Thứ Sáu, 04/07/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Sả- cây trồng chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Tân Phú Đông - Tiền Giang

Ngày đăng: 18/09/2019
Lượt xem: 2.019

Những năm gần đây, nông dân vùng đất nhiễm mặn cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phá thế độc canh cây lúa thông qua việc đưa sả - một cây màu có giá trị kinh tế xuống trồng trên chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, các xã ở cù lao Tân Phú Đông mỗi năm có 6 tháng nhiễm mặn, hạn hán gây thiếu nước tưới trầm trọng nên bà con chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm, năng suất chỉ đạt 30 - 40 tạ/ha, những tháng mùa khô phải bỏ hoang. Chỉ từ khi phát triển diện tích sả trên vùng đất nhiễm mặn ven biển, thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và thiên tai, nông dân huyện Tân Phú Đông đã tìm được lối ra hợp lý cho sản xuất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều nông hộ từ chỗ đời sống thiếu trước hụt sau đã sớm khắc phục được khó khăn, kinh tế ngày một ổn định và khấm khá hơn.

Sả Tân Phú Đông (Tiền Giang) – cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Như vậy, sau hơn 10 năm chuyển đổi, toàn huyện có 1.500 ha đất trồng sả với sản lượng bình quân là 20.000 tấn mỗi năm. Trồng sả được tập trung tại các xã: Phú Thạnh, Phú Đông, Phú Tân.

Tại đây, mỗi năm, nông dân có thể trồng được 2 vụ sả vì cây sả thường bắt đầu cho thu hoạch sau 4 tháng trồng.  Sả ở Tân Phú Đông ngoài thị trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì chủ yếu được đưa lên các chợ, siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Nhìn chung, cây sả dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, không kén đất, lợi nhuận kinh tế cao gấp 6-10 lần so với trồng lúa, năng suất bình quân đạt từ 15-17 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 60-100 triệu đồng/ha. Nhờ đó, nhiều gia đình tại địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.

Đặc biệt, trong năm 2018, giá sả bất ngờ tăng mạnh, lên đến 6.500 đồng/kg là mức giá cao nhất trong 3 năm trở lại đây, điều này khiến người dân trồng sả tại Tân Phú Đông rất phấn khởi, yên tâm sản xuất. Nhờ hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cây lúa, lại ít rủi ro về thị trường nên hiện nông dân ở đây trồng bằng cả 2 hình thức thâm canh và xen canh với các loại hoa màu, dừa… Do phù hợp với thổ nhưỡng, năng suất, chất lượng cao nên thị trường tiêu thụ của cây sả Tân Phú Đông ngày càng mở rộng, hút hàng quanh năm.

Cây sả không chỉ mang lại lợi nhuận cho người trồng mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương nhờ việc thu hoạch sả. Cây sả được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên vùng đất cù lao Tân Phú Đông.

Những khó khăn trong việc trồng cây sả và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm sả Tân Phú Đông

Về khó khăn

Theo Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, huyện Tân Phú Đông sẽ không còn diện tích sản xuất lúa. Huyện đang định hướng và khuyến khích nông dân phát triển cho cây sả và mãng cầu xiêm. Theo đó, nếu như năm 2015, diện tích trồng sả của toàn huyện là 831 ha, thì đến năm 2018, diện tích trồng sả của huyện đã lên tới 1.500 ha. Với nguồn cung sả tương đối lớn, trong khi đó, hiện toàn huyện Tân Phú Đông chỉ có 3 cơ sở sản xuất tinh dầu sả bằng thủ công với quy mô nhỏ. Toàn huyện có trên 1.500 ha sả và dự báo diện tích trồng sả sẽ còn tăng thời gian tới, điều này sẽ khiến nguồn sả cung ra thị trường rất lớn, nếu đầu ra không được giải quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bên cạnh đó, việc trồng sả ở Tân Phú Đông còn nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất, chất lượng sả không đồng đều, điều này cũng khiến đầu ra của sả bấp bênh. Ngoài ra, diện tích trồng sả hiện chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết trong sản xuất... Điều này dẫn đến chất lượng sả không đồng đều, dễ bị thương lái ép giá...

Giải pháp ổn định đầu ra cho sả Tân Phú Đông

Trước thực trạng đầu ra của cây sả còn bấp bênh, huyện Tân Đông Phú cần đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào việc chế biến sả, nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho cây sả.

Nếu như trước đây, sả chủ yếu được sử dụng làm nguyên liệu trong các món ăn thì hiện nay, từ cây sả, người dân còn có thể chế biến thành tinh dầu sả, đặc biệt bã sả sau khi chiết xuất tinh dầu còn được sử dụng trong việc trồng nấm.

Huyện Tân Phú Đông đã hỗ trợ cho Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học của tỉnh Tiền Giang triển khai dự án “"Ứng dụng quy trình công nghệ chiết xuất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả tại tỉnh Tiền Giang". Dự án thuộc "Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025".

Là một trong ba mô hình sản xuất mới mà Dự án đang triển khai thử nghiệm, mô hình trồng nấm rơm trên phế phẩm cây sả do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học phối hợp với công ty TNHH Thương mại đầu tư xây dựng Phúc Nguyên Tân Phú Đông triển khai bước đầu đã được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình tận dụng lại lá sả thải bỏ để làm cơ chất trồng nấm rơm, mô hình có thể được triển khai dễ dàng ngoài trời cũng như trong nhà và có cách trồng tương tự như trồng nấm trên rơm.

Hiện nay, cứ 01 ha sả thải ra khoảng 20 tấn lá sả, nếu tận dụng nguồn bã sả đem trồng nấm sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn nấm/ha. Như vậy, với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg nấm, người nông dân trồng sả sẽ có thu nhập tăng thêm khoảng 120 triệu đồng/ha.

Đây là mô hình làm gia tăng giá trị kinh tế cây sả, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, mở ra một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tại huyện Tân Phú Đông nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung, đó là nghề trồng nấm rơm trên lá sả.

Ngoài ra, trước thực trạng chất lượng sả huyện Tân Phú Đông chưa đồng đều, khiến việc tiêu thụ không ổn định, do đó, huyện cần hỗ trợ hơn nữa cho người dân trồng sả, bên cạnh đó, cần định hướng cho người dân tham gia vào các Hội làm vườn để sản xuất sả theo hướng sạch, nâng cao giá trị cho cây sả...

Mới đây, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông và xã Phú Thạnh tổ chức giải ngân 500 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ dự án trồng sả cho nông dân xã Phú Thạnh.

Tham gia dự án, mỗi hội viên nông dân được hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam, để mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công trồng sả. Thời gian vay vốn 24 tháng, lãi suất 0,7%/tháng và 3 tháng thu lãi một lần thông qua Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp. Đây là giải pháp kịp thời của địa phương trong việc tạo điều kiện về vốn để người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập...

Đáng chú ý, UBND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Lễ công bố và trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp cho “Sả Tân Phú Đông”. Đơn vị được chọn đứng tên sở hữu và quản lý nhãn hiệu tập thể “Sả Tân Phú Đông” là Hội Làm vườn huyện Tân Phú Đông. Đây là bước đi quan trọng nhằm khẳng định thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm chủ lực tỉnh nhà nói chung và cây sả huyện Tân Phú Đông nói riêng.

Như vậy, với những giải pháp mà huyện Tân Phú Đông đã và đang thực hiện, hy vọng, cây sả sẽ thực sự trở thành cây trồng chuyển đổi phù hợp, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Tin liên quan
Liên kết website