Thứ Hai, 02/12/2024
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Xuất khẩu quýt đặt mục tiêu lớn

Để tiếp tục phát huy thế mạnh từ cây quýt, tìm chỗ đứng trên thị trường, ngoài việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm, kết nối liên kết, điều quan trọng là người trồng phải chú trọng đến khâu sản xuất, sản xuất tập trung theo hướng VietGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng. Có như vậy sản phẩm cam quýt mới có thể cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ quýt ra các tỉnh thành trong cả nước và tiến tới xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh trong mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 7 tỷ USD vào năm 2030.

Quýt ngọt Hương Cần Thừa Thiên-Huế

Tại làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế), quýt là một sản vật nổi tiếng ở địa phương. Với diện tích hơn 15 ha, dự tính năm 2018, mỗi ha quýt Hương Cần cho thu hoạch trên 200 triệu đồng.

Quýt Hương Cần có đặc điểm khi chín quả có màu vàng cam ở mặt quả và màu xanh lá cây ở phần cuống. Vỏ quýt xốp, mỏng rất dễ bóc, khi bóc quýt có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt. Quýt Hương Cần bắt đầu thu hoạch vào cuối tháng 9 trở đi. Quýt Hương Cần nằm trong danh mục nguồn "Gen cây trồng quý cần bảo tồn của Việt Nam".

Vùng Hương Cần có gần 100 hộ trồng quýt. Một số hộ gia đình có gần 100 gốc quýt, trồng từ 3-10 năm. Vụ quýt năm nay, mỗi gốc thu hoạch được từ 30-50 kg, bán ra thị trường với mức giá 25.000-30.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi sào (500 m2) trồng được khoảng 25 gốc quýt cho thu nhập 40-50 triệu đồng.

Quýt Mường Khương (Lào Cai)

Mường Khương có diện tích đất nông nghiệp chiếm 90% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây quýt ngọt, đây là cây được người dân đưa vào trồng nhiều năm trước và là một trong những loại cây trồng có thế mạnh của huyện, giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của huyện.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên quýt Mường Khương được mùa, ước năng suất đạt 120 tạ/ha (tăng 10% đến 20% so với năm 2017); tổng sản lượng đạt gần 1.400 tấn. Thời điểm này, người dân địa phương bắt đầu bước vào vụ thu hoạch quýt. Với giá bán bình quân 16.000 đồng/kg (đầu vụ trên 25.000 đồng/kg), người trồng quýt ở Mường Khương thu gần 23 tỷ đồng. Đây là vụ quýt được mùa, được giá với người dân Mường Khương.

Huyện Mường Khương hiện có 405 ha quýt, được trồng tập trung chủ yếu ở thị trấn Mường Khường và các xã: Tung Chung Phố, Tả Ngải Chồ... Trong đó, diện tích cho thu hoạch là 150 ha (diện tích cho thu hoạch ổn định là 88 ha).

Trong giai đoạn 2016 – 2020, huyện sẽ mở rộng diện tích quýt thêm 120 ha nữa, nâng tổng diện tích quýt trên toàn huyện lên 450 ha.

Năm 2017, quýt Mường Khương đã được công bố nhãn hiệu và mới đây tiếp tục được cấp giấy chứng nhận sản phẩm VietGap. Đây là tiền đề quan trọng để quýt Mường Khương khẳng định được thương hiệu, tìm được chỗ đứng trong thị trường nông sản Việt Nam, góp phần giúp người trồng quýt Mường Khương phát triển kinh tế bền vững.

Quýt Bắc Kạn

Là nông sản hàng hóa tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn, năm 2015, quýt Bắc Kạn đã đạt danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. Cây trồng này đang ngày càng khẳng định vị thế của cây trồng mũi nhọn, giúp người nông dân vùng cao Bắc Kạn cải thiện kinh tế.

Đến nay, diện tích trồng cam, quýt của tỉnh khoảng 3.000 ha, trong đó có 2.100 ha cho thu hoạch, năng suất ước đạt hơn 80 tạ/ha. Năm nay giá quýt Bắc Kạn xuống khá thấp, trung bình khoảng 6.000 – 8.000 đồng/kg, cao nhất là 10.000 đồng/kg. Năm 2018, sản lượng cam, quýt toàn tỉnh Bắc Kạn đạt 16.816 tấn, đạt 105% kế hoạch.

