Thứ Bảy, 03/05/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sầu riêng

Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng ở Tây Nguyên chín lệch vụ so với những vùng còn lại.

Tính đến hết năm 2017, diện tích trồng sầu riêng trên cả nước đã lên đến 36.145 ha, trong đó khoảng 27.390 ha cho thu hoạch trái vụ, năng suất bình quân 14,6 tấn/ha, với sản lượng trên 400  nghìn tấn/năm.

Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực, chiếm 38% diện tích của cả nước. Trong nhóm 10 loại trái cây ăn quả chủ lực gồm: thanh long, sầu riêng, chuối, dứa, xoài, cam, bưởi, vải, nhãn, chôm chôm, thì cây sầu riêng chiếm 17,6% về diện tích và 44,2% về sản lượng của cả nước và là cây trồng có nhiều tiềm năng và phát triển mạnh (chỉ sau trái thanh long).

Nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp; Tiền Giang hiện có hơn 11.500 ha trồng sầu riêng, trong đó khoảng 8.500 ha sầu riêng đang cho trái, ước tính sản lượng chừng 200 nghìn tấn.  Tại vùng chuyên canh, nông dân trồng chủ yếu các giống sầu riêng chất lượng cao: Ri6, Mong Thong. Với năng suất khoảng 15 đến 20 tấn/ha, mỗi ha sầu riêng cho nông dân lợi nhuận từ 300 đến 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương sản xuất theo hướng VietGAP (qui trình nông nghiệp an toàn trong sản xuất nông nghiệp) nhằm nâng chất lượng nông sản, đảm bảo nguồn nông sản hàng hóa an toàn và truy xuất được nguồn gốc tham gia thị trường, Tiền Giang đã tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh và có 610 ha vườn chuyên canh được cấp chứng nhận Global GAP hoặc Viet GAP cho các loại trái cây chủ lực của tỉnh như: xoài, thanh long, sầu riêng, dứa, mãng cầu xiêm,...

Trước kia, sầu riêng được trồng chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một vài nơi ở Đông Nam bộ. Đến nay, loại cây này đang có sự gia tăng diện tích mạnh mẽ tại Tây nguyên - nơi vốn được xem là thủ phủ cây công nghiệp hơn là cây ăn trái. Cây sầu riêng cũng tỏ ra thích nghi với vùng đất này khi sinh trưởng, cũng như cho năng suất và chất lượng tốt. Đa phần diện tích sầu riêng đã cho thu hoạch hiện nay ở Tây Nguyên được trồng dạng xen canh trong các vườn cà phê hay hồ tiêu, nhưng trong không ít trường hợp đã vươn lên trở thành nguồn thu nhập chính khi các loại cây công nghiệp này bị rớt giá hoặc sâu bệnh hại. Theo thống kê, tỉnh Đăk Lăk hiện có khoảng 3.000 ha sầu riêng, tỉnh Đăk Nông hơn 1.000 ha; còn tại Lâm Đồng, riêng ở huyện Đạ Hoai đã có đến 2.000 ha…

Sầu riêng đang được nông dân tại nhiều địa phương mở rộng diện tích trồng do giá trái đang ở mức khá cao. Tuy nhiên, nguy cơ người trồng sầu riêng gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ có thể xảy ra do việc phát triển diện tích mang tính tự phát, chạy theo lợi nhuận, thiếu sự gắn kết với chế biến và tiêu thụ dẫn đến cung vượt cầu…

Các giống sầu riêng được trồng ở Việt Nam

Ở nước ta có khá nhiều giống sầu riêng được trồng tại các tỉnh hiện nay, có thể phân chia thành hai nhóm chính:

-  Giống truyền thống lâu đời ở địa phương: bao gồm các giống sầu riêng Khổ hoa xanh, Lá quéo, Chuồng bò… Trong đó, sầu riêng Khổ hoa xanh chiếm đa số, các giống khác có diện tích không đáng kể. Các vườn sầu riêng giống địa phương thường có độ tuổi trên 10 năm. Đây là giống sầu riêng được trồng lâu năm nhất trên địa bàn,  sầu riêng này có phẩm chất ngon,  năng suất khá cao. Tuy nhiên,  nhược điểm là cơm trái rất mỏng, tỷ lệ thịt ăn được thấp.

