Để nâng cao chất lượng quả xoài, tỉnh đã và đang khẩn trương tổ chức lại sản xuất, giá trị cho ngành hàng xoài theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao.
Xoài – một trong năm sản phẩm chủ lực của tỉnh Đồng Tháp được chọn để tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL với hơn 10.000ha, được trồng tập trung tại 2 thành phố Cao Lãnh, Sa Đéc và một số huyện (Cao Lãnh, Lấp Vò, Thanh Bình...), sản lượng hàng năm đạt trên 90.000 tấn. Giống xoài chủ lực của tỉnh là xoài cát Chu chiếm 70% diện tích, cát Hòa Lộc chiếm 20% diện tích. Tổng giá trị sản xuất ngành hàng xoài toàn tỉnh cả năm ước đạt 1.500 tỷ đồng.
Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2020, xoài trở thành ngành hàng trái cây xuất khẩu, có tính ổn định, bền vững
Xoài là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được tỉnh Đồng Tháp chọn để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành ngành hàng quả cây xuất khẩu, có tính ổn định, bền vững.
Và sản phẩm đang có những bước tiến đột phá, xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc ngày càng thuận lợi.
Để nâng cao chất lượng quả xoài, tỉnh đã và đang khẩn trương tổ chức lại sản xuất, giá trị cho ngành hàng xoài theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao.
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn với hơn 416 ha, nhân rộng mô hình bao trái xoài được trên 85% diện tích. Việc trồng xoài rải vụ đã khắc phục được tình trạng rớt giá do sản lượng tập trung vào một thời điểm, giúp nhà vườn thu nhập cao hơn. Ngoài việc bao trái, tập huấn quy trình sản xuất, tỉnh còn đầu tư dây chuyền tuyển lựa xoài gắn với nhận diện, truy xuất nguồn gốc thông qua mã vạch.
Để sản xuất xoài theo chuỗi giá trị, tỉnh đã thành lập được 2 HTX, 29 Tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết đảm bảo có đầu ra; hỗ trợ HTX, Tổ hợp tác các chứng nhận trồng xoài theo VietGAP. Đa số các loại xoài liên kết được bao trái, trồng theo VietGAP giá cao hơn xoài thường từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Đồng Tháp hướng đến sản xuất nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc
Đồng Tháp là địa phương có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Vì vậy, việc gìn giữ và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù ở địa phương thông qua đẩy mạnh đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức nhãn hiệu đang nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn.
Xác định nhãn hiệu đã và đang trở thành công cụ cần thiết, quan trọng góp phần khẳng định chất lượng và định vị uy tín cho các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, từ đó thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực từ địa phương. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy những lợi thế so sánh về đặc trưng vùng miền mà chỉ có địa phương mới có đang được tỉnh Đồng Tháp xem là phương châm trong sản xuất, kinh doanh.
Chính từ sự xác định trên nên trong thời gian qua, công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm nông sản đặc thù mang địa danh của tỉnh Đồng Tháp được thực hiện hầu hết đối với các nông sản đặc trưng của tỉnh, nhờ đó đến nay đã có 15 nhãn hiệu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 11 nhãn hiệu chứng nhận và 4 nhãn hiệu tập thể, 15 nhãn hiệu đang lập thủ tục đã nộp hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ và tất cả đều là nhãn hiệu chứng nhận; có 1 chỉ dẫn đẫn địa lý đang tiến hành lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền là chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.
Song song với việc đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu các địa phương, chủ sở hữu cũng đã và đang xây dựng, kiện toàn hệ thống quy chế quản lý, các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cùng với mô hình quản lý nhãn hiệu..., qua đó tạo cơ sở cho hoạt động quản trị các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ đạt được hiệu quả.
Nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” là một trong những nhãn hiệu được sự hỗ trợ trong xây dựng, quản lý và phát triển theo Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ là minh chứng cho hiệu quả trong công tác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Qua công tác phát triển nhãn hiệu “Xoài Cát Chu Cao Lãnh” đã góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh trong việc xây dựng, bảo vệ uy tín sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Với sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận đã giúp các nhà vườn yên tâm sản xuất hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập cũng như chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây tổn hại đến danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất chân chính.
Ngoài ra, mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”. Theo các chuyên gia, việc xác định nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đang là xu hướng hiện nay, nhằm thúc đẩy sản xuất an toàn, chất lượng, tạo sự tin cậy với doanh nghiệp, thuận lợi cho thương mại, xuất khẩu và sản phẩm được phát triển bền vững.
Đáng chú ý, xu hướng sử dụng ứng dụng Blockchain cho việc truy xuất thông tin và chất lượng sản phẩm, kết hợp với trình diễn trên sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là những kinh nghiệm cần thiết khi HTX xoài Mỹ Xương, ở Huyện Cao Lãnh đang áp dụng công nghệ Blockchain để kiểm soát nguồn gốc thí điểm trên 500 trái xoài Cát Chu, Đồng Tháp đang tiến hành lập hồ sơ đăng kí xác lập quyền chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.