Để mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trong tuần cuối tháng 12/2018, tỉnh Bắc Kạn sẽ tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm cam, quýt và một số đặc sản tại Hội chợ Nông đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn năm 2018 tại Hà Nội.

Quýt Bắc Sơn (Lạng Sơn)

Quýt Bắc Sơn từ lâu đã được người tiêu dùng biết đến với hương vị thơm ngon đặc trưng. Huyện Bắc Sơn hiện có trên 526 ha quýt, trong đó có 355 ha đang cho quả, năng suất trung bình đạt 49,78 tạ/ha.

Hiện nay, toàn huyện Bắc Sơn có trên 530 ha quýt (tập trung ở các xã Bắc Sơn, Nhất Hòa, Nhất Tiến, Vũ Sơn, Chiến Thắng). Trong đó, khoảng 490 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng hàng năm ước đạt trên 1.400 tấn, cho giá trị kinh tế đạt trên 33 tỷ đồng/năm.

Năm 2017, sản lượng quýt toàn huyện đạt 1.767 tấn. Năm 2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn người dân xây dựng mô hình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 47 ha và phát triển thêm 84 ha quýt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong năm 2018, nâng tổng diện tích quýt VietGAP toàn huyện lên 131 ha.

Sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ năng suất, chất lượng quả tăng mà giá trị quả quýt mang lại cho nông dân cũng tăng đáng kể. Giá quýt sản xuất theo quy trình thông thường trung bình khoảng 20.000 đến 25.000 đồng/kg thì quýt VietGAP được bán với giá 30.000 đến 60.000 đồng/kg tùy thời điểm.

Sản xuất tập trung theo hướng VietGAP, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, sẽ giúp người nông dân Bắc Sơn mở rộng thị trường tiêu thụ quýt ra các tỉnh thành trong cả nước và tiến tới xuất khẩu. Thời gian tới, huyện Bắc Sơn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng quýt vàng Bắc Sơn.

Quýt Gia Luận (Hải Phòng)

Quýt Gia Luận là giống quýt ngọt có từ lâu đời của người dân xã Gia Luận, huyện Cát Hải. Đây là cây trồng có nguồn gốc bản địa cần được bảo tồn, là một trong 18 đặc sản của thành phố Hải Phòng đã được xác lập nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể năm 2015.

Quả quýt Gia Luận hình cầu dẹt, vỏ nhẵn bóng, khi chín vỏ màu đỏ da cam hằn rõ múi và rất mỏng, không hạt hoặc có từ 1-3 hạt, trọng lượng quả 140-180g. Quả có mùi thơm đặc trưng, múi mỏng và dễ bóc tách, tép nhỏ, mịn và mọng nước. Thời gian thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Hiện, diện tích trồng quýt của toàn xã gần 25 ha với khoảng 120 hộ trồng.

Từ năm 2012 đến nay, diện tích trồng, sản lượng và chất lượng quýt Gia Luận suy giảm mạnh do nhiễm bệnh vàng lá (Greening), Tristeza và bị ảnh hưởng bởi các loại bệnh hại; địa phương cũng chưa có nguồn cây giống có chất lượng và tập quán canh tác còn nhiều hạn chế. Do vậy việc phục tráng và phát triển vùng sản xuất quýt Gia Luận là rất cần thiết để góp phần bảo tồn nguồn gen cây trồng bản địa quý hiếm, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho cây trồng đặc sản.

Quýt đường Bình Phước

Những ngày đầu tháng 12/2018, tại thị xã Đồng Xoài, giá thu mua quýt đường tại các nhà vườn là từ 10.000 - 12.000 đồng/kg (loại 1), loại xô (mua toàn vườn) từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2017.

Trên địa bàn xã Tân Thành hiện có khoảng 180 ha quýt đường, trong đó khoảng 150 ha đang cho thu hoạch. Do những năm trước, quýt đường cho thu hoạch cao nên diện tích ở xã Tân Thành cùng với nhiều nơi mở rộng khiến cung vượt cầu.