-  Giống mới hạt lép: phổ biến là 3 giống sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hoá, Ri6 và Monthong (xuất xứ Thái Lan). Các giống trên được trồng sau này, độ tuổi trung bình của vườn cây dưới 10 năm. Trong các giống sầu riêng được trồng thì mỗi loại sầu riêng lại có những ưu thế riêng. Đặc điểm một số giống phổ biến ở địa phương như sau: 

Sầu riêng  Monthong là giống sầu riêng được nhập khẩu vào từ Thái Lan, hiện đang là giống được ưa chuộng nhất. Sầu riêng Monthong có năng suất khá cao, mỗi cây có 30-50 quả/năm,  trái to, khối lượng trung bình 3-5kg/quả, cơm rất dày, màu vàng, ráo múi, ngọt, mùi thơm dịu, bảo quản được lâu. Tuy nhiên, cây cũng có nhược điểm là trái dễ bị sượng vào mùa mưa và chống chịu sâu bệnh kém.

Sầu riêng Ri6: trái khá to, khối lượng trái trung bình 3-  3,5 kg, cho năng suất cao. Cơm mềm, có màu vàng rất hấp dẫn, độ ngọt cao,  tỷ lệ cơm trên trái khoảng trên 30%, chống chịu sâu bệnh khá tốt. Do Monthong và Ri6 là những giống sầu riêng có năng suất và giá trị kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện địa phương nên trong khoảng thời gian gần đây 2 giống này được nông dân ưa chuộng.

Sầu riêng Chín Hóa có trái khá to, đẹp, tuy vậy giống sầu riêng này có một nhược điểm lớn là cơm rất nhão, trái dễ bị nứt nên hơi khó cho việc vận chuyển tiêu thụ và bảo quản.

Tiêu thụ trong nước

Sầu riêng được xếp vào loại "đặc sản cao cấp" vì vậy giá luôn ở mức cao cả vụ mùa thuận lẫn mùa nghịch. Phần lớn sản lượng thu hoạch là tiêu thụ nội địa. Và loại đặc sản này còn được dùng để làm hương liệu cho nhiều dòng sản phẩm khác nhau, từ sữa chua đến phomai, pizza, sushi và cà phê...

Năm nay các giống sầu riêng chất lượng cao được người tiêu dùng trong nước lựa chọn do cơm vàng hạt lép, mùi vị thơm ngon.

Tình hình xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam

Trong năm 2018, sầu riêng được xuất khẩu sang 26 thị trường với kim ngạch ước giảm khoảng 5% so với năm 2017. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 261,5 triệu USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 24,5% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của cả nước. 

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm 2018 đạt 275 triệu USD và là trái cây đạt kim ngạch xuất khẩu đứng thứ hai của cả nước (sau xuất khẩu thanh long).

Về thị trường xuất khẩu:

Hiện nay, Trung Quốc được xem là nơi tiêu thụ lý tưởng cho sầu riêng. Theo một số liệu của Liên Hiệp quốc, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc tăng trung bình 26%/năm trong thập kỉ qua và đạt giá trị đến 1,3 tỉ USD vào năm 2017. Thái Lan là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường 1,3 tỉ dân này. Bên cạnh đó, Malaysia cũng đang có những bước thâm nhập mạnh mẽ.

Hiện Malaysia chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc sầu riêng dạng đông lạnh. Với sầu riêng tươi, do trước đây nông dân nước này có thói quen để trái chín tự rụng xuống đất nên khiến Trung Quốc lo ngại việc côn trùng tiếp cận quả sầu riêng. Hiện nay, Chính phủ Malaysia đã khuyến cáo người dân nên dùng dây buộc để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, họ cũng xúc tiến các lễ hội sầu riêng quy mô nhằm tiếp thị đến thị trường tiềm năng. Việc Malaysia xuất sầu riêng tươi sang Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Dù vậy thì hiện tại, họ đã có những thành quả nhất định khi lượng du khách Trung Quốc tìm đến Malaysia để thưởng thức sầu riêng ngày một nhiều.

