Tình hình sản xuất quả vải
- Tại Hải Dương
Tại Việt Nam, vải thiều Thanh Hà là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hải Dương. Do có sự thích hợp về điều kiện tự nhiên, vải thiều trồng tại Thanh Hà cho chất lượng đặc biệt ngon, quả nhỏ hình cầu tròn đặc trưng, vỏ màu hồng tươi, cùi giòn màu trắng trong, hạt nhỏ, ngọt dịu và có hương vị thơm nhẹ. Năm 2007 vải thiều Thanh Hà được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”. Từ đó đến nay, vải thiều Thanh Hà được bảo hộ nhằm đảm bảo quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng; tăng giá trị; thuận lợi hơn trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt “Top 50 sản phảm uy tín chất lượng” do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và 2014 lọt “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 03 miền”. Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 02 giải thưởng “Thương hiệu vàng”; “Logo và Slogan ấn tượng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, năm 2018, diện tích trồng vải quả của tỉnh là 10.200 ha, sản lượng đạt trên 60.000 tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Hà với trên 35.000 tấn và thị xã Chí Linh đạt 16.390 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP: 8.000 ha, sản lượng ước 35.000 tấn; vải được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, Australia, EU là 13 vùng, diện tích 131,68 ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 1.300 tấn; vải sản xuất theo quy trình Global GAP là 32 ha, tổng sản lượng đạt tiêu chuẩn khoảng 300 tấn…
- Tại Bắc Giang
Bắc Giang hiện đang là nơi trồng vải thiều lớn nhất của Việt Nam với diện tích trồng năm 2018 lên tới 28.000 ha, sản lượng bình quân đối với vải vụ sớm (thu hoạch từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 6) là 30.000 tấn và vải chính vụ (từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7) khoảng 120.000 - 150.000 tấn.
Những năm qua, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được quan tâm và cấp chỉ dẫn địa lý trong nước. Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài đối với sản phẩm này tại 7 quốc gia gồm Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Australia. Việc này giúp sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được nhiều người biết đến và cũng để xuất khẩu ra nhiều quốc gia.
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Đông Nam Á đã chính thức xác lập Top các món ăn đặc sản, đặc sản thiên nhiên, đặc sản quà tặng của Việt Nam đạt giá trị kỷ lục Đông Nam Á 2018. Trong đó, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã vinh dự trong Top 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị Kỷ lục của khu vực Đông Nam Á 2018.
Với vinh dự là 1 trong 10 món ăn, đặc sản đạt giá trị kỷ lục của khu vực Đông Nam Á 2018 là cơ sở để Bắc Giang có hướng đầu tư phù hợp để tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản này trong thời gian tới.
Tình hình tiêu thụ quả vải
Tiêu thụ trong nước
Mùa vụ 2018, sản lượng vải thiều tiêu thụ của toàn tỉnh Bắc Giang đạt 215.800 tấn, tăng hơn 124.000 tấn so với năm 2017. Trong đó, tại thị trường nội địa, tổng lượng vải thiều Lục Ngạn tiêu thụ năm 2018 là 118.700 tấn, chủ yếu bán cho các tỉnh lân cận phía Bắc, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... và một số tỉnh, thành phía Nam thông qua các thương nhân phân phối, chợ đầu mối, siêu thị.
Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho thấy, vải Bắc Giang đã vào thị trường phía Nam khoảng 20.600 tấn thông qua hệ thống phân phối chợ đầu mối Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh, hệ thống siêu thụ Sài Gòn Co.op là 460 tấn, Big C 3 tấn...
Cả mùa vụ vải Bắc Giang năm 2018 thu về 5.755 tỷ đồng, giá vải cao điểm 35.000 - 40.000 đồng/kg, bình quân 16.000 đồng/kg. Trong cả vụ thu hoạch có trên 200 thương nhân là doanh nghiệp, thương nhân phân phối người Trung Quốc sang thu mua tại các điểm cân trên toàn tỉnh. Cao điểm tại Bắc Giang có 700 điểm cân, tập trung chủ yếu ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên...
Còn theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, năm 2018, thị trường tiêu thụ vải thiều tỉnh Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực. Giá bán bình quân vải sớm là 36.500 đồng/kg (thu hoạch và bán rộ trên thị trường từ ngày 12/5 - 4/6/2018); giá vải thiều chính vụ (thu hoạch và bán rộ trên thị trường từ ngày 5/6/2018) dao động từ 8.000- 18.000 đồng/kg. Nhờ đó, tổng doanh thu niên vụ 2018 đạt khoảng 1.400 tỷ đồng (vải sớm đạt khoảng 730 tỷ đồng, vải thiều đạt khoảng 670 tỷ đồng); tăng 156% so với năm 2017 (đạt khoảng 900 tỷ đồng). Vải tiêu thụ tại thị trường nội địa chiếm trên 60% sản lượng vải Thanh Hà.
Góp phần quan trọng tạo nên thành công lớn trong tiêu thụ vải quả Hải Dương năm 2018 đó là công tác kết nối giao thương, xúc tiến thương mại và tiêu thụ vải quả.
Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên Hải Dương đã dán tem truy xuất nguồn gốc QR code và tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương, được các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao, thúc đẩy mạnh cho tiêu thụ vải thiều do niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với quả vải thiều Thanh Hà - Hải Dương được nâng lên.
Thị trường xuất khẩu
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu quả vải và các sản phẩm chế biến từ quả vải của Việt Nam đạt 49,22 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với 11 tháng năm 2017.
Trong đó, chiếm 90% kim ngạch xuất khẩu là quả vải với kim ngạch đạt 44,32 triệu USD, tăng 126,6% so với 11 tháng năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến từ quả vải cũng tăng mạnh 72,4% so với 11 tháng năm 2017, đạt 4,9 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu vải của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018
(ĐVT: nghìn USD)
Tên hàng |
11 tháng năm 2018 |
11 tháng năm 2017 |
11T/2018 so với 11T/2017 (%) |
---|---|---|---|
Quả vải |
44.324 |
19.556 |
126,6 |
Sản phẩm chế biến |
4.900 |
2.843 |
72,4 |
Tổng |
49.224 |
22.411 |
119,6 |
Trong 11 tháng năm 2018, quả vải và các sản phẩm chế biến từ quả vải được xuất khẩu sang 63 thị trường trên thế giới.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu quả vải và các sản phẩm từ quả vải của Việt Nam, đạt kim ngạch 34,29 triệu USD, tăng 83,3% so với 11 tháng năm 2017. Thị trường này chiếm tới 69,7% tổng kim ngạch xuất khẩu quả vải và các sản phẩm chế biến từ quả vải của Việt Nam, tuy nhiên con số này đã giảm đáng kể so với mức tỷ trọng 83,5% của 11 tháng năm 2017. Việt Nam xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc gần như toàn bộ là dưới dạng quả.
Kim ngạch xuất khẩu quả vải và các sản phẩm chế biến từ quả vải sang một số thị trường cũng tăng mạnh như: Hà Lan tăng 1.591%, Hàn Quốc tăng 528,9%, Pháp tăng 304,9%... Đặc biệt, Việt Nam đã xuất khẩu được một lượng khá lớn quả vải sang thị trường mới là Papua New Guinea, đạt 7,65 triệu USD, đây là thị trường xuất khẩu quả vải và các sản phẩm từ quả vải lớn thứ hai của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018.
Tại Bắc Giang: Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu sang trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2018, cụ thể như: sang một số nước EU (Pháp, Đức, Hà Lan…), Trung Đông, Nga, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc … với tổng sản lượng vải tươi xuất khẩu đạt 97.100 tấn (chiếm 45% so với tổng sản lượng tiêu thụ), tổng giá trị xuất khẩu ước đạt là 170,5 triệu USD.
Trong đó: Vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 86.200 tấn (chiếm 88,7% sản lượng xuất khẩu), vải tươi xuất sang thị trường khác là 1.200 tấn (chiếm 1,2% sản lượng xuất khẩu); vải đã qua chế biến (vải khô, vải bóc cùi, long vải ...) xuất khẩu là 3.300 tấn (tương đương với khoảng 9.700 tấn vải tươi, chiếm 10,1% sản lượng xuất khẩu).
Tỉnh Hải Dương: Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, năm 2018, sản lượng vải quả xuất khẩu của tỉnh Hải Dương đạt khoảng 21.000 tấn, chiếm gần 40% sản lượng toàn tỉnh, tăng 2,16 lần so với năm 2017 (năm 2017 xuất khẩu đạt khoảng 9.735 tấn). Không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với sản lượng đạt gần 20.000 tấn, năm nay, thị trường xuất khẩu đã được mở rộng sang nhiều thị trường mới và đòi hỏi yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm như Hàn Quốc: 650 tấn; Nhật Bản: 300 tấn; xuất khẩu sang Australia, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển: 50 tấn, Thái Lan: 50 tấn...
