Thứ Hai, 21/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Mường Khương là huyện có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh Lào Cai

Ngày đăng: 31/12/2018
Lượt xem: 2.641
Trong vụ chuối năm 2018, chuối tại Lào Cai không những được mùa mà giá chuối cũng bất ngờ tăng đột biến. Có thời điểm, giá chuối được các thương lái đến tận vườn thu mua từ 12.000-15.000 đồng/kg. Đây là mức khá cao trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt cao tới 6 - 7 lần so với vụ chuối năm 2017. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha chuối cũng đem lại lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng. Mức thu nhập này cao gấp nhiều lần so với việc trồng ngô, lúa trước đây.

Tuy nhiên, do chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, nên tỉnh Lào Cai khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà tập trung vào chăm sóc, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hiện có.

Tỉnh Lào Cai có khí hậu lạnh, địa hình chủ yếu là đất đồi dốc và cường độ ánh sáng cao nên thích hợp để cây chuối sinh trưởng. Bên cạnh đó, chuối là loại cây dễ sống, không khắt khe về điều kiện trồng và tốn ít công chăm sóc hơn những cây ăn quả khác nên phù hợp với trình độ canh tác nông nghiệp của bà con vùng cao. Sau khoảng 20 năm được trồng tại Lào Cai, đến nay, chuối trở thành cây ăn quả chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều huyện tại địa phương xóa đói, giảm nghèo.

Hiện toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 2.195 ha cây chuối tiêu xanh cấy mô, tập trung ở Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương và thành phố Lào Cai. Diện tích chuối đã cho thu hoạch là 1.912 ha; năng suất bình quân 31 tấn/ha; sản lượng 59.271 tấn. Diện tích trồng chuối tập trung chủ yếu ở các huyện Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, TP Lào Cai. Hiện nay, chuối Lào Cai chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Âu.

Tỉnh Lào Cai không quy hoạch vùng trồng chuối. Toàn bộ diện tích hiện có do nhân dân tự phát trồng từ những năm 2005; giai đoạn 2006 - 2010, diện tích chuối chưa được mở rộng giá cả thị trường ổn định (có thời điểm giá chuối đạt 18.000 đồng/kg) nên nhiều hộ thu nhập từ 150 đến 500 triệu đồng/vụ; nhưng sau đó diện tích chuối tự phát tăng quá nhanh nên từ năm 2014 trở lại đây giá cả không ổn định, có nhiều thời điểm thương lái dừng thu mua, giá giảm sâu nên người dân rất khó tiêu thụ.

Hiện nay tỉnh Lào Cai có 2 doanh nghiệp trồng và thu mua chuối quy mô lớn với tổng sản lượng thu mua khoảng 5.000 tấn mỗi năm. Phần sản lượng còn lại do nhân dân tự bán cho các cơ sở thu mua trong nước hoặc xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.

Để giải quyết thực trạng này, ngành nông nghiệp Lào Cai chủ trương không mở rộng diện tích trồng chuối để đảm bảo cân bằng sản lượng sản xuất với khả năng thị trường tiêu thụ, chỉ duy trì diện tích chuối khoảng 1.677 ha, tại Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng theo hướng sản xuất an toàn tiến tới có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; phần diện tích chuối hiện có còn lại sẽ tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng cây khác như rừng kinh tế, cây dược liệu trước năm 2020.

Trong vụ chuối năm 2018, chuối tại Lào Cai không những được mùa mà giá chuối cũng bất ngờ tăng đột biến. Có thời điểm, giá chuối được các thương lái đến tận vườn thu mua từ 12.000-15.000 đồng/kg. Đây là mức khá cao trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt cao tới 6 - 7 lần so với vụ chuối năm 2017. Năm 2018, chuối được giá do chất lượng, mẫu mã quả đẹp và được thương lái đến từ Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha chuối cũng đem lại lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng. Mức thu nhập này cao gấp nhiều lần so với việc trồng ngô, lúa trước đây.

Mường Khương là huyện có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh Lào Cai với 1.078 ha, được trồng chủ yếu tại các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Lùng Vai, Thanh Bình… với năng suất ước đạt 20 tấn/ha. Sản lượng chuối năm 2018 của toàn huyện khoảng 14.000 tấn.

Ngoài việc chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc, quả chuối mô hiện đã bắt đầu được thị trường trong nước đón nhận, khiến người dân không lo bị ép giá. Người trồng chuối đang đặt nhiều kỳ vọng về cây trồng này sẽ giúp họ làm giàu bền vững ngay trên chính mảnh đất của mình.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, chuối mô là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác của người dân địa phương và có chi phí sản xuất thấp, giá trị kinh tế khá cao. Tuy nhiên, đầu ra của quả chuối phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, nên huyện khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà tập trung vào chăm sóc, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hiện có.

Sản xuất chuối theo tiêu chuẩn VietGap

Sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn, hướng đến sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu. Nhận thức rõ tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tại xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai, Công ty TNHH một thành viên xây dựng Phúc Yên đã chủ động mời đơn vị tư vấn, phân tích mẫu đất, nước để xây dựng vùng chuối VietGap. Đây là điều kiện để đơn vị nâng cấp chuỗi sản phẩm, hướng tới sản xuất hữu cơ.

Qua 2 năm thực hiện tới nay đã có 10 ha chuối tiêu hồng và chuối tây được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 thuộc Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Việt Nam cấp giấy chứng nhận VietGap, có tem nhãn mác và đặc biệt là người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại một cách dễ dàng, từ đó biết được các thông tin liên quan đến sản phẩm.

Liên kết doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng chuối

Hiện nay, người dân Lào Cai chủ yếu trồng chuối theo 2 mô hình: Tự nhân giống, tự bán cho thương lái và mô hình liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu.

Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng chuối tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Cụ thể, ở xã Thái Niên, Vạn Hòa (huyện Bảo Thắng), từ năm 2009, người dân tham gia dự án trồng chuối và cao su trên diện tích hơn 1.400 ha theo mô hình liên kết với Công ty TNHH Hoàng Lan. Dự án này mang lại việc làm cho hơn 175 hộ dân với trên 800 nhân khẩu. Trong đó, vùng trồng chuối rộng hơn 500 ha cho sản lượng khoảng 15.000 tấn mỗi năm. Theo mô hình này, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về vốn, giống, kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc và tính công cho tới thời điểm thu hoạch. Giống chuối trồng tại đây là chuối B5, được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nên chất lượng cây giống đồng đều, sạch bệnh. Bà con được hướng dẫn làm các vườn ươm theo đúng kỹ thuật. Trong thời gian trồng, cán bộ doanh nghiệp hướng dẫn nông dân cách bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng và thực hiện kỹ thuật bao trái để chuối thu hoạch có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Để đảm bảo nước tưới, hơn 200 ha trồng chuối của bà con tại Bảo Thắng đã liên kết với Công ty TNHH Hoàng Lan và được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo hệ thống này, nước suối được bơm lên các bể chứa lớn trên đỉnh đồi bằng máy bơm công suất lớn. Mỗi bể chứa sâu 4-5m, có lót vải chống thấm. Sau đó, nước đi qua hệ thống ống dẫn đến từng gốc chuối. Mô hình tưới tiêu này không chỉ giúp giảm chi phí lao động, tận dụng được lượng phân bón đã sử dụng mà còn tăng năng suất lên hơn 10 tấn trên một ha so với trước.

Bên cạnh đó, khi quả non đã rụng cuống hoa và đạt kích thước 13-15cm, người dân bắt đầu lót trái bằng giấy và bao nilon PP để giúp quả tránh sương, rét, côn trùng và cho mẫu mã đẹp. Đồng thời, bà con còn thực hiện chăng dây để neo cho cây đứng vững khi buồng chuối lớn dần. Từ thời điểm bao trái đến thu hoạch, chuối hầu như không cần bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào mà sinh trưởng tự nhiên.

Sau khoảng 2,5-3 tháng kể từ lúc bao trái, khi quả chuối đã tròn căng các cạnh và có độ già, người dân bắt đầu thu hoạch từng buồng lớn, vận chuyển đến nơi tập kết. Tại đây, chuối được phân loại, chia nải, đóng thùng và vận chuyển đến địa điểm tiêu thụ. Còn lại, số lượng lớn cây chuối đã cho buồng sẽ được chặt để dùng làm thức ăn cho gia súc, hoặc để khô, đem ủ phân xanh và bón cho vụ mới.

Những thông tin lưu ý về thị trường xuất khẩu chuối

Do chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên người trồng chuối cũng như doanh nghiệp xuất khẩu chuối cần lưu ý một số đặc điểm của thị trường chuối Trung Quốc để chủ động trong hoạt động sản xuất.

Ngoài nguồn cung chuối nội địa, Trung Quốc nhập khẩu chuối từ một số nước láng giềng lân cận như Việt Nam, Lào, Myanmar.

Theo điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, vùng trồng chuối của Trung Quốc chủ yếu tập trung tại các địa phương phía Nam Trung Quốc gồm Quảng Đông (khoảng 130 nghìn ha), Vân Nam (khoảng 80 nghìn ha), Quảng Tây (khoảng 66 nghìn ha), Hải Nam (khoảng 20 nghìn ha), Phúc Kiến (khoảng 13 nghìn ha).

Nguồn cung và giá chuối tại thị trường Trung Quốc thường diễn biến theo quy luật. Cụ thể, từ tháng 1 - 2: chuối thường được giá do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Âm lịch, giá chuối bán lẻ dao dộng từ 3 - 5 NDT/kg, với chuối chất lượng cao hoặc nhập khẩu giá có thể cao hơn.

Tháng 3, giá chuối trên thị trường thường giảm do nguồn cung tăng từ địa phương chuyên canh chuối như Vân Nam, Hải Nam khi thời tiết ấm dần lên; bên cạnh đó nguồn cung từ Myanmar, Lào cũng vào vụ.

Tháng 4 - 5, giá thường ổn định và có thể tăng nhẹ do thời điểm này nhu cầu tiêu thụ chuối khá ổn định. Từ trung tuần tháng 5 trở đi, chuối tại Vân Nam, Lào, Myanmar vào cuối vụ; nguồn cung chuối chất lượng cao ra thị trường giảm và chủ yếu là từ Hải Nam.

Từ tháng 6 - 9, thời gian này Hải Nam vào cuối vụ, khu vực Quảng Đông, Phúc Kiến thay thế trở thành nguồn cung chính; do thời điểm này vào mùa mưa bão nên giá chuối dao động theo diễn biến thời tiết; người nông dân cũng thường có xu hướng cố gắng thu hoạch sớm trước mùa mưa bão.

Từ tháng 9 - 11, giai đoạn này chủ yếu là nguồn cung chuối từ Quảng Tây. Với chất lượng được đánh giá khá cao do không bị ảnh hưởng của bệnh vàng lá hay thời tiết nên giá chuối Quảng Tây tương đối cao và ổn định. Tuy nhiên, dù đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với ngành trồng trọt nhưng diện tích trồng chuối trong năm 2018 của Quảng Tây dự kiến vẫn giảm khoảng 40%.

Từ tháng 12 đến đầu năm tiếp theo là thời điểm nguồn cung và chủng loại hoa quả (trong đó có chuối) tại Trung Quốc đều thiếu do thời tiết giá lạnh nên giá cả thường tăng cao.

Nguồn: VITIC

Tin liên quan
Liên kết website