Đối với Thái Lan, sầu riêng Thái đã có một vị thế khá lớn tại thị trường Trung Quốc. Với việc xem sầu riêng là “vua” của các loại trái cây, những hoạt động tưởng chừng không liên quan gì nhưng vô tình lại làm cho loại trái này thêm phần nổi tiếng. Tiêu biểu như gần đây, Cơ quan Phát triển công nghệ không gian và thông tin địa lý Thái Lan (GISTDA) công bố kế hoạch sẽ đưa sầu riêng vào vũ trụ. Theo GISTDA, mục tiêu chính của họ là mang thức ăn Thái lên vũ trụ cho các phi hành gia thưởng thức. Có thể thấy rằng, kế hoạch của GISTDA là nhằm chuẩn bị chu đáo cho tương lai, bởi hiện tại, họ vẫn chưa đưa được người vào vũ trụ. Mặc dù vậy, quả sầu riêng của người Thái vô tình lại được cả thế giới chú ý.

So với Thái Lan hay Malaysia, sầu riêng Việt Nam chiếm thị phần nhỏ tại Trung Quốc, với những lô hàng nhỏ lẻ được thu gom bởi giới thương lái Trung Quốc. Nhưng với việc không ít nông dân quá chuộng cây giống sầu riêng nhập ngoại (Mon Thong của Thái Lan hay Musang King của Malaysia…) như hiện nay, việc xuất khẩu của sầu riêng Việt trong tương lai sẽ gặp khó khăn do phải truy xuất nguồn gốc.

Từ giữa năm 2016, Trung Quốc từng có lệnh cấm nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam với lý do chưa có chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Lúc ấy, những trái sầu riêng mà Việt Nam xuất vào thị trường nước này, chủ yếu là giống MonThong của Thái Lan.

Thời gian gần đây, Trung Quốc thắt chặt các mặt hàng nông sản ngoại nhập, yêu cầu nhập theo đường chính ngạch. Trong khi đó, theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc yêu cầu sầu riêng của chúng ta phải rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng, gắn nhãn mác...

Theo thông tin từ tọa đàm Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam – Trung Quốc diễn ra ngày  21/12/2018  tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý xem xét mở cửa thêm một số loại trái cây Việt Nam sau 8 loại quả đã được cấp phép. Theo đó, thứ tự ưu tiên mở cửa các loại củ quả là: sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt. Sầu riêng là loại quả được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng nên sẽ được ưu tiên mở cửa trước. 

Việt Nam đã đàm phán để phía Trung Quốc giãn lộ trình áp dụng yêu cầu về lô hàng phải có chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng từ tháng 12/2018 sang tháng 6/2019 mới áp dụng. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam còn 6 tháng chuẩn bị để đáp ứng quy định của Trung Quốc. 

Để tăng cường thông tin quy định thị trường, sau Tết Nguyên đán 2019, phía Việt Nam – Trung Quốc sẽ mở lớp tập huấn cho cán bộ chuyên trách của 2 bên và mở rộng tới doanh nghiệp Việt Nam để hiểu hơn quy định của Trung Quốc.

Định hướng phát triển cây sầu riêng ở nước ta.

Cây sầu riêng sau trồng 4 - 5 năm sẽ cho quả và giai đoạn cho thu hoạch kéo dài khoảng 20 năm nên việc xác định vùng trồng phù hợp là hết sức quan trọng. Quy mô sản xuất ở mức độ nào phụ thuộc chủ yếu vào yêu cầu của thị trường: Thị trường trong nước và thị trường quốc tế, đồng thời phụ thuộc vào hiệu quả sản xuất loại trái cây đặc sản của vùng nhiệt đới này.

Dự báo trong vài chục năm tới thị trường của sản phẩm sầu riêng gia tăng, còn hiệu quả sản xuất được quyết định bởi các yếu tố công nghệ, chủ yếu là giống và kỹ thuật canh tác. Thực tiễn qua hàng trăm năm cho thấy, vùng trồng sầu riêng thích hợp nhất ở nước ta là vùng đất ven sông Tiền, sông Hậu, vùng đất đỏ bazan thuộc Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Vẫn còn các vùng đất thích hợp khác có thể khai thác để trồng sầu riêng, tuy nhiên trong quy hoạch cần tránh các vùng khô hạn kéo dài, vùng đất cát và vùng nhiều gió, lốc. Cần hình thành các vùng sản xuất tập trung để có sản phẩm hàng hóa lớn cho xuất khẩu và chế biến công nghiệp.

