Thứ Năm, 02/01/2025
Dòng sự kiện
  • Trang chủ

Kết quả khả quan từ việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất sâm Ngọc Linh

Nhằm bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao trong việc trồng cây dược liệu quý hiếm này. Sau 5 năm trồng thử nghiệm, theo các nhà khoa học trực tiếp chăm sóc vườn sâm, những củ sâm trồng theo công nghệ cao có khối lượng, số lượng và hàm lượng hoạt chất tương đương vùng sâm bản địa Ngọc Linh.

Mô hình trồng sâm Ngọc Linh theo hướng công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng

Áp dụng công nghệ cao vào trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cho năng suất và chất lượng cao

Nhằm phát huy tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên đã tích cực chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây dược liệu. Trong đó, sâm Ngọc Linh là một trong những cây trồng chủ lực, được các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đưa vào danh sách các cây dược liệu quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao cần được bảo tồn và phát triển.

Nhằm bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh Lâm Đồng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao trong việc trồng cây dược liệu quý hiếm này. Theo các nhà khoa học, sau 5 năm thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh bằng hạt với mái che nhân tạo và công nghệ mới trên độ cao 1.400 m tại tỉnh Lâm Đồng, kết quả cho thấy rất khả thi.

Cây sâm mọc tự nhiên phải mất từ 6 - 8 năm mới ra hoa, kết quả, nhưng tỷ lệ hạt nẩy mầm đạt rất thấp. Thông thường gieo 10 hạt, chỉ có 5 - 6 hạt nẩy mầm, nhiều khi chỉ có 3 - 4 cây phát triển được. Trong khi đó, vườn sâm di thực khảo nghiệm ở huyện Lạc Dương tỉnh Lâm Đồng có diện tích 3.000 m2 được trồng hoàn toàn bằng hạt. Cây sâm di thực công nghệ cao cho kết quả tốt. Với mật độ chuyên canh phù hợp khoảng 200.000 cây/ha, trên cơ sở học tập, áp dụng sáng tạo công nghệ trồng nhân sâm Hàn Quốc, sâm ở đây có rễ và thân rễ phát triển tốt. Từ năm thứ 6, sâm có thể cho thu hoạch củ, với trọng lượng trung bình 50 - 100 gram mỗi củ tươi. Theo các nhà khoa học trực tiếp chăm sóc vườn sâm, những củ sâm trồng theo công nghệ cao có khối lượng, số lượng và hàm lượng hoạt chất tương đương vùng sâm bản địa Ngọc Linh.

Tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, với việc áp dụng quy trình xử lý hạt giống vào dung dịch tỏi trong 30 phút, sau 4 tháng kể từ thời điểm gieo hạt, hạt đã nảy mầm và lên cây với tỉ lệ hiện nay là 3/7 hạt gieo, đạt tỉ lệ nảy mầm từ hạt của cây sâm Ngọc Linh in vitro là 42,8%. Kết quả nảy mầm khả quan này đã chứng minh, cây sâm in vitro được nuôi trồng trong điều kiện nhà kính, nhà lưới tại Đà Lạt phát triển hoàn toàn bình thường, sinh trưởng tương tự với sâm Ngọc Linh trong điều kiện tự nhiên của núi rừng K9. Việc nảy mầm từ hạt thu từ cây sâm in vitro đã khép kín được vòng sinh trưởng và phát triển, chứng minh cây sâm in vitro sinh trưởng tự nhiên, tương tự với cây sâm nhân giống từ hạt. Thành công này mở ra một hướng mới cho việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, không còn bó hẹp tại vùng rừng nguyên sinh với điều kiện tự nhiên khó khăn.

Sau 5 năm trồng từ những cây sâm in vitro con, những củ sâm Ngọc Linh trồng tại Đà Lạt đã đủ chuẩn thu hoạch. Củ sâm thu được có trọng lượng bình quân đạt 40 gram/củ, với kết quả phân tích thành phần saponin có trong sâm củ đạt tiêu chuẩn Dược điển sâm Việt Nam của Bộ Y tế ban hành, đặc biệt hàm lượng saponin đặc trưng cho sâm Việt Nam là M-R2, vượt gấp 3,5 lần so với tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam. So sánh với sâm Ngọc Linh tự nhiên, sâm in vitro đạt hàm lượng dược chất gần tiệm cận.