Trong khi đó việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn khi các thương lái tự thỏa thuận với các nhà vườn, tự lựa chọn đầu ra chứ không có đơn vị nào nhận bao tiêu đầu ra. Giá cả xuống thấp cộng với vườn quýt bị bệnh nấm khiến quýt bị vàng cuống, chín sớm khiến năng suất giảm xuống còn 1/3 so với mọi năm.

Những năm trước, quýt đường là loại cây mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân Bình Phước, được nhiều hộ chọn là cây trồng bền vững. Nay, giá thành thu mua của quýt đường giảm khiến cho các hộ nông dân lo lắng trong việc đầu tư trong thời gian tiếp theo.

Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

Vụ quýt hồng, quýt đường phục vụ Tết năm 2018 ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có hơn 2.000 ha; trong đó, có trên 840 ha quýt hồng, tập trung nhiều nhất ở 3 xã Long Hậu, Tân Thành và Tân Phước, bình quân cho năng suất từ 30-50 tấn trái/ha.

Tuy nhiên sản lượng quýt hồng Tết 2019 có thể giảm do tỷ lệ cây nhiễm bệnh diễn ra khá phổ biến tại đây. Tại xã Long Hậu nơi trồng quýt hồng lâu năm nhất trong huyện, hiện tỷ lệ nhiễm bệnh làm thiệt hại lên đến 70%; ở xã Tân Phước, diện tích quýt hồng thiệt hại dao động khá cao 50% - 60%; các xã khác dịch bệnh xuất hiện tràn lan khiến nhiều vườn cây bị vàng lá và chết dần. 

Nhiều năm nay, huyện Lai Vung là nơi trồng nhiều quýt hồng của tỉnh Đồng Tháp và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây là loại trái cây đặc sản, có màu sắc đẹp, ăn ngon và đặc biệt là thu hoạch ngay dịp Tết Nguyên đán hàng năm nên được người tiêu dùng khắp nơi rất ưa chuộng. Dù quýt hồng Lai Vung mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng gần đây hàng loạt nhà vườn lại gặp khó khăn bởi tình trạng cây chết tràn lan gây thiệt hại lớn.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.056 ha cây có múi, trong đó huyện Lai Vung là 5.215 ha (chiếm 65% diện tích). Hiện tượng chết vàng, chết xanh trên cây có múi lan rộng hơn 2.069ha, chiếm gần 36% tổng diện tích cây có múi ở huyện, trong đó quýt hồng bị nhiễm bệnh gần 338/839ha (chiếm hơn 40%), trong đó khoảng 238ha thiệt hại 20% - 40%, số còn lại thiệt hại 50% - 100%; quýt đường có 920/2.701 ha bị bệnh (chiếm 34%)…

Kết quả tìm hiểu nguyên nhân cây bệnh cho thấy, hiện tượng chết vàng, chết xanh trên cây có múi do hư hại bộ rễ bởi các tác nhân vi sinh vật đất (nguyên nhân trực tiếp) và kỹ thuật canh tác không phù hợp (nguyên nhân gián tiếp) dẫn đến nước, các chất dinh dưỡng từ đất không được vận chuyển lên cây đầy đủ, kịp thời làm cây kém phát triển, còi cọc, suy yếu dần rồi chết đi. 

Trước những nguy cơ trên, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp dập dịch hiệu quả không để lây lan. Song song đó, tuyên truyền để người dân thay đổi tập quán canh tác, tăng cường sử dụng phân hữu cơ nhằm cải thiện đất, nâng pH cho đất, thiết kế mô trồng cao ráo thoát nước tốt; xử lý tận gốc các cây bị nhiễm bệnh tránh lây lan… 

Thực trạng thị trường quýt

Hiện, giá nhiều loại quả có múi ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh và quýt là một trong số loại quả đang giảm giá khá nhiều.

Một trong những nguyên nhân khiến giá các loại trái cây, trong đó có quả quýt giảm là do tháng 11/2018 là thời điểm thu hoạch của nhiều loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt tại nhiều tỉnh trên cả nước. Hơn nữa, điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng trái cây có múi đều tăng so với năm trước.

Tại thị xã Đồng Xoài tỉnh Bình Phước, giá thu mua quýt đường tại vườn là từ 10.000 - 12.000 đồng/kg (loại 1), loại xô (mua toàn vườn) từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2017.

