đã được thực hiện từ những năm trước, đồng thời mở rộng thêm diện tích mới; chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đây là giải pháp cơ bản giúp người trồng nhãn dần thoát khỏi sự chi phối của thương lái; bảo đảm hiệu quả phát triển lâu dài của cây nhãn.

Thực hiện đồng bộ những giải pháp nói trên sẽ góp phần quan trọng để cây nhãn thực sự trở thành loại cây ăn quả chủ lực trên cơ sở hiệu quả, bền vững.

Nguồn: VITIC

Liên kết website