Những kết quả đạt được của vụ cam sành năm 2017-2018 của Hà Giang
Cam sành Hà Giang từ lâu vẫn được xem là một trong những loại cam ngon được xếp vào hàng đặc sản của Việt Nam, là loại cây ăn quả nổi bật, có thế mạnh và được đông đảo người dân ưa thích. Cam sành Hà Giang được trồng theo quy trình VietGAP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, dán tem truy xuất nguồn gốc.
Với sự quan tâm đặc biệt từ tỉnh đến cơ sở và quyết tâm vào cuộc của các ngành chức năng với những chương trình hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP) ngày càng khẳng định thương hiệu, vị thế cam Hà Giang trên thị trường.
Cam sành Hà Giang đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường
Tính đến hết năm 2018, tổng diện tích cam của Hà Giang ước đạt trên 9 nghìn ha, trong đó: Cam Sành trên 7.100 ha, cam giấy và một số giống khác gần 2 nghìn ha. Diện tích cam cho thu hoạch trên 5.189 ha; cam trong thời kỳ kiến thiết cơ bản 3.284 ha; cam già cỗi 390 ha và diện tích trồng mới trên 314 ha. Tính đến tháng 12/2018, tổng diện tích cam được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 3.527 ha.
Từ những định hướng phát triển, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thâm canh, sử dụng giống tốt và tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cam; vì thế, diện tích và sản lượng cam toàn tỉnh không ngừng tăng lên. Trong 2 năm năm 2015 - 2016, tổng diện tích cam tăng mạnh với trên 2.700 ha; năm 2016 - 2018 tăng thêm 541 ha. Sản lượng bình quân giai đoạn 2015 - 2018 mỗi năm tăng trên 12 nghìn tấn, riêng từ năm 2015 - 2016 tăng gần 20 nghìn tấn.
Sản lượng cam sành năm 2018 ước tính đạt trên 50.000 tấn. Giá trị sản xuất cam niên vụ 2018 - 2019 ước đạt trên 620 tỷ đồng, chiếm trên 50% giá trị sản phẩm cây ăn quả và trên 70% trong cơ cấu sản xuất cây ăn quả chủ yếu của tỉnh; nhờ trồng cam, nhiều gia đình có cuộc sống khá giả. Chính vì vậy, cam được tỉnh xác định là cây kinh tế mũi nhọn và một trong 5 cây, con chủ lực thực hiện chương trình Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang, cây cam được trồng tập trung chủ yếu tại 3 huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình. Hiện tại, huyện Bắc Quang có 6.061 ha cam; diện tích cam cho thu hoạch 4.108 ha. Có 2.315 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng cam năm nay của huyện ước đạt trên 45.800 tấn. Trong đó, trên 53% sản phẩm được cơ quan chức năng xác nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là lợi thế để cam Bắc Quang vươn ra chiếm lĩnh thị trường. Trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP được UBND huyện, các cơ quan chức năng, chính quyền các xã vùng trọng điểm chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân thực hiện ngay từ đầu niên vụ sản xuất 2018. Niên vụ 2018, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông - lâm sản và Thủy sản tỉnh đã rà soát, đánh giá lại phương pháp làm của từng hộ; qua đó, tiến hành cấp chứng chỉ công nhận tiêu chuẩn sản phẩm cho các hộ trồng cam VietGAP. Nhà vườn nào không tuân thủ quy trình sản xuất, hoặc có ý kiến phản ánh của cộng đồng dân cư sẽ bị loại ra khỏi danh sách.
Tại huyện Quang Bình, diện tích trồng cam sành đạt 2.582 ha. Niên vụ 2017 - 2018, có khoảng 1.400 ha cam cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 98 tạ/ha, sản lượng đạt 13.956 tấn/năm. Bên cạnh việc chú trọng phát triển diện tích cam sành, thì việc mở rộng diện tích cam sành theo tiêu chuẩn VietGap nhằm đáp ứng thị yếu của người tiêu dùng cũng được huyện chú trọng. Bắt đầu triển khai từ năm 2016, đến nay huyện đã thành lập được 25 tổ sản xuất và 2 Hợp tác xã sản xuất cam theo hướng VietGAP trên địa bàn 9 xã, thị trấn với trên 1.000 hộ tham gia, diện tích thực hiện gần 1.000 ha, gồm: Vĩ Thượng, Tiên Yên, Hương Sơn, Yên Hà, Xuân Giang, Bằng Lang, Tân Trịnh, Tân Bắc, Yên Bình, với diện tích 1.116 ha. Việc ứng dụng quy trình sản xuất cam VietGAP sẽ có năng suất đạt cao hơn từ 20-40 tạ một ha so với cam sản xuất truyền thống. Giá trị quả cam VietGAP khi được cấp tem truy xuất nguồn gốc cao hơn từ 30-40% so với cam thông thường. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Quang Bình đang tập trung khảo sát, đánh giá diện tích, chất lượng vườn cam để thành lập thêm 3 tổ sản xuất cam theo hướng VietGap với tổng diện tích thực hiện là trên 130 ha. Sản phẩm cam Sành được gắn tem, dán nhãn mác giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc hàng hóa nên có giá bán cao hơn so với phương pháp truyền thống.