Tại Khánh Hòa, đầu mùa giá quýt vẫn ở mức tương đối cao, khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg nhưng khoảng 2 tháng gần đây, giá quýt bất ngờ giảm mạnh, giá quýt chỉ được 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Như vậy, có thể thấy, sự phát triển quá nhanh về diện tích cây có múi, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng và các địa phương của nông dân đã bắt đầu xuất hiện những hệ lụy.

Thời gian qua, diện tích cây ăn quả tăng tập trung ở nhóm cây có múi (cam, quýt, bưởi). Tính đến tháng 9/2018, diện tích cây có múi trên cả nước đạt 192.700 ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, phần lớn quả có múi chỉ được tiêu thụ nội địa, xuất khẩu không đáng kể. 

Với những sản phẩm trái cây có thể đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu về tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thể gắn thương hiệu Việt Nam không đủ số lượng hàng hóa để để đáp ứng nhà nhập khẩu. 

Quýt hồng là một trong số quả được các nhà nhập khẩu từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đặt hàng… nhưng một số doanh nghiệp chưa đủ số lượng cung cấp do sản phẩm đạt tiêu chí Global Gap là điều khá khó khăn. Cho dù doanh nghiệp muốn liên kết với các hộ nông dân để sản xuất cũng khó, vì chính nông dân luôn tự phá vỡ quy trình canh tác. 

Triển vọng thị trường quýt: có cơ hội tăng trưởng

Khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lớn thì gặp những khó khăn về rào cản thuế và kỹ thuật. Thị trường tiêu thụ nông sản truyền thống cũng như thị trường mới mở rộng đều bị cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi sự chủ động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thách thức về biến đổi khí hậu, khi Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Xuất khẩu rau quả còn gặp nhiều khó khăn trong các tháng cuối năm 2018, đặc biệt là đối với quả quýt, khi giá quýt hiện đang “chạm đáy” khiến các nhà vườn giảm thu hái kéo theo thương lái cũng giảm.

Trong khi rau quả nội địa gặp khó khăn thì hàng ngoại vẫn nhập về số lượng lớn. Trong 11 tháng năm 2018, mặt hàng rau quả nhập khẩu đạt tới gần 1,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng mặt hàng trái cây đạt gần 1,1 tỷ USD.

Thị trường nhập khẩu trái cây chính của Việt Nam là Thái Lan, chiếm 41% thị phần, sau đó là Trung Quốc với 24% thị phần. Tuy nhiên cả năm nay, thị trường Thái Lan liên tục giảm, trong 11 tháng qua giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, nhập khẩu rau quả từ các thị trường cao cấp như: Chi Lê tăng hơn 98%, Mỹ tăng 90% và Hàn Quốc tăng 83%...

Trong khi đó, xuất khẩu rau quả trong 11 tháng năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu quả quýt duy nhất sang thị trường Malaysia đạt trị giá trên 1 nghìn USD, chiếm tỷ lệ thị phần không đáng kể.

Hạn chế lớn nhất của sản xuất trái cây, trong đó có quả quýt hiện nay là quy mô nhỏ lẻ nên khó cho việc đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Năng suất trái cây dù có cải thiện nhưng vẫn còn thấp hơn bình quân chung của thế giới và khu vực. Cơ sở hạ tầng ở các vùng sản xuất trái cây tập trung chưa được quan tâm đầu tư, chưa đáp ứng tốc độ phát triển diện tích.

Việc tổ chức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ còn chưa chặt, phía doanh nghiệp chưa mặn mà xây dựng vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu gom từ thương lái nên khó khăn trong truy xuất nguồn gốc, chất lượng không đồng đều, rủi ro cao. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghệ bảo quản, xử lý sau thu hoạch chậm phát triển.

Hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, chưa có những nghiên cứu sâu, toàn diện về cung, cầu ngành hàng trái cây, nhất là những thị trường lớn. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu quả tươi chiếm quá lớn (khoảng 80%); ngoài ra, còn cạnh tranh thương mại giữa các nước sản xuất, rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu và những yêu cầu về an toàn thực phẩm…

Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư giúp nông dân giàu lên từ cây ăn trái bởi lợi nhuận kinh doanh mặt hàng hoa quả đem lại khá cao. Trong các loại cây trồng thì cây quýt cho lợi nhuận kinh doanh khá cao, cụ thể trồng quýt đường cho lợi nhuận khoảng 380 triệu đồng/ha, quýt hồng 370 triệu đồng/ha, cam xoàn khoảng 500 triệu đồng/ha…

Xu hướng phát triển bền vững của nền nông nghiệp hiện đại

Nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trái cây, cần có các chính sách như: hỗ trợ chuyển đổi giống mới, cải tạo vườn tạp thành vùng tập trung, tổ chức vùng sản xuất trái cây liên kết rải vụ, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất an toàn, chính sách khuyến nông, chính sách liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và nhà khoa học, xây dựng mã số cho vùng sản xuất trái cây tập trung phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ trong bảo quản, chế biến, sau thu hoạch; xem xét miễn giảm thuế, phí kho bãi, vận chuyển đối với trái cây tươi xuất khẩu qua đường hàng không; đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu rau quả…

Để phát triển sản vật của địa phương, các tỉnh trong cả nước cần đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của thị trường và có những chính sách tìm kiếm, mở rộng thị trường cho người nông dân để tránh bị ép giá.

Tại Mường Khương, quá trình phát triển cây ăn quả nói chung và cây quýt nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế về giống, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Để phát huy thế mạnh điều kiện đất đai, khí hậu, tận dụng tiềm năng, cơ hội thị trường, khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển sản xuất, huyện Mường Khương tiếp tục chú trọng phát triển sản xuất, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm quýt Mường Khương.

Mục tiêu phát triển cây quýt Mường Khương đến năm 2020, sẽ nâng tổng diện tích lên đạt 400 ha, tập trung tại 5 xã, thị trấn gồm: Xã Nậm Chảy, Thanh Bình, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ và thị trấn Mường Khương. Các xã, thị trấn trong vùng quy hoạch có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây quýt, nguồn lao động dồi dào.

Nhận thức về giá trị kinh tế trong việc phát triển sản xuất hàng hóa nói chung và sản xuất quýt nói riêng đã có sự chuyển biến. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn phát triển nhanh, tạo thuận lợi cho phát triển diện tích, chăm sóc và thu hái sản phẩm. Sản phẩm quýt Mường Khương đã có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh là một điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Vùng trồng quýt của huyện được quy hoạch cụ thể. Mường Khương là huyện được hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước thông qua các chương trình dự án, đặc biệt là chương trình 30a và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, toàn huyện Mường Khương triển khai trồng mới 112 ha quýt tại xã Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Nậm Chảy và thị trấn Mường Khương. Xây dựng, đăng ký, quản lý thương hiệu sản phẩm quýt Mường Khương. Xây dựng 10 ha mô hình trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGap tại thị trấn Mường Khương.

Huyện Mường Khương cũng đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả phát triển sản xuất, xây dựng và quản lý thương hiệu sản phẩm quýt Mường Khương đó là: Tăng cường công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, chọn lựa và phát triển cơ cấu giống phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường; tổ chức sản xuất cây giống theo kế hoạch.

Ngoài ra, hỗ trợ các hộ phát triển trồng mới trong vùng quy hoạch theo định mức hỗ trợ 100% giá trị cây giống và một phần phân bón vô cơ; tuyên truyền, vận động các hộ trồng quýt loại bỏ giống cũ, những vườn quýt già cỗi và vườn quýt bị nhiễm bệnh, trồng thay thế giống quýt ghép sạch bệnh; chỉ sử dụng giống quýt được cấp có thẩm quyền xác nhận do các cơ sở sản xuất giống có đủ tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và được cấp phép cung ứng; tăng cường các biện pháp thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và chất lượng quýt.

Hàng năm xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; kiểm tra chặt chẽ việc cung ứng giống quýt trên địa bàn, kịp thời xử lý, ngăn chặn việc buôn bán giống không rõ nguồn gốc…

Tại tỉnh Bắc Kạn, nhiều chính sách được đưa ra nhằm đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng cho thị trường quýt xuất khẩu.

Tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo giữ ổn định diện tích quýt địa phương, cải tạo diện tích đã có theo hướng VietGAP và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường thử nghiệm, đa dạng hóa các giống cây ăn quả có múi phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác, gắn sản xuất với hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã.