Thị trường xuất khẩu vải và sản phẩm từ vải của Việt Nam trong 11 tháng năm 2018 (ĐVT: nghìn USD)
Thị trường |
11 tháng năm 2018 |
11 tháng năm 2017 |
11T/2018 so với 11T/2017 (%) |
Tỷ trọng 11 T/2018 (%) |
Tỷ trọng 11 T/2017 (%) |
---|---|---|---|---|---|
Trung Quốc |
34.293 |
18.713 |
83,3 |
69,7 |
83,5 |
Papua New Guinea |
7.653 |
15,5 |
0,0 |
||
Hà Lan |
823 |
49 |
1.590,9 |
1,7 |
0,2 |
Hàn Quốc |
722 |
115 |
528,9 |
1,5 |
0,5 |
Đài Loan |
675 |
691 |
-2,4 |
1,4 |
3,1 |
Malaysia |
675 |
507 |
33,0 |
1,4 |
2,3 |
Nhật Bản |
658 |
611 |
7,6 |
1,3 |
2,7 |
Pháp |
568 |
140 |
304,9 |
1,2 |
0,6 |
Thái Lan |
387 |
275 |
40,7 |
0,8 |
1,2 |
Indonesia |
271 |
191 |
42,2 |
0,6 |
0,9 |
UAE |
255 |
74 |
245,7 |
0,5 |
0,3 |
Đức |
209 |
249 |
-16,2 |
0,4 |
1,1 |
Australia |
201 |
230 |
-12,7 |
0,4 |
1,0 |
Bỉ |
200 |
86 |
131,9 |
0,4 |
0,4 |
Ấn Độ |
186 |
22 |
744,3 |
0,4 |
0,1 |
Mỹ |
185 |
55 |
238,0 |
0,4 |
0,2 |
Nga |
166 |
23 |
612,7 |
0,3 |
0,1 |
Côlômbia |
111 |
34 |
221,7 |
0,2 |
0,2 |
Ả Rập Xê út |
87 |
3 |
3.079,0 |
0,2 |
0,0 |
Braxin |
85 |
4 |
2.259,8 |
0,2 |
0,0 |
Canada |
80 |
3 |
2.927,9 |
0,2 |
0,0 |
Lào |
76 |
8 |
800,1 |
0,2 |
0,0 |
Nam Phi |
72 |
0,1 |
0,0 |
||
New Zealand |
67 |
44 |
52,2 |
0,1 |
0,2 |
Pakixtan |
65 |
0,1 |
0,0 |
||
Ba Lan |
48 |
59 |
-18,5 |
0,1 |
0,3 |
Anh |
48 |
0,1 |
0,0 |
||
Israel |
44 |
7 |
494,5 |
0,1 |
0,0 |
Bồ Đào Nha |
37 |
19 |
92,8 |
0,1 |
0,1 |
Comôrô |
37 |
4 |
768,0 |
0,1 |
0,0 |
Baren |
36 |
0,1 |
0,0 |
||
Tổng |
49.224 |
22.411 |
119,6 |
100,0 |
100,0 |
Thử nghiệm sản xuất vải hữu cơ
Chuẩn bị cho mùa vải mới 2019, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang sẽ đưa vào mô hình khoảng 20 ha vải hữu cơ. Sản phẩm vải hữu cơ với sự ưu việt: An toàn cho người phun, không gây độc hại cho môi trường, không tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm, giúp cây sinh trưởng tốt hơn… sẽ là sản phẩm chất lượng đưa đến người tiêu dùng.
Theo đó, vải thiều hữu cơ sẽ là sự liên kết giữa nông dân trồng vải Lục Ngạn và doanh nghiệp tiêu thụ. Các gia đình tham gia trồng vải sẽ ký hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp và người dân được tập huấn áp dụng quy trình chăm sóc vải hữu cơ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ sẽ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc sẽ là nhật ký điện tử.
Việc bắt đầu thử nghiệm mô hình vải hữu cơ được người dân huyện Lục Ngạn hưởng ứng, gần 20 hộ dân sẽ tham gia. Theo mô hình sản xuất tiêu thụ vải hữu cơ được thí điểm vào mùa vải năm 2019, đơn vị bao tiêu sản phẩm sẽ phải thoả thuận giá mua ký hợp đồng với người dân trước. Quy trình chăm sóc đến khi thu hoạch đều là sự đồng hành giữa người dân và doanh nghiệp, rủi ro cũng được chia sẻ với người dân.
Để nông sản có được hướng đi bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá, thì việc sản xuất tiêu thụ phải là quy trình khép kín, hướng tới các sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP thì vải thiều hữu cơ đang là định hướng của Lục Ngạn để sản xuất nông sản chất lượng cao, đảm bảo được đầu ra cho nông sản.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, sản xuất cây ăn quả, cây bản địa đặc sản là hướng đi đúng của sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng. Vải thiều Lục Ngạn đã là một cây đặc sản có thương hiệu lâu nay, việc hướng tới sản xuất hữu cơ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa cho vùng cây ăn quả này.
Canh tác theo phương pháp hữu cơ với cây ăn quả lâu năm sẽ có nhiều thuận lợi hơn các cây ngắn ngày khi sức đề kháng khoẻ hơn, việc chăm sóc phương pháp hữu cơ sẽ dễ hơn. Sản lượng cây ăn quả hữu cơ sẽ giảm trong những vụ mùa đầu nhưng sẽ tăng lên trong những vụ tiếp theo. Nếu đúng là sản phẩm hữu thì giá bán sẽ cao gấp đôi so với sản phẩm bình thường.
Nhu cầu về sản phẩm nông sản hữu cơ hiện nay đang rất lớn và ngày một tăng, với sản phẩm vải thiều hữu cơ chuẩn sẽ không đủ để đáp ứng được nhu cầu trong nước. Điều quan trọng là quy trình sản xuất vải thiều hữu cơ phải được giám sát chặt chẽ đúng tiêu chuẩn.
Nguồn: VITIC