Niên vụ 2018-2019, huyện Vị Xuyên có trên 600 ha cây cam sành, trong đó, diện tích cam cho thu hoạch là trên 160 ha, diện tích trồng mới là 10 ha, tập trung ở 03 xã là: Trung Thành, Việt Lâm và Quảng Ngần. Hiện nay diện tích Cam VietGap của huyện đạt trên 84 ha. Sản lượng cam sành niên vụ 2018 - 2019 ước đạt 1.280 tấn. Bên cạnh việc hỗ trợ bà con gắn bó với cây cam và mở rộng sản xuất, huyện Vị Xuyên đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người nông dân như: Hướng dẫn về KHKT, Chỉ dẫn địa lý… Cùng với đó, công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm không ngừng được đẩy mạnh.
Trong những năm gần đây, Hà Giang đã quan tâm khôi phục và phát triển cây cam, nâng cao chất lượng và không ngừng quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tỉnh Hà Giang đã triển khai hiệu quả các chương trình như “Chương trình Phục hồi và phát triển cây cam sành”, Chương trình “Đẩy mạnh phát triển cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”…
Đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao thương hiệu cam Sành Hà Giang
Để tiếp tục nâng cao vị thế và thương hiệu cam Hà Giang, hướng tới xuất khẩu, tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm xây dựng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Người trồng cam đã và đang tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tập trung đầu tư chăm sóc những diện tích đã trồng theo quy trình sản xuất VietGAP, đồng thời mở rộng hơn nữa diện tích trồng và chăm sóc cam theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ. Diện tích được chứng nhận tiêu chuẩn năm sau ngày càng nhiều hơn những năm trước. Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất cho các hộ trồng cam theo hình thức thành lập các tổ sản xuất VietGAP, Hiệp hội Cam và HTX trồng Cam, được người trồng cam đồng tình, hưởng ứng cao.
Ngoài ra, nhằm quản lý tốt công tác sản xuất Cam, Hiệp hội Cam sành đã được thành lập và thành lập 69 tổ sản xuất, HTX sản xuất cam VietGAP tại mỗi vùng chứng nhận, quản lý và xây dựng chỉ dẫn địa lý, đồng thời quản lý tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra để nâng cao chất lượng và sản xuất cam, nhiều biện pháp kỹ thuật đã được áp dụng đồng bộ như; quy trình trồng, chăm sóc, bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, bền vững... Hơn hết, sản phẩm cam VietGAP đã có Logo, tem chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc.
Các cấp, ngành đã triển khai nhiều chương trình, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật như: Nhân giống cam chín sớm và muộn; tuyển chọn, phát triển cam Sành không hạt hoặc ít hạt và nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng Chỉ dẫn địa lý và đăng ký mã số vùng sản xuất, tem, nhãn, mã vạch sản phẩm. Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp cho tỉnh 20 mã số vùng sản xuất cam thuộc 3 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình với tổng diện tích trên 2.640 ha. Năm 2016, sản phẩm cam Sành Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; đồng thời phê duyệt Dự án “Quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam Sành”.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang đã đưa ra mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm cam Sành với các giải pháp cụ thể như: Không khuyến khích mở rộng thêm diện tích trồng cam; Tập trung thâm canh, chăm sóc nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cam Sành; Chuyển giao kỹ thuật thu hái và bảo quản cam; Nâng cao hiệu quả trong quản lý phân bón, thuốc trừ sâu bệnh trên cây cam; Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý giống; Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại trong tiêu thụ sản phẩm; Đề ra các cơ chế, chính sách nhằm thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây cam nói chung và sản phẩm cam Sành nói riêng…
Có thể khẳng định, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của chính quyền tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và người trồng cam tiếp tục là động lực nâng tầm uy tín, giá trị cam Sành Hà Giang.
Nguồn: VITIC