Một số mô hình liên kết nhằm nâng cao giá trị xoài Đồng Tháp
Ứng dụng Blockchain cho việc truy xuất thông tin và chất lượng xoài
Theo tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp, từ đầu 2018, Công ty THNN Infinity Blockchain Labs đã hợp tác với Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) xây dựng thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain và đã chuyển giao 500 trái xoài có tem chứng nhận nguồn gốc từ Hợp tác xã xoài Mỹ Xương. Đây là dự án thực tế áp dụng Blockchain đầu tiên ở Việt Nam.
Ứng dụng của Infinity Blockchain Labs đã được trình bày tại hội thảo Việt Nam Blockchain Summit 2018, giúp đảm bảo chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc. Theo đó, hợp tác xã xoài Mỹ Xương sẽ cập nhật thông tin một cách minh bạch về nguồn gốc sản phẩm; các đơn vị trung gian thực hiện việc vận chuyển, phân phối, bán lẻ nhất quán thông tin trên toàn bộ quy trình cung ứng, hạn chế gian lận để bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia.
Từ những kết quả mang lại, Infinity Blockchain Labs mong muốn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ Blockchain trên các lĩnh vực tỉnh Đồng Tháp có thế mạnh như nông nghiệp và du lịch. Bước đầu, công ty đề xuất tiếp tục thí điểm hệ thống tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, sau đó sẽ xây dựng dự án “Đồng Tháp nông nghiệp 4.0 - Blockchain” để ứng dụng trên các loại trái cây khác như cam, bưởi, quýt.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang hướng đến sản xuất nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chí của các hệ thống phân phối ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung Infinity Blockchain Labs đề xuất phù hợp với định hướng của tỉnh, nên đã thống nhất cho Công ty tiếp tục thí điểm công nghệ này ở Hợp tác xã xoài Mỹ Xương.
Trước đó, tại Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương, mô hình “cây xoài nhà tôi” cũng đã được thực hiện với ưu điểm vượt trội, giúp người trồng phát triển tốt thành tựu khoa học kỹ thuật; người mua sở hữu được cây xoài mình yêu thích; có được sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn kết được tình cảm giữa các vùng, miền; thành thị với nông thôn. Đồng thời, HTX có điều kiện quảng bá thương hiệu, để xoài Cao Lãnh được nhiều người biết đến. Bên cạnh đó, còn góp phần phát triển du lịch cộng đồng khi khách đến tham quan vườn xoài...
Đồng Tháp hợp tác với FLC để quảng bá sản phẩm xoài trong các khu nghỉ dưỡng cũng như trên các chuyến bay
Công ty CP Tập đoàn FLC đã ký kết hợp tác với tỉnh Đồng Tháp về việc xây dựng, bảo hộ và phân phối thương hiệu xoài Cao Lãnh, với mục tiêu nâng tầm giá trị và tạo dựng vị thế vững chắc cho trái xoài nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế, tiến tới tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đây là một phần của Thỏa thuận hợp tác chiến lược phát triển thương hiệu nông nghiệp được ký kết giữa hai bên mới đây tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Quy Nhơn.
Theo đó, Tập đoàn FLC sẽ chung tay cùng chính quyền tỉnh xây dựng và bảo hộ thương hiệu xoài Cao Lãnh; thành lập Hiệp hội xoài; xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài việc giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm xoài Cao Lãnh tại các sự kiện của FLC, trong các khu nghỉ dưỡng và trên các chuyến bay của hãng hàng không Bamboo Airways, Tập đoàn FLC cũng sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng để phân phối toàn bộ sản lượng xoài Cao Lãnh của Đồng Tháp ra thị trường dưới nhãn hiệu của FLC.
Ngoài ra, với lợi thế về việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Tập đoàn FLC sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Tháp triển khai áp dụng quy trình sản xuất xoài sạch với quy mô lớn và đồng bộ, nhằm cung cấp các sản phẩm với chất lượng cao nhất cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có thể thấy, việc ký kết hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với Tập đoàn FLC có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo hộ và tạo ra giá trị gia tăng cho thương hiệu xoài Cao Lãnh. Hy vọng sự hợp tác này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đồng thời giúp tỉnh Đồng Tháp thực hiện khát vọng trở thành thủ phủ của các tỉnh trồng xoài miền Tây Nam Bộ.
Với những hoạt động tích cực từ tỉnh Đồng Tháp trong việc nâng cao giá trị ngành xoài, trái xoài Đồng Tháp sẽ tiếp tục được khẳng định thương hiệu và vươn xa.
Nguồn: VITIC