Hiện nay, cây sầu riêng đã được nhiều nhà vườn ở ĐBSCL xử lý cho ra trái rải vụ, nghịch mùa thành công, tránh tình trạng “rộ mùa, rớt giá”. Trước đây, nông dân trồng sầu riêng phải chờ trái chín rụng xuống mới mang đi bán, còn giờ thương lái cắt trái đồng loạt để xử lý chín, chủ vườn bán 1 lần, tiền nhiều, lại nhẹ công thu hoạch. Tuy nhiên, hiện khâu bảo quản, chế biến sầu riêng tại nhiều địa phương vẫn còn hạn chế và có không ít khách hàng vẫn chưa an tâm về chất lượng trái sầu riêng được xử lý chín đồng loạt.

Trong khi đó, xuất khẩu trái sầu riêng còn chưa chủ động và đa dạng được thị trường. Do vậy, nông dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng sầu riêng để tránh gặp bất lợi về đầu ra trong tương lai. Đặc biệt, các cấp, các ngành chức năng cần rà soát, thống kê diện tích trồng, nghiên cứu thị trường, kịp thời có định hướng, quy hoạch và khuyến cáo nông dân phát triển trồng từng loại cây với diện tích phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi giá trị cây ăn trái.

Định hướng sản xuất sầu riêng thời gian tới của tỉnh Tiền Giang là không nên tăng diện tích trồng vì chưa phát triển được thị trường bên ngoài (chưa kể nhiều địa phương Đông Nam bộ, Tây Nguyên và ngay cả Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phát triển cây trồng này với tốc độ nhanh), thay vào đó là tập trung chuyên canh và nâng cao chất lượng trên 9.000 ha sầu riêng hiện có để hướng đến các thị trường khác, đồng thời phải tăng cường công tác tập huấn để thay đổi tư duy nhà vườn quyết tâm giữ chất lượng là trên hết. Biện pháp cụ thể, trước hết vẫn nên là khâu giống: Ngành Nông nghiệp cần tích cực quan hệ các viện, trường nghiên cứu chọn tạo giống sầu riêng đặc trưng của tỉnh có chất lượng cao. Chọn được rồi (tất nhiên phải qua khảo nghiệm cho kết quả rõ) thì phải gắn với xây dựng quy trình và chế phẩm phục vụ trồng, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, kể cả khâu làm chín trái tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng trong nước cũng như quy định của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, để bảo vệ vùng diện tích cho cây trồng đặc sản này, tránh trường hợp như cây vú sữa hiện đang phải lập dự án khôi phục, cần có giải pháp về thủy lợi phục vụ ngăn mặn, triều cường, lũ... cho cây ăn trái nói chung, trong đó có cây sầu riêng. Một số giải pháp khác cũng cần được quan tâm, như đưa "nông dân giỏi" sang tham quan, học tập kinh nghiệm trồng sầu riêng ở Thái Lan; tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu để nâng cao giá trị gia tăng của sầu riêng khi ra nước ngoài; nâng cấp các tuyến đường trọng yếu kết nối vùng cây trồng đặc sản để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản, trong đó có sầu riêng, giúp giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân; hướng dẫn nông dân nhận biết, phòng trị các bệnh trên cây sầu riêng, như: Suy cây, chết nhánh, chết ngọn, thối rễ, xì mủ, cháy lá...; hướng dẫn biện pháp xử lý rải vụ, tạo vụ nghịch giúp tăng giá trị sầu riêng thương phẩm; xây dựng Chuỗi giá trị cây sầu riêng, trong đó xác định rõ vị trí, thế mạnh cạnh tranh của sầu riêng Tiền Giang với các địa phương khác, kể cả với các quốc gia lân cận có cùng ngành hàng...

Xây dựng các cửa hàng giới thiệu và phân phối sầu riêng sạch, an toàn, vừa là phương tiện quảng bá, vừa "tạo tiền đề" cho việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu với các thị trường cao cấp, đồng thời cần làm ngay việc tổ chức cho nhà vườn liên kết sản xuất, kể cả lập hiệp hội, câu lạc bộ hoặc mô hình nào đó để có nguồn hàng đủ lớn và đồng đều về mẫu mã, chất lượng, đủ cung cấp thường xuyên cho doanh nghiệp xuất khẩu; chú ý thu hoạch hợp lý, tránh thu hoạch "non" để giữ uy tín thương hiệu và cũng cần có chế tài nghiêm khắc đối với thương lái cố tình thu mua sầu riêng non không đạt chất lượng, ảnh hưởng thương hiệu mặt hàng này của tỉnh...

Nguồn: VITIC

Liên kết website