Như vậy, kết quả trồng cây sâm tại tỉnh Lâm Đồng theo công nghệ mới có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của sâm Việt Nam. Đây là lần đầu tiên cây sâm Ngọc Linh được trồng đại trà trên cánh đồng phẳng với mái che nhân tạo. Sự thành công trong việc trồng sâm theo công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng mở ra triển vọng ở nhiều địa phương trong cả đất nước. Với những nơi có khí hậu và địa hình tương tự hoặc cao hơn tỉnh Lâm Đồng thì đều có thể trồng được cây dược liệu như cây sâm. Bên cạnh đó, nếu tỉnh Lâm Đồng có thể tận dụng được cơ hội này phát triển trồng sâm theo công nghệ mới thì sản lượng sẽ tăng lên rất nhanh. Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ giao các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục nghiên cứu và chuẩn hóa quy trình canh tác sâm theo hướng công nghệ cao, từng bước chuyển giao phát triển sản xuất sâm quy mô lớn tại tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt.

Thúc đẩy liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hướng tới phát triển ổn định và bền vững sâm và các sản phẩm từ Ngọc Linh

Sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh

Trong những năm gần đây, Sâm Ngọc Linh được biết đến ngày càng nhiều và có giá trị cao trên thị trường. Với 1 ha sâm Ngọc Linh, sau 8 năm sẽ thu lợi nhuận khoảng 2,7 tỷ đồng/ha. Đây là yếu tố để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng vào sản xuất Sâm Ngọc Linh.

Nhờ mô hình liên kết trồng cây sâm Ngọc Linh giữa người dân và doanh nghiệp, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập ổn định. Giá bán sâm Ngọc Linh của tỉnh Lâm Đồng dao động trong khoảng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đối với sâm tự nhiên. Trong khi đó, sâm Ngọc Linh được sản xuất theo công nghệ cao cho nguồn cung ổn định, đối tượng tiêu thụ sâm Ngọc Linh được mở rộng nhờ giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.

Nhận thấy tiềm năng phát triển sâm Ngọc Linh theo hướng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế, giúp người dân vươn lên làm giàu, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã tích cực tạo điều kiện, tổ chức thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất bền vững, tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm sâm dây. Ngoài ra, phát triển dược liệu theo hướng công nghệ cao trong giai đoạn tới cũng mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường quốc tế về dược liệu và dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên.

Do đó, UBND các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng, cụ thể như: Đề án phát triển và chế biến dược liệu giai đoạn 2017 - 2020, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, kế hoạch liên kết, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này; người dân chú trọng khai thác, bảo tồn, phát triển, liên kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nâng cao giá trị của các loài dược liệu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh khu vực Tây Nguyên bước đầu đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm sâm dây. Cụ thể, mô hình liên kết của Công ty TNHH Thái Hòa Kon Tum, Công ty cổ phần Nước giải khát sâm Ngọc Linh, Hợp tác xã Nông dược Măng Đen, Hợp tác xã Tuyết Sơn (Kon Plông), Hợp tác xã Dược liệu Ngọc Lây, Hợp tác xã Dược liệu hữu cơ Tu Mơ Rông, Hợp tác xã Thanh Tâm huyện Tu Mơ Rông liên kết với các hộ dân, tổ hợp tác trồng sâm dây trên địa bàn các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông trồng được hơn 200 ha sâm dây. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân làm ra với giá cao hơn giá thị trường khoảng 5.000 đồng/kg.

Nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã từng bước chú trọng đến khâu chế biến để tạo ra nhiều loại sản phẩm từ sâm dây, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu để nâng tầm giá trị sản phẩm của loại dược liệu này. Một số sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu thương mại, được cấp giấy chứng nhận đăng ký sử dụng mã số, mã vạch gắn với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng có 7 công ty, 4 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến dược liệu. Nhờ mô hình liên kết trồng dược liệu giữa doanh nghiệp và người dân, đến nay, nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng đã có thu nhập ổn định.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Liên kết website