Huyện Chợ Đồn chủ trương xây dựng cây cam, quýt là một trong những cây trồng thế mạnh. Diện tích cam, quýt hiện có của Chợ Đồn là 498 ha, diện tích cho thu hoạch là 400 ha. Trên địa bàn huyện có hợp tác xã Toàn Thắng tại xã Rã Bản có 3 ha cam quýt được chứng nhận VietGAP, sản phẩm được đóng gói, bao bì nhãn mác theo chuẩn của Cục sở hữu trí tuệ.

 Là thủ phủ của cam quýt Bắc Kạn, năm 2018 huyện Bạch Thông đăng ký thực hiện 70 ha sản xuất theo hướng VietGAP. Mô hình sản xuất theo hướng VietGAP trên địa bàn huyện được nhiều nông hộ trồng cam quýt hưởng ứng, chủ động đăng ký tham gia. Định hướng của huyện là không mở rộng thêm diện tích trồng mới cam quýt mà thực hiện cải tạo diện tích già cỗi, tập trung thâm canh tăng năng suất theo hướng an toàn thực phẩm đối với diện tích hiện có.

Theo định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tỉnh Bắc Kạn thực hiện cải tạo, trồng bổ sung, thâm canh tăng năng suất 2.300 ha cây cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc theo hướng VietGAP, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện 700 ha quýt. Thực hiện cải tạo đối với vườn cây già cỗi thoái hóa, giai đoạn 2016 - 2020 là 300 ha quýt. Quảng bá chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu quýt Bắc Kạn.

Năm 2018, tỉnh Bắc Kạn giao cho các địa phương cải tạo, thâm canh, sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc được chứng nhận VietGAP diện tích 200ha cây cam, quýt. Đến thời điểm này, các địa phương đã và đang thực hiện với tổng diện tích là 137 ha. Sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt tiêu chuẩn VietGAP là xu hướng tất yếu đối với nông sản Việt Nam nói chung, trong đó không ngoại lệ đối với quýt Bắc Kạn.

Với diện tích và sản lượng đang có, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo giữ ổn định diện tích quýt địa phương, tăng cường chuyển đổi cơ cấu, trồng mới giống cam nhập nội và bưởi đặc sản. thì việc mở rộng kênh tiêu thụ ổn định cho cam, quýt Bắc Kạn là điều phải tính đến. Dù gây dựng được danh tiếng, song thị trường tiêu thụ bền vững lại chưa có, mỗi vụ thu hoạch người dân vẫn phải gồng gánh ra bán lẻ tại các chợ hoặc thương lái thu gom đem tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Để cung ứng cho thị trường lớn lại gặp nhiều khó khăn, nhất là ở hệ thống siêu thị với những yêu cầu khắt khe về mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng.

Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và một số nông sản Bắc Kạn được tổ chức vào cuối tháng 12/2018 tại Hà Nội. Mục tiêu nhằm hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Kạn; Quảng bá, tuyên truyền, phát triển sản phẩm cam, quýt và các đặc sản Bắc Kạn tại thị trường thành phố Hà Nội và tiếp cận với người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội. Tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối, kinh doanh nông sản, cam, quýt Bắc Kạn gặp gỡ, giao lưu, kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm; Tạo lập mạng lưới các điểm bán hàng đặc sản thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn tại thành phố Hà Nội để phục vụ cho nhu cầu người dân Thủ đô. Thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn nói chung và cam, quýt Bắc Kạn nói riêng tại thị trường nội địa, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội.

Để tạo sức bật cho quả quýt vươn ra thị trường rộng lớn thì xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng. Việc quảng bá giới thiệu sản phẩm cam quýt đặc sản của tỉnh tới người tiêu dùng và các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh trong và ngoài tỉnh lâu nay vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm quýt dẫn đến thiếu sự liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Hoạt động xúc tiến tiêu thụ còn hạn chế nên chưa tiếp cận thị trường và ký kết các hợp đồng kinh tế. Do vậy, để xuất khẩu ra các thị trường lớn, cần giải bài toán liên kết sản xuất và làm thương hiệu để tạo sức bật cho sản phẩm quýt của các tỉnh.

Nguồn: VITIC

Liên kết website